" Da diết với Trường Sơn " - Giới thiệu chùm thơ của Hội viên TS Khổng Thị Thủy

Ngày đăng: 06:44 16/12/2015 Lượt xem: 503

 

 “DA DIẾT VỚI TRƯỜNG SƠN

MỘT CHÙM THƠ ĐƯỢC GỬI ĐẾN SAU MỘT CUỘC ĐIỆN THOẠI

 

 

.

         Ngày 21 tháng 7 năm 2015 tôi tham gia chuyến hành hương về Trường Sơn; về Thành cổ Quảng Trị  để tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, 27/7/2015 Do TW Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tổ chức.

 

         Trong chuyến đi này tôi đã gặp và làm quen với chị Khổng Thị Thủy cùng chồng là anh Nguyễn Anh Tuấn - Cả hai anh chị đều là cựu binh thuộc sư đoàn 470 Bộ đội Trường Sơn, hiện anh chị đang sinh sống tại Phường Đông Sơn, TP Bắc Giang - Tỉnh Bắc Giang . Tôi quen chị bởi trên chặng đường trở về Bắc tôi đi cùng xe với anh chị - Trên xe chị Thủy có rất nhiều lời tâm sự bằng những mẫu chuyện và cả những vần thơ rất tâm huyết với Trường Sơn; với những người lính Cụ Hồ trên khắp chiến trường chống Mỹ được chị “ xuất khẩu “ tại chỗ … Và ngay trong chuyến đi ấy tôi đã được chị Thủy đọc lại để tôi “ tốc ký ” những bài thơ “ xuất khẩu ” ấy của chị …

 

         Ngày 26 tháng 7 năm 2015 thông qua Trang thông tin Trường Sơn tôi đã có dịp giới thiệu chùm thơ của chị Thủy với các đồng chí và bạn đọc. Trong chùm thơ 6 bài của chị Thủy có bài “ Người lính già đi du lịch ” - Bài thơ hiện hữu tâm trạng của chị khi thắp những nén nhang trước những ngôi mộ không tên - Bài thơ được ra đời và đầy ý nghĩa này chắc chắn chỉ có những người lính mới đủ tâm trạng để viết … Với tôi bài thơ “ Người lính già đi du lịch ” là một dấu son ấn tượng bởi ý long đau đáu đầy nghĩa cử tri ân của một người dân Việt; một nữ chiến sỹ Trường Sơn với ngàn ngàn đồng đội, chẳng những họ đã anh dũng hy sinh tính mạng của mình mà còn hy sinh cả “tên mình” vì Tổ quốc..., tôi đã thuộc lòng và hiểu thấu từng câu chữ …

 

         Nhớ lại bài thơ “ Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, ngày ấy cuộc chiến đang rất cần những chàng trai lên đường vào chiến trường đánh giặc và lớp lớp nam thanh nữ tú đã theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà hăng hái lên đường … Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh; Sự anh dũng hy sinh của họ đã trở thành “ Dáng đứng Việt Nam” … mà tác giả Lê Anh Xuân đã viết:

 

“… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại chi trước lúc lên đường …”

 

         Còn hôm nay đứng trước hàng dọc hàng ngang của những ngôi mộ chưa có  tên trong nghĩa trang Liệt sỹ chị Khổng Thị Thủy lại viết về các anh - Những người “ Chẳng để lại chi trước lúc lên đường” và đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước; Hy sinh tính mạng rồi mà họ vẫn còn tiếp tục hy sinh cái thiêng liêng nhất đó chính là cái tên của mình … bằng những vần thơ mở rộng hơn và nhấn mạnh hơn, mang nặng tình thương yêu và lòng biết ơn về sự hy sinh quên mình của các anh hùng Liệt sỹ mà ý thơ cũng rung động lòng người chẳng kém :

 

“ … Lúc ra đi cha mẹ đã đặt tên

Mải đánh giặc tên gửi về cho mẹ

Cho quê hương tên chẳng giữ riêng mình.”

 

            Để mỗi người chúng ta hiểu rõ hơn về tâm trạng của tác giả bài thơ đầy ý nghĩa này, tôi xin phép được giới thiệu lại toàn văn bài thơ “ Người lính già đi du lịch ” trước khi giới thiệu một chùm thơ mà tôi gọi là “Da diết với Trường Sơn” chị Khổng Thị Thủy vừa gửi đến .

 

 

NGƯỜI LÍNH ĐI DU LỊCH

 

Những người lính trở về sau chiến tranh

Đi du lịch không khách sạn lầu son

Mà đi khắp nghĩa trang thắp hương cho đồng đội

Chúng tôi tìm các anh trong mê mải

Hàng dọc, hàng ngang các anh dấu tên mình

Anh không nói nên tên anh chưa biết

Chúng tôi vô tình hay bí mật hả anh

Bốn mươi năm rồi đất nước hết chiến tranh

Đến với các anh cho vẹn tình đồng đội

Thì thầm vào tai các anh sẽ nói

Tên tuổi của mình và cả quê hương

Lúc ra đi cha mẹ đã đặt tên

Mải đánh giặc tên gửi về cho mẹ

Cho quê hương tên chẳng giữ riêng mình.

 

Tác giả Khổng Thanh Thủy cùng chồng trong chuyến hành hương

về Trường Sơn - Tháng 7 năm 2015

 

 

            Tháng đôi lần tôi gọi điện để thăm sức khỏe chị Thủy và anh Tuấn. Sáng nay bên bàn trà tôi lại gọi điện cho chị, qua mấy lời thăm hỏi xã giao - Chị Thủy trách tôi rằng: “ Chị biết cách đây hơn tháng chú có về Bắc Giang dự gặp mặt Truyền thống Sư đoàn 471 Bộ đội Trường Sơn khu vực Đông Bắc nhưng sao không ghé qua nhà chị…? ” Còn tôi thì lại “trách chị” lâu ngày không gửi bài về Trang thông tin Trường Sơn… Và chị đã hứa sẽ tư duy lại để lựa chọn một số bài thơ chị viết để gửi cho tôi.

 

            Và rồi cũng ngay buổi tối ngày hôm ấy tôi đã nhận được một chùm thơ chị Thủy gửi đến - Kèm chùm thơ là đôi điều mộc mạc, chị nói:” Xin chào không ngủ được nên lại vào Trường Sơn thăm bạn. Chị gửi Sinh mấy vần thơ đọc cho vui nhé . Chắc không bao giờ quên được Trường Sơn đâu Sinh ơi. Nhớ Trường Sơn nhiều lắm.”

 

            “…Chắc không bao giờ quên được Trường Sơn đâu Sinh ơi…” Chỉ với câu nói ấy thôi mà sau khi đọc chùm thơ chị Thủy gửi đến tôi đã xúc động và thoáng hứng đặt tên cho nó là: “Da diết với Trường Sơn”…và có lẽ chẳng riêng tôi và chắc cả các đồng chí và các bạn nữa thêm một lần ghi nhận tình cảm, tâm trạng mà chỉ có những người lính như chị Khổng Thị Thủy mới có được để rồi hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa những bài thơ, bài văn nặng tình Trường Sơn, nặng tình người lính của không riêng chị Thủy mà của cả triệu người Việt Nam chúng ta lại được sinh sôi và đồng hành cùng truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam; của cả Trường Sơn - Con đường mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại .

 

         Xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn chùm thơ “Da diết với Trường Sơn” của chị Khổng Thị Thủy .

 

Phạm Văn Sinh

 

 

 

NHỚ MÙA MƯA TRƯỜNG SƠN

 

Mưa , mưa hoài không ngớt .

Đường Trường Sơn bùn lầy trơn trượt .

Xe lên ngầm Patynê .

Bánh cứ quay , cứ rê.

Xe không hề nhúc nhích .

Cánh lính công binh chúng tôi vừa chèn vừa kích .

Mặt lấm bùn vẫn dô ta .

Xe lên được rồi nhìn nhau chẳng nhận ra.

Mặt mũi áo quần lấm lem bùn đất .

Mưa, mưa hoài không ngớt .

Đã bao ngày rồi quần áo chẳng chịu khô.

Thương chúng tôi cánh lính lái ô tô.

Kỷ niệm chúng tôi áo lót cổ vuông quần cộc  .

Mặc vào nhìn nhau vừa cười vừa khóc .

Chẳng nhà thiết kế nào nghĩ nổi mốt Trường Sơn .

Cả một thời con gái không biết đến phấn son.

Trang điểm cho mình đôi môi thâm sốt rét .

Làm duyên cho mình lơ thơ vài sợi tóc .

Diện mốt giữa đại ngàn quần cộc áo cổ vuông .

Thế mà sắp 40 năm rồi rời Trường Sơn .

Trở về giữa đời thường

 Làm vợ , làm mẹ, làm bà vẫn nhớ về mùa mưa ấy .

Mùa mưa với bộ đội nữ công binh Trường Sơn .

 

 

Kỷ niệm ngầm Bến Tắt

Tháng 12 năm 1974

 

 

QUÀ TRƯỜNG SƠN

 

Anh lái xe trả phép .

Có quà em Trường Sơn.

Anh mang cả quê hương  .

Vào lấp đầy nỗi nhớ .

Tiếng reo vui rộn rã ,

Vang cả một cánh rừng .

Đây là bánh đa vừng ,

Của quê hương Kinh Bắc

Mùi ớt khô thơm hắc,

Của em người nghệ An.

Đây gói khô khoai lang.

Mẹ gửi em sứ Quảng .

Đây mẹ anh gửi tặng ,

 Bồ kết em gội đầu .

Đây là những lọ dầu .

Gửi em để tránh gió .

Đây là món quà nhỏ .

Vợ anh đi chợ mua .

Anh ngập ngừng chẳng đưa .

Chúng em dành mở hộ.

Khi mở ra nhìn rõ ,

Cảm động im cánh rừng .

 Đây nhiều mét vải màn .

Tặng em ngày đèn đỏ .

Đây nhiều áo ngực nhỏ.

Em có thay ngày mưa .

Món quà tuy đơn sơ .

Nhưng tình quê tha thiết .

Ở trường Sơn mới biết .

Nó thiêng liêng nhường nào .

Tất cả lặng nhìn nhau.

Hồn anh gửi quê nhà .

 

 

Kỷ niệm EHLEO

Xuân 1976

 

 

NỖI NHỚ VẸN NGUYÊN

 

Nhìn những mái đầu điểm bạc .

Biết quỹ thời gian ngắn dần .

Sẽ còn được bao lần .

Gặp nhau của những người đồng đội .

Đường Trường Sơn bước hành quân vội .

Đi ngược chiều chỉ kịp hỏi quê nhau .

Và hẹn gặp nhau ngày chiến thắng .

Chiến tranh đã lùi xa.

Người lính chúng tôi cũng đã già .

Chân chậm mắt mờ nụ cười móm mém .

Gặp lại nhau của những người lính chiến .

Để cùng nhau ôn lại chuyện chiến trường

Có thế thôi cũng rất đỗi bình thường.

Nhưng với những người lính già chúng tôi cũng thực là khó.

Khó vì không tự đi được con cháu phải đón đưa

Mất việc con cháu .

Khó vì phải xin tiền con cháu đóng góp với đồng đội,

Con cháu chẳng vui.

Đơn giản thế thôi mà cũng chẳng được rồi .

Tuổi trẻ quyết xông pha.

Khi đã về già sức cùng lực kiệt .

Không sức khỏe, không nguồn thu nhập.

Chỉ còn nỗi nhớ đồng đội là vẹn nguyên

 

 

Kỷ niệm ngày gặp mặt những người lính sư đoàn

15/04/2015

 

 

TIẾNG HÁT RU CỦA LÍNH TRƯỜNG SƠN

 

Tiếng hát ru của bà không cánh cò bay lả.

Không vành nón chao nghiêng .

Không cong vút mái đình .

Tiếng hát ru của Bà thấm đậm nghĩa với tình .

Của một thời Trường Sơn mở lối .

Của một thời súng gầm bom dội.

Của một thời mưa nắng Trường Sơn.

Của một thời thiếu áo thiếu cơm.

Của một thời sốt rét rừng rụng tóc.

Cháu đã ngủ mà bà vẫn hát .

Khúc hát  say xưa như ru chính đời bà.

 

Khổng thị Thuỷ . trung đoàn 4 sư đoàn 470 

đc : Đồng Sơn TP Bắc Giang.đt : 0979527400.

 

 

tin tức liên quan