Nhà thơ Thuận Vũ - Họa cùng đôi điều cảm nhận về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của Hồ Văn Chi.

Ngày đăng: 04:47 30/04/2016 Lượt xem: 610

 

LỜI BAN BIÊN TẬP:

 

         Ban biên tập Trang TT Trường Sơn vừa nhận được thư điện tử của Nhà thơ Thuận Vũ – Nguyên Ủy viên BCH Chi hội thơ Đường luật TP Đà Nẵng. Nhà thơ Thuận Vũ có bài họa cùng đôi điều cảm nhận về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của Hội viên Trường Sơn Hồ Văn Chi.

 

         Xin chân thành cảm ơn Nhà thơ Thuận Vũ và trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn bài họa cùng đôi điều cảm nhận của Nhà thơ Thuận Vũ về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của tác giả Hồ Văn Chi.

 

         Xin trân trọng !

 

 

 

 

THƠ XƯỚNG :

 

Cánh võng Trường Sơn

 

Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương

Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương

Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh

Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường

Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc

Hai đầu đất nước, nặng tình thương

Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng

Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương

 

11/5/2015. Hồ Văn Chi.

 

 

THƠ HỌA :

 

Trường Sơn


Trường Sơn núi thẳm mịt mù sương


Lặng lẽ ta rời khỏi cố hương


Vượt núi mưa dầm đeo nỗi khổ


Qua sông nước lũ trải canh trường


Đường xa vạn dặm chân nào quản


Nẻo vắng ngàn đêm dạ vẫn thương


Cánh võng theo cùng ru một thuở


Bây giờ nhớ lại mãi còn vương...

 

Tháng 4/2016. Thuận Vũ.

 

 

         Đôi điều cảm nhận của Nhà thơ Thuận Vũ về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯƠNG SƠN” của  tác giả Hồ Văn Chi:

 


        Đã một thời mất còn ở Trường Sơn, nên khi đọc "Cánh võng Trường Sơn", tôi như sống lại cái thời nằm gai nếm mật ấy. Chiếc võng, đôi dép cao su, cái ăng-gô, cái quẹt lửa, chiếc ba lô con cóc, tấm tăng bạt, mảnh áo mưa, mũ tai bèo...là những vật bất ly thân của chúng tôi.

 

         Đặc biệt cánh võng có nhiều gắn bó nhất với cuộc đời chiến sỹ Trường Sơn lúc đang sống hay khi đã chết (võng là vải liệm liệt sỹ ) Với tám câu thơ Đường Luật, tác giả đã nói lên khá đầy đủ tầm vóc, sự quan trọng của cánh võng đối với người chiến sỹ Trường Sơn.


        "Tựa chiếc thuyền con nhuốm gió sương".


         Võng có sứ mệnh như chiếc thuyền chở chiến sỹ ra trận, nhưng trong điều kiện ác liệt "nhuốm gió sương"
       

         Chỉ riêng câu đầu đã khái quát tầm quan trọng của cánh võng rồi! - Cánh võng còn là báu vật để chiến sỹ Trường Sơn không thể nào quên được quê hương mỗi khi nằm đung đưa trên nó. Mỗi lần như vậy ta lại nhớ đến quê hương, nhớ đến chiếc võng tre, nhớ đến bà, đến mẹ đã ru ta thời thơ ấu...


        " Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương" 


         Ai đã từng ở Trường Sơn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đều có chung cảm nhận: một trong những giờ phút hạnh phúc nhất của người lính là sau một ngày hành quân, sản xuất hay chiến đấu... khi ăn tối xong, được ngã mình trên cánh võng đung đưa, mở radio nghe Đài tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh của Mặt trận  Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, sau đó là nhớ nhung, mơ mộng...


       Hai câu trạng bài thơ lần nữa ca ngợi công năng quan trọng của cánh võng:


        " Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh
         Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường" 


       Đến cặp luận lại nâng tầm quan trọng của cánh võng lên cao hơn, vì không đơn thuần ở vai trò của nó trên con đường vạn dặm ra trận, mà còn là nguồn cảm hứng nên thơ, giúp chiến sỹ ta xua tan bao trăn trở, nó là mảnh trăng liềm thơ mộng để các chiến sỹ yêu đời và lãng mạn...


       Đặc biệt câu thứ hai của cặp luận càng nâng tầm vóc của cánh võng lên cao hơn nữa và mang tính triết lý sâu sắc; nó không chỉ là mảnh trăng lưỡi liềm gợi cảm đơn thuần, mà nó chính là cầu nối hai đầu đất nước trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường Nam tiến của quân dân ta trong cuộc trường chinh cứu nước giải phóng dân tộc.  Cánh võng giống như dải Trường Sơn nối liền Bắc-Nam.


      Theo cảm nhận của tôi, đây là một phát hiện có tính triết lý rất ý nghĩa.


      Tóm lại bài thơ CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN là một bài thơ hay, tứ thơ sâu sắc, không chỉ khái quát vai trò quan trọng của cánh võng Trường Sơn mà còn phát hiện có tính triết lý về tầm vóc của nó đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.


      Về khiếm khuyết: Trong  cặp  luận có  cặp từ đối chưa thật chuẩn và "bốp chát" lắm là " trăng liềm" đối với "đất nước" tuy cả hai đều là danh từ. Nhưng điều này có thể chấp nhận được vì tứ thơ đã làm lu mờ khiếm khuyết đó.


       Cám ơn nhà thơ Hồ Văn Chi đã cho độc giả được thưởng thức một bài thơ hay.

 

 

Tháng 4/2016.

THUẬN VŨ

(Nguyên UV.BCH Chi hội thơ Đường luật Đà Nãng)

tin tức liên quan