Đi tìm người bắt sống tên phi công Mỹ cuối cùng ở Trường Sơn

Ngày đăng: 04:40 23/12/2023 Lượt xem: 65
NGƯỜI BẮT SỐNG PHI CÔNG MỸ CUỐI CÙNG
 Ở TRƯỜNG SƠN
 
        Chiều ngày 03/9/2023, tôi quyết định đi tìm người đã bắt sống tên phi công Mỹ cuối cùng tại khu vực sân bay Tà Cơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, ngày 07/7/1972.
       Sau vài giờ lần tìm khó khăn vì địa chỉ anh Nguyễn Đức Hoành (tôi chỉ nhớ trong đầu),  vì cảnh quan thì đã thay đổi quá nhiều. Cuối cùng tôi cũng đã tìm được đến nhà anh ở  khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh.
      Khi đến nhà, được vợ anh mời vào và nói: “Ông nhà tôi đang đi họp chi bộ ngoài nhà Văn hóa”. Tôi mời bà lên xe chạy thẳng ra chỗ anh đang họp. Anh Hoành xin phép ra ngoài, nhận ra đồng đội cũ anh ôm chầm lấy tôi trước sự ngỡ ngàng của mọi người xung quanh. Tôi nói đùa:
      - Già rồi mà còn họp gì mà nhiều thế?
     -Tại anh cả đấy! Anh kết nạp tôi vào Đảng mà. Thôi ta về nhà để nói chuyện được nhiều. Chúng tôi cùng về nhà anh uống nước. Tôi tiếp tục:
      - Từ khi xa nhau đến giờ anh làm gì?
     - Sau năm 1975, tôi phục viên về địa phương, rồi tham gia công tác Xã đội trưởng, là Bí thư đoàn Thanh niên suốt.  Mấy năm nay sức yếu xin nghỉ, nhưng vẫn tham gia sinh hoạt Đảng và Hội Cựu chiến binh. Còn ông thế nào? Có chuyện gì mà ông vất vả lần đến nhà tôi.
      Tôi kể:
     - Ngày 11/4/2007, tại nhà khách của Bộ QP 100 số Phạm Ngũ lão, Tạp chí Lịch sử và Nhân chứng tổ chức cho tôi và anh Cao Văn Ninh Tham mưu phó Binh trạm 27 gặp người phi công Mỹ mà anh bắt sống ngày 07/7/1972.  Anh có nhớ không?
      - Vẫn nhớ chứ! Thế hôm ấy ra sao?
     - Rất tiếc là do vội quá, tôi không tìm được anh và Nguyễn Văn Hạc chỉ huy bắn rơi máy bay chiếc F8 hôm đó, tôi phải đóng thế các anh. 
      Tôi và Hoành cùng nhau ôn lại câu chuyện ngày ấy. Tại khu vực ngã ba Km 68 Đường 9 và Đường 14 (Khe Sanh) giao nhau có một kho hàng rất lớn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Tiểu đoàn 35 Cao xạ với 3 Đại đội pháo 37 hai nòng bảo vệ kho hàng.
     Chập tối ngày 04/7/1972, địch cho B52 ném bom rải thảm, một loạt bom B52 đã đánh trúng trận địa Đại đội 1 do Đại đội trưởng Ông Đình Chiến chỉ huy, 7 chiến sĩ hy sinh. Chúng tôi đưa các liệt sĩ về căn hầm vòm kẽm do Mỹ xây dựng trước đây để làm công việc mai táng.
      Sáng ngày 07/7/1972, địch cho máy bay OV10 trinh sát và bắn pháo khói chỉ điểm. Lúc đó tôi trực Chỉ huy Tiểu đoàn 35 đặt trên đồi Km 72 Đường 14. Tôi yêu cầu các Đại đội không được đánh, đề phòng lộ trận địa và kho hàng. Đến 15 giờ một tốp 3 chiếc F8 vào đánh kho hàng ở Làng Vây, Tà Cơn. Tôi lệnh cho Đại đội 2 đánh tốp F8 trong tầm bắn của đơn vị. Cả 6 khẩu đội cao xạ 37 đồng loạt nổ súng khi Đại đội trưởng Nguyễn Văn Hạc phất cờ lệnh. Một chiếc F8 bị trúng đạn, bốc cháy rơi cạnh kho hàng ở Làng Vây cách trận địa hơn một cây số. Phi công lái F8 bung dù rôi xuống gần trận địa. Từ Sở chỉ huy tôi lệnh cho Tiểu đội Trinh sát do Nguyễn Đức Hoành chỉ huy băng rừng bắt sống phi công Mỹ và sẵn sàng dùng súng bộ binh bắn trực thăng địch nếu chúng đến cứu phi công.
      Khi Hoành và một chiến sỹ tiếp cận, phi công còn vướng dây dù, trong tay vẫn lăm lăm khẩu súng ngắn. Từ phía sau,  Hoành đạp ngã và nện ba báng súng làm nó ngất xỉu. Lát sau thêm 4 chiến sĩ công binh chậy đến hỗ trợ trói và khênh phi công to béo về Cơ quan Sư đoàn 473. Tại đó ý tá Nguyễn Thị Hoán tiêm cho nó một mũi cafein nó mới tỉnh lại.
       Hai chiếc F8 còn lại ném bóm vung vãi rồi chuồn thẳng. Không có trực thăng đến ứng cứu.
      Từ đó trên bầu trời Quảng Trị không còn chiếc máy bay Mỹ nào hoạt động. Chiếc F8 rơi hôm 07/7/1972 cùng phi công bị bắt sống là chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị bắn rơi trên Trường Sơn. 
Người phi công Mỹ  bị bắt có tên là Kro Boa Lanh.
      Tôi kể tiếp cho Hoành nghe chuyện ngày 14/4/2007 ở nhà khách Bộ Quốc phòng: Hôm đó tôi đóng thế anh kể lại diễn biến trận đánh. Trên chiếc bảng đen, tôi đã vẽ vị trí sân bay Tà Cơn, khu kho hàng, đường bay của tốp F8, trận địa Đại đội pháo của anh Hạc, vị trí của chiếc F8 rôi, vị trí của tên phi công tiếp đất một cách rõ ràng.
      Hai chúng tôi ôn lại chuyện xưa, nhớ lại những đồng đội, ai con, ai mất. Những giọt nước mắt đã chảy dài lăn trên gò má già nua của những người lính Trường Sơn.
Nguyễn Trung Phụng
(ghi lại theo lời kể của Bùi Xuân Ngật (trợ lý Trinh sát),  Nguyễn Đức Hoành (Tiểu đội Trinh sát D35, Binh trạm 27)
 
 
 

tin tức liên quan