Huyền bí đất nước Triệu Voi (Kỳ 1)

Ngày đăng: 07:56 17/10/2015 Lượt xem: 610

Huyền bí đất nước Triệu Voi 

QĐND - Đứng bên dòng Mê Công hùng vĩ, không khỏi khiến ta có cảm giác thật nhỏ bé, diệu vợi. Sông Mê Công là con sông mẹ, nuôi lớn cả dân tộc Lào. Thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Phra-băng đều nằm bên bờ và được nuôi dưỡng bởi dòng sông này. Bằng cách nào, những bộ tộc Lào xưa lại xây dựng được một thủ đô và cố đô với những kiến trúc chùa tháp kỳ vĩ như thế? Đặc biệt Luông Phra-băng, cố đô xưa vẫn mê hoặc người đến như câu hỏi từ chính sử sách Lào, bằng cách nào các vua chúa của Lào ngày đó lại dời đô được về Viêng Chăn nhanh như vậy dù cách Luông Phra-băng hơn 400km, trong khi không có đường giao thông và phải vượt qua trùng trùng đồi núi.

Kỳ 1: Cái nôi của một nền văn hóa

Từ Luông Phra-băng tới Viêng Chăn

Theo sử sách của dân tộc Lào ghi lại thì cuộc dời kinh đô lịch sử của các vua Lào từ Luông Phra-băng về Viêng Chăn diễn ra vào năm 1560, tức cách nay đã hơn 4 thế kỷ. Chính sử của Lào cũng ghi rằng, vị vua ngày đó quyết định dời đô tên là Xê-tha-thi-lát, bởi một lý do là chiến tranh xảy ra liên miên. Vương triều Lan Xạng do vua Xê-tha-thi-lát trị vì phải căng mình chống lại sự nổi lên và chống đối của nhiều bộ tộc.

Lý do gì vua trị vì lại quyết định dời đô, sử sách Lào không giải thích rõ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Văn-pênh Phay-a-mát, Chánh văn phòng Đài Truyền hình Quốc gia Lào, một người từng có nhiều năm học ở Việt Nam và nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ cũng không giải thích thấu nguyên nhân. Nếu xét về vị trí địa lý, quân sự, kinh tế… của thời đó thì Viêng Chăn khó có thể nói là hơn Luông Phra-băng. Hai địa điểm này đều nằm bên dòng sông Mê Công, đều được dòng sông mẹ ban tặng những điều tốt đẹp. Thậm chí khi đó, Viêng Chăn thực tế nằm gần Xiêm (Thái Lan) và Cam-pu-chia hơn nên đã bị những nước này thôn tính. Cũng theo ông Văn-pênh, có thể nói rằng, cuộc dời đô thời đó đến nay vẫn là một “bài toán khó” đối với các nhà nghiên cứu lịch sử Lào.

 

Du lịch cưỡi voi trong rừng là một nét độc đáo ở Luông Phra-bang. Ảnh: Hà My.

Từ thủ đô Viêng Chăn đi cố đô Luông Phra-băng có đường hàng không. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định đi bằng đường bộ, để cảm nhận rõ hơn sự kỳ vĩ của đất nước Triệu Voi. Quãng đường bộ này dài hơn 400km và cũng là tuyến đường huyết mạch nối từ Trung đến Bắc Lào, được gọi là Quốc lộ 13 Bắc. Ở Lào vẫn chưa có đường cao tốc. Trên suốt hành trình dài này, phần lớn là phải vượt qua đèo núi lên xuống liên tục, khá giống với đường đi Tây Bắc của Việt Nam đoạn từ Lào Cai sang Lai Châu qua Quốc lộ 4D. Cảnh vật hai bên đường đẹp với những cánh rừng còn khá nguyên sơ, có những đoạn vượt lên đến đỉnh núi, mây mù ùa cả vào xe. Nhiều nhất hai bên đường là những cây gỗ tếch thẳng đứng-loại gỗ nhẹ nhưng cứng và chịu nước tốt. Nghe nói rằng, đây chính là loại gỗ dùng để làm báng súng quân dụng. Người Lào gọi cây gỗ này là Khạ-nhung. Với hệ thống núi đồi trùng trùng điệp điệp, vượt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia liên tục ấy, hơn 400 năm trước, nơi đây chưa có đường. Vậy bằng cách nào cả vương triều vua Xê-tha-thi-lát đã di chuyển về Viêng Chăn được? Cũng không ai rõ họ đi theo con đường nào.

Sau khi Vương triều Lan Xạng bất ổn, sự tách ra, nhập vào của các bộ tộc, trong đó sự cát cứ địa phương đã hình thành. Năm 1707, Vương triều Lan Xạng tan rã, Luông Phra-băng trở thành thủ đô của Vương quốc Luông Phra-băng độc lập, tồn tại song song với vương triều mới ở Viêng Chăn. Khi Pháp sáp nhập các bộ tộc Lào, Pháp công nhận Luông Phra-băng là nơi cư trú của hoàng gia Lào. Năm 1945, Lào tuyên bố độc lập và chọn Luông Phra-băng là thủ đô. Giai đoạn 1945-1975, đất nước Lào cũng trải qua các giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ cùng Việt Nam. Luông Phra-băng giữ vai trò là thủ đô cho đến năm 1975.

Khám phá cố đô

Trong số các thành phố cổ xưa còn tồn tại đến ngày nay, một trong những điểm đáng đến nhất trên thế giới được nhiều tổ chức văn hóa, tạp chí du lịch bình chọn phải nhắc đến Luông Phra-băng. Từ nhiều năm nay, Luông Phra-băng luôn duy trì lượng khách du lịch quốc tế đến đây cao hơn dân số của tỉnh. Tính từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2015, đã có hơn 500 nghìn lượt khách quốc tế đến đây trong khi dân số của tỉnh chỉ hơn 400 nghìn người, riêng dân số nội đô thành phố Luông Phra-băng chỉ là 22.000 người. Anh Bô-vít, một du khách đến từ Ô-xtrây-li-a cho biết: Anh đến Luông Phra-băng du lịch lần thứ hai cùng với vợ. Sở dĩ, anh thích nơi đây bởi thành phố này vẫn giữ được những nét cổ xưa hiếm có, cố đô gần như vẫn còn nguyên vẹn. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng rất ngạc nhiên khi nhận định rằng, ở đây, người dân bình thường cũng biết làm du lịch. Những người đang phục vụ ở các nhà hàng nhưng cũng sẵn sàng dừng công việc để múa Lăm-vông với du khách. 

Vượt qua 328 bậc đá cao được xây kiên cố dưới những tán cây cổ thụ, chúng tôi lên được đến đỉnh núi Phô-xi (Phousi). Trên đỉnh núi này có ngôi chùa cổ kính là một điểm rất linh thiêng, nơi tương truyền rằng Phật đã ở đó. Đây cũng là một trong những đỉnh núi cao nhất nằm giữa thành phố Luông Phra-băng. Từ đây, ngắm nhìn toàn thành phố cổ kính nằm giữa hai dòng sông Mê Công và Nậm Khàn, bao bọc là các dãy núi. Đó thực sự là nơi có vị trí thuận lợi về giao thông nhưng cũng là điểm tựa quan trọng cho hệ thống tường thành thế trận bảo vệ hoàng cung mà các vua chúa xưa đã chọn. 

 

Chùa Xiêng-thoong, ngôi chùa nổi tiếng ở cố đô Luông Phra-bang. Ảnh: Hà My.

Mê Công và Nậm Khàn là hai con sông, là thành lũy khó có thể vượt qua để quốc gia Luông Phra-băng cổ xưa ngăn kẻ thù đánh phá. Hai dòng sông cũng bồi đắp phù sa, dẫn nước cho những cánh đồng lúa trù phú. Ở Lào, việc trồng lúa chủ yếu chỉ làm một vụ. Người dân rất tôn trọng tự nhiên nên có thể giữa những thửa ruộng có những cây cổ thụ vươn cao. Những cây cổ thụ cứ tồn tại thế cùng năm tháng đến khi nào tự chết chứ người dân không chặt bỏ đi. Tương tự như vậy, dòng Mê Công bao đời vẫn cung cấp cá tôm cho cả thành phố. Ngay cả những con suối nhỏ đổ nước ra dòng Mê Công cũng nhiều cá tôm. Người dân đánh lưới, cất vó chỉ lấy cá to, cá nhỏ thả trở lại dòng sông... Nét đẹp ấy đã góp phần quan trọng để các dòng sông ở đất nước Triệu Voi đến nay vẫn còn nhiều cá.   

Luông Phra-băng là một trong những thành phố bảo tồn tốt các di tích cổ, đặc biệt là hệ thống cung điện, chùa tháp với nhiều chi tiết bằng vàng ròng còn được lưu giữ. Đứng trước những đền chùa, hoàng cung xưa ở đây, chúng ta không khỏi trầm trồ, ngưỡng mộ bởi sự kỳ vĩ của hệ thống kiến trúc của người xưa. Đây cũng là thành phố lâu đời nhất ở Lào, được thành lập cách nay khoảng 1.200 năm. Trong hoàng cung, những chiếc trống đồng khá giống với các trống đồng của văn hóa Đông Sơn, Ngọc Lũ của Việt Nam nhưng niên đại thì không bằng các trống đồng được tìm thấy ở Việt Nam. Trống đồng có nhiều niên đại khác nhau, các nét họa tiết hoa văn, tín ngưỡng thì cũng tương tự của người Việt cổ, dùng trong các lễ hội, cầu mây, cầu mưa thuận gió hòa. Đây là những chiếc trống được tìm thấy ở miền Bắc Lào.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc biệt ấy, năm 1995, UNESCO đã công nhận cố đô Luông Phra-băng là di sản văn hóa thế giới. Nó thực sự là điểm đến cho những ai muốn tìm hiểu, khám phá thành phố này. Luông Phra-băng mê hoặc mọi người với nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, hàng chục ngôi chùa với các nét riêng độc đáo. Một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất đó là chùa Xiêng-thoong. Với người dân Lào, đến được chùa Xiêng-thoong là một điều rất thiêng liêng trong đời. Đó là một ngôi chùa kỳ vĩ nằm ngay cạnh dòng Mê Công. Chùa chính là một kiến trúc có hệ thống mái tầng lớp chồng lên nhau rất đặc biệt. Anh Văn-pênh hướng dẫn cho chúng tôi thực hiện một nghi lễ riêng có ở đây, đó là nghi lễ nâng Phật. Ai thực hiện nghi lễ này phải thực sự thành tâm, loại bỏ tất cả những suy nghĩ trần tục, nghĩ về cuộc đời là sự thanh thản rồi mới có thể thực hiện lễ nâng Phật. Phải những người khỏe mạnh, có sức vóc mới đủ sức nâng được Phật 3 lần, cao quá đầu. Những ai không đủ sức nâng Phật nhưng thực sự thành tâm thì vẫn được ghi nhận.

Từ Khách sạn Hoa Ban, khách sạn do người Việt Nam làm chủ, nằm ở trung tâm thành phố, sáng sớm chúng tôi được ngắm toàn cảnh Luông Phra-băng trước ánh bình minh, cảm nhận một cuộc sống hoàn toàn khác. Lúc ấy, thành phố bỏ lại tất cả sự ồn ào thường nhật. Thay vào đó, du khách được chứng kiến những đoàn nhà sư, khoác áo cà sa đi khất thực buổi sáng. Khất thực là một phương thức tu hành không thể thiếu của dòng phát Phật nơi đây, nó mang ý nghĩa sâu sắc nuôi sống bản thân và mang ý di dưỡng tinh thần.

Nếu như Lào là một trong những đất nước xứ sở của Phật giáo, với 90% dân số theo đạo Phật thì Luông Phra-băng được coi là thủ phủ của đất Phật. Đạo Phật được truyền vào xứ Lào từ thế kỷ thứ 7, và từ thế kỷ 14 Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Người dân Lào đã thấm nhuần trong mình những lời Phật dạy, một mực kính trọng các bậc tăng ni, những vị sư sãi trong chùa. Đất nước Lào có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ. Đó là đất nước mà tỷ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới.

 

Kỳ 2: “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"

QĐND - Dân số của quốc gia Lào năm 2014 khoảng gần 7 triệu, còn ít hơn dân số của thủ đô Hà Nội nhưng quản lý diện tích đất nước rộng 236.800km2, bằng khoảng 2/3 diện tích Việt Nam. Dân số thưa nên nhiều nơi ở đất nước Triệu Voi vẫn giữ được những nét hoang sơ với văn hóa khá độc đáo.

Tiềm năng chờ đánh thức

Năm 2015, cố đô Luông Phra-băng sẽ kỷ niệm sự kiện 20 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Trong buổi tiếp chúng tôi, ông Ua-công Na-va-vông, Phó tỉnh trưởng tỉnh Luông Phra-băng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một thành phố du lịch. Ngành du lịch của Luông Phra-băng phát triển nhanh khi hằng năm thu hút được 500.000 khách quốc tế, nhiều hơn cả dân số của Luông Phra-băng, chiếm 44% GDP của tỉnh. Thống kê năm 2014, tỉnh Luông Phra-băng có dân số khoảng 400.000 người.

Ông Ua-công Na-va-vông từng học 11 năm tại Việt Nam nên có tình cảm rất tốt với Việt Nam, điều đó được thể hiện ở ngay phòng khách. Ông dành cho đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam sự đón tiếp trọng thị của những người anh em thân thiết. Trong khán phòng được treo cờ của Việt Nam và Lào. Trên 3 bức tường chính đều có ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Lào. Con trai ông cũng đang học tại tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam.

Người Việt sống và làm ăn tại Luông Phra-băng khá đông. Ông Ua-công cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư vào Luông Phra-băng. Con số năm 2015, Việt Nam có 25 dự án đầu tư vào Luông Phra-băng với số vốn hơn 25 triệu USD. Tại Luông Phra-băng, chúng ta đã mở Tổng lãnh sự quán. Riêng tỉnh Điện Biên đã đặt Văn phòng đại diện Công Thương tại đây. Điện Biên là tỉnh đã đào tạo cho Lào nói chung và Luông Phra-băng nói riêng nhiều cán bộ và cũng có quan hệ thân thiết với Luông Phra-băng. Cố đô Luông Phra-băng còn rất nhiều tiềm năng, mong muốn các doanh nghiệp ViệtNam đầu tư vào và mở rộng hơn nữa. Tỉnh cũng đề ra chiến lược 3 điểm để phát triển, đó là: Phấn đấu trở thành trung tâm về du lịch và phát triển kinh tế của Bắc Lào; là trung tâm đào tạo nhân lực cho Bắc Lào; phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất điện từ thủy điện cho trong nước và xuất khẩu. Tiềm năng thủy điện ở Luông Phra-băng theo tính toán vào khoảng 5.000MW. Hệ thống sông suối ở cố đô có độ dốc tương đối lớn và nhiều nước do vẫn còn nhiều rừng, phù hợp với thủy điện. Hiện thủy điện lớn nhất của Lào là thủy điện Nậm Ngừm thuộc tỉnh Viêng Chăn với công suất 155MW và đã có kế hoạch nâng công suất lên 275MW. Khi đi thăm tỉnh Viêng Chăn, chúng tôi đã đến thủy điện Nậm Ngừm. Đó không chỉ là thủy điện mà còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp. Thủy điện được xây vào thập niên 1980 trên sông Nậm Ngừm. Riêng trên con sông này, nước bạn đã có kế hoạch xây dựng 4 công trình thủy điện khác.

 

Đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tham quan trình bày ma-két của Báo Pasaxon (Lào). Ảnh: Hà My.

Dành nhiều ngày đưa chúng tôi đi thăm các cơ quan báo chí, các điểm du lịch nổi tiếng của Luông Phra-băng, ông Som-lít Búp-pha-pan-a, Phó giám đốc Sở Thông tin-Văn hóa-Du lịch tỉnh Luông Phra-băng nói rằng, ngoài những điều tốt đẹp mà Việt Nam đã dành cho Lào như sự giúp đỡ về vật chất, về đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất… thì hệ thống báo chí, truyền thông Việt Nam cũng đã giúp đỡ Lào rất nhiều trong việc tuyên truyền, quảng bá về cố đô Luông Phra-băng. Ông cũng đặt vấn đề nhờ các cơ quan báo chí Việt Nam giúp đỡ các cơ quan báo chí Lào nói chung và báo chí tỉnh Luông Phra-băng nói riêng.

Hệ thống báo chí, truyền thông của Lào có điểm khác Việt Nam. Tất cả các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương của quốc gia Lào đều được sự quản lý trực tiếp về mọi mặt của Bộ Thông tin-Văn hóa-Du lịch. Do dân số ít nên quy mô các báo, đài chưa lớn, hệ thống trang thiết bị, cơ sở phục vụ cho công tác làm báo, phát sóng, phát thanh còn nhiều hạn chế. Hiện ở Lào cũng đã có báo tiếng nước ngoài, phát triển nhất là Báo Vientiane Times (xuất bản bằng tiếng Anh). Ở bạn cũng đã mở rộng báo điện tử nên sự cạnh tranh giữa báo giấy và báo mạng khá gay gắt. Báo Pasaxon (như Báo Nhân Dân ở Việt Nam) trước kia xuất bản khoảng 10.000 đến 12.000 tờ/ngày, nhưng nay chỉ xuất bản còn khoảng 5.000 đến 6.000 tờ/ngày do phải cạnh tranh với các tờ báo mới và báo mạng. Lào cho phép có một số báo tư nhân. Hiện ở Lào có 11 tờ báo xuất bản hằng ngày, nhưng nhiều báo chưa đến được tất cả các tỉnh trong ngày. Có những tỉnh phải 2, 3 ngày báo mới đến nơi. Cả nước có 40 cơ quan báo chí với khoảng 100 ấn phẩm. Tương tự như vậy, báo chí ở tỉnh được sự quản lý của Sở Thông tin-Văn hóa-Du lịch. Hệ thống báo chí cấp tỉnh còn khá nhỏ và hạn chế. Luông Phra-băng là tỉnh phát triển có lẽ chỉ sau Viêng Chăn nhưng tờ báo của tỉnh một tháng mới phát hành 2 số, mỗi số in khoảng 500 đến 600 tờ. Đài phát thanh, truyền hình của tỉnh sản xuất số lượng nhỏ chương trình phát sóng, chủ yếu là tiếp sóng đài quốc gia.

Từ nhiều năm nay, các cơ quan báo chí của Việt Nam có mối quan hệ tốt với các cơ quan báo chí Lào. Ông Bua-la-phăn Thăm-phi-lôm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Lào cho biết: Trong các cơ quan báo chí Lào, nhiều cán bộ được đào tạo tại Việt Nam đang giữ những cương vị quan trọng. Ông cũng đánh giá cao chất lượng đội ngũ cán bộ được đào tạo tại Việt Nam và mong muốn Việt Nam tiếp tục giúp đỡ Lào trong việc đào tạo cán bộ, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà báo. Những năm qua, những cơ quan báo chí Việt Nam có mối quan hệ tốt và giúp đỡ các cơ quan báo chí Lào có hiệu quả có thể kể đến như: Báo Nhân Dân với Báo Pasaxon, Đài Truyền hình Việt Nam với Đài Truyền hình Quốc gia Lào, Đài Tiếng nói Việt Nam với Đài Phát thanh Quốc gia Lào, Báo Quân đội nhân dân Việt Nam với Báo Quân đội nhân dân Lào…

Gìn giữ nét đẹp truyền thống

Một trong những ấn tượng rất tốt với du khách là người dân Lào hiền hòa, chân thật. Đến chợ đêm ở thủ đô Viên Chăn và cố đô Luông Phra-băng, hai chợ đã nổi tiếng từ rất lâu về việc bán hàng lưu niệm cho du khách, ngay từ khoảng 4 giờ chiều, hàng hóa đã được tập kết về từ khắp nơi. Những dãy ki-ốt dài bán rất nhiều hàng lưu niệm như: Quần áo, khăn, túi vải, đồ trang sức bạc, đồ mỹ nghệ đến tượng Phật bằng đồng hay tranh giấy, gỗ vẽ hình Phật, hình sư hành hương… nhưng hoàn toàn không có cảnh chèo kéo khách. Khách muốn mua hàng có thể xem thoải mái ở một hàng rồi mua ở hàng bên cạnh cũng chẳng sao. Người Lào không coi đó là xui xẻo hay mất thời gian trả lời các câu hỏi. Họ rất hiền hòa, nhã nhặn. Chính vì thế, khách đến đây mua được hàng hay không cũng đều cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, vì chợ đêm chủ yếu bán hàng cho khách du lịch nên người dân bán hàng nói thách khá cao. Có những món hàng khách trả giá giảm tới một nửa so với giá người bán hàng đưa ra mà vẫn còn bị coi là hớ. Dù mua được hay không nhưng khách hàng đi chợ đêm thường ra về với tâm trạng vui vẻ, thoái mái. Người ta thường không nghĩ đó là những cuộc mua bán mà chỉ coi là một điểm đến du lịch nên cũng ít quan tâm đến chuyện giá cả đắt hay rẻ.

 

Một góc chợ đêm ở Luông Phra-băng. Ảnh: Hà My.

Hệ thống đường sá ở các thành phố của Lào khá nhỏ trong khi lượng xe ô tô ngày càng tăng khiến cho đường sá có phần chật chội. Luông Phra-băng cũng như Viêng Chăn hay các thành phố khác của Lào, các tài xế hiếm khi bấm còi xe. Tất cả các xe đi theo luật và nhường nhau chứ không ai bấm còi. Ở thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi thường kết thúc một ngày làm việc và dùng xong bữa ăn tối vào khoảng 22 giờ. Mọi người cùng nhau đi thăm thắng cảnh thủ đô vào đêm. Đêm ở Viêng Chăn yên tĩnh. Thời điểm này tuyệt nhiên không có tiếng còi xe. Dù khuya nhưng vẫn không thấy ai vượt đèn đỏ, điều đó khiến chúng tôi rất bất ngờ. Thủ đô vốn là nơi đông đúc nhất của đất nước Triệu Voi nhưng khá khó khăn khi tìm một chiếc xe ôm để đi lại cho tiện, tắc-xi cũng ít. Ở đây nhiều nhất là loại xe túc-túc, nó giống như chiếc xe ba gác ở Việt Nam. Đó là chiếc xe 3 bánh. Thùng phía sau để cho khách ngồi và cũng có thể chở hàng hóa nhỏ. Chiếc xe được thiết kế nơi khách ngồi rất dốc về phía sau. Những người chở khách khá thân thiện, không đòi hỏi và thường tìm cách làm vui lòng khách.

Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Văn-pênh, Chánh văn phòng Đài Truyền hình Quốc gia Lào cho biết, nhiều năm nay, Lào có chính sách đánh thuế thấp xe ô tô nhập khẩu nên lượng xe được nhập về lớn, giá xe rẻ nên người dân bình thường cũng có thể sở hữu xe hơi. Đặc biệt dòng xe bán tải rất được ưa chuộng ở Lào. Ngoài việc xe rẻ thì nó cũng phù hợp với địa hình, đường sá ở đây. Quan sát trên các đường phố ở Viêng Chăn, xe ô tô đậu tràn dưới lòng đường do không có những bãi đỗ lớn. Trước tình trạng xe ô tô con bắt đầu có phần tăng quá nhanh, gây ra tình trạng ùn tắc ở thủ đô Viêng Chăn nên Chính phủ Lào đã bắt đầu đánh thuế xe cao hơn để hạn chế bớt loại xe này. Anh Văn-pênh nói rằng, đã lâu rồi anh chưa được trở lại thăm Việt Nam. Anh rất mong muốn điều đó bởi anh nhớ những người bạn, những người thầy ở Việt Nam, nơi anh từng học, từng sống. Việt Nam đối với anh là quê mẹ thứ hai. Tình cảm tốt đẹp mà anh dành cho Việt Nam vẫn trường tồn cùng năm tháng, như lời bài hát mà anh hát tạm biệt chúng tôi: Thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

 

                                                                         NGUYỄN ANH TUẤN / QL ST

tin tức liên quan