Chu Công Dâu – Giới thiệu cuốn Hồi ký chiến tranh của Trần Quang Thành

Ngày đăng: 09:10 10/02/2020 Lượt xem: 1.266
CHU CÔNG DÂU
GIỚI THIỆU SÁCH “NHỮNG NGÓN TAY VUÔNG”
Hồi ký chiến tranh của Trần Quang Thành

         “Trần Quang Thành là một người lính lái xe xuyên Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ, rồi tiếp tục chiến đấu trong chiến tranh Biên giới phía Bắc những năm 70-80. Đi dọc chiều dài cuộc chiến tranh vệ quốc, người lính ấy đã ghi lại những gì chân thực, sống động và ám ảnh nhất từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Cuốn hồi ký” Những ngón tay vuông”vì vậy là một nguồn tư liệu quý đem đến cho chúng ta những cảm nghiệm của người trong cuộc…
         …Đây là cái hiện thực ngột ngạt, không né tránh không tô vẽ về những người lính lái xe được tác giả tái hiện “Bàn tay người lái xe, thực sự là các ngón tay bị vuông. Đưa tay lên nhìn không thấy các khe hở( sau này không lái nữa ngón tay mới dần tròn trở lại). Ngón tay bẹt ra, vuông cạnh , bởi vì cầm và cố giữ vành tay lái ngày này qua tháng khác”. Chỉ có những người lính đã từng bẹt tay trên vô lăng, dưới bom đạn thì mới có thể nhìn ra và gọi tên thành hình ảnh “ Những ngón tay vuông”. Cách lý giải và đối diện với hiện thực nghiệt ngã ấy của tác giả pha lẫn cả nỗi đau đớn với cái chất ngang tàng của “thế hệ Trường Sơn” …
         …Những trang hồi ký của tác giả Trần Quang Thành tuy chỉ là lưu chép cá nhân về một cuộc đời, nhưng nó đã cung cấp thêm cứ liệu sinh động và thuyết phục để thế hệ hôm nay có điều kiện hiểu đầy đủ hơn về lịch sử cha anh.
         Xin trân trọng cảm ơn tác giả và những người lính một thời như ông... 
         (Trích lời giới thiệu Hồi ký chiến tranh Những ngón tay vuông  của Trần Quang Thành- Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên)
         Tôi gặp anh Trần Quang Thành, tình cờ trong buổi gặp mặt những Chiến sĩ lái xe Trường Sơn Trung đoàn 13 anh hùng tại Thái Bình. Mải mê chụp ảnh , tôi ngồi cùng ghế với anh và hỏi thăm xã giao anh. Và anh Thành cùng tâm sự với tôi ngắn và nhanh. Biết cùng cánh lái xe Trường Sơn , chắc là những đoạn đường với bao tên của các trọng điểm đã đi qua nên có nhiều đồng cảm. Anh lấy từ trong cặp sách cuốn hồi ký chiến tranh “Những ngón tay vuông”  đứa con tinh thần với tình yêu Trường Sơn và cả câu chuyện tình của chính anh nữa, tặng tôi.  Đọc sách của anh tôi thấy như chính mình và đồng đội cũng có mặt trên trang sách ấy. Những trang sách thấm đượm tình người. Những trang sách có cả máu, nước mắt của bao đồng đội hy sinh cứ hiện lên cùng tên các trọng điểm ác liệt trên con đường huyền thoại. Không chỉ vậy, cuốn hồi ký còn kể lại mối tình trong sáng thủy chung của chính tác giả.
         Xin giới thiệu một phần trong Hồi ký “Những ngón tay vuông” của Trần Quang Thành Chiến sĩ lái xe Đại đội 4, Tiểu đoàn 101 với bạn đọc trang Thông tin điện tử của Hội Trường Sơn Việt Nam.
Chu Công Dâu
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
 
NHỮNG NGÓN TAY VUÔNG
Trần Quang Thành

         TỌA ĐỘ LỬA:
         Lần đầu chúng tôi nhận xe ở Z255 Hà Tây. Vì là mới ra trường , nên cấp trên bố trí mỗi xe có thêm một lái chính. Họ là những lái xe kỳ cựu từ chiến trường ra, đi kèm lái cho cánh lính trẻ. Mà tất cả đều như vậy, tài già, lái ngoài Bắc khi mới vào cũng không sao chạy được. Vì thực tế nơi chiến trường bao nhiêu cái khó. Kinh nghiệm, bài học ở ngoài Bắc hay nhà trường không thể áp dụng máy móc được.
         Ví dụ như : Chạy xe không nhìn xuống mặt đường mà lại nhìn lên trời. Nghe như đùa mà lại là hiện thực. Đèn rùa tối mù mù, chỉ sáng bằng một ngọn đèn bão, lại che cụp xuống, chỉ chiếu sáng một khoảng mờ , cách đầu xe khoảng mười mét. Dưới đường nhìn ang áng thấy vệt “sống trâu’’ ở giữa, còn nhiều khi lại lấy khoảng sáng trên trời mà “ căn”. Dù sao ,thì hai bên đường cũng có hai vùng đen, do bóng cây hay ta luy đường tạo nên. Khoảng sáng trên trời là hướng con đường đang đi dưới đất .
         Hoặc là trường hợp khởi hành xe ở giữa dốc cao. Không ai cho phép quay ngang bàn chân phải, để đi cùng lúc cả ga và phanh. Nghĩa là bàn chân phải ấn cùng lúc hai bàn đạp ga và phanh , cho phanh đứng lại, còn máy thì lại gầm lên tại chỗ. Khi xoay gót chân cho bật phanh lên ( không phanh nữa )thì máy đã rất khỏe kết hợp chân trái đã vê côn cho tiếp xúc sẵn. Có như thế xe mới không kịp tuột dốc mà vọt lên được. Còn cứ bài bản, dùng phanh tay , như các trường dạy lái, thì xe nào cũng trôi, vì độ dốc quá cao, xe nặng, phanh tay ít hiệu quả.
         Anh Bút đi cùng xe với tôi. Mọi người goị anh là “ Nhọ” , vì anh có râu đen và rậm. Nhắc đến anh tôi hơi ngài ngại, bởi vì nhiều khả năng anh đã hy sinh. Mà cái chết của anh, dường như chỉ vì sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người thầy thuốc nào đó. Nghe nói anh bị thương khá nặng, đã vào viện mổ lấy mảnh bom ra, nhưng lại sót cái panh trong bụng. Sau nhiễm trùng, không phát hiện sớm nên không cứu được .
     Đoàn xe về tập kết ở đường Đội Cấn , Hà Nội để mai nhận hàng chở thẳng vào chiến trường. Ngày đó hai bên đường Đội Cấn còn thưa nhà, nhiều ruộng lúa và ao rau muống. Ăn cơm tối xong, anh Bút bảo tôi :
- Lên xe về nhà tớ một chút , gần đây thôi.
           Tôi thi tò te, ú ớ chả biết đâu vào đâu, cứ ngồi bên phụ. Thấy xe chạy lòng vòng trong đêm, rồì lao lên bờ đê, rồi xuống phà Chèm. Oái oăm thay, chuyến phà ra đến giữa sông thì hỏng máy. Mọi người lo lắng, loay hoay sửa chữa. Lâu không nổ máy được, phà cứ thế trôi tự do trên sông Hồng. Họ kéo còi ủ cấp cứu, rồi bật đèn nhấp nháy. Anh Bút cũng lên xe bật đèn pha, bấm còi inh ỏi. Sông rộng, nước chảy khá mạnh. Bên Hà Nội còn ít đèn sáng từ đâu đó, còn bên bờ Bắc thì tối đen. Tôi thấy mọi người bảo nhau cố gắng chèo chống bằng tay, vào một bến nào đó. Nếu chậm có thể trôi xuống cầu Long Biên, va vào trụ cầu rất nguy hiểm. Cứ thế, vừa còi, vừa đèn báo cấp cứu. Mọi người nhốn nháo chèo chống. Có lẽ phải hơn nửa tiếng mới thấy ánh đèn của chiếc Ca Nô khác , nó dần dần cập mạn phà.
          Chiếc Ca Nô tuy nhỏ nhưng rồi cũng dắt được phà vào bờ. Trên bến, bê tông nham nhở lẫn cỏ dại. Chỉ thấy mấy người sách đèn bão, đèn pin hua hua. Phà vừa cập bến, là mấy người nhẩy luôn lên. Họ nói oang oang:
- Sao lại vào bến này ? Đã lâu không sử dụng bến rồi, đường khó đi lắm .
         Rồi họ nói với nhau rằng: phà hỏng máy, Ca Nô nhỏ không dắt phà về bến được. Họ thống nhất, vào dân huy động mọi người ra khắc phục chỗ đoạn đường bị lở nào đó .
         Họ làm đầy trách nhiệm. Dân cũng ra làm đường ngày một đông. Đúng là tinh thần phục vụ quân sự thời chiến, chúng tôi là xe nhà binh mà. Nhìn sự nhiệt tình, cố gắng của mọi người, tôi thấy áy náy, day dứt quá. Họ có biết đâu, chúng tôi vô kỷ luật. Vì mình mà làm khổ bao người. Mình đã lạm dụng công sức, lòng tốt của họ .
         Chừng hai giờ sáng, xe mới thoát được lên đường chính. Tới một sân kho, xe dừng lại. Anh Bút bảo tôi :
- Cậu cứ ngồi đây nhé, nhà tớ gần đây, nhưng xe không vào được, tớ chỉ đi tý thôi, trời cũng sắp sáng rồi.
         Tôi ngủ rất nhanh, tuổi mười chín, hai mươi mà, làm sao thức thâu đêm suốt sáng được. Anh Bút ra, thậm chí xe chạy lúc nào tôi cũng chả biết. Mãi đến khi xuống phà, họ đuổi không cho người trên xe, tôi mới tỉnh hẳn.
         Về đến nơi tập kết ở đường Đội Cấn thì trời đã sáng, tôi thấy mọi người  chuẩn bị đi ăn cơm. Họ nhìn chúng tôi đầy ý tứ, vẻ soi mói, nhưng lại ẩn giấu sự cảm thông, qua quýt.
         Anh Bút đã có vợ và con nhỏ. Tôi hình dung cái giây phút gặp nhau của họ quá ngắn ngủi. Trước một cuộc chia tay trong đêm, chắc không gì ngăn được nước mắt của người vợ trẻ…Tôi chưa gặp chị, và cho đến tận bây giờ, tin về anh cũng còn chưa thật rõ. Chỉ biết chắc, anh bị thương lần cuối cùng ở cao điểm Siêng Phan.
         Nhờ có anh kèm cặp, chỉ dẫn, mà tôi dần vượt qua bao khó khăn. Anh bày cách phân biệt: cùng tiếng nổ trên đầu, nhưng đâu là tiếng nổ pháo sáng, đâu là tiếng nổ của bom bi mẹ. Lúc nào cần chạy nhanh hơn, hay phải lập tức dừng xe xuống hầm..v.v. Tính anh Bút rất dứt khoát, mạnh mẽ, nhưng cũng rất tình cảm. Có lần tôi lái xe, anh ngồi bên. Trời gần sáng, xe qua Cổng Trời về đất Việt Nam có phần yên tĩnh hơn. Thường thì gần sáng cả hai phía ta và địch đều mệt mỏi, đó là chút thời gian “ dễ thở” nhất. Tôi buồn ngủ quá , mắt cứ díu lại. Cái mũ sắt trên đầu sao quá nặng, nó càng đè tôi rũ xuống, ngả nghiêng. Đúng là vừa đi vừa ngủ thật. Bỗng : Rầm một cái, xe khựng lại giữa đường. Anh Bút giật phanh tay cứng lại, nhưng không kịp. Tôi bừng tỉnh. Lù lù trước mặt là thùng chiếc xe phía trước. Xuống xe, thấy hai xe đã “dính ”vào nhau. “Giàn mướp”chống bom gẫy, cọc đổ xiên xẹo. Két nước vỡ, nước chảy rồ rồ xuống đường. Anh Bút chạy lên xe phía trên quát :
- Sao dừng xe mà không báo phía sau ? Hỏng hết xe ông rồi .
         Anh lái xe trước ân hận, phân bua:
- Khổ quá, thấy có tý nước chảy, tôi vừa nhảy xuống uống và rửa mặt cho tỉnh ngủ.
        Cứ tưởng anh Bút sẽ còn trút giận lên anh ta, và mắng cả tôi nữa. Nhưng không, anh chỉ cằn nhằn mấy câu, rồi đuổi xe trước chạy đi. Anh quát tôi chạy lại đằng sau, đứng đón, đề phòng có người khác giống tôi lại húc tiếp . Tự anh lấy đồ nghề, sửa xe, dọn “Giàn mướp”. Xe sau đến cùng chúng tôi khắc phục: Cậy, chống cho két nước tạm thời tách khỏi cánh quạt. Khi máy nổ lại được, anh lái, mặc cho bao thứ tiếng động khua loạn xạ. Anh rất buồn , nhưng không mắng thêm gì tôi. Còn tôi vô cùng ân hận và thật …tỉnh
       Cổng Trời, gần coi là điểm mốc Biên giới với nước bạn Lào. Con đường như chui qua một hang đá tự nhiên. Ở đó, trước mỗi đêm, khi đoàn xe xuất phát, nhiều người ra động viên lái xe, tặng quà bánh, thuốc lá. Cũng thỉnh thoảng có lái xe nữ, họ chỉ lái loại xe nhỏ hơn, như Gát hoặc Vọt tiến. Có cô chỉ cần một chuyến quay vòng trong đêm là được thưởng một chiếc đồng hồ đeo tay.
     Gần Cổng Trời có đồn Biên phòng Cha Lo. Anh Kính đã lăn lộn không biết bao ngày ở đó. Anh làm thơ thế này:
Đường qua Biên giới Cha Lo
Chênh vênh vách đá quanh co dốc đèo
Lắng sâu thung tiếng gió reo
Mang theo hơi nóng xe trèo lên mây
         Vùng này xen lẫn giữa núi đá và núi đất. Đường quanh co đèo dốc, khúc cua liên tục. Bom đạn vằm nát, cày đi xới lại, không còn màu xanh của cây cối . Chả hiểu sao lại gọi là cao điểm 050. Hai bên đường đều đỏ quạch, hố bom chằng chịt. Thỉnh thoảng còn sót lại vài cây trơ trọi, chọc lên bầu trời như thách thức. Có cây phất phơ chiếc dù pháo sáng, trắng toát như khăn tang của núi rừng thê lương buồn bã.
         Nhưng ấn tượng nhất trong tôi , mà đến bây giờ tôi vẫn tìm kiếm trên phim ảnh không đâu có, đó là hình ảnh trên ngọn cây trơ trọi lại có cái thùng phuy đậu trên đó. Bằng cách nào, và xác xuất đến bao nhiêu mới có cái thùng phuy, nặng, trơn nhẵn nhụi như thế, bay lên vắt vẻo ngọn cây. Mà tôi quả quyết rằng, không chỉ có một cây“nâng” thùng phuy trên tay nó như vậy. Nó giơ lên trời như tố cáo, như bằng chứng những gì khốc liệt, đau thương tột cùng đã từng xảy ra, ở nơi đây.
         Qua vùng đất “xôi lạc” giữa đá và đất, là tới vùng toàn đá, gọi là vùng cao điểm Siêng Phan, Pha Nốp . Đường chạy ngoằn ngoèo, dích dắc lách qua những hố bom. Hai bên đường là hai dãy núi đá sừng sững, nhọn hoắt, nhấp nhô. Tôi tưởng tượng như mắc được võng vào hai ngọn núi, vắt qua đường mà nằm thì thật là “tuyệt”.
Phi công Mỹ chọn nơi này làm cao điểm là rất có lý. Hai mạch núi đá kẹp hai bên, con đường nhỏ nằm lọt ở giữa, những sinh linh sống trên cao điểm đó, khác nào như cua trong cối đá.”Cua ” không chạy đâu được, mà chúng thả bom đạn cũng dễ trúng, rất hiệu quả .
         Đây chính là nơi địch liên tục đánh bom tọa độ. Nghĩa là chúng đã tính toán, căn đo chính xác tọa độ trên bản đồ lập trình sẵn cho máy bay, cứ thế, không kể ngày đêm, không cần ngắm nghía bổ nhào gì cả. Máy bay cứ ào thẳng theo đường ngắn nhất, đúng điểm định sẵn là ấn nút cắt bom, bất biết hậu quả ra sao, hoàn thành nhiệm vụ. Quay ra biển, xà xuống boong tàu và ăn chơi (!). Ở cái “ cối đá ”kia đã có hàng lô các giặc lái khác đảm nhiệm. Nào các loại máy bay, nào bom từ trường, nào bom nổ chậm, mìn vướng, mìn lá , bom B52 rải thảm..v.v. Đúng là, sau này thành cổ Quảng Trị ví như “cối xay thịt” thì đây ví như “cối giã cua ”.
         Bom tọa độ rất nhanh, vừa nghe tiếng rẹt của máy bay, thì cũng đồng thời là chớp sáng lòa, rồi tiếng nổ rung chuyển trời đất. Xe phía trước trúng bom, không hiểu trên xe đó chở hàng gì mà cháy rất to. Đoành. Đoành. Đoành. Ba viên đạn vạch đường vút lên ngay gần đó. Báo hiệu tắc đường. Anh Bút phanh xe dúi dụi, rồi bật cửa nhảy xuống rất nhanh. Mấy người từ các xe trước cũng đã chạy xuống gọi nhau. Họ hô chạy, hô xuống hầm nhốn nháo. Đường độc đạo, hẹp và khó đi. Không ai nghĩ quay đầu xe được, nên đều bỏ xe, chạy xa chỗ cháy, tìm hầm để xuống, hoặc chạy rời xa đoàn xe, càng nhanh càng tốt. Tôi và anh Ngân ngồi bên cạnh, cứ lúng ta lúng túng. Túi khoác, ba lô của anh ta cồng kềnh, vướng víu. Tôi giục anh Ngân bỏ túi lại, nhưng anh ta cứ dứt khoát mang đi.
         Chả là, trước chuyến đi, xe tôi được bố trí một người đi cùng, tôi nhớ không nhầm thì tên là Ngân. Anh đã lớn tuổi, chắc phải gần bốn mươi. Anh nói đi từ Hà Nội vào, đây là lần đầu tiên vào chiến trường. Chúng tôi được quán triệt: Có người mang hàng đặc biệt, phải cố cùng họ giữ an toàn.
       Chúng tôi chạy qua hai xe nữa, thì tới một căn hầm. Mấy người còn đang lưỡng lự: Người muốn chạy tiếp,người muốn xuống hầm, tiếng máy bay Phản lực đã ầm ầm trên đầu. Tôi đành kéo anh Ngân nhảy ào vào hầm. Cái túi hàng của anh đập vào tôi đau điếng, có lẽ trong túi là hộp sắt vuông, sắc cạnh và cũng khá nặng.
         Tiếng máy bay rít xé không khí. Tôi ôm chặt hai tai. Oành ! Căn hầm như bị bóp lại, bụi đất ào vào, ngột ngạt. Có ai đó đạp lên người tôi, gào lên:
- Chạy đi, chạy nhanh chỗ khác.
         Hai chúng tôi hoang mang quá. Nửa muốn chạy theo họ, nửa lại sợ, vì tiếng máy bay vẫn ầm ầm. Hình như nó phản vào các vách đá, nghe càng lộng óc, như tiếng sét đánh gần . Cũng khó để phân biệt tiếng máy bay để biết nó đang lượn vòng lấy độ cao, hay đang bổ nhào cắt bom nữa. Loạt bom khác lại trút xuống. Mặt đất như chao đảo, rung phần phật. Tôi kéo anh Ngân vào sâu hơn. Được cái hầm khá sâu, nó tựa một bên vào vách đá, còn bên kia được chống bằng nhiều cây gỗ và lấp đất lên trên. Nhưng bây giờ thì lớp đất đã tụt đi nhiều, gỗ trơ ra, ánh sáng đã lọt qua loang lổ.
         Tôi nhớ là gần nơi hầm tôi đang trú, có một xe đứng đó. Pháo sáng rực như ban ngày thế này, thật quá nguy hiểm. Tôi run thật sự, bàn với  anh Ngân là dứt loạt bom này sẽ chạy. Anh càng run bắn, mặt tái nhợt, anh chỉ nhè nhẹ gật đầu.
         Nhưng không kịp nữa. Loạt bom sau, chỉ nghe tiếng “ục”, là tất cả tối sầm, tai ù đặc, cây cối đất đá đè chặt lên người. Tôi chỉ thấy anh Ngân đạp đạp, một tay giơ lên đầy máu, bới bới. Tôi cố gồng mình, đẩy những cây gỗ, cào gạt đất chui lên, thở hồng hộc, bụi đất đầy mồm. Rồi tôi lại cố bới, lôi anh Ngân nhích vào khe đá. Anh bị đau, máu đầy mặt, chảy dòng trước ngực, nhưng một tay vẫn ôm chặt cái túi.
         Máy bay vẫn đánh, lửa vẫn cháy sáng rực. Đạn cao xạ từ các trận địa thỉnh thoảng lại lao vút lên trời. Nhưng giờ thì tai tôi ù đặc, mà có khi lại hay. Không còn nghe rõ mấy tiếng rít ghê sợ của máy bay, tiếng ùng oàng của bom đạn nữa.
        Tôi lay gọi anh, lấy những cuộn băng nơi thắt lưng , băng các vết thương, ở đầu và tay chân. Có thể anh Ngân chỉ bị gãy chân tay, còn đầu thì không nặng lắm. Mắt vẫn nhìn được và miệng thì có nói thều thào. Tôi ghé sát tai, giải thích với anh rằng:
- Anh cứ nằm đây, tôi sẽ chạy đi tìm người đến cứu giúp. Đưa tôi mang đỡ anh cái túi.
         Anh Ngân gật gật đầu đồng ý. Nhưng khi tôi gỡ dây túi qua vai, thì anh lại quyết giữ, không cho tôi mang đi. Anh nói thều thào, tôi thì lại điếc đặc, ghé sát tai vào mới hiểu mang máng, anh bảo :
- Đây là túi vàng …phải trao cho.. tổ chức.
         Tôi bò toài lên lớp đất bột, cố ngoi lên. Thì ra, hố bom ngay cạnh hầm. Cái lèn đá vững chãi đã cứu sống chúng tôi. Chiếc xe gần hầm đã bị hất đổ nghiêng ra xa, nhưng không cháy.
         Tôi chạy theo đường một đoạn ngắn thì thấy có vết lối mòn mờ mờ hướng vào núi đá. Tôi quyết định chạy theo con đường đó. Chừng hơn một trăm mét là gặp núi đá sừng sững trước mặt. Vừa leo lên mấy bậc đá thì lại bị hất ngược trở lại, mắt đổ hoa cà, hoa cải.
Bom thù vùi lấp tả tơi
Đạn ta hất ngược ra nơi chiến hào
Sức người chịu được là bao
Giữa hai làn đạn ai nào thấu chăng
         Hóa ra tôi đang ở trên miệng trận địa pháo cao xạ ba bảy ly. Họ cũng bắn máy bay theo tọa độ. Nghĩa là chỉ cần một hai người, nòng súng, tầm hướng đã để sẵn, thỉnh thoảng đạp vài viên. Nhiều khi chỉ mang tính chất chia lửa, động viên quân mình, chứ quyết đánh tiêu diệt máy bay địch thì khó. Phải đánh kiểu “du kích”. Lực lượng mình thì quá mỏng, mà địch thì quá áp đảo. Trận địa pháo của họ ngụy trang rất khéo, lại được núi đá xung quanh che chắn. Tôi đến sát nơi mà cũng không nhận ra.
         Bom lại nổ giật đùng đùng, quầng lửa khổng lồ bùng lên, như cái nấm lửa mô tả các vụ nổ hạt nhân. Tôi lại bò lần theo rìa ụ pháo vào phía trong. Liền  đó, tôi bị hai người kéo giật mạnh, ngã nhào vào hầm pháo của họ. Một anh Pháo binh to khỏe, cởi trần trùng trục, như bốc tôi ném vào hầm phía trong. Hầm của họ thật tuyệt, không biết hang đá tự nhiên hay con người tạo ra mà đẹp thế. Lòng hầm khá rộng. Trên mảnh chiếu trải giữa hầm, còn ngổn ngang quân bài tú lơ khơ. Cây đèn bão vẫn bình thản tỏa sáng. Họ hỏi han tôi, họ nói với nhau, tôi chỉ mang máng hiểu rằng máy bay đang bắn đạn hai mươi ly, nghĩa là chúng đã hết bom, chỉ còn cày đạn xuống những chiếc xe tội nghiệp. Tôi nói với họ ; Phải ra cứu đồng đội đang bị thương ngoài kia, đặc biệt là có anh Ngân đang mang túi hàng rất quan trọng .
         Họ vào hầm lấy cáng, ba người đi, tôi đòi đi dẫn đường, nhưng họ quát vào tai tôi rằng hầm đó họ không lạ gì. Rồi họ cứ ấn tôi ở lại. Mang được Thương binh về, tôi thấy anh còn tỉnh. Anh kêu rất đau, nằm bẹp trên cáng. Cạnh anh vẫn còn cái túí “Bất khả xâm phạm” ấy. Ngớt bom đạn, tôi chia tay các anh Pháo binh , không quên nhắc họ, cần chú ý đặc biệt đến túi hàng mà anh Ngân đang giữ.
         Ít ngày sau, khi có dịp dừng xe chờ thông đường, gần nơi trận địa pháo, tôi hỏi thăm mới biết, nhờ được cấp cứu kịp thời nên anh Ngân qua khỏi. Còn cái hộp sắt hàn kín kia là ngoại tệ, Đô la, Hà Nội gửi vào cho Mặt trận Giải phóng.
         Nhìn những ngọn núi đá nhọn hoắt, nhấp nhô chọc lên bầu trời. Bất giác, tôi tưởng như chúng là những ngọn bút. Rồi giật mình như ớn lạnh sống lung …Ôi anh Bút , anh đâu rồi ? Kể từ trận ấy, tôi không còn gặp anh nữa. Anh tên là Bút…còn những ngọn núi đá kia, tôi thấy cũng giống như những bó bút nhấp nhô..( Phải chăng núi bút và tên anh Bút là phạm húy)
         Hai thiên niên kỷ trước …Phượng Sồ ( Bàng Thống ) một quân sư của Lưu Bị, thời Tam Quốc, dẫn quân tới một nơi vô cùng hiểm trở. Núi cao, hai bên liền sát vào nhau. Thống nghi hoặc, trỏ tay lên núi, hỏi mọi người là núi gì ? Một người bản xứ trả lời, là núi Lạc Phượng. Thống giật mình nói:
-Hỏng,hỏng. Ta hiệu là Phượng Sồ. Mà đây lại là núi Lạc Phượng dễ quan hệ đến tinh mạng ta…
         Trận ấy tả rằng: Tên đạn bắn như châu chấu bay, Phượng Sồ cùng bao nhiêu quân sĩ tử trận, người ngựa chết ngổn ngang.
         Ôi! Nhưng mà …anh Bút ơi…Tự tôi tưởng tượng núi đá nhọn như những cây bút, chứ ở đó mọi người gọi là lèn đá Siêng Phan, Pha Nốp cơ mà …Tôi cũng đại khái gọi theo thế, chứ nghĩa thực của nó, chắc người Lào họ không gọi là bút đâu…Chữ Lào như con giun con dế nào ai biết đằng nào mà lần.
Bốn nhăm năm đã trôi qua. Tôi vẫn luôn ao ước được có ngày trở lại nơi máu lửa đó, để tìm lại, nhớ lại, và ghi tên đồng đội mình lên vách đá …
--------------------------------------------------------
* Chú dẫn: “ Trong cuốn sách ( Chân trần –trí thép ) của tác giả người Mỹ  James Gzumalt, nhà xuất bản sự thật đã viết . Phía Hà Nội ghi nhận . Chỉ trong vòng ba mươi ngày ở đoạn đường dài 2000m này , địch đã ném 21769 quả bom tầm cao, trong đó có 4000 bom sát thương . Mỗi ngày ngọn đèo trung bình hứng chịu 707 quả bom, tương đương hai quả mỗi phút”
 Trích “ Hồi ký chiến tranh : NHỮNG NGÓN TAY VUÔNG của Trần Quang Thành Cựu chiến binh Trường Sơn”

 

tin tức liên quan