Chuyện về hai con trai ông Hòa

Ngày đăng: 09:02 24/07/2015 Lượt xem: 433

               CHUYỆN VỀ HAI CON TRAI ÔNG HÒA

 

          Ông Hòa là cán bộ lãnh đạo cấp ngành của tỉnh. Mỗi khi về thăm quê ông thường đến chỗ tôi chơi. Chúng tôi là bạn thân cùng xóm, học với nhau từ hồi lớp một, cùng nhập ngũ vượt Trường Sơn khi học hết cấp ba. Chúng tôi chưa từng dấu nhau chuyện gì. Ông vốn thật thà và hay bộc bạch tâm sự với tôi về chuyện riêng tư của mình. Trong những  chuyện ấy, tôi chú ý nhất là chuyện về hai người con trai của ông.

          Ông Hòa có hai người con trai đều tốt nghiệp đại học chính quy. Người con đầu tên là Bình, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội từ năm 1996, vào làm việc tại một công ty xi măng của tỉnh có mức thu hoạch khá và ổn định. Người con trai thứ hai là con út, tên Vui, tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2004. Vui tốt nghiệp loại giỏi nên được một công ty của Nhật trên địa bàn tỉnh tuyển dụng, lương năm triệu đồng một tháng. Bạn bè cùng hội đồng ngũ chúng tôi ai cũng khen ông có hai người con trai tuyệt vời. Ông tự hào về hai người con trai của mình.

          Năm 2005 ông Hòa về hưu. Hai năm sau gặp lại, tôi thấy ông có cái gì đó không vui. Gặng hỏi mãi ông mới nói thực là người con trai thứ hai do chơi cá cược bóng đá bị thua tới vài trăm triệu đồng làm vợ chồng ông trắng tay. Một năm sau đó ông lo vợ cho Vui và giao nhiệm vụ quản lý kinh tế cho con dâu là người cùng doanh nghiệp với Vui, rồi chuyển khẩu về quê ở. Ông hy vọng, người con dâu sắc sảo, có bằng đại học kinh tế loại ưu sẽ quản lý được chồng và giúp chồng từ bỏ cái thú vui cờ bạc này. Tuy vậy, để chắc ăn, ông chỉ giao ngôi nhà hai tầng làm trên diện tích gần trăm mét vuông nằm trong ngõ trên thành phố cho vợ chồng Vui ở, còn Sổ đỏ của ngôi nhà vẫn mang tên vợ chồng ông. Đến nay, Vui đã có một cậu con trai kháu khỉnh. Có lần tôi hỏi khá kỹ về Vui. Ông cho biết, Vui đã quyết tâm sửa lỗi lầm và tiến bộ trông thấy. Người Nhật đã tin tưởng đề bạt Vui giữ chức Trưởng phòng Nhân sự, lương tháng tới mười năm triệu đồng.  Vui đã trả hết nợ cũ và đã sắm được thêm máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh, ti vi đời mới và nhiều đồ dùng đắt tiền khác trang bị cho ngôi nhà mà ông giao cho sử dụng. Nghe vậy, tôi rất mừng và tin rằng với cách giáo dục con của một người lính tính cương trực như ông thì Vui còn tiến bộ hơn nữa.

          Còn Bình. Đã có lần ông kể về sự vất vả của ông đối với người con cả này. Ngày đó, khi Bình ra trường, với bản tính ngay thẳng nên ông không thu xếp được cho con vào cơ quan Nhà nước mà mình công tác. Sau khi lo vợ cho Bình, ông đành phải cho đi lao động ở Nga theo nguyện vọng  làm giầu chính đáng của con. Vì đi theo đường không chính thống nên sau một năm làm ăn ở Nga không có thu nhập gì, Bình ngỏ ý xin về nước. Ông đành phải vay mượn chạy vé máy bay cho Bình về. Qua vụ này, ông đã mất trên ba ngàn đô la Mỹ. Sau khi Bình về nước, ông đầu tư cho học thêm nghề trong lĩnh vực cơ điện - điện tử. Nhờ mối quan hệ công tác, ông đã xin cho Bình vào làm tại một công ty xi măng của tỉnh. Tại đây Bình đã phát huy được sở trường và có nhiều sáng tạo trong công việc nên được cất nhắc lên cấp Trưởng phòng, rồi Phó Giám đốc. Sau mười năm, Bình làm được ngôi nhà ba tầng có diện tích nền hơn bẩy mươi mét vuông ở ngay đầu làng, mặt trước là đường liên xã trải nhựa. Còn ngôi nhà cấp bốn cũ ở giữa làng của ông, Bình đóng cửa để đấy. Ở vị trí thuận lợi, vợ Bình lanh lợi mở ngay cửa hàng buôn bán hoa quả to nhất làng. Sau hai năm thì trả xong nợ làm nhà. Đến lúc này, Bình thấy công ty xi măng lâu nay gắn bó nhưng không thể giúp Bình làm giầu được, nên năm 2009, Bình đã xin thôi việc về thành lập một công ty của riêng mình ngay ở quê nhà. Hiềm một nỗi trong tay Bình chẳng có vốn liếng gì ngoài ngôi nhà ba tầng mới xây dựng và vay được khoảng năm mươi triệu đồng tiền mặt. Lúc này ông Hòa đã chuyển về quê ở tại ngôi nhà cũ của mình để giúp con thực hiện bước đi táo bạo này. Được sự giúp sức của ông Hòa, chỉ sau thời gian ngắn, Bình đã hoàn tất thủ tục cho Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dich vụ Bình Minh ra đời. Ngày khai trương, tôi và một số chiến hữu Trường Sơn cũng được mời tới dự. Từ đó, thỉnh thoảng chúng tôi lại đến nhà nhau chơi…

Bẵng một năm, tôi thấy Bình đã mua được ô tô con. Hỏi chuyện, ông Hòa cho biết: Ngoài việc mua ô tô con, Bình đã tuyển hẳn một kế toán đại học thay vì thuê kế toán kiêm nhiệm và tuyển một số cán bộ, công nhân kỹ thuật trình độ phần lớn là cao đẳng và đại học, trong đó tới quá nửa là người trong thôn trong xã...

Ông Hòa còn cho biết, nhờ mối quan hệ nghề nghiệp cũ mà ông là chuyên gia của tỉnh trong lĩnh vực này, ông đã giúp Bình có được một số mối làm ăn. Mặt khác, nhờ sự nhanh nhạy áp dụng những tiến bộ trong truyền thông công nghệ cao: Bình đã lập một số trang thông tin điện tử để quảng bá cho các lĩnh vực hoạt động nên công việc làm không xuể. Chỉ sau một năm hoạt động, Công ty Bình Minh của Bình đã có doanh thu tiền tỷ. Một doanh nghiệp nhỏ ở vùng nông thôn, trong thời buổi khó khăn hồi ấy mà có doanh thu bước đầu như vậy quả là hiếm có.

Đến nay, với hơn năm năm hoạt động, công ty của Bình đã có tiếng trong vùng về sự phát triển bền vững và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương và góp phần xây dựng quê hương. Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Bình Minh đã trở thành thương hiệu uy tín được xếp hạng trong vùng. Hiện tại, công ty của Bình đã đầu tư gần hai tỷ đồng mua hai ô tô phục vụ cho giao dịch và vận chuyển trang thiết bị, máy móc phục vụ thi công các công trình; văn phòng, kho tàng được xây dựng khang trang, máy móc, thiết bị hiện đại; tạo công ăn việc làm cho hơn chục người với mức lương bình quân năm triệu đồng một tháng…

Ông Hòa phấn khởi thường qua lại để tư vấn giúp Bình kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn và không vi phạm các quy định của pháp luật để tiếp tục phát trển bền vững…

Chúng tôi mừng cho ông Hòa. Với bản lĩnh kiên định của người lính Trường Sơn, ông đã rèn luyện, đào tạo hai người con trai của mình vượt qua được những cám dỗ từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập để trở thành những người con mang lại niềm tự hào cho gia đình ông và quê hương.

                                                                                      Trương Văn Nhi

                                                                   (Hội viên TS Nam Sách, Hải Dương)

tin tức liên quan