Đôi dòng cảm nhận từ một bài thơ Đường mời họa

Ngày đăng: 06:19 17/05/2015 Lượt xem: 652

 

ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN

TỪ MỘT BÀI THƠ ĐƯỜNG MỜI HỌA

 

 

CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN



           ”Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương
    Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương
Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh
        Dưỡng sức đôi chân vượt dặm trường
  Một mảnh trăng non, tràn cảm xúc
    Hai đầu đất nước, nặng tình thương
   Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng
  Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương.”

 

Hồ Văn Chi

 

 

          Bài thơ mời họa “ Cánh võng Trường Sơn”  của tác giả Hồ Văn Chi đến từ Thành phố Đà Nẵng được đăng tải trên Trang điện tử Trường Sơn ngày 11 tháng 5 năm 2015 và chỉ sau vài ngày đã có gần chục bài gửi về  tham gia họa.

 

          Với tôi - Một người chẳng mấy am tường về văn chương nên chưa dám nghĩ đến việc họa thơ … Nhưng đọc “ Cánh võng Trường Sơn”  và cả những bài của những tác giả  họa nó, trong tôi như có điều gì muốn nói và làm... - Điều muốn nói và làm ấy đã cho tôi cảm xúc để viết lên đôi dòng cảm nhận này:

 

          “ Cánh võng Trường Sơn” một bài thơ chẳng lấy làm dài, chỉ với hai khổ  bốn câu - Thế nhưng nó cũng đã mô tả và gợi lại được bao kỷ niệm thời ấu thơ mà mỗi người lớn lên bên cánh võng qua lời ru của mẹ…; Mô tả và gợi lại cả từ công năng đến tất cả những gì cao đẹp trong ngôi nhà riêng gắn bó suốt cuộc trường chinh của tất cả những người lính chiến năm xưa …

 

          Thật tuyệt vời khi đọc bài thơ “ Cánh võng Trường Sơn” ta thấy tác giả thật khéo léo trong sử dụng ngôn ngữ - Viết về một cánh võng hiện hữu nhưng trong cả bài thơ ta không thấy xuất hiện hai từ “ Cánh võng ” mà tác giả lại sử một vật thể khác để đích chỉ hình tượng của cánh võng: Ngay từ hai câu thơ đầu ta thấy cả hai câu đã mô tả cánh võng :

 

 “Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương

Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương…”.

 

          Nhóm từ : “Chiếc thuyền con” và “ Đung đưa” Đó chẳng phải là “Đích chỉ hình tượng của cánh võng ” sao ?. Chưa hết - Nhóm từ “ nhuốm gió sương ” rõ ràng tác giả muốn nói đến “ Cánh võng ” - Cái “ Ngôi nhà riêng gắn bó suốt cuộc trường chinh của tất cả những người lính chiến năm xưa ” - Nó đã cùng với người lính dãi dầu mưa nắng và nó còn đượm mùi nồng két của bom đạn quân thù … Và cũng từ trong cánh võng đó người lính luôn nhớ về quê hương để rồi quyết tâm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc và quê hương yêu dấu của mình …

 

 “Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh
Dưỡng sức đôi chân vượt dặm trường…”

 

          Hai câu thơ trên tác giả khẳng định công năng của cánh võng , nó giúp cho người lính ngon giấc ngủ, đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình …

 

“Một mảnh trăng non, tràn cảm xúc
Hai đầu đất nước, nặng tình thương…”.

 

          Hai câu thơ trên có lẽ được đánh giá “ Đắt ” nhất trong cả bài thơ - Nó đắt ở cả ý và nghĩa thơ . Tác giả lại một lần nữa “ đích chỉ hình tượng của cánh võng” - Mảnh trăng non chẳng giống hình cánh võng hay sao ? và “ Hai đầu đất nước ” cũng có thể được ví như hai đầu cánh võng - Cả hai miền đất nước luôn nâng niu bước chân người chiến sỹ và gửi gắm tình cảm thân thương cũng như niềm tin vào họ …

 

          Có một điều “ Đắt ” trong cái “ Đắt ” của hai câu thơ này là ngoài ý và nghĩa như phân tích trên - Hai câu thơ nó còn được thiết chế như một đôi câu đối được đối nhau đến từng chữ : “ Một mảnh trăng non ” được đối với “ Hai đầu đất nước ” và “ Tràn cảm xúc ” đối với “ Nặng tình thương ” …

 

          Và hai câu cuối của bài thơ tác giả muốn nói đến Ký ức một thời của người chiến sỹ mà chỉ họ mới có, hình như nó sẽ cứ mãi dong duổi bên người lính suốt cuộc đời họ … “ Vấn vương ” ư ? lẽ đương nhiên là như vậy rồi bởi vì có biết bao kỷ niệm vui buồn - Vui vì người chiến sỹ lớn lên bên cánh võng; hoàn thành nhiệm vụ vinh quang trước đất nước và dân tộc bên cánh võng … Và cái buồn cũng sẽ không thể nào xóa được khi mà một thời “ Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn ” nhưng đến ngày kết thúc cuộc chiến thì không ít đồng chí đồng đội của các anh các chị đã  phải vĩnh viền ra đi; vĩnh viễn rời bỏ cánh võng thân yêu để cho có ngày “ Đất nước trọn niềm vui ” hôm nay .

 

          Cảm ơn tác giả Hồ Văn Chi; Cảm ơn các anh các chị đã một thời “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ”; Cảm ơn các anh hùng liệt sỹ và cảm ơn cả triệu “ Cánh võng ” đã cho tôi cảm xúc và cơ hội để bày tỏ đôi dòng cảm nhận mộc mạc này ./.

 

Phạm Sinh
 

tin tức liên quan