Chuyện mẹ vua Trần bị ‘tuýt còi’ vì dùng thuyền không đúng quy định

Ngày đăng: 09:42 11/02/2019 Lượt xem: 863


Chuyện mẹ vua Trần bị ‘tuýt còi’ vì dùng thuyền không đúng quy định


                                                       Nguồn:Báo Điện tử Một Thế Giới


Nhà Trần trong giai đoạn đầu thịnh trị có khá nhiều câu chuyện về việc hoàng tộc phải giữ nghiêm phép nước. Câu chuyện về mẹ ruột của vua Trần Minh Tông bị “tuýt còi” vì đi thuyền sai quy định là một điển hình.


 
 

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Mùa xuân (1321). Tôn Thuận Thánh Bảo Từ thái thượng hoàng hậu làm hoàng thái hậu, Huy Tư hoàng phi làm hoàng thái phi.

Bảo Từ là mẹ cả của nhà vua, Huy Tư là mẹ đẻ ra nhà vua. Trước đây, rước quan tài Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường đi đường thủy về để ở cung Thánh Từ. Theo thể lệ thì thuyền của Bảo Từ được một đoàn tám chiếc kéo dây, thuyền của Huy Tư được một đoàn hai chiếc kéo dây; lính cấm quân có ý tâng công, đem dây kéo buộc thêm vào thuyền Huy Tư. Tướng quân là Trần Hựu nói: "Thuyền của thái hậu được một đoàn tám chiếc kéo dây, là chế độ nhà Trần, cốt để phân biệt kẻ trên người dưới". Nói rồi, liền lấy gươm chặt ngay dây kéo không hợp lệ đi. Nhà vua khen Trần Hựu là người trung thực”.

Có thể thấy bọn cấm quân vốn tìm cách nịnh bợ Huy Tư hoàng phi bằng cách cho thuyền được 8 dây kéo ngang với của Bảo Từ thái hậu. Bọn cấm quân nghĩ rằng làm như thế thì Huy Tư sẽ mát mày mát mặt còn Minh Tông nếu có trông thấy thế thì ắt hẳn bụng rồng sẽ vui. Thực tế thì trước đây, sử Việt từng chép chuyện có vua vì yêu mẹ ruột mà hắt hủi mẹ đích (chính cung của tiên đế) mà tiêu biểu là câu chuyện năm 1073, vua Lý Nhân Tông phế truất Thái hậu Thượng Dương.

Theo các sách Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư, thái phi Ỷ Lan bất mãn vì không được tham gia trị nước, nên đã phàn nàn với Lý Nhân Tông: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Nghe lời mẹ, Lý Nhân Tông bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

Nhưng bọn cấm quân không ngờ là trong số các quan lại nhà Trần đâu phải ai cũng ham nịnh bợ và thiếu hiểu biết về quy định pháp chế. Thế nên tướng quân Trần Hựu mới dũng cảm chặt ngay dây kéo không hợp lệ và giải thích rõ rằng bằng pháp chế. Điều hay nhất là mà có lẽ bọn cấm binh không ngờ tới là Trần Minh Tông lại đứng về phía Trần Hựu để giữ nghiêm phép nước. Chỉ có điều sử không chép việc Trần Minh Tông có xử lý bọn cấm quân vì tâng công mà phạm phép nước hay không? Nếu Trần Minh Tông mà xử nặng bọn cấm quân đó thì người ta càng ca ngợi ông là một vị minh quân, biết giữ phép nước chứ không vì tình cảm cá nhân mà đồng lõa với điều khó coi.

Đó cũng không phải là lần duy nhất mà Minh Tông phải xử lý chuyện liên quan đến việc các vị phu nhân cậy thế để tư lợi. Sử chép: “Uy Giản hầu trước kia lấy Huy Chân công chúa. Mẹ công chúa là Trần Thị, cung tần của Anh Tông, thường chiếm ruộng của dân. Có người tố cáo, nhà vua triệu Uy Giản hầu đến bảo rằng: "Trẫm không giao việc chiếm ruộng này cho quan lại trừng trị, là sợ điếm nhục đến phi tần của tiên đế, nhà ngươi nên thể theo đức ý ấy của trẫm". Uy Giản về, phàm những ruộng nào mà Trần Thị đã chiếm đoạt đều trả hết lại cho dân; nhà vua tỏ lòng khen”.

Kể ra thì nếu vua Minh Tông để cho cơ quan thuộc bộ Hình xử vụ này thì mới thật công tâm. Tuy nhiên, xét bối cảnh thời đó thì vua Minh Tông vốn là người có hiếu với tiên đế nên không muốn làm mất mặt Trần thị. Tuy nhiên, việc vua đích thân ra mặt yêu cầu nhà Trần thị tự sửa sai thì cũng là điều đáng khen.

Trước đó, Trần Thủ Độ cũng có những giai thoại giữ nghiêm phép nước không cho vợ là Trần Thị Dung cậy chức vụ của chồng mà tư lợi. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Linh Từ quốc mẫu, vợ Trần Thủ Độ có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ: "Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: "Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa". Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, vợ ông là bà Linh Từ xin riêng cho một người làm chức nhỏ ở địa phương. Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên ở đâu, người đó mừng rỡ, Thủ Độ bảo: "Ngươi vì có công chúa (tức bà Linh Từ) xin cho được làm câu đương (tên của chức vị ở địa phương), không thể ví những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác". Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm vì việc riêng nữa".

Cần nhớ, vai trò và ảnh hưởng của Trần Thị Dung thời điểm đầu nhà Trần vẫn rất lớn. Bà lúc đó không chỉ là mẹ vợ vua Trần Thái Tông (dù Lý Chiêu Hoàng hay Thuận Thiên công chúa là hoàng hậu thì mẹ của họ vẫn là Trần Thị Dung) mà còn là em gái của Thái thượng hoàng Trần Thừa, đặc biệt là vợ của Trần Thủ Độ - người nắm giữ binh quyền khi ấy. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ quyết không nhượng bộ khi phải đứng giữa phép nước và tình riêng. Có thể nói nhà Trần đã rút được bài học lớn từ việc nhà Lý để các bà hoàng hậu, hoàng phi cậy thế làm càn khiến giang sơn nghiêng ngả. Nhờ vua quan biết giữ phép nước, không để mấy bà phu nhân cậy thế là một trong những yếu tố giúp triều đại nhà Trần thời từ Trần Thái Tông đến Trần Minh Tông ổn định.



Nhà Trần quy định rõ về xe cộ cho quan lại

Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 4 [1254], định quy chế vể xe cộ, phẩm phục và người theo hầu của tôn thất và các quan văn võ thứ bậc khác nhau. Từ tôn thất đến quan ngũ phẩm, đểu được đi kiệu, đi ngựa, đi cáng. Tướng quổc dược đi kiệu anh vũ sơn đen, lọng tía; tam phẩm trở lên dùng lọng xanh vẽ mây, tứ phẩm đến lục phẩm đi kiệu bình đính [mui bằng]; ngũ phẩm trở lên dùng lọng xanh; lục thất phẩm dùng lọng giấy đen. Số người theo hầu thì nhiều là 1.000 người, ít là 100 người.

Sách Cổ sự sao của Trần Cương Trung đời Nguyên nói: "Chế độ nhà Trần, quan phẩm cao hay thấp lấy số lọng mà phân biệt: khanh tướng dùng ba lọng xanh, dưói thì hai lọng, dưới nữa thì một lọng. Lọng tía chỉ tôn thất mới được dùng, người khác không dám dùng". Đó cũng có thể tham khảo mà so sánh.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí

 
tin tức liên quan