HỘI TRUYỀN THỐNGTRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM
60 NĂM BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN ANH HÙNG
(19-5-1959 * 19-5-2019)
Để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Ban Tuyên truyền – Thi đua Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam biên soạn tài liệu mang tên “60 năm Bộ đội Trường Sơn Anh hùng”.
Trân trọng giới thiệu để các cấp Hội, các Ban Liên lạc, các đơn vị truyền thống sử dụng tài liệu tuyên truyền này trong dịp kỷ niệm sự kiện trọng đại 60 năm Bộ đội Trường Sơn, 19-5-2019.
1-SỰ RA ĐỜI CỦA ĐOÀN QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT – ĐOÀN 559.
- Đầu tháng 1 năm 1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (Khóa II) mở rộng tại Hà Nội do Bác Hồ chủ trì. Hội nghị xác định: "Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam, phương pháp cách mạng và phương thức đấu tranh là dùng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đánh đổ quyền thống trị của đế quốc, phong kiến; trước mắt là đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thiết lập chính quyền cách mạng". Nghị quyết còn chỉ ra phương hướng xây dựng, chiến đấu của lực lượng vũ trang trên hai miền Nam-Bắc; giao nhiệm vụ cho quân đội chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình cách mạng.
- Thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy, chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm (lúc đó là Cục phó Cục Nông trường Quân đội) làm Đoàn trưởng. Đoàn 559 tổ chức Tiểu đoàn vận tải bộ mang tên 301, tổ chức thành 11 Đội (9 Đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 Đội trinh sát bảo vệ, 1 Đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, xây dựng kho, bao gói hàng hoá, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm...). Bộ Tổng Tham mưu đã tăng cường cho Đoàn 559 ba trung đội trinh sát (từ Lữ đoàn 341) cùng với lực lượng trinh sát của D301 làm nhiệm vụ bảo vệ những cung đường trọng yếu của tuyến chi viện.
Ngày 19/5/1959 trở thành ngày Truyền thống của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
- Đầu tháng 6 năm 1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó, phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật của công tác chi viện, khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này của Đoàn 559, là: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.
- Ngày 13/8/1959, sau 8 ngày đêm, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã được đưa tới Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn. Chuyến hàng đầu tiên tuy ít ỏi song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Liên khu 5, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và tình cảm của Bác Hồ, của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào miền Nam.
18 tháng làm nhiệm vụ chi viện, Đoàn 559 đã giành được thắng lợi bước đầu quan trọng: Mở tuyến giao liên, vận tải quân sự dài hàng trăm ki-lô-mét trong điều kiện vô cùng khó khăn và gian khổ, địa hình bị chia cắt và kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Theo những con đường rừng ấy, hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho lực lượng vũ trang Liên khu 5 và Tây Nguyên, hơn hai ngàn cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân an toàn vào các chiến trường.
Tổng Quân uỷ đã đánh giá: "...Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta...".
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 đã viết nên màn dạo đầu của bản trường ca hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
2-PHÁT TRIỂN TUYẾN CHI VIỆN, BƯỚC ĐẦU TỔ CHỨC VẬN TẢI CƠ GIỚI.
- Thực hiện Nghị quyết của Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng (Đại hội tổ chức từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960), ngày 31/1/1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961-1965) và phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng miền Nam lúc này là: Phát triển nhanh lực lượng vũ trang, cả lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động; chú trọng mở rộng đường hành lang vận chuyển Bắc-Nam, cả đường bộ và đường biển; tăng cương cán bộ chỉ huy, chính trị, hậu cần và một số đơn vị chiến đấu cấp đại đội, tiểu đoàn, nâng dần quy mô và khối lượng tiếp tế, vận chuyển phương tiện, vũ khí, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam...
- Sau khi được hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào chấp thuận, ngày 16-4-1961, Đoàn 559 khẩn trương “lật cánh” sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn Lào. Cuối tháng 6 năm 1961, đường mới mở nối liền Đường 12 ở Lằng Khằng tới Pác Nha Năng; Mùa khô 1961 – 1962 đã thông tới Đường số 9 ở Mường Phìn tỉnh Savannakhet. C1, E245 biệt phái cho Đoàn 559 đã vận chuyển trên đường 12, đường 9 vào giao hàng ở Bản Đông. Đây là một bước phát triển quan trọng của tuyến chiến lược 559 – Đường Hồ Chí Minh. Từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn, Đoàn 559 mở thêm đường dọc theo biên giới Việt - Lào và đặc biệt quan trọng là Đường Tây Trường Sơn. Từ đường gùi thồ, Đoàn đã tiến tới mở thêm ở Tây Trường Sơn gần 200 km đường cho xe cơ giới.
Do yêu cầu của tình hình, vào thời kỳ này mọi hoạt động và thành tích của Đoàn 559 không được tuyên truyền công khai dưới mọi hình thức.
- Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp Sư đoàn; thành lập thêm Trung đoàn 71 trực thuộc Đoàn 559. Bộ Tổng Tham mưu bổ sung cho Đoàn 559 thêm 800 tân binh từ Nghệ An, Hà Tĩnh và 400 cán bộ chiến sĩ thuộc đối tượng quân tình nguyện. Đây là số chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đầu tiên tăng cường cho Tuyến chi viện chiến lược 559.
- Năm 1961, với tuyến đường mới, Đoàn 559 đã vận chuyển bằng cơ giới vào Làng Ho (Quảng Bình), Khe Ve, Khe Hó (Quảng Trị) giao cho Khu 5 được 317 tấn (265 tấn vũ khí, trang bị, 52 tấn hàng dân dụng); vận chuyển tiếp tế bảo đảm hành quân 91 tấn gạo, tiếp tế cho Mặt trận Trị - Thiên 20 tấn gạo và muối; ngoài ra còn 117 tấn vũ khí trang bị được chuyển tải trên tuyến, lập chân hàng ở khu vực Đường 9; tổ chức đưa đón, bảo đảm cho 7.664 cán bộ, chiến sĩ qua tuyến tăng cường cho các chiến trường và 616 người từ Nam ra Bắc tuyệt đối bí mật, an toàn.
- Mùa khô 1963-1964, Tổng cục Hậu cần quyết định tăng cường lực lượng cơ giới vận chuyển hàng trên đường 129; Đoàn xe 245 được điều động vào Trường Sơn. Ngày đầu nhập tuyến với 60 chiếc sau đó nâng dần lên hàng trăm chiếc. Bộ Quốc phòng quyết định tăng cường cho Đoàn 559 một đơn vị trung đoàn vận tải cơ giới vào Trường Sơn, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của quá trình tổ chức vận chuyển cơ giới trên tuyến chi viện chiến lược.
Cuối tháng 9 năm 1963, Đoàn 559 chuyển giao cho chiến trường 240 tấn vũ khí, trang bị; tiếp tế cho hành lang Trị - Thiên 11, 232 tấn gạo, bảo đảm 47,256 tấn gạo cho hành quân.
- Tháng 5/1963, Mỹ-nguỵ điều 6 tiểu đoàn bộ binh có máy bay yểm trợ mở cuộc hành quân "Lam Sơn 12" càn quét vào khu vực tây Trao (Trạm 3), cắt đứt hành lang vận chuyển của Khu 5. Đoàn 559 đã tổ chức 3 tiểu đoàn vào "tiếp quản" hành lang vận chuyển của Khu 5 và kéo dài thêm 8 cung trạm trên tuyến hành lang chiến lược từ Pe Hai, A Túc vào đến La A Bơ Rơ.
- Tháng 6/1964, Trung đoàn công binh 98 là trung đoàn công binh đầu tiên được Bộ điều vào tăng cường lực lượng cho Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở đường cơ giới. Sau 3 tháng quên mình làm nhiệm vụ, E98 đã hoàn thành mở đường cơ giới từ Mường Noòng vào Bạc. Cũng thời gian này, Đoàn 559 giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 70 khai thác vận tải đường sông, tạo nguồn hàng để D4 gùi thồ vào Tà Xẻng.
- Tháng 10/1964, Trung đoàn ô tô vận tải 265 được điều vào tăng cường cho Đoàn 559.
- Để tăng cường bảo vệ tuyến hành lang vận chuyển, tháng 11/1964, Bộ quyết định tăng cường 2 tiểu đoàn pháo phòng không cho Đoàn 559. Ngày 18/11/1964, lực lượng pháo phòng không bảo vệ Bãi Dinh và Cha Lo, tây Quảng Bình đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi máy bay Mỹ. Trong trận chiến đấu dũng cảm này xuất hiện tấm gương chiến đấu dũng cảm của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, với lời hô "Nhằm thẳng quân thù mà bắn". Lời hô của anh đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, khẩu hiệu của lực lượng pháo phòng không Việt Nam trong cuộc chống Mỹ, cứu nước.
Sau hơn 5 năm thực hiện nhiệm vụ, Đoàn 559 đã mở hệ thống gùi thồ, đường ô tô dã chiến kết hợp với đường sông với tổng chiều dài gần 2.000 km (có 751 km đường ô tô, hơn 600km đường gùi, thồ, đường giao liên và hơn 300 km đường sông); vận chuyển giao cho các chiến trường 2.912 tấn, hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ được bảo đảm hành quân qua tuyến vào công tác và chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
3-TỔ CHỨC VẬN TẢI CƠ GIỚI, CHIẾN ĐẤU CHỐNG CHIẾN TRANH NGĂN CHẶN CỦA ĐỊCH, TRỰC TIẾP
THAM GIA CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG TẾT MẬU THÂN 1968.
- Ngày 3/4/1965, Thường trực Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết nâng cấp Đoàn 559 thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp Quân khu. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh 559. Bộ Tư lệnh 559 được tổ chức thành 3 Tuyến (1,2,3). Tuyến tương đương cấp Lữ đoàn, chưa kể các đơn vị trực thuộc.
- Đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá ác liệt tuyến giao thông vận tải Nam Khu 4 hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đế quốc Mỹ cũng tăng cường đánh phá trực tiếp tuyến chi viện của Đoàn 559 bằng mọi thủ đoạn và cường độ. Phong trào bắn rơi máy bay địch bằng mọi thứ vũ khí, trên mọi địa hình, trong mọi thời tiết được phát động trong các đơn vị trên toàn tuyến. Tháng 2/1967, toàn tuyến bắn rơi 38 chiếc máy bay, tháng 4 bắn rơi 39 chiếc, có 6 chiếc hạ bằng súng bộ binh, 3 chiếc rơi ban đêm...
- Năm 1965 mở các đường ô tô: Đường 128 song song với đường 129, Đường 20, Đường 12; Mở các tuyến đường thồ: Đường B44, B46 và C4… Năm 1966, Bộ Tư lệnh 559 bỏ Tuyến, thành lập 7 Binh trạm nhằm tăng cường chỉ huy trực tiếp.
- Ngày 1 tháng 1 năm 1967, Quân ủy Trung ương quyết định Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đặc trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Đoàn 559 thay Tư lệnh Hoàng Văn Thái nhận nhiệm vụ khác. Cũng thời gian này, 5 đơn vị và 3 cá nhân của Bộ Tư lệnh 559 lần đầu tiên được tuyên dương Anh hùng LLVTND là: D20 cao xạ, D25 công binh, C1 thuộc D52 và C9 thuộc D102 ô tô vận tải, C4 súng máy 12,7 ly; Trần Minh Khâm (lái xe), Hoàng Văn Nghiên (công binh), Nguyễn Viết Sinh (giao liên). Tiểu đoàn 52 vận tải vinh dự được Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. (Bác ủy nhiệm cho phái đoàn Thường trực Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Man Việt Nam đến trao tặng).
- Cuối mùa khô 1966-1967, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì làm việc với Bộ Tư lệnh 559, đánh giá cao sự sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn và khẳng định chủ trương cơ giới hóa Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn là chính xác.
- Giữa tháng 7 năm 1967, Bộ Tư lệnh 559 tổ chức Mừng công lần thứ 3, đón nhận Huân chương Quân công Hạng Nhất. Đến thời điểm này các phương tiện thông tin đại chúng lần đầu tiên được phép tuyên truyền về tổ chức và hoạt động của Đoàn 559 với tên gọi “Đoàn vận tải quân sự Quang Trung”. (Vì thế mà hòm thư của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh 559 từ đấy đều lấy ký hiệu là TQ 90…)
- Tháng 11 năm 1967, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh 559 họp Hội nghị chuyên đề và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Binh trạm về công tác giúp bạn Lào tại 11 huyện dọc theo tuyến hành lang một cách toàn diện và kiện toàn đội ngũ chuyên gia giúp bạn.
- Mùa khô 1967-1968, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị Tuyến 559 vừa thực hiện nhiệm vụ vận chuyển chiến lược, vừa vận chuyển chiến dịch, khi cần thì làm cả nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Trong khi làm nhiệm vụ, Tuyến 559 phải kết hợp chặt chẽ thành một khối với các chiến trường Trị-Thiên, Khu 5, Tây Nguyên và Đoàn 565 bộ đội tình nguyện tại Nam Lào để giữ bằng được con đường vận chuyển chiến lược ngày càng vững chắc, phát triển sâu vào các chiến trường; tăng cường lực lượng bảo vệ trên không và mặt đất đất, khi cần thì chuyển các hoả lực tăng cường cho chiến trường. Bản thân Tuyến 559 vừa là một tuyến chiến đấu, vừa mang tính chất một bộ phận tiền phương của Bộ đối với các lực lượng hành quân qua tuyến, đồng thời cũng là căn cứ chiến lược chung của các chiến trường.
Bộ đội Trường Sơn với cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Kế hoạch vận tải chi viện năm 1967 -1968 được Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng – Tổng Tư lệnh giao trực tiếp việc chuẩn bị cho kế hoạch Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Nội dung còn ghi rõ phải cơ động hàng ngàn người hỏa tốc vào chiến trường bằng xe cơ giới và dùng xe có trọng tải nhỏ chở hàng Z (các loại tiền) vào gấp chiến trường.
Bộ Quốc phòng còn giao Bộ Tư lệnh 559 mở gấp đường thông xuống Thừa Thiên Huế và khai thông đường từ Savanakhet xuống Khe sanh – Lao Bảo; mở đường từ ngã ba biên giới áp sát thị xã Công Tum. 2 con đường xuống Thừa Thiên Huế lấy tên là đường B72 và B73. Đặc biệt, mở đường B73 từ A Lưới xuống tận Bình Điền. Đường này đã cơ động Binh đoàn pháo binh BA74 (pháo nòng dài 122 ly) để đánh vào thành phố Huế. Các Binh trạm 42, Binh trạm 37, Binh trạm 44 (3 Binh trạm tiếp giáp với chiến trường B4, B1, B3 và B2) hoàn thành vượt mức kế hoạch giao hàng cho các chiến trường đạt từ 106 -131%. Bộ Tư lệnh 559 đã bảo đảm cho phân đội xe tăng, thiết giáp lội nước cơ động theo đường 20 đến Sê Pôn dọc theo sông Sê Pôn để mở màn cho chiến dịch đánh vào Làng Vây, Khe Sanh, ngày 20/1/1968. Trận đánh Làng Vây là trận đánh xe tăng kết hợp với bộ binh đầu tiên của quân đội ta trên chiến trường. Lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia chiến dịch này gồm Binh trạm 33 do đồng chí Võ Văn Quỳ làm Binh trạm trưởng, Nguyễn Văn Lạn, Phó Chính ủy phụ trách. Binh trạm đã xây dựng khu kho dã chiến ở Bản Đông trực tiếp phục vụ chiến dịch; Trung đoàn công binh 251 do đồng chí Mai Sơn, Trung đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Chi Lăng làm Chính ủy mở đường thông xuống đến Trạm 8 của Quân khu Trị Thiên (gọi là B5-T8). Lực lượng phòng không có Tiểu đoàn 20 do đồng chí Lê Xuân Ôn là Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chốt ở cửa khẩu Lao Bảo bảo vệ lực lượng vận chuyển đạn dược phục vụ chiến dịch từ phía tây.
Lực lượng công binh nâng chất lượng cầu đường được 1.567 km; mở thêm 457 km đường mới, làm được 15.412m cầu, bảo đảm vận chuyển quy mô lớn và cơ động binh khí kỹ thuật thông suốt. Đây là tiền đề để BTL 559 bước vào thực hiện nhiệm vụ phục vụ cho Tổng tấn công Mậu Thân.
Phục vụ trực tiếp cho Mậu Thân 1968, BTL 559 lần đầu tiên vận chuyển cơ giới cho 1.977 người hoả tốc vào chiến trường đúng thời gian quy định. Đây là một bước phát triển mới trong chỉ huy vận tải quân sự.
Khi cuộc tổng tấn công Mậu thân nổ ra, Binh trạm 42 (Lúc đó gọi là Binh trạm 7) trực tiếp vận tải lương thực, đạn dược theo đường B72, B73 tiếp tế trực tiếp cho bộ binh đánh vào TP. Huế. Trung đoàn 98 và Trung đoàn 4 công binh Trường Sơn bảo đảm cầu đường cho chiến dịch.
Thượng tướng Lê Khả Phiêu, lúc đó là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 đã xác nhận sự nỗ lực bảo đảm hậu cần của Bộ đội Trường Sơn đã tạo điều kiện thuận lợi lớn cho lực lượng của Trị Thiên giữ được TP. Huế trong hơn một tháng.
Sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968, Bộ đội Trường Sơn còn lập kỳ tích hậu Mậu Thân trong cuộc ngăn chặn cuộc hành quân của Mỹ ngụy đánh phá hậu cứ Quân khu Trị Thiên và lực lượng Bộ đội ở Tây Thừa Thiên Huế, vùng A Sầu, A Lưới vào ngày 19/4/1968. Lực lượng của địch với quy mô lớn gồm Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ, Lữ đoàn dù số 3 của ngụy. Ngày 24/4/1968 chúng lại đổ thêm một số tiểu đoàn Mỹ ngụy xuống Pru Dốc. Ngày 28/4 địch lại đổ thêm quân ở ngã ba Tà Lương, đường đi Huế. Tổng số quân Mỹ và ngụy có đến 16 tiểu đoàn. Lực lượng chủ lực của Quân khu Trị Thiên có Sư đoàn 324 và 325 trực tiếp chiến đấu. Lực lượng của Bộ đội Trường Sơn có Binh trạm 7 (42) được tăng cường gồm Tiểu đoàn 36 cao xạ, đại đội 4 súng máy 12,7 và 14,5 ly; đại đội 23 bộ binh cùng 2 tiểu đoàn bộ binh khác. Bộ Tư lệnh 559 cử đồng chí Lê Đình Sum, Phó Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Trong cuộc chiến đấu chống cuộc hành quân của Mỹ ngụy, Quân khu Trị Thiên và Bộ đội Trường Sơn đã đánh gây thiệt hại lớn cho địch. Trong đó có việc tiêu diệt nhiều lực lượng quân Mỹ ở đồi A Bia, khiến quân Mỹ bị thiệt hại nặng nề, buộc địch phải rút chạy.
Lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã diệt 734 tên Mỹ, 105 tên ngụy, bắn rơi 86 máy bay các loại. Tuy nhiên ta cũng bị thiệt hại nhiều với hàng trăm tấn hàng hóa bị phá hủy; 150 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhiều xe máy bị phá hủy.
Đây là trận thắng lợi lớn nhất của Bộ đội Trường Sơn sau Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Thắng lợi này khẳng định lực lượng Bộ đội Trường Sơn không chỉ giỏi trong vận chuyển chi viện, cơ động bộ đội mà còn giỏi trong chiến đấu trực tiếp chống lại kẻ địch với lực lượng bộ binh hùng hậu được lực lượng lớn máy bay yểu trợ của Mỹ ngụy.
- Bộ Tư lệnh 559 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường mở Chiến dịch Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá thắng lợi tại Lễ mừng công tổng kết mùa khô 1968-1969 của BTL 559: “Một điều hết sức quan trọng là cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của Bộ Tư lệnh 559 đã xác minh một sự thật là trong điều kiện địch đánh phá giao thông ác liệt, ta vẫn có thể thực hiện đều đặn, ngày càng cao hơn việc tiếp tế vận tải cho tiền tuyến, vượt qua những hành động điên cuồng của kẻ địch có nhiều phương tiện hiện đại”.
Nhân dịp này, Bác Hồ đã gửi tặng Lẵng hoa cho Bộ Tư lệnh 559.
Lần thứ hai, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT cho 4 đơn vị và 9 cá nhân của BTL 559.
4- ĐÁNH BẠI ÂM MƯU NGĂN CHẶN BẰNG MỌI THỦ ĐOẠN CỦA ĐỊCH BẰNG KHÔNG QUÂN VÀ BỘ BINH,
THỰC HIỆN THẮNG LỢI CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 – NAM LÀO.
- Đầu tháng 3/1969, đường ống xăng dầu đã vào tới Tuyến 559, tạo nên yếu tố quan trọng cho vận chuyển cơ giới quy mô lớn. Đến cuối năm 1969, đường ống dẫn xăng dầu từ hậu phương vào chiến trường theo 2 trục: Đường 12 và Đường 18 đã hoàn thành. Đây là một kỳ tích đồng thời là một sáng tạo của Đoàn 559 trong việc nâng cao hiệu quả, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện. Cũng thời gian này, hệ thống thông tin tải ba từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh đến Sở Chỉ huy các Binh trạm, Trung đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội…trên toàn hệ thống đường bộ, đường sông, đường giao liên đã thông suốt, liên tục. Đây không những chỉ là kỳ tích mà còn là sự phát triển của các lực lượng trên tuyến đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hiệu quả của công tác chỉ huy, chiến đấu trong điều kiện mới.
Sau khi buộc phải tạm ngừng ném bom miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng không quân tập trung đánh phá Tuyến 559 ác liệt chưa từng thấy. Bộ đội Trường Sơn vẫn kiên cường làm thất bại mọi âm mưu ngăn chặn của địch giữ vững được tuyến chi viện, đặc biệt là đánh bại cuộc hành quân của sư đoàn bộ binh "Anh cả đỏ" của Mỹ ra vùng căn cứ Trị - Thiên; tham gia Chiến dịch giải phóng Khe Sanh (Quảng Trị); bảo đảm đưa 120 đoàn với 30.800 quân vào bổ sung cho chiến trường Nam Bộ, đưa 4.000 thương binh từ Nam Bộ ra hậu phương miền Bắc.
Kết thúc mùa khô 1969-1970, BTL 559 đã giành thắng lợi to lớn và toàn diện tốt nhất từ trước tới nay.
- BTL 559 được Bộ Chính trị phê duyệt theo đề nghị của Quân ủy Trung ương về việc tăng cường về tổ chức cho BTL 559: Thành lập Bộ Tư lệnh khu vực 470, Bộ Tư lệnh Hậu cứ 571 (tương đương cấp sư đoàn), thành lập thêm Cục Tham mưu Phòng không, Cục Chuyên gia, Cục Sản xuất và Văn phòng Bộ Tư lệnh; sáp nhập Sư đoàn quân tình nguyện 968 và Đoàn chuyên gia quân sự 565 về trực thuộc Bộ Tư lệnh 559.
Ngày 29/7/1970, Quân ủy Trung ương quyết định đổi tên Bộ Tư lệnh 559 thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh và Quân ủy Trung ương, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thống nhất lãnh đạo, chỉ huy tất cả các lực lượng hoạt động của ta tại Trung, Hạ Lào. Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường rộng lớn.
- Mùa khô 1970-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn được Bộ bổ sung 24.114 người, trong đó có 3.335 lái xe, 382 thợ sửa chữa, 124 kỹ thuật viên đường ống; về phương tiện: bổ sung 3.657 ô tô các loại, 96 máy húc, 64 xe BTR phóng từ, 188 xe ben. Tăng cường 3 trung đoàn công binh (219, 83 và 7); phối thuộc 6 trung đoàn phòng không, trong đó có 4 trung đoàn cao xạ (282, 224, 284, 230), 2 tiểu đoàn cao xạ (105, 11) và 2 trung đoàn tên lửa phòng không (238, 275).
Tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
-Ngày 26-6-1970, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Vũ Xuân Chiêm đã làm việc với Thường trực Quân ủy Trung ương. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí Thư Quân ủy TƯ đã dự báo và lưu ý Bộ Tư lệnh Trường Sơn: Sắp tới Mỹ đặc biệt chú trọng đánh phá vùng Trung – Hạ Lào và Đông bắc Campuchia. Không những bằng không quân, biệt kích mà có thể dùng lực lượng bộ binh lớn của Mỹ, ngụy Sào Gòn, Thái Lan, Lào và Campuchia mở cuộc tiến công lớn binh chủng hợp thành. Hướng chủ yếu là đường 9 Nam Lào hòng ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn... Vì vậy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phải theo dõi và chuẩn bị cho tình huống này. BTL Trường Sơn với binh chủng hợp thành mạnh, rất quen thuộc chiến trường, vì vậy phải là lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch, là lực lượng tại chỗ đánh địch và là căn cứ hậu cần chiến dịch... Dù trong tình huống nào Bộ Tư lệnh Trường Sơn vẫn phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược…
-Hệ thống thông tin hữu tuyến và tải ba của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phục vụ đắc lực cho chỉ huy của Bộ và các đơn vị chủ lực của Bộ với Bộ đội Trường Sơn trong chiến dịch.
-Ngày 29-12-1970, Bộ Tư lệnh họp gấp để giao nhiệm vụ tác chiến cho các Binh trạm: 27, 9, 41, 34, 32, 31, 14 và 12. Các Binh trạm 9, 27, 41 chuyển hẳn sang vận chuyển chiến dịch và là đơn vị tại chỗ đánh địch cả trên không và dưới mặt đất. Bộ binh hóa các lực lượng của các Binh trạm này. Mỗi Binh trạm đều được tăng cường đơn vị súng máy 12,7 và 14,5 ly.
-Tổ chức tại bắc và nam đường 9 khu vực từ Bản Đông đến Mường Phìn dài 100 km, với tâm điểm là tam giác: Bản Đông – Tha Mé – La Hạp với thế trận phòng không liên hoàn tầng cao, tầng thấp giăng khắp những nơi địch có thể đổ bộ bằng trực thăng, kết hợp phục kích, tập kích ngăn chặn địch tiến vào tuyến chi viện chiến lược. Nối mạng thông tin đến tất cả các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch. Tổ chức mạng lưới cấp cứu, chuyển thương, điều trị tăng cường cho chiến dịch.
-Tính đến 28-1-1971, các lực lượng phòng không Trường Sơn được huy động tham gia chiến dịch gồm: 5 E cao xạ (có 1 E tên lửa), 10 D cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy 12,7 và 14,5 ly. Tất cả được bố trí thành 8 cụm chiến đấu.
-Đã thi công xong 2 trục dọc và 2 trục ngang đường phục vụ chiến dịch từ Chà Lì vào đường số 9.
-Ngày 30-1-1971, địch đã mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường 9 – Nam Lào. Hơn 4 vạn quân chủ lực ngụy Sài Gòn và 6.000 quân Mỹ gồm những đơn vị tinh nhuệ cùng 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 42 máy bay B52) được huy động vào cuộc hành quân. Các đơn vị xe tăng, pháo binh của địch từ Đông Hà tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. 4 tiểu đoàn ngụy Lào của GM30, GM33 từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, tây đường 9.
-Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận đường 9 (mật danh Mặt trận 702), cử Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Thiếu tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Quang Đạo làm Chính ủy...
-Bộ đội Trường Sơn được giao nhiệm vụ: Bình tĩnh, khéo léo lừa địch, nhử địch vào sâu, cất vó một trận, diệt trực thăng đích đáng để địch biết thế nào là “Đường mòn Hồ Chí Minh”.
-Bắt đầu từ 8 giờ ngày 8 đến 10-2-1971, E591 cao xạ của Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 14 máy bay trực thăng đổ quân của địch. Tiếp sau đó bắn rơi thêm 5 máy bay nữa. Các đơn vị 12,7 ly của tiểu đoàn 27 công binh thuộc Binh trạm 41 bắn rơi 13 chiếc (có 7 chiếc H34) ở khu vực Bản Đông và cầu Ka Ky; Tiểu đoàn 18 cao xạ và tiểu đoàn 35 súng máy 14,5ly Binh trạm 27 bắn rơi 15 máy bay trực thăng ở cao điểm 500, 300...
-Từ ngày 11 đến 22-2-1971 các đại đội bộ binh, công binh và đại đội kho Q3 thuộc Binh trạm 27 đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch, phá huỷ nhiều xe thiết giáp, diệt 161 tên, xóa sổ một trung đội địch ở bắc Làng Sen. Tiểu đoàn 4 thuộc E24 chốt ở cao điểm 351, bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của địch từ Huội San lên Bản Đông.
-Ngày 11-2-1971, hai cánh quân địch từ Bản Đông tiến lên cầu chữ S bị C11, D161 công binh thuộc BT 27 bố trí bãi mìn kết hợp với hỏa lực bộ binh diệt một trung đội, phá hủy 5 xe tăng, 4 xe bọc thép.
-Ngày 12-2-1971 địch tiến lên Bản Keng lại bị D161 chốt ở cao điểm 229 sử dụng mìn định hướng và súng chống tăng B40, B41 diệt 10 xe tăng, bắn rơi 9 máy bay, không cho chúng phát triển lên Sê Pôn.
-Ngày 13-2-1971, một phân đội của D35 công binh thuộc BT33 chốt giữ cao điểm 639 phía đông phà Tha Mé bắn rơi 7 trực thăng, diệt 50 địch, buộc chúng phải đổ quân xuống cao điểm 733 và đèo Yên Ngựa. Đêm cùng ngày, C5 bộ binh và D1 công binh thuộc BT41 đánh thắng một trận lớn diệt gọn 1 tiểu đoàn ngụy, bắt sống tên tiểu đoàn trưởng và nhiều tên khác. Trận này B trưởng Bùi Văn Tâm dùng B41 diệt 37 tên địch.
-Từ ngày 28 đến 1-3-1971, tại cao điểm 550, C4 súng máy 12,7 ly và D4 cao xạ thuộc BT41 bắn rơi 14 máy bay địch, đánh lui nhiều đợt tấn công của bộ binh địch, diệt 41 tên.
-Từ ngày 30-1 đến 10 -2-1971, địch đã sử dụng 400 lần chiếc B52 và 2.246 lần máy bay cường kích giội bom rải thảm xuống các khu vực địa bàn quân ta tiến vào địa bàn chiến dịch. Do ta chuẩn bị địa bàn tốt nên chỉ 3 ngày 3 đêm ta đã bảo đảm cho 8 trung đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn tăng, 3 trung đoàn cao xạ cùng nhiều phương tiện khác vượt khẩu đến vị trí tập kết an toàn. Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn vượt qua khó khăn ác liệt vẫn bảo đảm cơ sở vật chất cho mọi lực lượng tham gia chiến dịch đánh lớn, thắng liên tục.
-Ở khu vực nam đường 9, trong 3 ngày 27, 28 tháng 2 và ngày 5 tháng 3 năm 1971, địch đổ quân xuống dãy điểm cao Phu Ta Lăng bị bộ đội Trường Sơn bắn rơi 40 máy bay lên thẳng, diệt gọn 8 đại đội, chặn không cho chúng đổ bộ đánh chiếm.
-Ngày 11-3-1971, Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh trạm trưởng 27: Ngày 12-3-1971, trước giờ nổ súng phải bảo đảm cho hướng tấn công chủ yếu 2.000 quả đạn pháo 130 ly. Tiếp đó mỗi ngày phải bảo đảm 200 tấn đạn và lương thực...
-Ngày 23-3-1971 chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào kết thúc thắng lợi. Quân ngụy Sài Gòn – lực lượng nòng cốt của “Học thuyết Ních –Xơn” ở Đông dương bị giáng một đòn tiêu diệt nặng nề. Âm mưu cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bằng sức mạnh tổng hợp của địch đã bị đập tan. Hơn 2 vạn tên địch bị tiêu diệt, bị thương và bị bắt; 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu. Cả 3 sư đoàn dù, thủy quân lục chiến và sư đoàn 1 bộ binh ngụy bị đánh tiêu diệt nặng nề. 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo và 112 pháo lớn bị phá hủy, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay lên thẳng bị bắn rơi, 43 tàu, sà lan bị bắn chìm, 1 triệu lít xăng và hơn 1.000 tấn đạn bị đốt cháy, phá hủy. Quân ta bắt 1.142 tù binh, thu 2 máy bay lên thẳng, 57 khẩu pháo hạng nặng và súng cối, 2.296 súng các loại, 16 xe tăng và bọc thép, 6 máy xúc, 274 máy vô tuyến điện, trên 100 tấn đạn và đồ dùng quân sự khác.
-Vừa trực tiếp phục vụ chiến dịch, bộ đội Trường Sơn vừa tham gia chiến đấu, đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 24 khẩu pháo, 4 máy húc, 6 xe tăng, xe bọc thép và 91 xe các loại.
-Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến dịch vừa vẫn tiếp tục vận chuyển chiến lược chi viện các hướng chiến trước vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong khi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào diễn ra thì Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phát động “Tổng công kích” đợt I vào ngày 2-2-1971 trên toàn tuyến, tranh thủ lúc địch tập trung đánh phá dọn đường để đẩy nhanh hàng vào các điểm vượt then chốt, giữ thế chủ động bảo đảm vật chất cho các hướng chiến trường. Chiến dịch Đường 9 – Nam Lào bước vào giai đoạn quyết liệt, thì từ ngày 6-3-1971, Bộ Tư lệnh Trường Sơn lại phát động “Tổng công kích” đợt 2 nhằm hoàn thành cơ bản nhiệm vụ vận chuyển chiến lược và chiến dịch mùa khô 1970 – 1971.
Qua chiến dịch Đường 9 – Nam Lào đã chứng minh khả năng tác chiến và hợp đồng binh chủng xuất sắc của Bộ đội Trường Sơn trên mọi phương diện. Bộ đội Trường Sơn nhiều lần được Quân ủy Trung ương khen ngợi.
Bộ đội Trường Sơn với Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972.
Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng Binh trạm 12, 2 Trung đoàn pháo cao xạ, 2 Trung đoàn công binh và lực lượng của Sư đoàn 473, Sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng Đông Hà, giải phóng thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Chính ủy Đặng Tính và Phó Chính ủy Lê Xy xuống Vĩnh Linh trực tiếp chỉ huy các lực lượng của Trường Sơn tham gia chiến dịch này.
Tiểu đoàn 166 ca nô (Binh trạm 12) được thành lập phục vụ trực tiếp cho chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, vận chuyển ven biển chi viện cho các đơn vị bảo vệ cánh đông Quảng Trị. Tiểu đoàn còn chịu trách nhiệm chuyển thương binh từ Thành cổ ra tuyến sau. Tiểu đoàn 166 đã vượt qua bom đạn ác liệt của địch trên dòng sông Thạch Hãn trực tiếp cung cấp vũ khí, đạn dược, hậu cần bảo đảm cho Trung đoàn 48 và các lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành cổ suốt 81 ngày đêm.
Hiện nay tại thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, Quảng Trị nhân dân địa phương đã lập Bia di tích bến đò Mai Xá – nơi xuất phát những chuyến tàu của Tiểu đoàn 166 (Đoàn 559 - Trường Sơn) đã cung cấp máy đẩy cho Vĩnh Linh và phối hợp vận chuyển tiếp tế cho Thành cổ.
Cùng thời gian này, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp chiến đấu cùng Mặt trận B3 giải phóng thị trấn Đức Cơ (Gia Lai).
5- ĐỔI MỚI VỀ TỔ CHỨC, HOÀN THIỆN THẾ TRẬN MỚI.
Đổi mới về tổ chức lực lượng.
-Để thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược, qua thực tiễn, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn khẳng định: Chiến đấu hiệp đồng binh chủng là phương thức bảo đảm hiệu quả cho công tác chi viện trên Trường Sơn.
Mô hình Binh trạm mà Bộ Tư lệnh 559 sáng tạo từ năm 1965, đến nay đã tỏ ra hạn chế trước nhiệm vụ chi viện phát triển ngày một to lớn hơn. Vì vậy, cần phải có một mô hình tổ chức lực lượng mới thay thế.
Để thực nghiệm mô hình tổ chức lực lượng mới, tháng 4 năm 1970, Bộ đội Trường Sơn đã đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho thành lập Sư đoàn khu vực 470 và Sư đoàn Hậu cứ 571.
Tháng 4 năm 1971, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiếp tục đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho tổ chức lực lượng Trường Sơn thành 5 khu vực. Mỗi khu vực là một Bộ Tư lệnh tương đương cấp Sư đoàn. Mỗi khu vực có một số Binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn trực thuộc, có nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng bảo đảm cho công tác vận chuyển dài hơn, rộng lớn hơn. Đảng ủy – Bộ Tư lệnh cũng trình phương án sắp xếp 300 cán bộ cấp phòng, binh trạm, trung đoàn vào các vị trí của tổ chức lực lượng mới.
Ngày 20-7-1971, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn phương án tổ chức thêm 3 Bộ Tư lệnh khu vực (473, 472, 471). Như vậy, tính đến thời điểm này, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có lực lương như sau: Bộ Tư lệnh khu vực 470, 471, 472, 473, Bộ Tư lệnh hậu cứ 571, Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn phòng không 377.
- Tháng 10-1971, Quân ủy Trung ương điều Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân vào làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn thay đồng chí Vũ Xuân Chiêm nhận nhiệm vụ khác.
-Trước sự phát triển của các chiến trường, nhiệm vụ chi viện ngày càng to lớn, thì việc chiến đấu hiệp đồng binh chủng của tuyến chi viện đòi hỏi không gian rộng lớn hơn ở quy mô cấp chiến trường. Vì thế, đến tháng 6 năm 1973, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn lại thực hiện thí điểm tổ chức 2 sư đoàn binh chủng đầu tiên (Sư đoàn hậu cứ 571 được tổ chức thành Sư đoàn xe ô tô 571; Sư đoàn khu vực 473 thành Sư đoàn công binh 473).
-Ngày 15 tháng 5 năm 1974, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê chuẩn cho phép Bộ Tư lệnh Trường Sơn tiếp tục tổ chức toàn bộ các sư đoàn khu vực còn lại của Trường Sơn thành các sư đoàn binh chủng. Tính đến thời điểm này, Bộ đội Trường Sơn bao gồm: 2 sư đoàn xe ô tô: 571 và 471; 4 sư đoàn công binh: 472, 473, 470, (thành lập Sư đoàn 565 công binh); Sư đoàn bộ binh 968; Sư đoàn phòng không 377 với các đơn vị tên lửa, pháo 57, 37 ly. Đồng thời Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn cũng tiến hành kiện toàn 21 trung đoàn trực thuộc theo mô hình tổ chức các trung đoàn binh chủng, gồm: 2 trung đoàn thông tin 48 và 562; 2 trung đoàn giao liên cơ giới: 572, 573; 3 trung đoàn đường ống xăng dầu: 532, 537, 592; Trung đoàn kho 541 và 8 trung đoàn phòng không khác.
Tính đến cuối 1974, lực lượng của Bộ đội Trường Sơn có 64 trung đoàn (trong đó có 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc và 43 trung đoàn thuộc 8 sư đoàn binh chủng). Đầu mùa khô 1974-1975, riêng lực lượng vận tải Trường Sơn gồm 6.770 xe ô tô. Đặc biệt là lần đầu tiên xuất hiện 2 Sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu trong đội hình lực lượng mới của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng để Bộ đội Trường Sơn đáp ứng yêu cầu to lớn của công tác chi viện.
Như vậy, từ tháng 5 năm 1974, chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô cấp chiến trường Trường Sơn đã được vận hành. Mô hình lực lượng này đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ và đã bảo đảm cho Bộ đội Trường Sơn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược to lớn chưa từng có cho các chiến trường trong mùa khô 1974-1975; đồng thời trực tiếp phục vụ và phối hợp chiến đấu thắng lợi trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
- Thành lập Binh trạm 9. Phối hợp với tỉnh Quảng Bình thành lập 2 tiểu đoàn vận tải thủy: Kiến Giang, Nhật Lệ, tiếp nhận hàng từ Tàu Hồng Kỳ.
- Sau Hiệp định Pari, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn đã thăm và chúc Tết Bộ đội Trường Sơn. Đồng chí Lê Duẩn đánh giá cao đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn: “Tổ quốc ta, nhân dân ta, Đảng ta rất tự hào có những người con hy sinh vô cùng tận, kiên cường dũng cảm vô cùng tận như các đồng chí…”
- Lần thứ ba (7/3/1973), Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự Lễ Mừng công lần thứ tư của Bộ đội Trường Sơn và đi thị sát chiến trường, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ một số đơn vị làm nhiệm vụ trên một số trọng điểm nổi tiếng của Trường Sơn. Cũng thời gian này, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức chuyến đi an toàn, tốt đẹp cho vợ chồng Quốc trưởng Cămpuchia Nôrôđôm Xihanúc sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài trở về thăm quê hương trong vùng giải phóng theo đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
- Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong điều kiện mới, các lực lượng vận tải Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vận chuyển 132% kế hoạch Bộ giao, với các chiến trường đã thực hiện 147%. Mùa khô 1972-1973, ta đã mở 359 km đường mới, cải tạo 778 km đường cũ với khối lượng 7,817 triệu mét khối đất đá, làm công trình vượt sông được 134 cầu cứng, 15 cầu nổi, 489 cống và tôn cao các ngầm. Nhờ đó mà hệ thống cầu đường Trường Sơn bảo đảm lưu lượng trên dưới 1.000 xe chạy cả ngày và đêm với tốc độ 25-30 km/giờ.
- Ngày 3/4/1973, Chính ủy tài ba và mẫu mực của Bộ đội Trường Sơn – Đại tá Đặng Tính hy sinh trong chuyến đi công tác tại Nam Lào.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, chủ động chuẩn bị cho nhiệm vụ to lớn mới.
- Sau Hiệp định Pari năm 1973, Chính phủ quyết định mở rộng đường Trường Sơn xuyên suốt từ Tân Kỳ, Nghệ An đến Tây Nguyên theo trục đường 14 – trong đó gấp rút khôi phục đường 14 từ Bù Lạch đến Công Tum.
Ở phía tây, Bộ đội Trường Sơn gấp rút mở đường 128 xuyên dọc biên giới Việt Nam - Campuchia đến Chơn Thành; Củng cố một số trục ngang thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Trong khi đó đã tiến hành xây dựng cơ bản một số đoạn đường ở Đông và Tây Trường Sơn.
Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng 2 cầu treo: 1 ở Bản Đông và 1 ở Đắc Krông.
Bộ đội Trường Sơn tiếp nhận dàn máy móc làm đường hiện đại do Cu Ba tặng trị giá 1 triệu đô la theo quyết định của đồng chí Thủ tướng Phi-đen Cát-xtrô, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Cu Ba thăm vùng giải phóng Quảng Trị và thăm Bộ đội Trường Sơn tháng 10 năm 1973. Bộ đội Trường Sơn chủ động chuẩn bị lực lượng cán bộ kỹ thuật để nhanh chóng tiếp nhận và đưa vào sử dụng hiệu quả dưới sự hướng dẫn của 73 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Cu Ba. 115 km đường cơ bản đông Trường Sơn đầu tiên hoàn thành do Trung đoàn công binh 515 thi công trên đường 14 từ cầu Đắc Krông vào đến Bù Lạch.
Như vậy, hệ thống cầu đường đến đầu năm 1975 ở Trường Sơn đã hoàn chỉnh với 5 trục dọc và 21 trục ngang, với tổng chiều dài hơn 17.000 km, đủ sức đảm bảo vận chuyện quy mô lớn và cơ động các binh khí kỹ thuật với đội hình nhiều binh đoàn lớn. Đặc biệt, từ tháng 11 năm 1974 đến tháng 3 năm 1975, công binh Trường Sơn đã thực hiện kế hoạch lớn: Duy tu đường ở phía tây Trường Sơn và tập trung lực lượng tối đa mở chiến dịch thi công những công trình trọng điểm phía đông Trường Sơn.
9 trung đoàn công binh 217, 515, 99, 6, 509, 529, 542, 98, 99 với hơn 10 ngàn người, gần 400 xe máy làm đường và 6.277 tấn vật liệu được huy động cho chiến dịch thi công cầu đường trọng điểm. Đến 30-3-1975, công binh Trường Sơn đã hoàn thành nền đường từ Cù Bai (tây Quảng Trị) đến Đắc Min (tây Đắc Lắc) với tổng chiều dài gần 1.000 km, xảm mặt đường bằng nhựa và cấp phối được 200 km và 6.000m cầu cống. Với hệ thống cầu đường này bảo đảm để Bộ đội Trường Sơn vận chuyển liên tục cả hai mùa mua nắng. Đồng thời rút ngắn thời gian chạy xe trước đây từ 22 đến 28 ngày, nay xuống còn 7 đến 10 ngày. Đảm bảo cho việc hành quân của các binh đoàn binh khí kỹ thuật xe tăng, pháo hạng nặng và đội hình hành quân cấp quân đoàn…
- Hệ thống đường ống xăng dầu được thiết kế xây dựng với tốc độ thần kỳ. Đặc biệt là việc vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết cả đông và tây Trường Sơn. Tháng 11 năm 1974, việc cấp xăng dầu đã được thực hiện ở Bu Phơ Răng thuộc đất Nam Bộ. Đến đầu tháng 3 năm 1975, đường ống xăng dầu Trường Sơn đã vào đến Bù Gia Mập, Tây Ninh, với 12.525 m3 kho, 114 trạm bơm đẩy, dài 1.400 km, hình thành một hệ thống xăng dầu hoàn chỉnh song song cả đông và tây Trường Sơn. Hệ thống xăng dầu Trường Sơn đáp ứng việc phục vụ vận chuyển liên tục suốt ngày đêm không chỉ của lực lượng xe cơ giới của Bộ đội Trường Sơn mà còn của tất cả các lực lượng của quân đội ta ở các hướng chiến trường. Đây là một điều kiện vô cùng quan trọng để Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các chiến dịch lớn.
- Hệ thống thông tin tải ba và vô tuyến điện được hoàn thiện và được nâng cấp chất lượng tới các hướng chiến trường, bảo đảm thông tin từ Tổng hành dinh vào tới các đơn vị ở Đông Nam Bộ. Hệ thống thông tin này đã bảo đảm phục vụ chỉ huy thông suốt của Bộ và của Bộ đội Trường Sơn tới các đơn vị cấp đại đội.
Có thể nói hệ thống hạ tầng: Cầu đường, thông tin và xăng dầu Trường Sơn đã được chuẩn bị một cách cơ bản, đáp ứng cả về chất lượng và thời gian. Đây là điều kiện tiên quyết để Bộ đội Trường Sơn đáp ứng yêu cầu to lớn của công tác chi viện cho chiến trường.
- Nhiệm vụ vận chuyển năm 1974 kết thúc thắng lợi chưa từng có. Tổng khối lượng vận chuyển cho các hướng chiến trường được 360.043 tấn, đạt 102%. Đưa đón quân vào, quân ra trong năm bằng 155,96% so với năm 1973 và tiếp nhận 93.000 thương binh của các chiến trường chuyển về tuyến sau. Đặc biệt, năm 1974 bảo đảm tất cả việc hành quân bộ chuyển sang hành quân bằng cơ giới đường bộ và đường sông. Nhờ vậy thời gian vào chiến trường xa nhất giảm được 43 ngày (giảm 3-4 lần so với trước đây).
- Ngày 25/11/1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn Chiến dịch vận tải, với quyết tâm: Cả Trường Sơn vào trận, khẩu hiệu thi đua "Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn", "Hàng nào cũng chở, tuyến nào cũng đi, đã đi là thắng lợi".
6- THAM GIA CUỘC TỔNG TẤN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975, GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM.
Chi viện cho các chiến trường với quy mô khối lượng lớn chủ động phục vụ các chiến trường khi chiến cuộc mở ra.
- Khi mô hình tổ chức mới được hình thành, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển chi viện theo đội hình lớn chủ yếu là đội hình tiểu đoàn và trung đoàn tập trung một cách đồng bộ. Hoàn thiện nhanh chóng quy tắc, quy trình chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng trong vận chuyển theo mô hình lực lượng mới.
- Việc tổ chức cách thức vận chuyển cũng đã thay đổi cơ bản phù hợp với tổ chức lực lượng mới: Sư đoàn 571 đóng quân ở Quảng Trị, vận chuyển hàng giao cho Sư đoàn 471 đứng chân ở Sê Sụ (gần ngã ba biên giới) để từ đây, Sư đoàn 471 giao hàng cho các hướng chiến trường: B1, B3, B2, Campuchia và Nam Lào. Việc thay đổi cách thức vận chuyển này cộng với chất lượng cầu đường đã giúp giảm hao hụt về hàng hóa và nhân lực, giảm thời gian vận chuyển, đáp ứng yêu cầu chi viện lớn.
Tính đến đầu mùa khô 1974 - 1975, Tuyến chi viện Trường Sơn đã chuyển cho các hướng chiến trường 360.043 tấn, đạt 102% kế hoạch của cả năm 1974. Trong đó:
-Giao cho Nam Bộ 37.832 tấn, đạt 171%.
-Giao cho chiến trường Tây Nguyên 64.832 tấn, đạt 111%, gấp 3 lần so với năm trước.
-Giao cho chiến trường Khu 5 được 28.973 tấn, đạt 111%, gấp 3 lần so với năm trước.
-Giao cho chiến trường Trị Thiên (phía Nam) được 31.801 tấn, đạt 100%.
-Giao cho bạn Lào được 9.290 tấn, đạt 102%.
-Giao cho bạn Campuchia được 5.230 tấn đạt 130%.
-Đảm bảo cho nội bộ 254.000 tấn.
Tính theo khối lượng vận chuyển đạt 131.558.960 tấn/km – một con số kỷ lục về năng suất vận chuyển của Bộ đội Trường Sơn từ trước tới nay.
Mùa khô năm 1974-1975, Bộ đội Trường Sơn được giao khối lượng vận chuyển: 410 ngàn tấn hàng quân sự và 100 ngàn tấn dân sinh; 50 ngàn tấn dự trữ chiến lược và 2.800 tấn hàng chuẩn bị cho mùa khô năm 1975-1976. Đến đầu năm 1975, kế hoạch vận chuyển được Bộ Quốc phòng giao tăng từ 510 ngàn tấn lên 560 ngàn tấn, trong đó tăng khối lượng vận chuyển cho Nam Bộ gấp 4 lần, cho Khu 5 gấp 2 lần so với năm trước, tăng dự trữ chiến lược lên gấp 4 lần hiện có.
Đến thời điểm trước chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Để thực hiện nhiệm vụ to lớn được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định gấp rút xây dựng các cụm kho chiến lược: Cam Lộ - Đầu Mầu, Sê Sụ (ngã ba biên giới), Khâm Đức – Làng Hồi (Quảng Nam), Sa Thầy – Pô Cô (Công Tum). Hệ thống các cụm kho chiến lược của Bộ đội Trường Sơn đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu của các chiến trường.
Tổ chức hành quân cơ giới.
-Với 2 trung đoàn giao liên cơ giới (E572, E573), từ 1974 tất cả các lực lượng hành quân vào chiến trường đều được Bộ Tư lệnh Trường Sơn vận chuyển bằng cơ giới. Đã đưa đón quân vào, quân ra năm 1974 bằng 155,96% so với năm 1973 và tiếp nhận 93.000 thương binh của các chiến trường chuyển ra phía sau.
Nhờ được hành quân bằng cơ giới mà thời gian vào chiến trường nơi xa nhất giảm được 43 ngày (giảm 3-4 lần so với trước). Riêng với chiến trường nam Trị - Thiên rút ngắn thời gian 23 lần so với năm 1972. Đảm bảo quân vào chiến trường chiến đấu được ngay.
-Chỉ tính riêng 2 tháng cuối 1974, giao gọn cho chiến trường Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ 52.000 quân và các chiến trường khác là 28.000 quân với đầy đủ trang thiết bị. Thời gian hành quân đến nơi xa nhất giảm chỉ còn trên 10 ngày. Lực lượng thương bệnh binh, cán bộ từ các chiến trường được vận chuyển ra Bắc an toàn, nhanh chóng bằng cơ giới.
Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức thành công, an toàn việc hành quân của nhiều đoàn binh khí, kỹ thuật và các sư đoàn chủ lực vào chiến trường an toàn, nhanh chóng trước khi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và trước chiến dịch Hồ Chí Minh.
Vận chuyển giao hàng cho Tây Nguyên.
Ngày 15-1-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh: Tham gia chiến dịch Tây Nguyên với nội dung bảo đảm làm đường chiến dịch, bảo đảm lương thực, đạn, xăng dầu và tham gia tác chiến chiến dịch.
Sư đoàn 571 dốc toàn lực với 17 tiểu đoàn, tổ chức vận chuyển lập chân hàng ở Sê Sụ và S8 (nằm sát ngã ba biên giới ở Phi Hà) với khối lượng 20.000 tấn chủ yếu là gạo và đạn pháo bảo đảm cung cấp cho chiến dịch Tây Nguyên.
Sư đoàn 471 đã vận chyển cấp tốc đưa 10.300 tấn vật chất, chủ yếu là đạn hỏa lực, các khí tài thông tin, tăng – thiết giáp vào phục vụ chiến dịch. Trung đoàn 33 của Sư đoàn 471 đưa hàng đến các kho K20, K40 phía tây bắc và tây nam Buôn Ma Thuột.
Cung vận chuyển 10 ngày chuyến được các đơn vị rút xuống 7 ngày chuyến rồi 6 ngày chuyến. Hai sư đoàn ô tô 471 và 571 thực sự là lực lượng cơ động mạnh vừa đủ sức tập trung dứt điểm kế hoạch cho từng hướng với thời gian ngắn nhất vừa có thể cơ động đội hình chiến đấu theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy Chiến dịch và Bộ Tổng Tư lệnh.
Toàn bộ yêu cầu vật chất cho Tây Nguyên và đã được Bộ đội Trường Sơn đáp ứng kịp thời yêu cầu trước khi Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên nổ ra.
Mở đường để tấn công Buôn Ma Thuột.
- Để chuẩn bị cho Chiến dịch đánh Buôn Ma Thuột, E575 và E574 công binh Sư đoàn 470 được Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao nhiệm vụ mở đường phục vụ chiến dịch để cơ động xe tăng, pháo hạng nặng, bảo đảm bí mật, bất ngờ, chắc thắng.
Trên hướng bắc Buôn Mê Thuột, E575 sử dụng D47 tăng cường 2 máy húc và một đại đội sửa chữa khôi phục các đường 48 và 50. Từ giữa tháng 2, lực lượng này tiếp tục mở một trục dọc gồm đường 50B và 2 nhánh đường 50C, 50D với tổng chiều dài 60km. Vào gần thị xã, địa hình trống trải, dân cư đi lại nhiều, dễ bị lộ. Đơn vị phải mở đường qua những cánh rừng có cây to, nhiều khe suối... Để bảo đảm bí mật, khi mở đường vào thị xã cách khoảng 20 - 25 km, đơn vị dừng lại chuẩn bị mọi phương tiện và lực lượng. Khi có lệnh chỉ trong vòng một ngày đêm sẽ hoàn tất đoạn đường còn lại. Đường mở đến đâu được ngụy trang đến đó. Những gốc cây to gần nương dãy của dân được công binh cưa ba phần tư thân cây sát mặt đất, và xóa dấu vết. Một phần tư còn lại sẽ cưa ngay trước giờ nổ súng mở màn chiến dịch...
-Đến ngày 4-3-1975, trục đường do E574 mở từ hướng bắc đã vào đến bản Kơ Hia, Chư Mơ Nga cách Buôn Ma Thuột 20 km mà địch vẫn không hay biết.
Tham gia Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên.
-Thực hiện mệnh lệnh của Bộ, Thường trực Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn quyết định sư đoàn 470 tiến hành cùng lúc nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược, trực tiếp phục vụ chiến dịch và là lực lượng tác chiến tại chỗ của chiến dịch. Bộ Tư lệnh Sư đoàn được giao kiêm nhiệm tiền phương của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Đồng chí Nguyễn Lang, Phó Tư lệnh Trường Sơn được Bộ chỉ định tham gia làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên trực tiếp phụ trách hậu cần.
-Sư đoàn bộ binh 968 đang hoạt động ở Hạ Lào được lệnh của Bộ cơ động gấp sang Gia Lai – Kon Tum chuẩn bị tham gia chiến dịch. Sư đoàn ô tô 471 được lệnh cơ động bí mật Sư đoàn 968 về Đất Mẹ. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ lực lượng và trang thiết bị của Sư đoàn 968 đã được Sư đoàn 471 cơ động tập kết vào ban đêm ở Kon Tum.
-Đến ngày 4-3-1975, trục đường do E574 mở từ hướng bắc đã vào đến bản Kơ Hia, Chư Mơ Nga cách Buôn Ma Thuột 20 km mà địch vẫn không hay biết. Theo lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, BTL Trường Sơn đã điều 2 E cao xạ 232 và 546 và E thông tin 49, tiểu đoàn ô tô 53 (của E33, F471) trực tiếp tham gia chiến dịch. Sau đó sư đoàn phòng không 377 của Trường Sơn được lệnh vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch, bảo vệ khu vực Kon Tum – Plây Cu – Đức Lập - cầu 14 Buôn Mê Thuột. Các đơn vị phòng không Trường Sơn mở màn chiến dịch đã bắn rơi 3 máy bay A37, một máy bay T28, bắn cháy nhiều chiếc khác, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu.
-E đường ống 537 khẩn trương thi công một tuyến ống dài 28 km bảo đảm xăng dầu cho các đơn vị cơ động của ta tiến công địch.
-398 xe của E11, E527 thuộc F571 cơ động gấp Sư đoàn bộ binh 341 thuộc Quân khu 4 vào bổ sung cho Quân đoàn 4 ở Nam Bộ. Cùng lúc Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã cơ động F316 vào Tây Nguyên tham gia chiến dịch đúng thời gian quy định.
-Sư đoàn 968 được giao nhiệm vụ nghi binh ở Kon Tum. Ngày 1-3-1975, E19 được lệnh đánh chốt Mỹ - Đồn Tầm mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên. Được yểm trợ của pháo binh, bộ binh Sư đoàn 968 tiến công dũng mãnh, bức rút một số đồn địch và uy hiếp căn cứ Thanh Bình và quận lỵ Thanh An, cắt đứt đường 14, đoạn nam Tân Phú...
-Ngày 4-3-1975, Sư đoàn 471 huy động xe cơ động Sư đoàn 10 vào vị trí tập kết chiến dịch chuẩn bị tiến công căn cứ Đức Lập và chuyển hơn 100 tấn đạn vào trận địa. Để giữ bí mật, các chiến mã của 471 trong 2 đêm 6 và 7-3-1975 đã phải tắt đèn đi mò trong đêm.
- Ngày 8-3-1975, quân ta nỗ súng tấn công căn cứ Đức Lập. Ngày 10-3-1975 ta nổ súng tấn công đánh chiến Buôn Ma Thuột. E575 công binh Trường Sơn phối hợp với E7 công binh Mặt trận Tây Nguyên đã hoàn thành nốt công việc cuối cùng bảo đảm thông đường vào mặt trận, tạo thuận lợi cho chiến đấu hợp đồng binh chủng. Bộ đội xăng dầu bảo đảm cấp phát bình quân 126 tấn xăng dầu mỗi ngày cho các đơn vị tham gia chiến dịch.
- Sau 32 giờ nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, tạo nên thế chia cắt Tây Nguyên buộc Quân đoàn 2 ngụy phải phân tán lực lượng để đối phó. Sư đoàn 968 đánh chiếm hai vị trí của địch ở nam Plây Cu, áp sát quận lỵ Thanh Bình, pháo kích sân bay Cù Hanh, Kon Tum. Các đơn vị phòng không Trường Sơn đã bắn rơi 3 máy bay A37, bắn cháy nhiều chiếc khác. Địch buột phải tháo chạy khỏi Tây Nguyên theo đường số 7, co cụm về giữ duyên hải miền Trung...
-Sư đoàn 471 ô tô được lệnh cơ động Sư đoàn 10 truy kích địch rút chạy theo đường số 7 và cơ động Sư đoàn 320 theo đường 14 xuống phía Nam giải phóng thị xã Buôn Hồ, truy kích địch đến Đạt Lý. Đồng thời Sư đoàn còn tổ chức một số đại đội xe vận chuyển hàng chống đói cho nhân dân thị xã Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận.
-Ngày 18-3-1975, Sư đoàn 968 và lực lượng vũ trang địa phương tiến công giải phóng hoàn toàn thị xã Kon Tum. Tiếp đó ngày 24-3 giải phóng quận lỵ Thanh Bình...
-Theo chỉ thị của Bộ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Sư đoàn 470 tiếp quản Kon Tum và Plây Cu. Sư đoàn 471 vào đóng đại bản doanh tại căn cứ Mai Hắc Đế của Sư đoàn 23 ngụy tại Thị xã Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 655 được thành lập để quản lý, giáo dục gần một vạn tù binh, hàng binh địch mà ta bắt giữ trong chiến dịch Tây Nguyên. Trung đoàn 33 của Sư đoàn 471 tập trung cơ động Sư đoàn 968 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 thẳng tiến xuống phía nam và đồng bằng ven biển miền Trung tham gia giải phóng Bình Định, Ninh Thuận...
-Ngày 25-3-1975, toàn bộ Tây Nguyên được giải phóng. Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm hậu cần chiến dịch, bảo đảm giao thông, cơ động lực lượng và trực tiếp tác chiến nghi binh chiến dịch giải phóng Kon Tum, PLây Cu góp phần vào chiến thắng vang dội ở Tây Nguyên, tạo nên sự sụp đổ đột biến về tinh thần, lực lượng và thế trận của địch, đẩy quân ngụy Sài Gòn vào thế bị tiêu diệt và tan rã không sao tháo gỡ nổi. Sau đó, các lực lượng công binh và ô tô vận tải của Bộ đội Trường Sơn còn trực tiếp tham gia chiến dịch giải phóng Trị Thiên Huế, giải phóng Đà Nẵng.
Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, đường ống xăng dầu Trường Sơn đã được xây dựng nối thông tới Lộc Ninh. Xăng dầu được cấp trực tiếp cho các lực lượng của ta ở chiến trường Nam Bộ.
Hệ thống tin tải ba từ nhiều năm trước đó đã được xây dựng hoàn chỉnh, bây giờ được nâng cấp về chất lượng. Hệ thống thông tin tải ba bảo đảm chỉ huy thông suốt từ Tổng hành dinh không chỉ tới thẳng các lực lượng của Trường Sơn mà còn tới Trung ương Cục, Bộ Tư lệnh Miền và các đơn vị của Bộ Tư lệnh B2.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của diễn biến mới trên các chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thành lập 3 Bộ Tư lệnh Tiền phương: Tây Nguyên (từ Chiến dịch Tây Nguyên), Đà Nẵng và một Sở Chỉ huy bên cạnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tham gia chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng.
- Ngày 20-3-1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị Thiên, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Toàn bộ việc chi viện cho các đơn vị này của Bộ Tư lệnh Trường Sơn được chuyển từ kế hoạch cơ bản sang thực thi kế hoạch thời cơ.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ động kịp thời tổ chức lực lượng trinh sát cầu đường và vận tải dọc theo đường 1 để lập kế hoạch đảm bảo giao thông và vận chuyển trên tuyến đường này. Với sự nhạy cảm về diễn biến cục diện chiến trường, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chỉ thị cho Cục trưởng Tham mưu Công binh cử ngay một tiểu đoàn công binh với trang thiết bị đầy đủ cơ động đến những điểm trọng yếu để khắc phục và bảo đảm cầu đường cơ động binh khí kỹ thuật vượt sông Thạch Hãn, Mỹ Chánh… Tiểu đoàn công binh 73, Trung đoàn 99 được lệnh cấp tốc đến bắc cầu qua sông Quảng Trị đủ cho 2 làn xe phục vụ chiến dịch. Trung đoàn 99 được lệnh chuyển toàn bộ lực lượng bảo đảm giao thông trên đường số 1 từ Đông Hà, Quảng Trị trở vào. Trung đoàn 8 công binh Trường Sơn được lệnh phối hợp với Lữ đoàn công binh 219 Quân đoàn 2 bảo đảm cầu đường cho quân đoàn tiến công từ hướng tây nam Huế xuống chia cắt đường số 1.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn còn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho Quân đoàn 2, Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5 tại các trạm xăng dầu Trường Sơn. Tính đến ngày mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lượng xăng dầu cho các đơn vị trên đạt tới 1.827 tấn, trong đó có 902 tấn xăng, 765 tấn dầu dizen, 160 tấn mỡ. Các đơn vị trung đoàn, lữ đoàn và sư đoàn của ba đơn vị này đều được bảo đảm có 2 cơ số xăng dầu.
Ngày 21-3-1975, ta đồng loạt nổ súng mở màn chiến dịch. Bộ Tư lệnh Trường Sơn lệnh cho Sư đoàn ô tô 571 tổ chức một lực lượng cơ động gấp Sư đoàn bộ binh 325 từ khu vực đường 9 và Li Tôn vào ngã ba đường 74 kịp thời tấn công địch. Sư đoàn 571 giao hàng trực tiếp phục vụ các sư đoàn chủ lực tiến công giải phóng Đà Nẵng.
Các lực lượng công binh Trường Sơn phối hợp với công binh của các đơn vị tham gia chiến dịch kịp thời khắc phục vật cản, làm đường vòng tránh… bảo đảm cho các đơn vị bộ binh cơ động đánh địch.
Ngày 21-3-1975, Trung đoàn công binh 99 tổ chức rà phá bom mìn, thủy lôi để bắc cầu qua sông Thạch Hãn, bảo đảm cho bộ binh cơ giới tiến công địch giải phóng Thừa Thiên – Huế từ hướng bắc. Chỉ sau 24 giờ, chiếc cầu đã hoàn thành. Các đơn vị bộ binh cơ giới qua cầu tiến thẳng về Nam bày tỏ sự khâm phục công binh Trường Sơn. Công binh Trường Sơn cũng kịp thời khắc phục cầu Truồi, cầu Thừa Lưu, bến Tuần… bị địch phá hỏng khi tháo chạy. Sau đó Sư đoàn 473 và 2 Trung đoàn 9 và 509 sử dụng chiến lợi phẩm thu được của địch để khôi phục nhanh chóng các cây cầu bị địch phá hủy, bảo đảm cho việc truy kích địch và cơ động lực lượng sau chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng để giải phóng các tỉnh dọc miền Trung một cách nhanh chóng.
Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng đã hoàn toàn được giải phóng
Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng là Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục làm Chính ủy...
-Ngày 26-31975, Sư đoàn 571 nhận lệnh tập trung 1.000 xe cùng lực lượng vận tải của Cục Ô tô vận tải của Tổng cục Hậu cần cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 29-3, bộ phận thứ nhất gồm 268 xe của E11 - F571 cơ động Sư đoàn 320 từ Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) tiến vào theo đường 9, qua đường 22 để vào Sê Sụ, tạt sang đường 14 qua Plây Cu, Đức Lập đến Đồng Xoài. Cùng ngày 90 xe của E13 vào Huế cơ động E27 của F320 theo đường số 1 qua Đà Nẵng vào Quy Nhơn và ngược đường 19 lên Buôn Ma Thuột, nhập với quân đoàn tiến theo tuyến đông Trương Sơn vào Đồng Xoài. Ngày 3-4-1975, đội hình thứ hai của F571 gồm 395 xe của E512 và một bộ phận của E13 lần lượt cơ động Sư đoàn 312 và cơ quan Quân đoàn 1 theo tuyến đông Trường Sơn vào Nam Bộ. Ngày 8-4, đội hình thứ 3 của F571 gồm 300 xe của E11 và E13 cơ động Sư đoàn phòng không 367 với cơ số xăng dầu, đạn dược cùng toàn bộ binh khí kỹ thuật của Quân đoàn tiến thẳng từ Vĩnh Chấp đến Đồng Xoài. Với đội hình trên 1.000 xe, Sư đoàn 571 đã cơ động gọn đội hình Quân đoàn 1 an toàn trên chặng đường 1.200 km, tập kết vào Đồng Xoài vượt thời gian trước 6 ngày theo quy định của Bộ.
-Ở phía đông, Sư đoàn 471 nhanh chóng triển khai chỉ thị của Bộ, trinh sát tuyến đường, triển khai hệ thống hậu cần, kỹ thuật, xác định cung độ chạy đường 14, trả hàng tại Bù Na, Đồng Xoài. Sư đoàn 471 đã huy động 1.600 xe bảo đảm hậu cần, kỹ thuật để cơ động toàn bộ lực lượng Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên vào Nam Bộ và vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực bảo đảm cho Chiến dịch. Cũng thời gian này, do mật độ xe lớn, đèo Am Pum xảy ra tắc nghẽn nghiêm trọng. Với trách nhiệm, kinh nghiệm và sự nhạy bén, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 đã đứng ra đảm trách việc tháo gỡ ách tắc, kịp thời sử dụng nhiều biện pháp, tổ chức khoa học, lập các trạm chỉ huy giao thông, huy động xe téc phục vụ xăng trực tiếp cho các lực lượng qua đèo... Ách tắc trên đèo Am pum đã được giải tỏa nhanh chóng.
-10 ngày đầu tháng 4-1975, Sư đoàn 471 cơ động gọn Sư đoàn 2, Sư đoàn 3B, cơ quan Quân đoàn 3; tiếp đó là cơ động các Sư đoàn 10, 320A, 316 vào Lộc Ninh, Đồng Xoài gọn đội hình, an toàn tuyệt đối, bảo đảm thời gian quy định. Một bộ phận của Sư đoàn 471 tiếp tục vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực từ các kho KG4, Xê Sụ, Buôn Ma Thuột vào tận kho của Bộ Chỉ huy Chiến dịch.
Theo lệnh của trên, E33 của F471 được lệnh phối thuộc Bộ Chỉ huy Chiến dịch làm nhiệm vụ cơ động các đơn vị chủ lực theo các trục đường Đồng Xoài – Dầu Tiếng – Bến Cát, Lò Gò – Chơn Thành. Trong tình huống toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 471 căng mình làm nhiệm vụ theo các hướng, nhận lệnh, chỉ sau 2 ngày, Sư đoàn đã huy động được 320 xe bảo đảm làm nhiệm vụ hỏa tốc của Bộ. Những nỗ lực phi thường của Bộ đội Trường Sơn đã được Trung tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài và Thiếu tướng Phan Hàm – Cục phó Cục Tác chiến, Phái viên “đốc chiến” của Bộ đánh giá cao.
-Cánh quân Duyên hải với 3 Sư đoàn: 3, 304, 325, Sư đoàn phòng không 637, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn công binh 219 vào cơ quan Quân đoàn 2... với tổng quân số tham gia hành quân là 32.418 người. Toàn bộ lực lượng xe của Quân đoàn và xe thu chiến lợi phẩm chỉ đảm bảo cơ động ½ lực lượng. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động 669 xe của các tiểu đoàn: 54, 57, 66, 77, 964... thuộc Sư đoàn 571 dàn đội hình từ chân phía Nam đèo Hải Vân đến sân bay Đà Nẵng để chờ cơ động lực lượng của Quân đoàn 2 vào tham gia Chiến dịch. Cùng lúc 600 xe khác của 571 tiến vào đứng chân ở Đà Nẵng vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ cánh quân Duyên hải.
-Trên đường số 1, nhiều chiếc cầu quan trọng đã bị địch đánh hỏng. Để bảo đảm cầu đường trên chặng đường dài hơn 1.000 km từ Đà Nẵng vào Xuân Lộc, 3 trung đoàn công binh Trường Sơn: 8, 99, 531 được tăng cường cho cánh quân Duyên hải từ Huế vào Cam Ranh. Sư đoàn công binh 470 bảo đảm giao thông trên đường 14 từ Buôn Ma Thuột vào Đồng Xoài. Sư đoàn công binh 472 bảo đảm đường từ Kon Tum đi Buôn Ma Thuột, đường 19 từ Plây Cu xuống Quy Nhơn và đường số 1 từ Nha Trang đi Phan Rang. Sư đoàn 473 bảo đảm các đường ngang 19, 21... Tận dụng vận liệu chiến lợi phẩm, các đơn vị công binh Trường Sơn đã làm mới được 96 cầu với chiều dài 3.300 mét. Lần đầu tiên công binh Trường Sơn được huy động lực lượng cùng với công binh của Bộ bảo đảm cầu đường phục vụ cơ động chiến đấu cho 3 quân đoàn chủ lực cùng binh khí kỹ thuật lớn trên chặng đường hàng ngàn cây số vào tham gia Chiến dịch. Sư đoàn phòng không Trường Sơn 377 được giao nhiệm vụ bảo vệ đội hình hành quân của Quân đoàn 1 và 3. 2 E phòng không 528 và 527 được điều vào khu vực Cam Ranh – Nha Trang bảo vệ đội hình hành quân của cánh quân Duyên hải. Tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn bố trí hợp lý thỏa mãn tất cả các lực lượng, các binh khí kỹ thuật hành quân với 8 điểm cấp phát phía Đông và 6 điểm phía Tây. Từ ngã ba biên giới vào Nam Bộ có 7 điểm cấp phát xăng dầu.
-Ngày 7-4-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được điện hỏa tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa/Táo bạo, táo bạo hơn nữa/Tranh thủ từng giờ từng phút/Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam/Quyết chiến và toàn thắng!”
Mệnh lệnh thiêng liêng này nhanh chóng được Đảng ủy – Bộ Tư lệnh phổ biến tới các đơn vị. Cả Trường Sơn sục sôi không khí của ngày hội lớn tiến đến ngày toàn thắng.
-Ngày 16-4, D54 ô tô của F571 cơ động E101 của F325 đột phá tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang. Tại thung lũng Phan Rang đã diễn ra trận kịch chiến của một bộ phận Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 với quân ngụy Sài Gòn. Các chiến sĩ lái xe Trường Sơn dũng mãnh đột phá, đưa lực lượng bộ binh của Quân đoàn 2 đánh chiếm hết vị trí này đến vị trí khác, góp phần phá vỡ tuyến phòng thủ Phan Rang để tiến về giải phóng Sài Gòn.
-17 giờ ngày 26-4-1975, trận tổng công kích Sài Gòn bắt đầu. Từ hướng đông, đông nam, một bộ phận của F571 tham gia cơ động F325 Quân đoàn 2 tiến vào Long Thành, thành Tuy Hạ tiến về bến phà Cát Lái chuẩn bị vượt sông Lòng Tàu phát triển vào nội đô. D58 - F571 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển đạn pháo lớn cung cấp cho trận địa pháo tầm xa của Quân đoàn 2 bố trí ở Nhơn Trạch. 300 quả đạn pháo bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 29-4, báo hiệu cáo chung của chính quyền Sài Gòn.
-Trên đường tiến công của Quân đoàn 2, E512 của F571 cơ động Sư đoàn 304 lần lượt đánh chiếm các căn cứ quan trọng của địch như Nước Trong, Long Bình, Trường Bộ binh, Trường Thiết giáp, phát triển theo trục đường xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn. D57 và D964 là những đơn vị cơ động đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2.
-Sáng 30-4, E512 với đội hình đi đầu là D57 đã cơ động trung đoàn 66, Sư đoàn 304 theo xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn tiến vào nội đô. Khi vượt cầu Rạch Chiếc địch chống cự quyết liệt. Ta phản công dũng mãnh. Nhiều xe tăng thiết giáp của địch bị bắn cháy gây tắc nghẽn trên đường tiến công của ta. Cán bộ, chiến sĩ lái xe Trường Sơn phối hợp cùng đơn vị bạn lái xe lách qua các chướng ngại vật, nhanh chóng đưa bộ binh bám sát đội hình xe tăng của Lữ đoàn 203 tiến công vào trung tâm thành phố. Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Văn Định xuống xe đứng chỉ huy cho từng xe lách qua chướng ngại vật, nhanh chóng bám sát đội hình tiến công. Các chiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Dương Quang Lựa thuộc D964 vững vàng tay lái đi đầu đội hình đột kích thọc sâu.
-11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo tin vui cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã tới đích toàn thắng. Chiếc xe mang biển số CE -1283 của chiến sĩ Đinh Quang Lựa (F571) vinh dự được đại diện hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn có mặt đầu tiên trong đội hình đột kích thọc sâu tiến vào Dinh Độc Lập. Cũng sáng ngày 30-4, các D66, D67... cơ động Sư đoàn 325 và Sư đoàn 7 đánh chiếm khu Bộ Tư lệnh các binh chủng của ngụy.
-Cũng thời gian này ở hướng bắc, Sư đoàn 471 đảm bảo cơ động Quân đoàn 1 đánh vào Sài Gòn theo 2 trục: Trục thứ nhất là 2 tiểu đoàn 51 và 235 cơ động Sư đoàn 320 qua Tân Uyên phát triển vào thành phố. 9 giờ 30 phút ngày 30-4 đội hình tấn công của ta bị chặn ở Tân Uyên. D51 và D235 có 3 xe bị cháy, 8 xe bị hỏng nặng. Một số lái xe hy sinh, bị thương. Mặc dầu vậy đội hình đột kích vẫn tiến công như chẻ tre. Khi đội hình vượt cầu Bình Triệu, địch tập trung máy bay, xe tăng, bộ binh đánh chặn quyết liệt. Cán bộ, chiến sĩ D51 và D235 đã phối hợp với bộ binh dũng cảm mưu trí tiêu diệt địch, phát triển tiến công dũng mãnh đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy.
Trên trục thứ hai, D53 và D734 của Sư đoàn 471 tham gia cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm Bến Cát, vượt cầu Sông Bé tiến vào nội đô Sài Gòn.
-Ở hướng tây bắc, E17, E32, E536 sau khi dồn hàng, chủ yếu là đạn hỏa lực phục vụ Chiến dịch đã kịp thời cơ động Quân đoàn 3 tiến công đánh chiếm Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn và nhanh chóng làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, làm tiêu tan mọi hy vọng của quân ngụy có thể được cứu nguy bằng cầu hàng không của Mỹ.
Các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu của hậu cần Chiến dịch. Trước khi lệnh tấn công được phát đi từ Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần, Phó Tư lệnh phụ trách hậu cần - kỹ thuật Chiến dịch đã hùng hồn tuyên bố: “Các cậu cứ bắn thật mạnh vào! Bắn cho chúng nó sợ. Sợ đến ba đời”. Đúng như ông đã hứa trước Trung ương: “…vũ khí đạn dược có thể bắn đến mấy đời”. Số lượng vô cùng lớn của đạn hỏa lực phục vụ Chiến dịch trước đó đã được các đơn vị của Sư đoàn 471 dồn dập chở đến tận kho Chiến dịch chính là cơ sở để đồng chí Đinh Đức Thiện tuyên bố đanh thép như vậy.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn tham gia Chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng: Bảo đảm cầu đường, hậu cần – kỹ thuật và cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt lộ trình hàng ngàn ki lô mét an toàn, kịp thực hiện một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc; góp phần quan trọng vào chiến công lịch sử của quân đội ta, dân tộc ta.
Trong ngày diễu binh mừng Ngày toàn thắng của dân tộc tại Sài Gòn sáng 15-5-1975, hàng trăm tuấn mã Trường Sơn, mang ký hiệu TS1 – F2... của Sư đoàn 471 ô tô vận tải, mới 15 ngày trước đã chở bộ binh dũng mãnh tiến công như vũ bão tiến vào gải phóng Sài Gòn, nay được chọn để chở những đoàn diễu binh của đội hình các binh chủng của quân đội ta trong Ngày mừng Chiến thắng. Trước đó, ngày 7-5-1975, hàng chục xe của Sư đoàn 471 có vinh dự được phục vụ Lễ ra mắt Ủy ban Quân quản Sài Gòn do Trung tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch…
6 Sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã được huy động để tham gia Chiến dịch lịch sử, kết thúc sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, thu non sông về một mối.
Những yếu tố bảo đảm để Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Tổng tấn công Xuân 1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vô cùng quan trọng, bảo đảm cầu đường, hậu cần – kỹ thuật và cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc vượt lộ trình hàng ngàn ki-lô-mét, kịp thời thực hiện một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc. Bằng nỗ lực cao độ của mình, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn tạo nên sức cơ động cao, khả năng đột kích mạnh của các binh đoàn chủ lực – những “quả đấm” chiến lược của lực lượng vũ trang ta.
Sở dĩ Bộ đội Trường Sơn làm nên kỳ tích trong Tổng tấn công Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là kết quả của mấy nguyên nhân sau đây:
1-Trước hết, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thiện một hệ thống cầu đường quy mô lớn với 5 trục dọc và 21 trục ngang, đủ sức để bảo đảm việc vận chuyển chi viện với khối lượng lớn và hành quân các đoàn binh khí kỹ thuật lớn vào chiến trường. Bộ đội Trường Sơn còn hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc với chất lượng cao tới các chiến trường; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường ống xăng dầu cả đông và tây Trường Sơn dài hàng ngàn li-lô-mét vào tới miền Đông Nam bộ; Xây dựng hệ thống kho tàng chiến lược, xây dựng hậu cứ vững chắc cho các hướng chiến trường. Đây là những điều kiện tiên quyết để Bộ đội Trường Sơn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược to lớn ở giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng.
Trước yêu cầu và sự phát triển nhanh chóng ngày càng to lớn của nhiệm vụ chi viện, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã khẳng định và có những quyết định đúng đắn, đi trước thời gian:
2- Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chỉ có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của nhiệm vụ chi viện khi nó được chỉ huy chiến đấu trong thế trận hiệp đồng binh chủng.
3- Mô hình tổ chức Binh trạm là một sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn khi thực hiện nhiệm vụ chi viện trong một không gian và quy mô nhỏ. Nhưng khi nhiệm vụ chi viện phát triển thì mô hình Binh trạm không còn phù hợp, cần phải có một mô hình tổ chức lực lượng ở quy mô và không gian hiệp đồng binh chủng lớn hơn. Vì thế, mô hình tổ chức lực lượng Bộ Tư lệnh khu vực đã ra đời tháng 4 năm 1970. Đây là một tổ chức chưa có tiền lệ trong lịch sử quân đội ta. Thực tiễn trên chiến trường Trường Sơn đã minh chứng cho tầm nhìn đúng đắn ấy của Bộ đội Trường Sơn.
4- Trước sự phát triển to lớn của nhiệm vụ chi viện mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương vạch ra, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã dự báo đúng về sự cần thiết của quy mô hiệp đồng binh chủng trên phạm vi toàn chiến trường Trường Sơn. Vì thế, việc đề suất tổ chức lực lượng thành các sư đoàn binh chủng đã ra đời từ rất sớm, tháng 6 năm 1973 với 2 sư đoàn binh chủng đầu tiên. Đến 15-5-1974 thì toàn bộ lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã hoàn thiện việc tổ chức thành 8 sư đoàn binh chủng. Các trung đoàn trực thuộc cũng nhanh chóng được tổ chức lại thành 21 trung đoàn binh chủng. Đặc biệt là việc hình thành 2 sư đoàn ô tô - mô hình lần đầu tiên xuất hiện trong biên chế lực lượng của quân đội ta. Việc thành lập các sư đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên thế và lực mới trong thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến lược. Và điều quan trọng là trình độ của đội ngũ cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn của Bộ đội Trường Sơn đã trưởng thành nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn nhất. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm cho mô hình tổ chức các sư đoàn binh chủng vận hành thắng lợi.
Chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô ở cấp chiến trường đã giúp Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện, tổ chức cơ động các quân đoàn, các sư đoàn chủ lực của quân đội ta tham gia Tổng tấn công Xuân 1975 và Chiến dịch Hồ chí Minh lịch sử.
Bộ đội Trường Sơn không được tổ chức thành các sư đoàn binh chủng thì không thể bảo đảm cầu đường, không thể cơ động 10 sư đoàn chủ lực, không thể đáp ứng được một khối lực lượng hậu cần với cơ số to lớn chưa từng có của các hướng chiến trường. Lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô chiến trường, đã bảo đảm để Bộ đội Trường Sơn thực hiện xuất sắc mệnh lệnh “Thần tốc” của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi quân đội ta chuẩn bị bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh – Chiến dịch lớn nhất trong lịch sử chiến tranh vệ quốc của quân đội ta của dân tộc ta.
7- KỲ TÍCH CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN.
- 16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn các loại (chiếm 50% tổng số bom mà Mỹ ném xuống toàn Việt Nam).
- 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và hơn 1 vạn TNXP và dân công hoả tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17.000 km đường xe cơ giới;
- Lực lượng vận tải với 2 Sư đoàn ô tô cơ động xứng đáng với danh hiệu “gan vàng dạ ngọc” “còn người còn xe, còn hàng”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường. Từ 1973 đến đầu 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường, cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt Sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch;
- Lực lượng bộ binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng giải phóng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện;
- Lực lượng phòng không gồm 1 Sư đoàn và 9 Trung đoàn và các đơn vị khác của Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại, bảo vệ thắng lợi lực lượng vận tải chi viện cho các hướng chiến trường (tương đương tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên Miền Bắc;
- Lực lượng giao liên xứng đáng với 10 chữ vàng “Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường” mở 3.000 km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn;
- Các lực lượng thông tin với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương” xây dựng 1.350 km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki lô mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các đơn vị, các hướng chiến trường;
- Bộ đội xăng dầu đã mở 1.400 km đường ống xăng dầu; Bộ đội vận tải thủy đã mở 600 km đường sông…
- Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 Sư đoàn của mình tham gia phục vụ và trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 40 năm thành lập, Bộ đội Trường Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cao quý. 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. (Chưa kể Đại tá, Chính ủy Đặng Tính; Cố Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích, nguyên Phó Tư lệnh BTL Trường Sơn; Cố Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 559; Cố Đại tá Lê Xy, Chính ủy BTL Trường Sơn sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và 2 Anh hùng Lao động được phong thời kỳ sau chiến tranh).
8- VỊ TRÍ VÀ TẦM VÓC CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRONG SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC,
GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC.
1- Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và Quân đội ta; là sự thể hiện sáng tạo và đúng đắn trong việc biến Nghị quyết 15 của Đảng ta về cách mạng miền Nam trở thành hiện thực trong thực tiễn chiến tranh cách mạng. Đường Hồ Chí Minh trở thành điều kiện nền móng và tiên quyết bảo đảm sự thành công của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Không có Tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh thì không thể có thắng lợi của Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
2- Đường Hồ Chí Minh trở thành một chiến trường có không gian rộng lớn trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông bắc Campuchia. Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chiến lược, tạo cơ sở vật chất, tạo điểm tựa vững chắc và là sức mạnh to lớn cho cách mạng của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
3- Đế quốc Mỹ và nguỵ quyền tay sai đã nhìn thấy vị trí vô cùng quan trọng của chiến trường Trường Sơn đối với cách mạng giải phóng miền Nam của ta và Lào, Campuchia nên đã tập trung ngăn chặn bằng mọi thủ đoạn và mọi vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân nhất. Địch đã biến Trường Sơn thành một chiến trường thực nghiệm chiến lược phá hoại, ngăn chặn hiện đại nhất, từng ngày, từng tháng, từng năm nhằm cải tiến nhiều loại vũ khí, khí tài, phương tiện tối tân nhất mà chúng có. Chiến trường Trường Sơn trở thành một chiến trường phá hoại bằng không quân ác liệt và quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.
4- Đường Hồ Chí Minh được tổ chức lực lượng với quy mô lớn: Hệ thống đường bộ với 5 trục dọc và 21 trục ngang, đường thuỷ, đường giao liên, đường dây thông tin, đường ống xăng dầu... Bộ đội Trường Sơn với một lực lượng binh chủng hợp thành thiện chiến gồm hơn 10 vạn quân và hơn 1 vạn thanh niên xung phong. Bộ đội Trường Sơn đủ sức vừa đảm nhận nhiệm vụ chi viện chiến lược, vừa là lực lượng tác chiến tại chỗ bảo vệ tuyến hành lang chi viện, mở rộng vùng giải phóng vừa làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Lào và Campuchia.
5- Hoạt động tác chiến của Bộ đội Trường Sơn là sự phối hợp tác chiến hợp đồng quân binh chủng hợp thành, được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, hiệu quả và đầy sáng tạo. Bộ đội Trường Sơn đã đối phó thành công một cách thông minh, sáng tạo trước mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân, hiện đại nhất của đến quốc Mỹ. Đối phó với các loại máy bay tiêm kích, máy bay trinh sát hiện đại, máy bay B52, bom từ trường, bom từ trường hẹn giờ, bom thông minh, cây nhiệt đới, đối phó với máy bay AC 130 được trang bị máy ngắm tia hồng ngoại, máy khuếch đại ánh sáng mờ, máy ngắm bằng tia laze... Bộ đội Trường Sơn đã sáng tạo ra nhiều công cụ, nhiều biện pháp, chiến thuật, nhiều cách đánh thông minh, táo bạo, bất ngờ nhưng hiệu quả. Thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn đã góp phần vào sự sáng tạo nghệ thuật quân sự mới, độc đáo của quân đội ta trong cuộc chiến tranh giải phóng.
6- Chiến trường Trường Sơn luôn gắn chặt và là nơi tham gia trực tiếp thực hiện những quyết sách của Đảng trên chiến trường: Chiến dịch giải phóng Khe Sanh - Quảng Trị, Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Bộ đội Trường Sơn đã huy động 6 sư đoàn tham gia chiến đấu và phục vụ chiến dịch, góp phần vào chiến thắng lịch sử, kết thúc sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
7- Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động, thể hiện hiệu quả của sự đoàn kết chiến đấu anh em giữa Đảng, quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương trong sự nghiệp đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Đường Hồ Chí Minh là căn cứ địa vững chắc, là điểm tựa, là bàn đạp để cách mạng của mỗi nước Đông Dương phát triển, đi tới thắng lợi.
8- Điểm cốt lõi là Bộ đội Trường Sơn thực sự góp phần quan trọng trong việc chuyển sức mạnh to lớn của Miền Bắc XHCN và sự chi viện của các nước bạn, để giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.
9- Chiến trường Trường Sơn đã thực hiện sự sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của Đảng và Nhà nước ta.
9- NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ BÀO HỌC KINH NGHIỆM.
Nguyên nhân thắng lợi.
Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của Bộ đội Đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã làm nên thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.
- Thắng lợi ấy trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh.
- Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các Bộ, các ngành đặc biệt là Ngành Giao thông Vận tải không chỉ tăng cường cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật cho Bộ đội Trường Sơn mà còn cử các lực lượng giao thông trực tiếp tham gia mở đường, bảo đảm giao thông của tuyến chi viện; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân Lào, Campuchia và các nước XHCN anh em.
- Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm chiến đấu ngoan cường, sáng tạo của tập thể cán bộ, chiến sĩ, TNXP... trên Đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH; là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức, chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Bài học kinh nghiệm.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Trung ương Đảng, các chỉ thị, mệnh lênh của Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự vào tuyến vận tải quân sự chiến lược.
- Sớm khẳng định lấy vận tải cơ giới là phương thức chủ yếu.
- Xác định đúng vị trí của cơ sở hạ tầng, lấy xây dựng mạng đường giao thông đi trước một bước là vấn đề sống còn của tuyến Đường Hồ Chí Minh.
- Xây dựng con người về chính trị, tư tưởng, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ chỉ huy hiệp đồng binh chủng là yếu tố hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ.
- Tổ chức lực lượng phù hợp với yêu cầu phát triển của cách mạng, xây dựng và phát triển bộ đội hợp thành.
- Xây dựng thành công căn cứ hậu phương chiến lược trực tiếp cho các chiến trường ta và Bạn.
Lãnh đạo Đảng – Nhà nước nói về Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
“Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường đoàn kết của dân tộc ba nước Đông Dương…
Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại!”.
Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ghi Sổ Vàng truyền thống của Bộ đội Trường Sơn năm 1973.
“Với sự lao động cần cù, sáng tạo và tinh thần dũng cảm hy sinh, các đồng chí đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc, làm cho kẻ thù khiếp sợ, cả nước yêu thương, nhân dân các nước anh em và nhân dân thế gưới khâm phục…
Các đồng chí hãy luông luông xứng đáng và ngày càng xứng đáng là những chiến sĩ được chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại”.
Trường Chinh
(Phát biểu trong dịp vào thăm Bộ đội Trường Sơn năm1974).
… “Con đường Trường Sơn xuyên qua dãy Trường Sơn hùng vỹ và nối liền Bắc-Nam là một kỳ công trong lịch sử chiến tranh, là biểu hiện oai hùng của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân cả nước. Địch càng dùng trăm phương ngàn kế để ngăn chặn nó, đánh phá nó thì nó càng phát triển nhanh chóng và vững chắc theo nhịp độ của chiến tranh, để đến mùa xuân năm 1975, góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thân yêu…”
Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ.
“Con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt nam, quyết đem sức người sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.
“Đường Trường Sơn là một biểu tượng nổi bật của quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, và thực sự là một con đường đã nối liền Nam-Bắc ngay từ lúc kẻ thù còn chia cắt đất nước; là biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh vật chất và kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ, là biểu tượng của mối tình đoàn kết hữu nghị của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.”
“Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân đội và nhân dân ta sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong tình cảm thiêng liêng Nam-Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
… “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang.
Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng.
Trường Sơn, vượt núi, băng sông
Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa.
Trường Sơn, đông nắng, tây mưa
Ai chưa đến đó, như chưa rõ mình”…
Trích trong bài thơ “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng viết sau chuyến công tác đi qua Trường Sơn vào chiến trường, năm 1973.
10- BINH ĐOÀN 12 – TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG TRƯỜNG SƠN, ĐƠN VỊ KẾ TỤC VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC XHCN.
Kết thúc nhiệm vụ lịch sử, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ kinh tế kế hợp với củng cố quốc phòng. Tháng 10/1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Trường Sơn trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn, làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản, xây dụng thủy lợi, thủy điện, đường giao thông trên những địa bàn trọng yếu của đất nước tại 21 tỉnh, thành phố và 5 tỉnh nước bạn Lào. Binh đoàn 12 là đơn vị kế tục và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn.
Lực lượng của Bộ đội Trường Sơn và Binh đoàn 12
với chiến tranh biên giới phía Bắc:
Từ năm 1979 đến 1985: Ở phía Tây Nam, các đơn vị của Bộ đội Trường Sơn tham gia mở đường, bảo đảm cho cuộc tấn công đánh trả Pôn Pốt – Khơ Me Đỏ, tháng 1/1979 có Sư đoàn 473 (lúc này trực thuộc Binh đoàn 14).
Ở phía Bắc: Lực lượng Bộ đội Trường Sơn đã có các Trung đoàn tham gia thành lập 2 Sư đoàn mới: Sư đoàn 31 và Sư đoàn 36. 2 sư đoàn này trực thiếp tham gia chiến đấu ở Cao Bằng và Hà Giang.
Binh đoàn 12 còn cử trung đoàn 566 tham gia bảo đảm giao thông cho cuộc chiến đấu bảo vệ Vị Xuyên, Hà Giang. Các lực lượng khác của Binh đoàn 12 trực tiếp tham gia mở đường 279 phục vụ cho các tuyến chiến đấu và phòng thủ biên giới phía Bắc.
Binh đoàn 12 trong xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
-Từ năm 1977 đến nay, Binh đoàn 12 có mặt tại nhiều công trình trọng điểm của quốc gia, mở mới và nâng cấp hàng ngàn ki lô mét đường, hàng ngàn mét cầu, hàng chục ngàn mét cống bê tông, đào đắp hàng triệu mét khối đất đá…Đặc biệt Binh đoàn còn tham gia xây dựng Thủy điện Sông Đà và các công trình thủy lợi lớn của đất nước.
Năm 1989, Binh đoàn 12 được Chính phủ quyết định thêm mô hình kinh tế mới với cái tên: Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn.
- Trong thời kỳ đổi mới, Binh đoàn đã thực hiện một bước đổi mới về tổ chức, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đổi mới trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kỹ thuật xây dựng và kinh tế. Binh đoàn đã thắng thầu nhiều dự án trong nước và quốc tế có yêu cầu cao về kỹ thuật như thủy điện Sơn La, Lai Châu, thủy điện Dray Hlinh. Uy tín của Binh đoàn ngày càng được khẳng định qua các công trình xây dựng: Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Dây; Hà Nội - Thái Nguyên; Quốc lộ 5; Quốc lộ 1A; Quốc lộ 18 đoạn Biểu Nghi - Bãi Cháy; Đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa; cầu và đường dẫn cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh; Hầm đường bộ Hải Vân; đường Trường Sơn Đông; đường Tuần tra biên giới; Quốc lộ 78 (Campuchia); sân bay Buôn Ma Thuột; sân bay Vinh; sân bay Savanakhẹt (Lào); xây dựng thuỷ điện Sơn La, Lai Châu; thuỷ điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah; làm Tổng thầu xây dựng nhà máy thuỷ điện Srêpok3 (Đắk Lắk); xây dựng nhà máy thủy điện Thác Mơ mở rộng; thuỷ lợi hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế); dự án đầu tư xây dựng cụng trình Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào Sông Hậu; kè biển Khu Quân cảng Cam Ranh; cầu vượt tại nút giao Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh)… và các công trình văn hóa như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang Điện Biên Phủ; Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) và nhiều công trình dân dụng, công nghiệp khác. Trong đó nhiều công trình được Bộ Giao thông Vận tải tặng "Huy chương Vàng công trình chất lượng cao"; đặc biệt công trình Đường Hồ Chí Minh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì; công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và Srêpok3 được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba…
Hiện nay, Tổng Công ty đang tham gia xây dựng một số công trình lớn, trọng điểm của Nhà nước và các bộ, ngành. Tiêu biểu như: Gói thầu số 3 Cảng hành khách Quốc tế Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng); thuỷ lợi Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh), Gói thầu CP1A, CP1B Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Dự án BT La Sơn - Túy Loan; Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và các dự án giao thông trọng điểm thuộc Thành phố Hà Nội (đường Phạm Văn Đồng, đường Nguyễn Tam Trinh)... các công trình do Tổng Công ty thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư đánh giá cao.
- Binh đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với các chỉ tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và trở thành một doanh nghiệp kinh tế quốc phòng mạnh của Quân đội. Binh đoàn còn đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác thực hiện chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Binh đoàn đang chuẩn bị tốt về mọi mặt để chuyển đổi mô hình tổ chức theo yêu cầu phát triển của thời kỳ mới của Quân đội và Nhà nước.
- Binh đoàn vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Năm 1979: Kỷ niệm 20 năm Bộ đội Trường Sơn: Huân chương Hồ Chí Minh; Năm 1989: Kỷ niệm 30 năm Bộ đội Trường Sơn: Huân chương Độc lập Hạng Nhất; Năm 1999: Kỷ niệm 40 năm Bộ đội Trường Sơn: Với kỳ tích 16 năm cùng 24 năm hoạt động của Bộ đội Trường Sơn sau chiến tranh đã được Đảng – Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Năm 2009: Kỷ niệm 50 năm Bộ đội Trường Sơn: Huân chương Quân công Hạng Nhì; Năm 2014: Kỷ niệm 55 năm Bộ đội Trường Sơn: Huân chương Quân công Hạng Nhất; Năm 2014: Huân chương Lao động hạng Nhì (xây dựng thủy điện Lai Châu). 5 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, 3 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 3 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Binh đoàn Trường Sơn trở thành một đơn vị làm kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng có quy mô lớn, có uy tín của Quân đội ta.
11- TỪ BAN LIÊN LẠC TOÀN QUỐC BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN – ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN HỘI TRUYỀN THỐNG TRƯỜNG SƠN
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH VIỆT NAM.
Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc kết thúc vĩ đại. Non sông đã thu về một mối. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử sau 16 năm viết nên bản hùng ca vĩ đại trên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trường Sơn anh hùng không chỉ là ký ức trong tâm tưởng mà luôn hiện hữu trong từng hơi thở, trong máu, tim của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong Trường Sơn cả nước.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ và TNXP Trường Sơn, từ năm 1989, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn khu vực Hà Nội và các tỉnh phụ cận ra đời với nhiều hoạt động truyền thống tốt đẹp, tập hợp hàng ngàn bộ đội, TNXP Trường Sơn sinh hoạt và hoạt động truyền thống. Từ đó, nhiều Ban Liên lạc địa phương và Ban Liên lạc các đơn vị đã ra đời. Đã có 45 tỉnh, thành phố và 84 đơn vị truyền thống từ cấp Cục, Sư đoàn, Binh trạm, Trung đoàn, ngành, bệnh viện, tiểu đoàn, các đội TNXP, dân công hỏa tuyến hình thành Ban Liên lạc truyền thống của mình và hoạt động đều đặn, có hiệu quả. Các Ban Liên lạc không chỉ tập hợp cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, tổ chức viết lịch sử đơn vị, tổ chức họp mặt ôn lại truyền thống tự hào mà còn động viên, giúp đỡ nhau cả về tinh thần và vật chất, vượt qua khó khăn để tiếp tục phát huy truyền thống của Trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới, sống vui, sống khỏe, sống có ích cùng con cháu… Ban Liên lạc đã tổ chức nhiều lần gặp mặt.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn các địa phương, các đơn vị, tháng 1 năm 2007, tổ chức Hội nghị Ban Liên lạc toàn quốc. Hội nghị đã hiệp thương bầu ra Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, bầu Ban Thường vụ, Ban Thường trực do Thiếu tướng Võ Sở làm Trưởng ban; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn làm Phó ban Thường trực; Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn và Đại tá Đặng Hương làm Phó Ban Liên lạc.
Qua 4 năm hình thành, Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh và các Ban Liên lạc địa phương, đơn vị tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực: Xuất bản hàng chục đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc, họa ca ngợi chiến sĩ Trường Sơn trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước trên tuyến đường mang tên Bác; tổ chức giao lưu 141 lần với hàng ngàn đồng chí tham dự; tuyên truyền hoạt động trên truyền hình 43 lần; tặng quà, giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn cho 3.099 đồng chí với gần 615 triệu đồng; tổ chức khám chữa bệnh cho 95 đồng chí và cấp thuốc trị giá 31 triệu đồng; tặng 44 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; nữ chiến sĩ Trường Sơn xây ngôi trường 12 phòng học trị giá 10 tỷ đồng tặng học sinh 8 xã vùng biển huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa; các tập thể Bộ đội Trường Sơn đã trực tiếp tặng hàng trăm triệu đồng, hàng chục tấn gạo, mì tôm cho đồng bào bị lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; tổ chức 108 chuyến đi thăm chiến trường xưa cho gần 3.000 đồng chí với chi phí 2,5 tỷ đồng; giúp hàng ngàn đồng chí làm thủ tục chính sách; tặng Kỷ niệm chương Trường Sơn cho hàng vạn đồng chí; mở 3 hội nghị biểu dương Bộ đội Trường Sơn vượt khó, làm kinh tế giỏi; thành lập CLB Văn nghệ Trường Sơn với nhiều hoạt động biểu diễn có chất lượng, được công nhận Hội viên tập thể của Hội Nhạc sĩ Hà Nội; thành lập CLB doanh nghiệp cựu chiến binh Trường Sơn ở địa phương…
Ban Liên lạc trực tiếp phối hợp với Binh đoàn 12 – Bộ đội Trường Sơn phát hiện, đề xuất việc đề nghị Nhà nước quyết định sản xuất Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sơn; tham gia góp ý về cấu trúc, về nội dung Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, về lập và xây dựng các bia di tích trên đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh; tham gia biên soạn Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn và Biên niên công tác Đảng và công tác Chính trị của Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn – Binh đoàn 12; Biên soạn tên, phiên hiệu tất cả các binh trạm, trung đoàn, sư đoàn, ngành của Bộ đội Trường Sơn qua các thời kỳ để cung cấp cho Binh đoàn 12 làm cơ sở giúp xác định, tạo điều kiện cho việc làm chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn; đã cung cấp nhiều tư liệu cần thiết cho nhiều gia đình liệt sĩ tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ về các nghĩa trang và về quê hương.
Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn
Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Để hoạt động của các Ban Liên lạc Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh nền nếp, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Bộ đội, TNXP và Dân công hỏa tuyến Trường Sơn, Hội nghị toàn quốc Ban Liên lạc Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lần thứ hai, ngày 17/5/2009 đã thống nhất thành lập Ban Vận động thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Ngày 13/5/2011, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QĐ-BNV cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Ngày 4 và 5/7/2011, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại hội lần thứ Nhất Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã được tổ chức trọng thể. Đại hội đã thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động 2011-2016, bầu Ban Chấp hành Hội khoá I với 84 Uỷ viên; bầu Ban Thường vụ Hội với 19 Uỷ viên. Đại hội đã suy tôn đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn làm Chủ tịch Danh dự cùng 14 đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo các Bộ ngành, các tướng lĩnh, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động… làm Uỷ viên BCH Danh dự của Hội. BCH Hội họp phiên thứ Nhất đã bầu Thiếu tướng Võ Sở làm Chủ tịch Hội, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Các đồng chí Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Thiếu tướng Trần Danh Bích, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, TS Lê Thị Phương Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. (Năm 2014 bổ sung Thiếu tướng Hoàng Kiền làm Phó Chủ tịch Hội).
Có thể nói, đây là một dấu ấn lịch sử, một mốc son ghi nhận sự đánh giá của Đảng, Nhà nước đối với lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây còn là cơ hội để hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa và cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12 hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống của Trường Sơn Anh hùng trong cuộc sống mới. Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ra đời còn là cơ hội để các CCB Trường Sơn có điều kiện mới trong việc tập hợp, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay có trách nhiệm với truyền thống lịch sử hào hùng của lớp lớp cha ông làm nên Trường Sơn huyền thoại, làm nên sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc trong thời đại mới.
Sau 5 năm, tổ chức của Hội đã có bước phát triển nhanh chóng, sâu rộng từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị truyền thống. Đầu nhiệm kỳ, mới chỉ có 2 tổ chức Hội thành viên và 43 BLL ở các tỉnh thành và 53 BLL ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc BTL Trường Sơn trước đây, với hơn 18 vạn hội viên. Đến cuối 2016, Hội đã có 109 tổ chức Thành viên và 301.141 hội viên cá nhân. Hệ thống tổ chức của Hội đã có ở 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm 261 quận huyện, 3.008 xã phường (trong đó, có 34 tỉnh, thành, 154 quận, huyện và 1.497 phường, xã đã được địa phương cho phép thành lập Hội có đầy đủ tư cách pháp nhân) và 61 đơn vị truyền thống (trong đó có 18 đơn vị cấp Cục và Sư đoàn, số còn lại là các Binh trạm, Trung đoàn và một số đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn trước đây; có 12 đơn vị đã thành lập Hội). Trung ương Hội và 12 Hội cấp tỉnh, 41 Hội cấp huyện đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp công nhận là Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Hệ thống tổ chức Nữ chiến sỹ Trường Sơn cũng có bước phát triển mạnh mẽ và hoạt động rất sôi nổi, hiệu quả. Trung ương Hội có Ban Liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn toàn quốc, 28 tỉnh thành và 2 đơn vị truyền thống đã có BLL Nữ chiến sỹ Trường Sơn của địa phương, đơn vị mình. Ngoài ra còn có nhiều Hội đồng ngũ, Câu Lạc bộ… ở từng tỉnh hoặc liên tỉnh; Hội các cấp góp phần đã giải quyết chế độ cho hàng chục ngàn hội viên nhiễm chất độc da cam; hỗ trợ chính sách và tìm kiếm mộ liệt sĩ cho 266 trường hợp; làm Thẻ hội viên cho hàng vạn hội viên các địa phương... 2 cuộc vận động lớn đã được Hội phát động trong cả nước năm 2013: "Viết ký ức Trường Sơn" và "Hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi, xoá đói giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống". Hàng trăm hội viên Trường Sơn làm kinh tế giỏi tiêu biểu đã được tuyên dương tại các Hội nghị chiến sĩ Trường Sơn làm kinh tế giỏi của nhiều địa phương. Xuất bản hàng chục cuốn lịch sử các đơn vị và các tuyển tập thơ văn…
Năm năm của nhiệm kỳ I (tính đến hết quý I năm 2016), Hội đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân và hội viên cho các hoạt động tình nghĩa, với tổng giá trị: 139 tỷ, 655,5 triệu đồng (Trong đó riêng Trung ương Hội vận động trị giá 92 tỷ, 711,5 triệu đồng, các địa phương, đơn vị vận động trị giá 46 tỷ, 944 triệu đồng).
Nhờ đó, đã hỗ trợ xây dựng 1.834 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp 24 nhà (Trong đó, Trung ương Hội vận động hỗ trợ xây dựng được 1.306 nhà, các địa phương đơn vị tự vận động xây mới được 496 nhà, sửa chữa nâng cấp 24 nhà); tặng 3.357 sổ tiết kiệm (mức 3 - 5 triệu/sổ); cấp 478 suất học bổng (800.000đ/xuất), 850 chăn ấm cao cấp (800.000đ/chiếc); 46.293 suất quà cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp thường xuyên hàng tháng (mức 500.000đ/tháng) cho 216 chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Vận động các tổ chức nhân đạo từ thiện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng 11 chị em nữ già yếu cô đơn. Ngoài ra các cấp hội còn vận động quyên góp được hàng chục tấn gạo, hàng trăm thùng mỳ tôm, hàng ngàn bộ quần áo, sách vở đồ dùng học tập giúp đồng bào và hội viên ở các vùng bão lụt, đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, trong kết quả vận động tài trợ cho các hoạt động tình nghĩa nêu trên, có một phần đóng góp rất tích cực, hiệu quả của Ban Công tác Nữ, Ban Liên lạc Nữ chiến sỹ Trường Sơn của Trung ương Hội và các địa phương.
Hội đã kết nghĩa và cùng Bộ Tư lệnh Biên phòng tham gia chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng và chủ trì để vận động các nhà tài trợ và được chương trình hỗ trợ kinh phí để xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa cho hội viên; xây dựng các công trình tưởng niệm và tri ân các liệt sỹ Trường Sơn với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng, như: Các Đền thờ Liệt sỹ Trường Sơn ở Bến phà Long Đại (Quảng Bình), Bến Tắt (Quảng Trị), Ngã ba biên giới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), Bia Tưởng niệm Liệt sỹ Việt – Lào ở Lằng Khằng (Khăm Muộn - Lào).
Từ đầu năm 2013, Trung ương Hội đã mở cuộc vận động “Hội viên Trường Sơn sản xuất giỏi, xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau khắc phục khó khăn nâng cao đời sống”. Phong trào đã và đang được các tổ chức Hội, hội viên ở các địa phương triển khai thực hiện và đạt kết quả bước đầu. Theo báo cáo của 26 địa phương có 2.770 hội viên được đồng đội giúp vốn sản xuất, kinh doanh không lấy lãi với tổng số tiền 3 tỷ 584 triệu đồng; 8.167 hội viên được đồng đội tặng vật nuôi, cây giống để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Bằng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của bản thân và sự trợ giúp của đồng đội và cộng đồng 2.447 hộ hội viên đã vươn lên thoát nghèo, 5.003 hộ hội viên từ cận nghèo vươn lên có mức sống trung bình.
Ngoài việc vận động hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng, Hội còn được các cơ quan, đơn vị, các tổ chức cá nhân tài trợ hơn 6.125 triệu đồng cho các hoạt động chung. Nhờ đó đã có nguồn kinh phí để tổ chức các kỳ họp thường niên của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành; các chương trình giao lưu nghệ thuật trên truyền hình, các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống, tổ chức các cuộc thi và in ấn, xuất bản các đầu sách, tổ chức các cuộc triển lãm tranh… tuyên truyền về Trường Sơn; Mua sắm trang thiết bị và hỗ trợ một phần tối thiểu cho các hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.
Trung ương Hội đã thành lập “Trung tâm Tổ chức về thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn – Quân tình nguyện Việt – Lào” để đưa hội viên về thăm lại chiến trường kết hợp tham quan du lịch; kết hợp thông tin tuyên truyền của của Trang báo điện tử và Bản tin Trường Sơn với giới thiệu quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thêm nguồn thu trang trải hoạt động của Hội. Trang báo điện tử và Bản tin Trường Sơn của Hội ra mắt đã nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy, tuyên truyền và cung cấp thông tin chính thống hoạt động của Hội trong cả nước; là địa chỉ để các chiến sĩ Trường Sơn gửi gấm tình cảm và những hồi ức sống động về Trường Sơn, về cuộc sống hôm nay qua các tác phẩm thơ và văn của mình... Tính đến hết tháng 7-2018, đã có trên 19,3 triệu lượt người truy cập.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã phối hợp với Binh đoàn 12 tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị Chính phủ công nhận Di tích lịch sử Đường Hồ Chí Minh là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Ngày 30/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định công nhận Di tích lịch sử Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh với 37 Di tích lịch sử tại 11 tỉnh Đông Trường Sơn từ Nghệ An vào Bình Phước là Di tích Quốc gia Đặc biệt. Đây là điều khẳng định Bộ đội Trường Sơn và các lực lượng đã lập kỳ tích được ghi vào lịch sử Việt Nam. Nó sẽ tồn tại mãi mãi. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là sự đánh giá giá trị vô giá của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh mà còn mở ra cơ hội mới để tuyên truyền, giáo dục truyền thống, lịch sử Đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Hoạt động Quốc tế của Hội.
Phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị, giúp đỡ chí tình với 2 nước bạn Lào và Campuchia của Bộ đội Trường Sơn năm xưa, Hội Trường Sơn Việt Nam rất coi trọng hoạt động quốc tế.
-Ngay từ thời kỳ còn là Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2011, Ban Liên lạc đã có chuyến hành hương thăm lại chiến trường xưa trên đất bạn Lào. Ban Liên lạc đã chính thức đặt quan hệ với lãnh đạo tỉnh Savanakhét và Hiệp Hội Quốc gia Cựu chiến binh Lào. Đây là lần đầu tiên Ban Liên lạc hoạt động đoàn kết hữu nghị quốc tế với các bạn Lào.
-Lần thứ 2, đoàn đại biểu Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam sau khi thành lập đã có hoạt động chính thức tại nước Bạn Lào, năm 2012. Hội đã tặng nhiều hiện vật quý cho Bảo tàng Bản Đông của Bạn ở Mường Phìn, Savanakhét. Tại Thủ đô Viêng Chăn, Hội đã có cuộc viếng thăm và làm việc chính thức với Hiệp Hội Quốc gia CCB Lào. Hai bên đã đặt vấn đề quan hệ chính thức giữa hai tổ chức và đặt vấn đề hợp tác xuất bản một cuốn sách về tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn và Bộ đội Pha Thét Lào và các bộ tộc Lào trên Trường Sơn. Hội còn có những hoạt động đoàn kết giao lưu với Hội Việt kiều LuôngBraBăng tại Viêng Chăn. Hội đã tổ chức đếm giao lưu biểu diễn văn nghệ và tặng quà đồng bào và chính quyền tại Mường Phìn.
Đặc biệt tại chuyến đi này, đồng chí Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào gặp mặt thân mật với các đồng chí Lãnh đạo Hội. Đồng chí Tổng Bí thư – Chủ tịch Nước đánh giá cao đóng góp to lớn của Bộ đội Trường Sơn đối với cách mạng Lào; Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng tình đoàn kết anh em, sát cánh chiến đấu với Bộ đội Pa Thét Lào và các bộ tộc ở Nam Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập của 2 nước…
Cũng chuyến đi này Đoàn công tác của Hội được sự giúp đỡ của các bạn Lào đã tìm được Hầm Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn – Bộ đội Trường Sơn những năm 1967 – 1969 tại NaBo, Mường Phìn, Savanakhet. Sau đó, Bạn đã đầu tư để khôi phục con đường vào căn cứ NaBo, tạo thuận lợi cho các đoàn CCB Trường Sơn và khách thăm quan…
-Hội đã thành lập Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa Bộ đội Trường Sơn – Quân tình nguyện Việt Lào để tổ chức cho hội viên Trường Sơn thăm lại chiến trường xưa tại Việt Nam và Lào. Hội và Trung tâm đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị thân thiết với Cơ quan Tùy viên Quân sự Lào tại Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Hà Nội. Nhiều đoàn cán bộ, hội viên Trường Sơn do Trung tâm Tổ chức thăm chiến trường xưa tại Lào đã được Tùy viên Quân sự và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam giúp đỡ chí tình, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn hoạt động tại Lào. Các đoàn Bộ đội Trường Sơn đã có nhiều buổi giao lưu hữu nghị và tặng quà các địa phương của Lào.
-Hội Trường Sơn Việt Nam cùng với Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã giúp đỡ Bộ Quốc phòng Lào và Sứ quán Việt Nam tại Viêng Chăn tổ chức triển lãm 100 bức ảnh tư liệu quý về hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trên đất nước Lào nhân kỷ niệm 55 năm ngày Bộ đội Trường Sơn lật cánh sang Tây Trường Sơn (tháng 4 năm 2016); Hội Trường Sơn Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 56 năm Bộ đội Trường Sơn lật cánh sang Tây Trường Sơn ngày 16-4-2017. Tại Lễ kỷ niệm, Hội đã nhận được tình cảm và sự đánh giá cao của Đại sứ quán Lào tại Việt Nam đối với tình đoàn kết hữu nghị anh em đặc biệt mà Hội Trường Sơn Việt Nam đã và đang tiếp nối truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Trường Sơn năm xưa.
-Tại cuộc gặp và làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 10-8-2017, Hội Trường Sơn đã có kiến nghị 8 điểm, trong đó có việc kiến nghị với Đảng và Chính phủ làm việc với Nhà nước Lào công nhận Đường Tây Trường Sơn là Di tích Quốc gia Đặc biệt của Lào và xây dựng cụm tượng đài thể hiện tình đoàn kết hữu nghị chiến đấu Việt Lào tại Savanakhét. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao chính thức đặt vấn đề với Bạn về nguyện vọng của Hội Trường Sơn Việt Nam. Mới đây, các Bộ ngành liên quan của Lào đã hoan nghênh và ủng hộ đề nghị của Việt Nam và giao cho Bộ Văn hóa Thông tin Lào phụ trách về đề án này. Về kinh phí xây dựng tượng đài Bạn đề nghị thực hiện xã hội hóa và có sự giúp đỡ của Việt Nam.
Đoàn kết hữu nghị với các Bạn Lào là mối quan tâm quan trọng của Hội trong hoạt động quốc tế. Hội đang xúc tiến việc quan hệ với các bạn Campuchia đặt vấn đề về hoạt động của Bộ đội Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ trên đất Campuchia.
Đánh giá chung.
Năm năm của nhiệm kỳ I, được sự chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan chức năng của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các địa phương, bám sát tôn chỉ mục đích, nội dung nhiệm vụ của Hội, với trách nhiệm nhiệt tình và quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ Hội các cấp và được hội viên trong cả nước hưởng ứng thực hiện tích cực, chúng ta đã hoàn thành thắng lợi chương trình hoạt động của Đại hội lần thứ Nhất đề ra. Các hoạt động truyền thống, tình nghĩa và công tác vận động tài trợ đều có những nỗ lực cố gắng vượt bậc, khá đồng đều từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị truyền thống, đạt kết quả và hiệu quả tốt, có ý nghĩa xã hội - nhân văn sâu sắc. Hoạt động đối ngoại đã triển khai tích cực và có thành công tốt đẹp. Qua đó, làm cho các cấp, các ngành, các địa phương hiểu đầy đủ hơn về chiến trường Trường Sơn; về Bộ đội Trường Sơn; về tôn chỉ, mục đích, kết quả hoạt động của Hội. Từ đó đã có sự quan tâm tạo điều kiện và ủng hộ tích cực đối với Hội. Tổ chức của Hội sau 5 năm đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có hệ thống đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị truyền thống và tập hợp được đông đảo hội viên. Hoạt động của Hội ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả, đúng Điều lệ, pháp luật. Có thể khẳng định rằng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua là to lớn và tương đối toàn diện.
Hoạt động của Hội đã khơi dậy truyền thống hào hùng của Bộ đội Trường Sơn, làm cho hội viên thấy được niềm tự hào, tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực vào các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Những kết quả hoạt động truyền thống và tình nghĩa của Hội trong 5 năm qua thực sự có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Kết quả đó đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen ngợi, được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân ở các địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò, vị thế và uy của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam ngày càng được nâng cao trong xã hội.
Có được kết quả trên, trước hết là do có sự kế thừa kinh nghiệm hoạt động của Ban Liên lạc trước đây cùng với truyền thống hào hùng, vẻ vang của Bộ đội Trường Sơn. Đồng thời có sự nỗ lực, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, vận động tài trợ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Trung ương Hội và đội ngũ cán bộ Hội các cấp; Sự quan tâm tạo điều kiện của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành của Trung ương và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương. Đặc biệt là có sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong cả nước.
Bài học kinh nghiệm.
Một là: Phải nắm vững các quy định của Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Điều lệ Hội, đẩy mạnh tuyên truyền về Trường Sơn, về Hội. Phát triển tổ chức Hội phải đi đôi với củng cố, kiện toàn, xây dựng, thực hiện Quy chế làm việc, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong nội bộ. Nơi nào làm tốt thì tổ chức mạnh, hoạt động hiệu quả và ngược lại.
Hai là: Tập trung xây dựng tổ chức vững chắc, hoạt động hiệu quả. Chú trọng xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là Ban Thường vụ, Thường trực Ban Thường vụ và các cơ quan cả về trách nhiệm, năng lực cả về phương pháp công tác. Chọn nhân sự cán bộ, nhất là người chủ trì phải là những đồng chí nhiệt tình, tâm huyết, có uy tín, có điều kiện, có năng lực hoạt động.
Ba là: Phải cụ thể hóa chương trình hoạt động cả nhiệm kỳ thành kế hoạch công tác trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo và kịp thời điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và biểu dương, khích lệ kịp thời những nơi làm tốt, giúp đỡ những nơi khó khăn, chấn chỉnh những việc làm chưa tốt. Những việc mới, việc khó có ảnh hưởng rộng, yêu cầu cao cần chỉ đạo làm điểm để rút kinh nghiệm.
Bốn là: Phải chủ động quan hệ, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để tổ chức và hoạt động.
Năm là: Phát huy sức mạnh tổng hợp, vận động, khai thác tối đa nguồn nội lực của từng cấp; đồng thời tích cực vận động sự giúp đỡ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tạo nguồn lực cho các hoạt động của Hội.
Đại hội Nhiệm kỳ thứ II của Hội.
Ngày 7 và 8 tháng 9 năm 2016, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ II (2016-2021). Tại Đại hội, Hội Trường Sơn Việt Nam vinh dự được đón đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tới dự và trao 2 Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội và cho Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội. Đại hội cũng vinh dự nhận cờ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng nhiều Bằng khen tặng tập thể và hội viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội (bổ sung và sửa đổi), thông qua Chương trình hoạt động nhiệm kỳ II. Phương châm đồng thời là khẩu hiệu trong xây dựng và phát triển Hội giai đoạn 2016-2021 là: “Tập hợp – Đoàn kết – Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả”.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành với 102 Ủy viên, Ban Thường vụ với 23 Ủy viên. Thiếu tướng Võ Sở được tái đắc cử làm Chủ tịch Hội. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký. Các Phó Chủ tịch là các đồng chí: Thiếu tướng Trần Danh Bích, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Tiến sĩ Lê Thị Phương Thảo, Thiếu tướng Hoàng Kiền, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung.
Đại hội đã bầu Ban Kiểm tra Hội gồm 5 Ủy viên do Đại tá Thái Sầm, Ủy viên Ban Thường vụ Hội làm Trưởng ban.
Đại hội tiếp tục suy tôn Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn làm Chủ tịch Danh dự Hội; 18 đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Hội đồng Quản trị một số Tập đoàn…là Ủy viên BCH Danh dự.
Hội đã tổ chức thành lập Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, tập hợp gần 200 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong cả nước; thành lập 3 chi hội VHNT Trường Sơn tại Bắc Ninh, Hải Phòng và Yên Bái; kết nạp 2 đơn vị là Hội viên Tập thể của Hội VHNT Trường Sơn. Từ tháng 1 năm 2017 tới nay TƯ. Hội và các cấp đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm nhiều thể loại nhằm tiếp tục tuyên truyền truyền thống và lịch sử hào hùng của Trường Sơn.
Hội đã tổ chức thành lập Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn trên cơ sở Ban Liên lạc Nữ Chiến sĩ Trường Sơn. Đến nay nhiều tỉnh, thành phố và huyện, thị xã đã thành lập Hội Nữ Chiến sĩ Trường Sơn.
Câu Lạc bộ Gia đình Nữ doanh nhân Trường Sơn được thành lập từ tháng 3 năm 2017. Sau hơn một năm hoạt động, CLB đã có nhiều đóng góp hiệu quả vào hoạt động tình nghĩa. Ban Chủ nhiệm CLB đã huy động được nguồn kinh phí từ hội viên trong CLB, tổ chức các hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sỹ, xây dựng nhà tình nghĩa và tặng quà cho các tập thể và cá nhân với tổng số tiền là 1 tỷ 076 triệu đồng.
Tháng 12-2017, TƯ. Hội đã ra quyết định thành lập Trung tâm Nhân đạo Trường Sơn, tổ chức hoạt động đào tạo, dạy nghề và các dịch vụ y tế dành cho các đối tượng chính sách của Trường Sơn và phục vụ xã hội…
Hoạt động tình nghĩa trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 (theo số liệu chưa đầy đủ) các cấp Hội trong cả nước, đã vận động các nguồn lực xã hội và đóng góp của hội viên trị giá: 1.744,8 triệu đồng cho các hoạt động tình nghĩa: Hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa: 165 triệu đồng; tặng 300 chăn ấm cao cấp: 300 triệu đồng; tặng 5 tấn gạo: 75 triệu đồng; tặng 50 bộ quần áo: 10 triệu đồng; tặng 3.795 suất quà (bình quân 330.000đ/suất). Trong đó, riêng Trung ương Hội vận động được 425 triệu đồng; CLB Gia đình Nữ Doanh nhân Trường Sơn 372 triệu đồng. Số còn lại do các địa phương, đơn vị vận động. Các địa phương vận động tốt là Yên Bái 538 suất: 202 triệu đồng; Thanh Hóa 623 suất: 180 triệu đồng, Thái Bình 600 suất: 130 triệu đồng…
Tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, ngày 10-3-2018, Hội Trường Sơn Việt Nam được sự phối hợp của Tập đoàn Thái Bình Dương và Báo Cựu chiến binh Việt Nam đã chính thức phát động cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” nhằm tiếp tục phát hiện và bổ sung lịch sử, truyền thống hào hùng của Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; phát hiện những tấm gương Bộ đội Trường Sơn tiếp tục tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay.
Hội Trường Sơn các địa phương.
Sau Đại hội Nhiệm kỳ II đã có thêm 7 tỉnh Đại hội thành lập Hội và hàng chục huyện, thị xã, hàng trăm xã, phường đã Đại hội thành lập Hội.
Tính đến tháng 6 năm 2018 đã có 39/48 tỉnh, thành phố trong cả nước có tổ chức Hội:
Hà Nội (2009), Phú Thọ (31-11-2011), Bình Dương (28-11-2011), Bắc Giang (30-12-2011), Khánh Hòa (12-2-2012), Bắc Ninh (27-2-2012), Hải Dương (6-3-2012), Bắc Cạn (18-4-2012), Nghệ An (15-5-2012), Bình Thuận (19-5-2012), Hà Tĩnh (26-5-2012), Cao Bằng (31-5-2012), Yên Bái (15-6-2012), Thanh Hóa (22-6-2012), Thái Nguyên (20-7-2012), Lào Cai (15-8-2012), Quảng Ninh (22-8-2012), Hưng Yên (26-12-2012), Nam Định (13-1-2013), Bà Rịa Vũng Tàu (7-3-2013), Hòa Bình (19-3-2013), Phú Yên (17-3-2013), Đắc Lắc (24-3-2013), Hà Giang (26-9-2013), Lâm Đồng (25-10-2013), Thái Bình (8-11-2013), Quảng Bình (6-5-2014), Quảng Ngãi (18-7-2014), Hà Nam (20-7-2014), Kon Tum (8-10-2014), Kiên Giang (10-11-2014), Ninh Bình (19-8-2015), Đà Nẵng (30-5-2016), Lạng Sơn (17-7-2016), Sơn La (23-11-2016), Vĩnh Phúc (17-2-2017), Thừa Thiên – Huế (17-9-2017), Hải Phòng (24-11-2017), Gia Lai (18-12-2017).
10 Ban Liên lạc Truyền thống các Sư đoàn, Ngành, Cục đã thành lập Hội.
Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
xứng đáng là địa chỉ tin cậy của hội viên cả nước.
Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hơn 7 năm qua không chỉ nhanh chóng trở thành một địa chỉ tin cậy, uy tín, hoạt động có hiệu quả trong hệ thống chính trị xã hội mà còn là điểm tựa tinh thần, là niềm tự hào của hàng chục vạn chiến sĩ Trường Sơn, Thanh niên Xung phong, Dân công hoả tuyến Trường Sơn trong cả nước.
Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam rất vẻ vang nhưng cũng nhiều thử thách, đòi hỏi bản lĩnh vượt khó, sáng tạo vươn lên của những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Hoạt động tình nghĩa và giáo dục truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh cho thế hệ hôm nay là việc làm vô cùng quan trọng và đầy ý nghĩa của Hội. Làm gì để các thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tự hào về Trường Sơn, về Đường Hồ Chí Minh là mệnh lệnh thiêng liêng của các hội viên và các cấp Hội hôm nay. Dù khó khăn đến đâu, hai nhiệm vụ quan trọng ấy của Hội Trường Sơn phải được thực hiện một cách tốt đẹp.
60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2014) là sự kiện trọng đại đối với hội viên Trường Sơn.
Tự hào về Trường Sơn, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, mỗi hội viên Trường Sơn chúng ta càng thấy trọng trách to lớn trong việc phát huy các giá trị mà lớp lớp các chiến sĩ Trường Sơn hôm qua đã đổ máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp giải phóng đất nước trên Trường Sơn viết nên.
Các hội viên Trường Sơn chúng ta hãy tiếp tục sống và cống hiến những năm tháng cuối của cuộc đời trở nên có ý nghĩa, có giá trị hơn vì Trường Sơn, cho Trường Sơn mãi mãi trường tồn trong tâm thức của các thế hệ hôm nay và ngày mai của đất nước.
Hãy tiếp tục xây dựng tổ chức Hội của chúng ta phát triển, đáp ứng với yêu cầu phát triển của thời kỳ mới. Hãy thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả và thiết thực hai nhiệm vụ lớn quan trọng của Hội. Hãy thực hiện thắng lợi khẩu hiệu đồng thời là phương châm hành động của Hội: “Tập hợp – Đoàn kết – Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả”.
Hãy làm cho Hội Trường Sơn chúng ta thật sự xứng đáng với Trường Sơn hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.
Biên soạn: NB-NV Phạm Thành Long