Sau khi cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979 của Trung Quốc đối với Việt Nam kết thúc, có rất nhiều nguồn tư liệu không đồng nhất về người chiến thắng và con số thương vong của quân đội hai nước.
Tháng 4 năm 1979, Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam ước lượng tổng thương vong của quân Trung Quốc là 62.500 người, phía Việt Nam có hàng chục nghìn chiến sĩ và dân thường chết và bị thương.
Mặc dù Việt Nam đánh giá đây là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử hàng ngàn năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam, nhưng cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc cũng gây ra những hậu quả nặng nề đối với chúng ta.
Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường (Lào Cai) bị hủy diệt hoàn toàn, khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân các tỉnh biên ải bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống; 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp.
Các cơ sở hạ tầng 6 tỉnh biên giới bị tàn phá rất lâu mới khôi phục được, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân vùng biên giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về lâu dài, cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của Trung Quốc đối với Việt Nam đã mở đầu cho hơn 10 năm căng thẳng trong quan hệ và tiếp tục xung đột vũ trang dọc biên giới giữa hai nước.
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố họ là người chiến thắng với tỉ lệ thương vong rất thấp. Sau khi cuộc chiến tranh xâm lược 1979 kết thúc, Tướng Ngũ Tu Quyền, Phó tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tuyên bố rằng, số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000, trong khi con số tương ứng của Trung Quốc là 20.000.
|
Thế giới đánh giá Trung Quốc đã thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979 |
Một số nguồn tin khác của Trung Quốc còn nói chiến thắng vĩ đại của quân đội nước này với tổn thất rất ít là 8.531 người chết và khoảng 21.000 bị thương.
Tuy nhiên, những công bố này đã nhanh chóng bị chính những cựu quân nhân Trung Quốc và những học giả quốc tế, những phóng viên chiến trường người Liên Xô, người Pháp…, đã từng lăn lộn trên biên giới Việt-Trung năm 1979 phản bác.
Theo nhà sử học người Pháp Gilles Férier viết trong cuốn “Gilles Férier. Les trois guerres d'Indochine” (tạm dịch: “Gilles Férier. Ba cuộc chiến tranh ở Đông Dương”) do Nhà xuất bản Đại học Lyon xuất bản năm 1993, có khoảng 25.000 lính Trung Quốc thiệt mạng và gần 500 xe bọc thép, pháo tự hành bị phá hủy, con số này phía Việt Nam cũng là gần tương tự nhưng thấp hơn một chút.
Đại tá Russell D. Howard thuộc Học Viện An Ninh Quốc Gia của Không Quân Hoa Kỳ cho rằng, quân Trung Quốc thương vong cỡ 60.000 người, trong đó số chết là 26.000. Cuộc chiến tuy ngắn ngày nhưng cũng đã tiêu tốn của nước này khoảng 1,3 tỷ USD và làm ảnh hưởng lớn tới quá trình cải tổ kinh tế.
Một số nguồn khác cũng đồng ý với con số thương vong ít nhất khoảng 50.000 của phía Trung Quốc. Theo tạp chí The Times thì có khoảng dưới 10.000 quân nhân Việt Nam thiệt mạng, còn Trung Quốc là trên 20.000. Còn nhà nghiên cứu King Chen (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, chỉ tính riêng tại các bệnh viện lớn ở Quảng Tây đã có ít nhất 30.000 thương binh Trung Quốc.
Như vậy, phần lớn các học giả và các nhà nghiên cứu trên thế giới đều cho rằng, ít nhất Trung Quốc cũng gánh chịu thiệt hại gấp đôi Việt Nam. Với số lượng binh lính, vũ khí trang bị áp đảo, cùng với lợi thế bất ngờ, đó quả thực là một thất bại lớn của Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc vấp phải thành đồng vách sắt
Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài, với lợi thế bất ngờ cùng sự áp đảo về quân số và trang bị, Đặng Tiểu Bình cho rằng, kết quả kém nhất thì trong tuần đầu tiên Trung Quốc cũng sẽ chiếm được 5 tỉnh của Việt Nam, nếu thuận lợi hơn sẽ dẫn cuộc chiến tranh xâm lược phát triển theo hướng khác.
|
Lực lượng khổng lồ của Trung Quốc đã không giúp họ giành chiến thắng |
Nhưng, sau khi nổ súng xâm lược Việt Nam, khả năng chiến đấu của quân và dân Việt Nam vượt qua khả năng dự đoán của Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của quân đội Trung Quốc, khiến họ hoảng loạn không tìm ra được kế sách gì đối phó với cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta.
Trên thực tế, Quân đội Trung Quốc đã phải huy động lực lượng của 5 Quân khu Quảng Tây, Quảng Châu, Côn Minh, Thành Đô, Vũ Hán và 1 Quân khu tỉnh (Vân Nam), gồm 10 quân đoàn, mỗi quân đoàn từ 3-4 sư đoàn; cùng với nhiều sư đoàn độc lập, mà sau 2 tuần mới chỉ tiến được vào lãnh thổ Việt Nam sâu nhất là khoảng 20km.
Ở mặt trận phía Đông (hướng Quảng Tây), quân Trung Quốc đã cần tới 16 ngày, huy động lần lượt 10 sư đoàn của 6 Quân khu và Quân khu tỉnh (lực lượng gần bằng tổng binh lực hai Quân khu Quảng Châu và Côn Minh) tham chiến để đánh chiếm thị xã Lạng Sơn, một thị xã chỉ cách biên giới 15 km.
Một luồng ý kiến đánh giá của tác giả Edward C. O'Dowd, thể hiện trong cuốn sách "Chiến lược quân sự Trung Quốc trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ 3" đã đánh giá rằng, quân Trung Quốc đã thể hiện trình độ chiến đấu rất yếu kém trong cuộc chiến.
Những lúc cao điểm, Trung Quốc tập trung ở hướng Lạng Sơn tới 2 Quân đoàn, với tổng cộng 6 sư đoàn (cùng với nhiều trung đoàn hỏa lực, phục vụ), đồng loạt tấn công nhưng đã bị một trung đoàn Việt Nam (tư liệu này cả ông O'Dowd có thể chưa chính xác, có thể đó là sư đoàn 3, tức Sư đoàn Sao Vàng, thuộc Quân khu 1, đóng quân ở Lạng Sơn) cầm chân trong 1 tuần.
|
Xe tăng Trung Quốc bị quân và dân ta bắn hạ ở bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng lúc 8 giờ sáng ngày 17/2/1979 |
Như vậy, trung bình mỗi ngày quân Trung Quốc chỉ tiến được 0,9 km và họ đã mất tới 16 ngày chỉ để chiếm được 1/10 quãng đường tới Hà Nội. Trong khi đó, một Quân đoàn khác cần 10 ngày để lấy Lào Cai và Cam Đường - hai đô thị trước thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, cách biên giới không đến 15 km.
Thực tế là sau 3 tuần huy động tối đa lực lượng đánh với bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Nam quân đội Trung Quốc mới chiếm được Lạng Sơn. Sau đó, do số thương vong quá lớn và chủ lực ta đã lên đến biên giới nên Trung Quốc buộc phải rút quân.
Cũng ở Mặt trận phía Đông, Quân đội Trung Quốc vất vả đến mức cần ít nhất 2 Quân đoàn quân liên tục tấn công tới 9 ngày để đánh chiếm Cao Bằng, thị xã mà mà trước đó Trung Quốc tính toán sẽ chiếm sau 2 ngày đầu của cuộc chiến.
Tại Quảng Ninh, một trung đội Việt Nam đã cầm chân một trung đoàn Trung Quốc đang trên đường chiếm núi Cao Ba Lanh giáp biên giới trong suốt 5 tiếng đồng hồ, gây thương vong cho 360 trong tổng số 2800 quân của trung đoàn này.
Một cuộc chiến thất bại toàn diện
Học giả King Chen của Đài Loan đánh giá, bên cạnh thành công trong việc bám theo được khá sát các kế hoạch tiến quân và rút quân, quân đội Trung Quốc không hoàn thành được những mục đích đã đề ra, nhiều nhất chỉ đạt được một nửa các mục tiêu, chủ yếu là về khía cạnh phá hủy kinh tế Việt Nam.
Về mặt ngoại giao, cuộc chiến của Trung Quốc đã tạo ra được hiệu quả gì? Không gì cả! Nó không thể cắt đứt được mối quan hệ hữu nghị Việt-Xô; không buộc được Việt Nam rút quân khỏi mặt trận biên giới Tây Nam; ngược lại, bộ mặt xâm lược giả dối của Bắc Kinh lại bị lật tẩy qua cuộc chiến này.
|
Quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam nhưng đã phải ôm đầu máu quay về |
Về quân sự thì đã quá rõ ràng, điểm yếu của quân Trung Quốc là lạc hậu về chiến thuật tác chiến, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, tinh thần kém, không phát huy được thế mạnh về lực lượng và trang bị. Đây là hậu quả của việc quân đội Trung Quốc không có cải thiện gì về chiến thuật tác chiến kể từ sau chiến thuật “biển người”, “biển hỏa lực” ở chiến tranh Triều Tiên những năm 1950.
Ngoài ra, vấn đề quan trọng nhất là họ không lường trước được thế trận phòng thủ nhân dân của Việt Nam hiệu quả đến mức nào.
Dân quân, du kích Việt Nam thể hiện sức đề kháng không hề nao núng và thể hiện năng lực tác chiến rất linh hoạt, họ còn thực hiện các cuộc tấn công nguy hiểm hơn so với bộ đội chính quy, làm nên nét độc đáo và đầy bất ngờ của chiến thuật phòng ngự chủ động của Việt Nam
Cuộc chiến tranh này đã cho thấy Trung Quốc đã không lường trước được sự khó khăn khi triển khai cuộc chiến tranh xâm lược đối với một nước có thế trận chiến tranh nhân dân sáng tạo.
Với quân số và vũ khí áp đảo, quân Trung Quốc đã không tiêu diệt được sư đoàn nào của Việt Nam, mà còn bị đánh tiêu diệt hoặc thiệt hại nặng nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, trung đoàn.
Những tổn thất nhân mạng như vậy lặp lại trên toàn mặt trận đã cho thấy quân đội Trung Quốc đã không có chiến thuật thích hợp để phát huy được ưu thế về quân số và trang bị một cách hiệu quả, do đó không thể đạt được tốc độ hành binh như mong muốn trong chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”.
Không chỉ những học giả nước ngoài mà ngay cả trong giới chức lãnh đạo chóp bu của nước này như Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh…, cũng đã buộc phải thừa nhận thất bại cay đắng của quân đội Trung Quốc (tuy bề ngoài vẫn tuyên bố là “chiến thắng”, “đạt mục đích đề ra”).
|
Trung Quốc đã bất lực trước thế trận chiến tranh nhân dân của Việt Nam |
Theo bản dịch bài phát biểu của Đặng Tiểu Bình trong hội nghị quân chính nội bộ ngày 16/3/1979 (đúng hôm rút quân về nước), do ông Dương Danh Dy (nguyên là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu từ 1993 đến 1996) dịch năm 2011, Đặng Tiểu Bình đã bày tỏ thái độ rất không hài lòng về kết quả yếu kém của cuộc chiến tranh xâm lược.
Đặng Tiểu Bình đã chỉ trích gay gắt các quan chức chính quyền và các lãnh đạo quân đội về thất bại trong cuộc chiến tranh. Bài phát biểu của Đặng thừa nhận, vũ khí, quân số của Trung Quốc đều gấp mấy lần Việt Nam, ở Cao Bằng chí ít là 5 đánh 1, thậm chí 6 đánh 1; ở Lạng Sơn, Lào Cai cũng gấp mấy lần, thậm chí 6 đánh 1, 7 đánh 1; nhưng thương vong của Trung Quốc lại gấp 4 lần so Việt Nam.
Đặng thậm chí còn thốt lên rằng: “Thần thoại của chúng ta đã bị hủy diệt” (ý nói về uy thế của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bị hủy diệt dưới tay Quân đội Nhân dân Việt Nam).
Còn Thượng tướng Trần Tích Liên, nguyên Tư lệnh Lực lượng pháo binh, nguyên Tư lệnh Đại Quân Khu Thẩm Dương, nguyên Tư lệnh Đại Quân khu Bắc Kinh, nguyên Phó Thủ tướng Trung Quốc trong cuốn “Trong nội bộ Đảng cần để mọi người phát biểu, nói lên sự thực” xuất bản tháng 1/1988, đã gọi Thượng tướng Hứa Thế Hữu - Tư lệnh mặt trận phía Đông, Tổng chỉ huy quân đội Trung Quốc trong cuộc chiến 1979, là “tên điên”, là “kẻ làm càn, mê muội”.
Vị tướng này chỉ ra rằng, quân Trung Quốc, không những tấn công không mạnh mà phòng thủ cũng quá kém. 3 Quân đoàn, mười mấy sư đoàn, trong đó 60% là bộ binh cơ giới, khi đột phá trung tâm thì một tuyến phòng ngự cũng không dựng nổi, để cuối cùng bị (quân Việt Nam) phản kích đánh cho thảm hại.
Thượng tướng Trần Tích Liên thẳng thắn chỉ trích khả năng tác chiến quá tồi của quân đội nước này: “Đây gọi là tác chiến kiểu gì? Là cuộc chiến dốt nát, là cuộc chiến ngu xuẩn, là cuộc chiến điên rồ, lính chết đầy ra đấy nhưng không ai dám kêu oan”.