Tác giả Việt An - Họa và đôi điều cảm nhận về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của Hồ Văn Chi.

Ngày đăng: 04:14 05/05/2016 Lượt xem: 490

 

LỜI BAN BIÊN TẬP:

 

         Ban biên tập Trang TT Trường Sơn vừa nhận được thư điện tử của tác giả Việt An - Hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng ; Hội viên các CLB thơ: Thái Phiên, Hàn Giang, thơ Đường luật TP Đà Nẵng. tác giả Việt An có bài họa cùng đôi điều cảm nhận về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của tác giả Hồ Văn Chi - Hội viên Hội TT Trường Sơn TP Đà Nẵng.

 

         Xin chân thành cảm ơn tác giả Việt An và trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc Trang TT Trường Sơn bài họa cùng đôi điều cảm nhận của tác giả Việt An về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN” của tác giả Hồ Văn Chi.

 

         Xin trân trọng !

 

 

THƠ XƯỚNG :

 

CÁNH VÕNG TRƯỜNG SƠN

 

Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương

Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương

Nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh

Gìn dưỡng đôi chân vượt dặm trường

Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc

Hai đầu đất nước, nặng tình thương

Rời xa cuộc chiến nhiều năm tháng

Nghĩ đến ngày xưa lại vấn vương

 

11/5/2015. Hồ Văn Chi.

 

 

THƠ HỌA :

 

"HÂN-GÔ" CHIẾN TRƯỜNG

 

Cỡ chiếc bánh chưng, lửa gió sương


Thay nồi mẹ nấu ở quê hương


No lòng chiến sĩ ra tiền tuyến


Ấm bụng quân nhân đến chiến trường


Nấu nước ngâm chân nhiều chặng mỏi


Pha trà đãi bạn chút tình thương


Bình yên vận nước không còn giặc


Nhớ lại năm nào mãi vấn vương.

 


Việt An, Đà Nẵng.

Đt 0983040339.
 

 

 

Đôi điều cảm nhận của tác giả Việt An về bài thơ “CÁNH VÕNG TRƯƠNG SƠN” của  tác giả Hồ Văn Chi:

 

         Đọc bài thơ "Cánh võng Trường Sơn" ta cảm nhận bút pháp của Hồ Văn Chi trong bài thơ này khá nhất quán, từ "chiếc võng" năm xưa mẹ ru khi mình còn thơ ấu, mẹ nuôi nấng trưởng thành rồi ta đi kháng chiến; từ một chi tiết cụ thể tác giả đẩy lên khái quát mang tính biểu tượng:


      "Tựa chiếc thuyền con, nhuốm gió sương
       Đung đưa gợi nhớ cảnh quê hương"


        Những liên tưởng đan xen đã tạo ra độ ngân vang trữ tình, tạo ra một âm điệu kết nối yêu thương giữa cánh võng nơi núi rừng với chiếc võng chốn quê nhà yêu dấu. Hồ Văn Chi vẫn tìm ra cách riêng của mình: Nói về cánh võng nhưng không mô tả "cánh võng" mà nốt nhấn sâu là như "chiếc thuyền con", như "một mảnh trăng liềm".


        Thơ không sa vào chi tiết, thơ nói lên hình tượng, thơ gợi nhắc trong ta khi tác giả đã nắm bắt đặc trưng, hình ảnh:


      "Một mảnh trăng liềm, tràn cảm xúc
       Hai đầu đất nước, nặng tình thương"


       Tứ thơ đạt độ chín với cách nhìn của tác giả, trải nghiệm đong đầy cảm xúc, tâm thức rung lên nỗi niềm. Đây chính là cấu trúc một tứ thơ hay, có sức lan tỏa lay thức, cũng không có quá nhiều màu sắc, âm thanh. Thơ đọc lên, khi người ta có thể quên thơ, chỉ còn lưu lại hình ảnh và tâm trạng của tác giả trong ký ức mình.


        Mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo trình tự: Khi treo chiếc võng lên, nhìn giống chiếc thuyền nhỏ, bao ngày đã cùng ta xông pha sương gió, võng đã giúp ta nâng niu giấc ngủ qua đêm lạnh, hoặc tranh thủ nằm, ngồi nghỉ chân vượt bao dặm đường dài, có thể cánh võng giống trăng lưỡi liềm hoặc ta cũng có thể suy nghĩ thêm ra: Chiến sĩ nằm đung đưa trên võng trong lúc ngắm mảnh trăng non tận phía chân trời xa...Hai đầu võng như gánh hai đầu đất nước mà người đi kháng chiến đã nặng tình yêu thương với Tổ quốc, quê nhà...


       Cũng mạch cảm xúc đó nói lên tâm tư, tình cảm của người lính; vì yêu đất nước đang bị xâm lăng, lên đường đi chiến đấu nơi tiền tuyến không có giường chiếu, không đủ chăn màn, chỉ có chiếc võng để nghỉ ngơi lúc đêm lạnh, hoặc ngày hè nắng nóng sạm da. Tất cả các mối quan hệ đó đều xuất phát từ một tư tưởng chủ đạo: Đi kháng chiến cứu nước, để đất nước quê hương không bị xâm lược, để đồng bào được độc lập, tự do, có cuộc sống tốt đẹp hơn lên.


       Kết thúc bài thơ, tuy cuộc chiến đã chấm dứt, đã qua rồi cái thời gian nan và chiến tranh, các điều kiện ở, ăn, ngủ...đủ tiện nghi hơn nhưng vẫn vấn vương đến cánh võng ngày xưa không những đã từng "nâng niu giấc ngủ", "dưỡng sức đôi chân" mà nó cũng đã từng ở trong ba-lô mang trên vai, đã cùng ta đi khắp các chiến trường cả ngày này tháng khác. Những điều lớn lao chất chứa trong bài thơ ngắn, nếu không có cánh võng thì hàng triệu chiến sĩ, thanh niên xung phong...chỉ biết ngủ bờ, ngủ bụi, nằm đất ẩm, thấm mưa rừng, ốm đau bệnh tật kéo tới quật ngã còn đâu sức mà chiến đấu với kẻ thù!?


      Hồ Văn Chi đã làm được từ rung động cảm xúc đến từ ngữ, nó không hề làm dáng, khoa trương, nó hồn hậu chân thành, bộc bạch tấm lòng trung trinh, nghĩa sâu tình nặng. Nhưng vượt lên trên là cái đẹp, sự trong trẻo luôn tỏa sáng trong anh./.

 

Đà Nẵng, cuối tháng Tư 2016


Việt An

Hội viên Hội Nhà Văn Đà Nẵng
Hội viên các CLB thơ: Thái Phiên, Hàn Giang, thơ Đường luật tp Đà Nẵng. Đt 0983040339.

 

tin tức liên quan