NHỚ THĂM ANH CHỊ
“Kính tặng các đơn vị trên đường Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh thời đánh Mỹ”
Về thăm anh Đồng Sĩ Nguyên
Anh còn nằm viện … chị không có nhà…?
Chị ơi! Đất nước thanh bình
Không còn bóng giặc thình lình chị đi
Còn đâu … vắng bóng những khi …
Thắp hương lạy chị … chị ơi! Thật buồn
Quảng Bình quê mự xa thương
Đói no giặc giã là thường chị ơi!
Đánh giặc ngần ấy năm giời
Mình chị gánh vác một đời vắng anh
Anh mong chị khỏe không đau
Hòa bình sao nỡ xa nhau hỡi giời
Nén nhang em trách ông trời
Kiếp sau chị nhé không rời bên anh
Đến thăm bệnh viện chiều nay
Ôm anh … phong thái như ngày Trường Sơn
Vẫn nhời đất Quảng quê hương
Anh vui … tay nắm … vấn vương nghĩa tình
Em rằng : Ngày ở Quảng Bình (1)
Được về thăm mự anh còn nhớ không?
Xa rồi vẫn nhớ đinh ninh
Tình quê đồng đội chúng mình em ơi!
Trường Sơn dài rộng một thời
Đạn bom Mỹ trải muốn xơi mấy lần
Hàng ngàn trọng điểm xa gần
Không đi không đến biết ngần nào đây? (2)
Đêm ngày ủng thấp đồi cao (3)
Bước dài leo núi chim chào líu lô
Cái mũi “khịt khịt” thật to (4)
Biết ngay thủ trưởng đến cho “ấm lòng”.
Chiến tranh nay đã xa rồi
Anh bảo: còn sống, ta ngồi chụp chung (5)
Thật vui đất nước anh hùng
Bên anh lại nhớ điệp trùng Trường Sơn
Ra về lòng những vấn vương
Nhớ bao đồng đội thân thương không về
Anh dặn: Hãy giữ lời thề
Vì non vì nước chớ hề quên nhau.
Ngập ngừng chân trước chân sau
Được lời anh dặn nhắc nhau giữ gìn
Về thăm anh Đồng Sĩ Nguyên
Tư lệnh … trên tuyến Trường Sơn Anh hùng.
* Chú thích:
Anh Đồng Sĩ Nguyên, sinh 1/3/1923, tên khai sinh: Nguyễn Hữu Vũ, Nguyễn Văn Đồng sau là Đồng Sĩ Nguyên, sinh tại làng Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông được phong Đại tá năm 1958, lúc mới 35 tuổi và được phong Trung Tướng năm 1974 là Tư lệnh Trường Sơn đường Hồ Chí Minh. Ngày hòa bình chúng tôi nhiều lần có ý định thăm anh chị ở chiến trường, anh vẫn dặn nếu chúng mình còn sống nhớ về thăm anh chị nhé. Năm 2012 nhân dịp Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh tổng kết ngày thành lập tranh thủ thời gian chúng tôi đã đến thăm anh tại địa chỉ: số nhà 54,phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Đến nơi chúng tôi thật buồn vì chị mới ốm đau đã mất, còn anh Nguyên đang nằm ở bệnh viện. Nỗi thương cảm ân hận cứ mãi mãi trong tôi. Tôi làm bài thơ này nhớ chị thương anh, người Tư lệnh mẫu mực dũng cảm, quyết đoán, để lại bao niềm kính yêu những năm chống Mỹ và những năm sau hòa bình.
(1) Bộ Chỉ huy Trường Sơn có lần đóng ngay trên huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến quê anh không xa làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình nhưng vì quá bận rộn công việc anh có nhờ tôi cầm lá thư và món quà về thăm mẹ, vì xa mẹ mấy năm rồi.
(2) Có lần Binh trạm 32 báo cáo địch đánh phá trọng điểm ATP ác liệt băm lát tuyến đường, anh Nguyên hỏi: Cần bao nhiêu quân số, cần 2 – 3 đại đội giải quyết có xong không? Được Binh trạm trả lời ngay: 3-4 tiểu đoàn còn chưa chắc nữa là. Anh đã quyết định tự mình lên xe đi ngay xuống trọng điểm cách xa Sở chỉ huy 150km. Đến nơi, anh đã đi bộ thăm thực tế và anh quyết ngay mở thêm 2 đường tránh cự ly xa nhau 2 đến 3 km và phải quyết tâm khắc phục đường cũ dài 15km. Anh bảo phải tiến hành đồng bộ, mỗi đường tránh dài 30km, anh quyết như đinh đóng cột: 20 ngày phải mở xong đường. Anh gửi 4 tiểu đoàn, 4 máy húc, 80 tấn thuốc nổ. Đường tránh và đường cũ đã thông đúng quy định.
(3) Những nơi tuyến đường bị băm nát không đi ô tô được, anh tự mình đi bộ với đôi ủng Liên Xô. Anh bước những bước dài khỏe khoắn qua những trọng điểm ác liệt. Đồng chí công vụ phải chạy mới kịp anh.
(4) Khi đi bộ đến các đơn vị để thăm và nắm tình hình anh em có đồng chí chưa biết cho nên anh em nhắc nhau cái ông luôn “khịt khịt” mũi ấy là Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên. Từ đó mỗi lần anh Nguyên đi qua hoặc đến thăm từ xa đã nghe tiếng “khịt khịt” anh em rất vui mừng cảm động. Mỗi lần anh đến làm ấm lòng chiến sĩ.
Có lần anh đến đơn vị lái xe thăm hỏi anh em báo cáo: Chúng em rất bị cô độc thủ trưởng ạ, vì mọi cái trên đường cây đổ, máy bay đuổi, pháo sáng, bom tọa độ dọc đường lại không có hầm trú ẩn. Anh đã nhảy lên xe cùng đi với anh em dọc đường những hiện tượng phản ánh đó rất đúng sự thật, trong lòng anh rất thương cảm. Anh chỉ thị công binh phải bám mặt đường hỗ trợ lái xe. Thông tin phải luôn có mặt dọc đường cứ 10m hoặc 20m có một hầm chữ A trú ẩn và anh đã xin Bộ Quốc phòng cho pháo cao xạ, tên lửa vào những nơi ác liệt, trừng trị những tên giặc trời. Từ đó anh em Bộ đội Trường Sơn coi anh là một Tư lệnh rất thực dụng và quyết đoán.
Những binh trạm bộ ở xa nơi đường tuyến anh lệnh phải chuyển Sở Chỉ huy tới gần tuyến đường cho dễ nắm tình hình và chỉ huy.
(5) Tôi cùng anh Phan Khắc Hy, Thiếu tướng, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam;
anh Đinh Công Ty, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, Phó Trưởng ban liên lạc Thành phố Hồ Chí Minh; anh Bùi Trưng Trắc, Ủy viên BCH TƯ. Hội, Trưởng ban liên lạc Thành phố Đà Nẵng; Chú Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh KonTum cùng chụp kỷ niệm với anh Đồng Sĩ Nguyên tại Quân y viện 108.
Đinh Công Nguyệt
Trưởng Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh
ĐT: 0169 856 3492
0934 609 182