Tác giả: Hồ Văn Dư với bài thơ Nhớ và lời bình của đồng đội

Ngày đăng: 05:11 27/11/2015 Lượt xem: 594

 

     Sau khi đăng bài thơ lục bát Nhớ của CCB Trường Sơn Hồ Văn Dư lên Trang thông tin Trường Sơn , Ban Biên tập đã nhận được lời bình của một số bạn đọc, chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả và lời bình sâu sắc của bạn đọc Bùi Đức Ba. Ban Biên tập giới thiệu toàn văn bài thơ và lời bình về bài thơ này.

 

 

NHỚ

 

                                                               Chiều chiều ta dạo vu vơ

Để tìm quá khứ mộng mơ thủa nào

                                                                                  *          *           *

Bình minh thức dậy nhớ trà

Hoàng hôn buông xuống sao mà nhớ em

Nhớ em từ lúc trăng lên

Đôi khi đến sáng càng thêm nhớ nhiều

Nhớ xưa nhớ những buổi chiều

Anh cùng em thả sáo diều bên sông

Tháng năm trời nước mênh mông

Yêu em yêu cả dòng sông quê mình

Quê hương là nghĩa là tình

Ông cha để lại chúng mình dựng xây

Thế rồi bọn giặc đến đây

Chúng càn chúng giết xéo dầy quê hương

Thanh niên trai gái lên đường

Anh vào tuyến lửa chiến trường xông pha

Hậu phương em ở lại nhà

Tay cày tay súng thật là đảm đang

Đêm ngày giặc Mỹ leo thang

Em luôn bám chốt sẵn sàng bắn ngay

Đồng lòng chung sức chung tay

Hậu phương tiền tuyến ngày ngày lập công

Lời thề thông nhất non sông

Đánh chưa hết giặc thì không trở về

Anh đi khắp mọi miền quê

Đồng bằng Nam Bộ ngược về Tây Nguyên

Ngọc Hồi trận mạc triền miên

Sa Thầy sông nước những miền quê xa

Đã lâu mới nhận thư nhà

Tin em tử trận thật là xót thương

Bao năm khói lửa chiến trường

Sao anh không chết sống nhường cho em

Nhiều đêm mở thư ra xem

Thương em anh gọi tên em nhiều lần

Sớm mai đơn vị hành quân

Mở màn chiến dịch Trung Phần Tây Nguyên

Buôn Ma cứ điểm bò điên

Trận này ta đánh, đánh liền thắng to

 Tay anh nâng súng xiết cò

Bao nhiêu căm hận rửa thù cho em

Đánh ngày rồi đến đánh đêm

Đánh cho tan tác chúng thêm bàng hoàng

Bốt đồn cứ điểm tang hoang

Sài Gòn kết thúc lên trang sử vàng

Từ đây lịch sử sang trang

Hai miền thông nhất xóm làng yên vui

Còn anh tâm trạng bùi ngùi

Vắng em trận cuối ngay vui hòa bình

Mất em từ thủa tóc xanh

Thời gian nay đã tóc thành muối tiêu

Bây giờ nắng đã về chiều

Bóng em anh nhớ, thương nhiều nhớ em.

 

                                                                                               HỒ VĂN DƯ

                                                                 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội - ĐT: 0913 413 693

 

              

 

                                         BÀI THƠ “NHỚ” CỦA HỒ VĂN DƯ

                                Lời bình của Bùi Đức Ba

 

        ‘’Nhớ” là ánh thơ đậm màu sắc của một chuyện tình buồn mà đẹp ,thấm đẫm chất bi tráng.

        Tác giả Hồ Văn Dư viết bài thơ này để hưởng ứng cuộc thi thơ “Lục Bát Trường Sơn”do TW Hội Trường Sơn phát động.

       Vận dụng thể thơ dân tộc lục bát dặt dìu nhạc điệu ,mà trước hết là nhạc điệu tâm hồn giàu dung cảm, tác giả đã tái hiện những kỉ niệm thật đẹp,  hào hùng về tình yêu thủy chung của đôi nam nữ và cuộc sống chiến đấu hi sinh của họ trong sự nghiệp chống Mỹ oai hùng.

        Bài thơ vời ngôn từ bình dị, không dụng công vào các biện pháp tu từ.

       Mở đầu là không gian “chiều chiều” gợi thương gợi nhớ,gắn với kỉ niệm một thời yêu thương của nhân vật trữ tình (chàng trai - chiến sĩ) với người yêu nơi quê nhà. Điệp từ “nhớ” được láy đi láy lại, diễn tả nhiều cung bậc của nỗi nhớ. Nhớ lúc “trăng lên” là nhớ vời vợi, mênh mang, và nỗi nhớ tăng tiến đến sáng càng thêm nhớ nhiều. Và nữa, nhớ không quên kỉ niệm êm đềm, sống động của tình yêu:

                                                          Nhớ xưa nhớ những buổi chiều

                                                     Anh cùng em thả sáo diều bên sông.

       Xin được nhấn mạnh , hồn thơ, tình thơ của Hồ Văn Dư lành mạnh, khỏe khoắn khi viết về tình yêu: Tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình yêu quê hương:

                                                        Tháng năm trời nước mênh mông

                                                      Yêu em yêu cả dòng sông quê mình.

       Ấy còn là, chàng trai chiến sĩ nơi tiền phương, đang xông pha nơi lủa đạn chiến trường

“Đồng Bằng Nam Bộ”, “Tây Nguyên”, “Sa thầy”vv.. Nhưng, trái tim của tràng vẫn hòa cùng nhịp đập chiến đấu với người yêu kiên cường nơi hậu phương:

                                                              Hậu phương em ở lại nhà

                                                     Tay cày tay súng thật là đảm đang.

      Hai chữ “thật là” dung dị như khẩu ngữ đời thường. Và nữa, lời thề yêu đương của họ thật thiêng liêng cảm động, giàu đức hi sinh, vì nghĩa lớn thống nhất Đất nước:

                                                             Lời thề thống nhất non sông

                                                        Đánh chưa hết giặc thì anh không về.

      “Không “ là từ phủ định nhưng lại để khẳng định dứt khoát nghĩa lớn: Chiến đấu đến cùng vì Sự nghiệp “thống nhất non sông”.

      Chiến tranh khó tránh khỏi thương đau mất mát,tình thơ được đẩy tới khá bất ngờ, bi kịch đến với chàng trai:

                                                               Đã lâu mới nhận thư nhà

                                                      Tin em tử trận thật là xót thương.

     Vần thơ làm ta nhớ đến nỗi đau của anh Bộ Đội thời kháng chiến chống Pháp trong bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao, khi biết người yêu đã hi sinh :

                                                      Anh ngước nhìn lên hai dốc núi

                                                 Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen

                                                   Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói

                                                         Núi vẫn đôi mà anh mất em.

        Và tương đồng với nỗi đau xé lòng của chàng trai trong bài thơ “Quê Hương” của Giang Nam

                                                         Hôm nay nhận được tin em

                                                    Không tin được dù đó là sự thật

                                                     Giặc bắn em rồi quăng mất xác

                                                       Chỉ vì em là du kích em ơi !

                                               Đau xé lòng anh , chết nửa con người

       Sự hi sinh của người yêu không làm cho chàng trai ngã lòng , chùn bước. Trái lại, tứ thơ vận động và phát triển: Đau thương biến thành hành động của người chiến sĩ nơi chiến trường:

                                                          Tay anh nâng súng xiết cò

                                                Bao nhiêu căm hận rửa thù cho em.

      Hai chữ “xiết cò”, chất chứa căm thù, dồn vào hành động của ngón tay.”Xiết” không phải là “bấm”, không phải là một viên đạn mà là cả băng đạn do Xiết cò, hướng về phía quân thù để rửa hận, “rửa thù cho em”.

      Lịch sử sang trang, cuộc kháng chiến chống Mỹ Ngụy thành công, giang sơn thu về một mối:

                                                           Từ đây lịch sử sang trang

Hai miền thống nhất xóm làng yên vui.

      Thế nhưng :

                                                  Vắng em trận cuối ngày vui hòa bình

      Phải đối diện với thực trạng bi thương này, người chiến sĩ không khỏi đau lòng đè nặng con tim. Sự thật này ám ảnh, bám vào tâm trí anh suốt đời. Vần thơ kết ngập tràn cảm xúc nhớ thương . Điệp từ “nhớ” láy đi láy lại,nó còn đóng vai trò kết cấu đầu –cuối tương ứng của bài thơ, khiến cho từ thơ chặt chẽ và là để nhấn mạnh chủ đề của tác phẩm. Hình ảnh thơ buồn mà đẹp

                                                           Bây giờ nắng đã về chiều

                                               Bóng em anh nhớ, thương nhiều nhớ em.

      Tình yêu thủy chung theo anh chiến sĩ suốt đời, tỏa sáng nhân cách, tâm hồn của anh. Thơ

      Lấp lánh giá trị nhân văn thật đáng trân trọng. Ấy cũng là giá trị tư tưởng tình cảm cao quí trong thi phẩm “Nhớ” của Hồ Văn Dư. 

 

                                                                                                  Hà Nội, 25-11-2015

                                                                                                                B.Đ.B

tin tức liên quan