Bìa trước và bìa sau cuốn sách
LỜI GIỚI THIỆU
Ban Biên tập vừa được Đại tá Thái Sầm, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra TƯ. Hội gửi tặng cuốn sách lịch sử "Tiểu đoàn 335 công binh Trường Sơn". Cuốn sách dày 136 trang. Sách do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Tiểu đoàn công binh TS 335 được thành lập năm 1966, là đơn vị trực thuộc Binh trạm 14 Trường Sơn. Tiểu đoàn đã in dấu chân trên những tuyến đường ác liệt của Trường Sơn, như: Đường 10, 15, 16, 20C, 20D, đường 20 Quyết Thắng, đường 128A, 128 B... Bám trụ trên các trọng điểm ác liệt: ATP, Chà Ang... mở đường và làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên Trường Sơn.
Sách do Đại tá Thái Sầm - Nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn - Chủ biên với sự cộng tác của các đồng chí: Nguyễn Mạnh Đạt, Trần Ngọc Thạch, Trần Văn Nam, Nguyễn Thế Duy, Nguyễn Thế Viễn.
Những câu chuyện, những chi tiết, những con số, những con người, và tổ chức của Tiểu đoàn qua nhiều thời kỳ đã được các tác giả tái hiện một cách sinh động, chân thật qua 5 Chương sách: Chương 1: Tiểu đoàn 335 - Bối cảnh ra đời và chảo lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh; Chương 2: Tiểu đoàn 335 - Đường 20 Quyết Thắng; Chương 3: Tiểu đoàn 335 - Tuyến đường 20C-20D; Chương 4: Tiểu đoàn 335 - Tuyến đường 128A - 128B (Lào); Chương 5: Tiểu đoàn 335 - Sau Hiệp định Pari...
Có lẽ với Trường Sơn thì đây là cuốn lịch sử của một Tiểu đoàn đầu tiên đã ra mắt bạn đọc. Cuốn lịch sử Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn chắc chắn sẽ góp phần làm phong phú thêm lịch sử và truyền thống anh hùng, huyền thoại của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Ban Biên tập trân trọng cám ơn Ban Liên lạc Tiểu đoàn 335 và đồng chí Thái Sầm.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và các đồng chí hội viên cuốn lịch sử "Tiểu đoàn 335 Công binh Trường Sơn"
Phạm Thành Long
TIỂU ĐOÀN 335
CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN
Chủ biên: Thải Sầm
Các tác giả: Nguyễn Mạnh Đạt
Trần Ngọc Thạch
Trần Công Bằng
Trần Văn Nam
Nguyễn Thế Duy
Nguyễn Thế Viễn
“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”
Hồ Chí Minh
(22.12.1964)
“… Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Bắc – Nam, thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết các dân tộc của ba nước Đông Dương. Quang vinh thay bộ độ Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại…!”
Lê Duẩn
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng
(Trích Sổ vàng Truyền thống bộ đội Trường Sơn mùa xuân 1973)
“Con đường Trường sơn thể hiện quyết tâm sắt đá của Đảng ta, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng giải phóng bằng được miền Nam thân yêu, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn cho tổ quốc. Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần sâu sắc quyêt tâm chiến lược của Đảng, nêu cao tinh thần dũng cảm tuyệt vời, phát huy cao độ trí thông minh và sáng tạo, như vậy mà dưới mưa bom, lửa đạn của quân thù, một hệ thống giao thông huyết mạch đã được xây dựng, vượt qua cả triền núi trùng điệp, vượt qua biết bao con suối, biết bao ngọn đồi, mang sức mạnh chi viện to lớn về người, về của của hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn, góp phần trọng đại đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi to lớn ngày nay...”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng
(Trích Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn mùa xuân năm 1973)
“ Trong cái sôi động ồn ào giây phút của ngày gặp mặt chiến thắng, vẫn có một không gian yên lặng đến không cùng, một khoảng lặng dành cho những đồng chí, đồng đội, bạn bè, đã vĩnh viễn nằm lại với những cánh rừng, con suối, đất trời Trường Sơn...Mãi mãi ngàn năm ghi công liệt sỹ, ngàn đời tạc sử Trường Sơn...”
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Nguyên UVBCT, Phó Chủ tịch HĐBT,Tư lệnh Bộ TLTrường Sơn
( Trích trong : Trọn một con đường- NXB QĐND- Hà Nội 2012)
LỜI NÓI ĐẦU
Tiểu đoàn 335 – Công binh, tiền thân là 2 Tiểu đoàn 33 và 35 công binh (thành lập tháng 10 năm 1966 theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, nhằm bổ xung lực lượng cho Binh trạm 16 thuộc Bộ Tư lệnh 500); sau này Tiểu đoàn 335 được điều về các Binh trạm, Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn, thực hiện nhiệm vụ chính là công binh mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong những năm chiến tranh ác liệt và xây dựng cầu đường ở Quảng Trị, cuối năm 1973. Tiểu đoàn 335 là một tiểu đoàn công binh tiêu biểu của Bộ đội Trường Sơn; Lịch sử chiến đấu và xây dựng của Tiểu đoàn 335 – Công binh Trường Sơn là những trang sử vẻ vang.
Trong 9 năm (1966 – 1975) Tiểu đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, bảo đảm giao thông trên một diện rộng từ Đông sang Tây Trường Sơn và ngược lại, luôn thay đổi qua nhiều đơn vị, cơ động phục vụ chiến đấu. Có lẽ, hiếm có một đợn vị nào, 9 năm chiến đấu lại qua 9 đơn vị, mỗi đơn vị đều tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: “Năm 1967, hợp nhất, Tiểu đoàn thuộc Bộ Tư lệnh 500, chiến đấu mở đường, đảm bảo giao thông trên trục đường 15, đường 16, từ ngã ba Thạch Bàn đến Làng Ho; Cuối năm 1968, Tiểu đoàn được điều tăng cường cho Binh trạm 14, đảm nhận nhiệm vụ giao thông trên tuyến đường 20 Quyết Thắng (đoạn Km0- Km 16, khai thông trọng điểm Chà Ang (K12); Cuối năm 1969, Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều tăng cường cho Binh trạm 32, làm nhiệm vụ mở đường 20C, 20D, 20E, QZ25,… từ biên giới qua 2 tỉnh Khăn Muộn và Xavanakhet (Lào); Năm 1970, Tiểu đoàn lại được điều về Binh trạm 14, với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các trọng điểm tuyến đường 128; Năm 1971, Tiểu đoàn được điều về thành lập Binh trạm 15, đảm bảo giao thông tuyến đường 128 từ ngã ba Lùm Bùm đến K86 đường 128A trên đất nước bạn Lào; Năm 1972 giải thể Binh trạm 15 thành lập Trung đoàn 15 đảm bảo giao thông tuyến đường 9, Tiểu đoàn được điều trở lại Binh trạm 14, đảm bảo giao thông trên các trục đường do Binh trạm 15 để lại; Đầu năm 1973, Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh Trường Sơn điều về thành lập Trung đoàn 99, đảm nhận nhiệm vụ mới là mở đường, bắc cầu trên trục đường 15, đường 9; Và, tháng 12 năm 1974, lần thư 9, khi không còn phiên hiệu Tiểu đoàn 335...”
Tiểu đoàn 335- Công binh, với một chặng đường lịch sử công tác, chiến đấu tham gia ở nhiều đơn vị, nhiều địa bàn hoạt động, nhiều tuyến đường quan trọng với những trọng điểm ác liệt, gian khổ khó khăn, từ Đông sang Tây Trường Sơn và ngược lại...Tiểu đoàn đều chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, lập nhiều chiến công xuất sắc; Nhiều tập thể được công nhận là tập thể tiên tiến, vững mạnh; Nhiều đồng chí cán bộ chiến sĩ được tôi luyện trong chiến đấu, đã trưởng thành, thành những sĩ quan ưu tú của quân đội; Nhiều cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua, Chiến sĩ Quyết Thắng của Bộ đội Trường Sơn; Song, bên cạnh đó, còn nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trở thành liệt sỹ, không bao giờ trở về, nhiều đồng chí trở về đã trở thành những thương bệnh binh, nạn nhân chất độc hóa học, hoàn cảnh rất khó khăn. Giờ đây, 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi khi nhắc đến các địa danh: Nông trường Quyết Thắng (Vĩnh Linh); Trà Ang - Km12, Trọng điểm ATP (Đường 20 Quyết Thắng); Dốc Tam Đảo, Đường 20C, 20D, 20E, QZ25 ; Đường 128A, QA3, QA5- Luôn Bùm, Km74, Km82, Cung đường 128A vv ...không ai không thầm nhớ và tự hào. .Những địa danh lịch sử ấy đã gắn bó cùng Tiểu đoàn với những thành tích vẻ vang và cả những giọt nước mắt đầy vơi, ai còn ai mất... trong những năm tháng chiến đấu ác liệt, sống chết bên nhau trên tuyến lửa Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh anh hùng.
Truyền thống lịch sử và thành tích trong chiến đấu, xây dựng của Tiểu đoàn 335 – Công binh Trường Sơn là như vậy; Nhưng do tính chất đặc thù đơn vị, một đơn vị công binh chủ lực, luôn cơ động, 9 năm 9 lần thay đổi, cử khai thông trọng điểm này lại đi đến khai thông trọng điểm khác, tuyến khác; Nhiệm vụ chiến đấu và chiến thắng là trên hết, thậm chí không còn thời gian để ghi, để nhớ về thành tích hay chiến công...Hơn nữa, sau khi ký kết Hiệp định Paris, đất nước cần nhiệm vụ mới, quân đội cần tinh giản đầu mối, Tiểu đoàn 335 đã không còn phiên hiệu, để tập trung vào cấp trung đoàn (Tháng 12 năm 1974, theo chủ trương của Bộ Tư lệnh, giảm bớt cấp Tiểu đoàn) ? Do vậy, tài liệu, sự kiện, thành tích đơn vị không được đảm bảo theo dõi thường xuyên, nhiều tài liệu bị thất lạc... Anh chị em, cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn chia tay mỗi người mỗi nơi, người thì về các đơn vị trong trung đoàn tiếp tục công tác, học tập, phát triển; người thì ra quân về địa phương tiếp tục xây dựng cuộc sống mới với những công việc lo toan, bộn bề nơi quê nhà, điều kiện gặp gỡ hội ngộ khó khăn. Nguyện vọng chung của anh chị em Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335 là mong muốn: “Nhân Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập (1966- 2016), gặp mặt cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 335 qua các thời kì”; Đây là một nguyện vọng chính đáng của anh chị em Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335. Nguyện vọng chinh đáng đó của anh chị em cũng .đã được triển khai, nhờ sự quan tâm của một số đồng chí cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn trước đây nay nghỉ hưu tại Hà Nội và một số ở tỉnh khác có điều kiện, nhiệt tình, trách nhiệm. Ban Liên lạc lâm thời Tiểu đoàn 335- Công binh Trường Sơn đã được thành lập, Ban đã có Chương trình gặp mặt và kế hoach xuất bản một cuốn sách “ TIỂU ĐOÀN 335 – CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN”.
Ban Biên tập cuốn sách đã chủ đông, tích cực sưu tầm tài liệu, biên soạn và xuất bản cuốn sách sao cho kịp buổi gặp mặt. Cuốn sách gồm có 4 Chương, nội dung là ghi chép lại quá trình ra đời chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Tiểu đoàn (Bối cảnh ra đời và Chảo lửa Vĩnh Linh; Đường 20 Quyết Thắng;. Tuyến đường 20C- 20D; Tuyến đường 128A-128B; Hiệp định Pari; Kết luận); Bên cạnh đó, cuốn sách còn ghi lại một số những vần thơ nguyên của các cân bộ chiến sỹ đơn vị, lực lượng công binh; Những hình ảnh truyền thống công binh Trường Sơn và những hoạt động tri ân nghĩa tình. TIỂU ĐOÀN 335 –CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN ra đời là sự đóng góp nhiệt tình tích cực của các tác giả và các cộng tác viên. Tuy vậy, do thời gian có hạn, tư liệu thiếu, Ban Biên tập cố gắng khai thác tư liệu từ nhiều nguồn, nhất là nguồn từ các đồng chí cán bộ chiến sỹ của tiểu đoàn, đã trưởng thành, nghỉ hưu hay còn công tác, đã ghi chép hoặc nhớ lại; Nguồn tư liệu từ các thông tin, sách, kỷ yếu của Binh đoàn 12, các Binh trạm 16, 14, 15, 32 và một số đơn vị liên quan. Nội dung cuốn sách chắc chắn sẽ chưa thể đáp ứng yêu cầu về lịch sử truyền thống đơn vị, nhất là thành tích chiến đấu của các tập thể và sự hy sinh của anh chị em trong Tiểu đoàn vv... Dù sao, mong rằng cuốn sách sẽ là món quà nhỏ, tình cảm và tri ân tới mọi anh chị em cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn; Tưởng nhớ đến các liệt sỹ đã không quản gian khổ, không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân của mình, tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của Trường Sơn anh hùng.
Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Đạt, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Than Đông Bắc - Bộ Quốc phòng, nguyên cán bộ đại đội của Tiểu đoàn 335, đã tích cực tham gia “Chương trình gặp mặt 50 năm D335 – Công binh Trường Sơn”, đã cung cấp nhiều thông tin tư liệu để biên tập và tài trợ chính để xuát bản sách; Xin chân thành cám ơn Đại tá Trần Ngọc Thách, nguyên Trưởng Ban bảo vệ Học viện Quân y, nguyên chiến sỹ Đại đội 3 Tiểu đoàn 335, đã cung cấp nhiều thông tin quý về Tiểu đoàn, nhất là giải điều đầu tiên thành lập; Xin chân thành cám ơn các đồng chí: Nguyễn Thế Duy, Đại tá –TS nguyên Chủ nhiệm khoa nội Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, nguyên chiến sỹ Đại đội 1; Đồng chí Nguyễn Thế Viễn, Thiếu tá nguyên Trợ lý Vụ Tổ chức cán bộ Ban Cơ yếu Trung ương, Chủ tịch Hội Đông y huyện Vãn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nguyên chiến sỹ Đại đội 1 Tiểu đoàn 335; Đồng chí Trần Công Bằng, Thiếu tá, nguyên Trợ lý tham mưu Bộ Tham mưu Binh đoàn 12, nguyên cán bộ quân lực Tiểu đoàn; Đồng chí Trần Văn Nam, nguyên cán bộ tiểu đội của Đại đội 3 và một số các đồng chí khác ở Hội đồng ngũ huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, Hội đồng ngũ các quận huyện tỉnh Hà Tây cũ... đã cung cấp nhiều tư liệu lịch sử của đơn vị, góp phần để nội dung cuốn sách thêm hiện thực, phong phú.
Cuốn sách chắc sẽ không tránh được sai sót, rất mong các đồng chí và bạn đọc cảm thông.
Ban Biên tập mong nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý, phê bình sách.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, Ngày 25 tháng 09 năm 2016
BAN BIÊN TẬP
LỜI GIỚI THIỆU
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh có một vị trí quan trọng, một trong những nhân tố chiến lược, có vai trò quyết định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong những năm chiến tranh, nhất là giai đoạn (1966-1973), đế quốc Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân đánh phá hết sức ác liệt với nhiều loại vũ khí thiết bị tối tân và thủ đoạn tinh vi…nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, cô lập miền Nam, thực hiện mưu đồ chia cắt đất nước ta lâu dài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã xác định mục tiêu thiêng liêng là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc; Các lực lượng Bộ đội Trường Sơn, TNXP, DCHT... nói chung, lực lượng Công binh Trường Sơn nói riêng đã vượt qua bao khó khăn gian khổ “ Tường đồng vách sắt” luôn sẵn sàng chiến đấu hy sinh, làm đường, thông tuyến, bám đường bám tuyến, tháo bom, tránh đạn... chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của đế quốc Mỹ , góp phần đảm bảo thắng lợi sự chi viện chiến lược của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tiểu đoàn 335 - Công binh Trường Sơn là một trong những đơn vị tiêu biểu của các lực lượng Công binh Trường Sơn. Tiểu đoàn là đơn vị thuộc Binh trạm 14 trong một giai đoạn dài, Tiểu đoàn đã tham gia chiến đấu trên nhiều tuyến đường trọng điểm ác liệt và đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được Đảng ủy, Binh trạm giao cho. Điểm nổi bật nhất của cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 335- Công binh là càng chiến đấu càng dũng cảm, càng khó khăn gian khổ càng phát huy sáng tạo. Là một Tiểu đoàn công binh cơ động nhanh, trong 9 năm xây dựng và chiến đấu (1966 – 1974), Tiểu đoàn đã cơ động trên nhiều tuyến đường vận tải chiến lược quan trọng, qua nhiều trọng điểm ác liệt, luôn bị máy bay Mỹ tập trung bắn phá với cường độ cao, số lượng bom đạn nhiều, như: Đường 10,15,16; đường 20 Quyết Thắng; Trọng điểm ATP, Chà Ang vv... Tiểu đoàn 335 - Công binh luôn bám trụ và đứng vững để bảo đảm giao thông, thông suốt dưới lửa đạn pháo của Mỹ trên tuyến đường 15, 16; Khu vực tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh... cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời” bám tuyến, bám đường, bám trọng điểm; Trọng điểm Chà-Ang (Km12) - Đường 20 Quyết Thắng, một trọng điểm ác liệt nhát trên tuyến, cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn luôn quyết tâm “Bám trọng điểm, bám địch, bám xe, ra quân là chiến thắng, thông đường, thông tuyến”. Dù trong tình huống địch đánh phá khốc liệt thế nào, loại vũ khí tối tân gì, ngày hay đêm, gian khổ hy sinh…Cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 335- Công binh luôn đoàn kết, kiên cường chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ và chiến thắng với khẩu hiệu: “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”. Những trang sử của Tiểu đoàn 335 là những trang sử vẻ vang.
Tôi rất vui mừng và hoan nghênh Ban Liên lạc Tiểu đoàn 335- Công binh được thành lập, Tôi mong rằng, đây sẽ trở thành nơi chia sẻ và động viên những người đã có một thời sống chiến đấu bên nhau, đã cùng nhau chia lửa với Trường Sơn. Đất nước thống nhất, Tiểu đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ, anh chị em cán bộ chiến sỹ chia tay mỗi người một nơi, người thì được tiếp tục đi đào tào phục vụ quân đội lâu dài, người thì được về gia đình xây dựng quê hương, mỗi người lại bận rộn gấp gáp với nhiệm vụ mới, cuộc sống mới, thời gian gặp gỡ lại nhau quả là cũng khó khăn. Trong điều kiện đó, cuốn sách “Tiểu đoàn 335 - Công bình Trường Sơn” ra đời, cuốn sách như một “Bảo tàng” thu nhỏ, đã thể hiện lại phần nào những gì đã có của Tiểu đoàn, với những những kỷ niệm “Một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vui buồn, gian khổ, sống chết có nhau, thủy chung và mãi không thể nào quên?
Tôi cũng rất vui mừng và hân hạnh được giới thiệu cuốn sách với đồng đội và bạn đọc. Cuốn sách với bố cục chặt chẽ, nội dung chân thực, đã phản ánh, tái hiện lại phần nào sự việc và con người đã qua 50 năm (1966-2016), dưới ngòi bút của những người trong cuộc; Đây là một cố gắng rất lớn và sự nhiệt tình rất đáng trân trọng của các đồng chí trong Ban Biên tập. Món quà tình cảm giá trị này, chắc chắn sẽ đáp ứng nguyện vọng, tình cảm và nguồn cổ vũ đông đảo đối với anh chị em, những Cựu chiến binh Tiểu đoàn năm xưa. Hy vọng là thế. Chúc các đồng chí trong Ban Liên lạc, Ban Biên tập sách “Tiểu đoàn 335 - Công bình Trường Sơn” cùng các đồng chí thương bệnh binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ, Cựu chiến binh Tiểu đoàn 335 sức khỏe, luôn phát huy truyền thống Bộ đội cụ Hồ, Bộ đội Trường Sơn anh hùng.
Xin trân trọng cám ơn ./.
Hà Nội, Ngày 25 tháng 09 năm 2016
Nguyên Binh trạm trưởng Binh trạm 14
Đại tá Hoàng Trá
CHƯƠNG I
TIỂU ĐOÀN 335 - BỐI CẢNH RA ĐỜI
VÀ “CHẢO LỬA” QUẢNG BÌNH – VĨNH LINH
Sau thất bại trong cuộc phân công chiến lược lần thứ nhất, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân, ráo riết chuẩn bị mở cuộc phân công lớn lần thứ hai. Đến tháng 8 năm 1966, quân số Mỹ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt nam đã lên gần 30.000 tên. Số lượng máy bay và số trận máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc trong năm 1966 tăng gấp hai lần năm 1965…
Ngày 29 tháng 6 năm 1966 đế quốc Mỹ đã leo một nấc thang mới rất nghiêm trọng “Ném bom một số địa điểm ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng”. Trước hành động mở rộng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, ngày 17 tháng 7 năm 1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quân và dân cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, quán triệt quan điểm, tư tưởng chiến tranh của Đảng và Bác Hồ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường sự chi viện sức người, sức của, của miền Bắc - Hậu phương lớn, cho chiến trường miền Nam - Tiền tuyến lớn. Trong cuộc họp Thường vụ Quân ủy Trung ương năm 1996, sau quá trình thảo luận sôi nổi, quyết liệt, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã phát biểu kết luận: “…Mỹ đã chuyển hướng cuộc chiến, từ Chiến tranh đặc biệt sang Chiến tranh cục bộ; Chúng huy động một triệu quân Mỹ, chư hầu và quận Ngụy, nhằm đánh bại Cách mạng miền Nam trong vòng 25-30 tháng, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc… Ta không còn cách lựa chọn nào khác, trong khi yêu cầu của chiến trường ngày càng lớn, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị , Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh 559 phối hợp với các địa phương, các lực lượng chiến trường ta và bạn, sử dụng biện pháp tổng hợp, từng bước phát triển vận tải cơ giới, đường bộ, đường sông là chủ yếu, đồng thời tùy tình hình cụ thể từng lúc mà kết hợp vận chuyển thô sơ…”
Triển khai chủ trương của Quân ủy TW, Bộ Tổng tham mưu giao Quân khu 3 thành lập 2 Tiểu đoàn công binh bổ sung cho Binh trạm 16 thuộc Bộ Tư lệnh 500, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông đưa hàng hóa theo hướng đường 15, đường 16 vào các cụm kho bắc sông Bến Hải, thuộc đặc khu Vĩnh Linh, tạo chân hàng phục vụ chiến trường Thừa Thiên Huế. Hai Tiểu đoàn công binh này là tiền thân của Tiểu đoàn 355 công binh Trường Sơn.
- Tiểu đoàn thứ nhất có phiên hiệu Tiểu đoàn 35, thành lập ngày 9.10.1966 tại thôn Hoàng Sơn, xã Linh Tiểu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm 4 đồng chí:
1, Thượng úy Trần Ngọc Trân, Tiểu đoàn trưởng (Đc Trân quê Đức Lạc, Hà Tĩnh, là bộ đội chống Pháp)
2, Trung úy Nguyễn Văn Khoa, Tiểu đoàn phó (Đc Khoa là bộ đội tham gia chống Pháp, cán bộ thi đội Hà Đông, Hà Tây – nay là Hà Đông, Hà Nội)
3, Thượng úy Nguyễn Văn Tính, Chính trị viên tiểu đoàn (Đ/c Tính là bộ đội chống Pháp, quê Hải Dương)
4, Trung úy Nguyễn Văn Cường, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, quê Ninh Bình.
Tiểu đoàn được biên chế đầy đủ, gồm: Cơ quan Tiểu đoàn bộ gồm trợ lý tham mưu, trợ lý chính trị, trợ lý hậu cần quân y…và 3 đại đội trực thuộc:
Đại đội 1: Công binh thuộc Tỉnh đội Ninh Bình, đại đa số anh em quê ở Ninh Bình và nhập ngũ năm 1965, 1966.
Đại đội 2: Công binh thuộc Tỉnh đội Hải Dương. Trung úy Dương Văn Tâm quê Đồng Lạc, Chí Linh, Hải Dương làm Đại đội trưởng. Trung úy Vũ Giáo Huấn, quê Giảng Tân, Nam Tân, Nam Sách, Hải Dương làm Chính trị viên. Đồng chí Nguyễn Văn Uông, Trung úy, Chính trị viên phó đại đội, quê Hiệp Thương, Hiệp Sơn, Kim Môn, Hải Dương. Thiếu úy Nguyễn Văn Ruộm, quê Kim Thành, Hải Dương làm Đại đội phó. Chiến sỹ đại đội 2 quê chủ yếu là Hải Dương.
Đại đội 3: Công binh thuộc Tỉnh đội Hà Bắc, anh em hầu hết quê Hà Bắc, nhập ngũ 1965, 1966. Một số cán bộ tiểu đội, trung đội nhâp ngũ từ năm 1963 – 1964. Trung úy Dương Cao Siêu làm Đại đội trưởng (Đ/c Siêu quê Lục Nam, Hà Bắc). Trung úy Trần Văn Căn làm Chính trị viên (Đ/c Căn quê Lục Ngạn, Hà Bắc). Đồng chí Dương Đình Giảng, Thiếu úy, Đại đội phó (Đ/c Giảng quê Hạnh Phúc, Thuận Thành, Bắc Ninh). Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Thiếu úy, Chính trị viên phó đại đội, đồng chí Cường quê ở Hà Bắc.
- Tiểu đoàn thứ 2 có phiên hiệu Tiểu đoàn 33. Được thành lập tháng 10 năm 1966 tại xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Nam Hà.
- Ban chỉ huy Tiểu đoàn có 4 đồng chí:
- 1, Thượng úy Nguyễn Hồng Châu, Tiểu đoàn trưởng (đ/c Châu quê Nghị An, là bộ đội tham gia chống Pháp)
- 2, Thượng úy Nguyễn Văn Cốc, Chính trị viên Tiểu đoàn
- 3, Trung úy Nguyễn Văn Phúc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn
- 4, Trung úy Doãn Thế Hanh, Tiểu đoàn phó, quê Nam Hà.
- Tiểu đoàn có biên chế đủ quân số ở Tiểu đoàn bộ và 3 Đại đội:
- Đại đội 1 là đại đội công binh của Tỉnh đội Nam Hà, anh em chiến sỹ quê chủ yếu ở Nam Hà.
- Đại đội 2 là đại đội công binh của Sư đoàn 350 quê chủ yếu Hải Phòng do Thiếu úy Đại đội trưởng Nguyễn Văn Sim chỉ huy.
- Đại đội 3 là đại đội công binh của Tỉnh đội Hà Tây quê chủ yếu ở Hà Tây.
Hai Tiểu đoàn công binh quân khu 3, sau khi được thành lập, huấn luyện ngắn ngày, đã được lệnh cấp tốc, hành quân vào Quảng Bình, Vĩnh Linh, bổ sung quân cho Binh trạm 16 thuộc Tổng cục Hậu cần Tiền phương đảm nhận nhiệm vụ bảo đảm giao thông, và phá bom mìn đường bộ và đường sông, trọng điểm là sông Kiên Giang ở Lệ Thủy Quảng Bình, vận chuyển hàng hóa tập kết vào kho của Binh trạm 16. Tháng 5 năm 1967 do địa bàn hoạt động của 2 Tiểu đoàn rộng, địch đánh phá quyết liệt với mọi thủ đoạn: Pháo sáng, pháo kích từ biển bắn vào, từ Côn Tiên Dốc Miếu bắn ra, máy bay phản lực bổ nhào ném bom các loại…Một số địa danh đã thành trọng điểm, trên các trục đường 15, 16 bị tắc. Để tập trung lực lượng các chốt, rà phá bôm mìn, quyết khai thông các trọng điểm đánh phá của địch, đảm bảo giao thông thông suốt, quyết đưa hàng vào chiến trường. Binh trạm 16 đã quyết định sát nhập 2 tiểu đoàn 33 và 35 thành một Tiểu đoàn, lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 335.
Tiểu đoàn 335 được biên chế đầy đủ: Ban Chỉ huy Tiểu đoàn và Tiểu đoàn bộ, 3 đại đội, quân số 350 đồng chí, có một Đảng bộ tiểu đoàn. Các đại đội có chi bộ và có chi đoàn.
Ban chỉ huy Tiểu đoàn 335 gồm:
1, Đồng chí Nguyễn Hồng Châu, Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 33 nay giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 335.
2, Đồng chí Trần Ngọc Trân, Thượng úy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 35 nay giữ chức Chính trị viên Tiểu đoàn 335.
3, Đồng chí Nguyễn Văn Khoa, Trung úy, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 35 nay giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 335.
4, Đồng chí Vũ Giáo Huấn, Trung úy, Chính trị viên Đại đội 2 Tiểu đoàn 35 nay giữ chức Chính trị viên phó Tiểu đoàn 335.
Cơ quan Tiểu đoàn bộ có:
1, Chuẩn úy Vũ Ngọc Hồ, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn, quê Gia Viên, Kím Sơn, Ninh Bình (nguyên trợ lý tham mưu tiểu đoàn 35 chuyển sang).
2, Trần Ninh, Chuẩn uý - Trợ lý tài vụ, quê Ninh Bình.
3, Hoàng Đắc Mưu, Trợ lý chính trị ( Đ/c Mưu quê Thị trấn Gia Bình, Huyện Gia Bình, Bắc Ninh.
4.Phạm Văn Riểm, Thượng úy, Quân lực Tiểu đoàn, quê Ninh Bình.
Sở chỉ huy Tiểu đoàn đóng tại sở chỉ huy Tiểu đoàn 35 cũ tại Thôn Thạch Lâm, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau một thời gian ngắn, Sở chuyển sang vị trí sở chỉ huy Đại đội 3 ở nông trường Quyết Thắng, Vĩnh Linh.
Tiểu đoàn có 3 đại đội. Đại đội 1 và Đại đội 2 được nhận nhiệm vụ chiến đấu và đảm bảo giao thông điạ bàn của Tiểu đoàn 33 trước đây chủ yếu Đông Vĩnh Linh. Đại đội 3 đảm bảo giao thông phân nhiệm vụ của Tiểu đoàn 35 trước đây để lại.
Tình hình đơn vị sau khi sát nhập nhìn chung ổn định. Mức độ đánh phá của địch ngày càng quyết liệt hơn, đặc biệt tuyến đường 15, đường 16 đoạn đi vào Làng Ho địch đánh phá liên tục ngày đêm, hòng khống chế mọi hoạt động của bộ đội ta. Sông Kiên Giang hướng vận chuyển đường sông chủ yếu vào kho hàng của Binh trạm do đại đội 1 thi công nạo vét sông bị pháo kích từ biển bắn vào dữ dội. Tình hình trên, tiểu đoàn phải điều chỉnh lực lượng của cả đại đội chốt một số trọng điểm.
Đại đội 2 do Đại đội trưởng Dương Văn Tân chỉ huy tổ chức lực lượng chốt giữ trọng điểm từ Bến Tiến đến ngã ba Cổ Kiềng (Đai đội 2 khi còn Tiểu đoàn 35 chốt giữ ở Nông Trường Lê Ninh, đường 15, đoạn ngã ba dân chủ đến đập nước Ngầm Cẩm Ly – Ngầm Cẩm Ly)
Đại đội 1 chốt giữ và đảm bảo giao thông từ Thác Cóc vào bến Tiến (Tây tỉnh Quảng Bình). Trước mức độ đánh phá quyết liệt của địch, lãnh đạo Binh trạm 16 một mặt kêu gọi các đơn vị có phương án tối ưu để bảo vệ lực lượng và phương án thi công an toàn, mặt khác cũng kêu gọi các đơn vị hãy kiên cường bám trụ, nắm vững quy luật hoạt động của địch, tổ chức lực lượng thi công bảo đảm an toàn giao thông, thông xe đưa hàng vào chiến trường.
Trước lời kêu gọi của Binh trạm, cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn kiên cường bám trụ “một tấc không đi một ly không rời”, bám đường, bám trọng điểm, rà phá bom địch, lấp hố bom thông đường, thông xe.
Trong đội hình chiến đấu của tiểu đoàn, đại đội 2 – đơn vị luôn bám trụ tại nông trường Lệ Ninh trục đường 15 doạn ngã ba dân chủ suốt từ tháng 12 năm 1966 đến tháng 5 năm 1967. Mặc cho địch dùng máy bay B52 ném bom rải thảm, để bảo vệ lực lượng an toàn, anh em cùng công nhân nông trường Lệ Ninh đào hầm để trú ẩn mà bám trụ. Bố trí một tổ trinh sát nắm địch, quy luật hoạt động của máy bay địch để tranh thủ từng phút, từng giờ, xuất quân lấp hố bom thông đường, thông xe. Đập Cẩm Ly ( ngầm Cẩm Ly) là điểm độc đạo trên tuyến đi vào Bến Tiến. Đây được coi là bến “cửa tử”, máy bay địch đánh ngày 8-12 lần, mỗi lần 2-4 chiếc, chúng cứ “ngấm ngầm” mà thả bom, thả đủ các loại bom: bom phá, bom bi, bom phát quang, chúng đánh phá diện rộng với bán kính 3km (lấy ngầm làm tâm) hòng ngăn chặn lực lượng công binh ra khắc phục ngầm. Nhưng cứ sau mỗi đợt máy bay Mỹ ném bom là cán bộ chiến sỹ đại đội 2 đầy đủ thiết bị cần thiết đã có mặt để lấp hố bom, lát đá lại mặt ngầm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho xe qua. Sau một cuộc đọ sức quyết liệt như vậy, máy bay Mỹ đã phải xuống thang hòng tìm ra hướng mới tiếp tục đánh phá tuyến đường, gây khó khăn cho lực lượng bảo đảm giao thông. Địch chuyển hướng đánh vào khu vực Bến Tiến. Bến Tiến cũng là ngầm, ngầm Bến Tiến có địa thế nguy hiểm hơn ngầm Cẩm Ly. Bến Tiến nằm trên trục đường vào kho hậu cần của Binh trạm 16. Do ph&