Tưởng nhớ người nằm xuống

Ngày đăng: 10:19 06/03/2016 Lượt xem: 514

Hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Toàn thắng 30-4

 

                             TƯỞNG NHỚ NGƯỜI NẰM XUỐNG

 

Ông Nguyễn Văn Mạnh là chiến sĩ của Sư đoàn 968 Anh hùng, từng tham gia chiến đấu trên các chiến trường Nam Lào, Tây Nguyên… Sau chiến tranh, trở về với đời thường, ông vẫn đau đáu niềm tiếc thương những đồng đội đã hy sinh. Trong những năm là Phó Giám đốc, ông cùng các cán bộ, cựu chiến binh của Trung tâm giáo dục Truyền thống và Lịch sử (thuộc Hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) đã hàng trăm lần dẫn các đoàn của các địa phương, các nhà máy, cơ quan, trường học,… đi thăm lại các di tích oanh liệt của một thời máu lửa. Mỗi chuyến đi là một lần ông gửi lại tiếng lòng, qua những bài văn viếng, tới đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường xưa.

Đặc biệt với chiến trường Quảng Trị, ông đã dẫn hàng chục đoàn đến viếng thăm và lần nào trong ông cũng dâng lên nỗi xúc động, nghẹn ngào. Bài tưởng niệm (trích) dưới đây ông viết trong một lần dẫn đoàn về thăm nơi này, bày tỏ những nỗi niềm và sự biết ơn đối với các anh hùng, liệt sĩ đã “không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”, hiến thân cho Tổ quốc trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ vô cùng oanh liệt, Mùa hè năm 1972.

 

                                                                   (Bùi Thượng Toản giới thiệu)

 

Đất trời tác tạo non sông

Con người làm nên Tổ quốc

Mấy ngàn năm con Lạc cháu Hồng

Dệt giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Rồng vươn mình vờn sóng biển Đông

Dựng vây lưng Trường Sơn hùng vĩ

Huyết mạch trải dài - Con đường thiên lý           

Mục Nam Quan tới mũi Cà Mau.

Từ thuở ấu thơ bên bờ tre, giếng nước, hàng cau

Nghe tiếng mẹ ru:

- Con ơi! Dân ta trứng cùng một bọc1

Quê hương có từ cha ông đi mở đất

Đẫm máu, mồ hôi, nghĩa nặng tình sâu

Trải nghìn năm biết mấy thương đau

Giặc dữ từ đâu thay nhau cướp bóc…

 

Nhớ các anh !

Sinh ra trên đất Bắc2

Có mười năm tuổi thơ hạnh phúc bình yên3

Bài học đầu tiên về đất nước quê hương

Là miền Nam - nửa thân mình còn đau chia cắt.

Rồi ngọn lửa chiến tranh tàn khốc

Không chỉ nằm trong trang sách học trò

Lũ giặc đã trút bom xuống bệnh viện, trường học, nhà thờ

Lớp lớp đàn anh theo cha lên đường ra trận

Mẹ đào hầm, bảo anh gắng học

Sau này con sẽ là bác sỹ, nhà thơ...

Thay cha anh chữa những vết thương, xây dựng lại cơ đồ.

Mẹ chắn bom thù, trồng lúa khoai nuôi niềm mơ ước

Như tổ tiên dù bữa còn  bữa đứt

Vẫn gắng dành giống tốt để mùa sau

Lớp học các anh vách nứa, đèn dầu

Vẫn sáng rộng đường vào tri thức.

Nóng ruột đợi tin từ mặt trận

Cuộc chiến tranh còn lắm gian nan

Xếp bút nghiên trao lại lớp đàn em

Cầm súng các anh đi vào tuyến lửa

Giải phóng Đông Hà, tiến về Quảng Trị

Đôi bờ nham nhở, Thạch Hãn máu nồng

Bạn anh đã bao người nằm dưới đáy sông

Bao người đã vào Thành Cổ…

Phút tạm ngưng giữa hai lần bom rơi, pháo nổ

Dựa chân thành, mơ màng đón ý thơ

Giấy lấm vẫn ngời nét chữ hào hoa

Bức thư cuối cùng gửi về cho mẹ

Còn bao điều anh chưa kịp kể

Đến đêm qua là đêm thứ 80

Mỗi đêm một đại đội trai trẻ trăm người

Dâng tuổi 20 cho đất nước

Đêm nay đơn vị con đến lượt

Chẳng lo nhưng sao thấy bâng khuâng

Muốn nhắn mẹ đến ngày chiến thắng

Tìm con, xin mẹ chớ tìm riêng

Nơi này chúng con đã hóa thân

Trong đội ngũ muôn người như một

Máu thịt chúng con đã hòa chung vào đất

Hồn chúng con đã hòa vào bát ngát màu xanh

Đã cùng nhau dâng hiến tuổi xuân

Một nhành hoa, một nén hương cùng nhau chung hưởng…

 

Hôm nay chúng tôi vào Thành Cổ

Viếng các anh,

Khi non sông đã thống nhất hòa bình

Cuộc sống đầy hoa thơm trái ngọt

Giữa trời đất chúng tôi xin nguyện

Phấn đấu vì cuộc sống văn minh

Cho quê hương giàu mạnh

Cho non sông mãi mãi thanh bình…

 



1. Theo truyền thuyết, mẹ Âu cơ đẻ ra bọc trăm trứng.

tin tức liên quan