Thơ khởi sắc “Từ mùa thu ấy”. TG: Nhà văn Phạm Trọng Thanh

Ngày đăng: 06:32 05/08/2021 Lượt xem: 428
Thơ khởi sắc Từ mùa thu ấy
(Tập thơ nhiều tác giả - Câu lạc bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định –
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2021)

PHẠM TRỌNG THANH
 
         
        Đây là tập thơ thứ hai, sau tập Chắp cánh thơ bay, xuất bản năm 2020 của Câu lạc bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định. Từ mùa thu ấy với nội dung chào mừng thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Kỷ niệm 100 năm thành phố Nam Định (1921-2021); Chào mừng Đại hội Công an hưu trí tỉnh Nam Định lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2024 và kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc đã tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho các tác giả hội viên Câu lạc bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định.
        Người đọc trân trọng những bài thơ viết về Đảng, về Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Thành công của các tác giả, trước hết, phải kể đến sự thành kính, lòng biết ơn lãnh tụ thiên tài của Đảng, của nhân dân đất nước: “Bác ơi! Tình Bác mênh mông/ Công ơn trời biển non sông rạng ngời/ Nguyên tiêu nỗi nhớ khôn nguôi/ Lòng tôn kính Bác muôn đời khắc ghi” (Nguyên tiêu nhớ Bác – Nguyễn Xuân Nghinh). “ Ôi độc lập nghìn năm mơ ước/ Một sáng Tuyên ngôn tươi nắng Ba Đình/  Bác đứng đó vầng trán cao vời vợi/ Bốn nghìn năm dân tộc đã khai sinh” (Với Đảng xuân này – Trần Doãn Đãng).
          Viết về địa danh lịch sử lán Nà Nưa chiến khu Việt Bắc, tác giả Bùi Quảng Bạ dâng lên Bác niềm xúc động thiêng liêng: “Con lên thăm lán Nà Nưa/ Vẫn đây một túp lều xưa Bác ngồi/ Rừng xanh bát ngát núi đồi/ Con đường xưa dấu chân Người còn in”.
          Tác giả Nguyễn Thanh Uy mở đầu bài thơ “Còn Đảng, chúng tôi còn” với những dòng thơ tâm huyết: “Với Đảng, chúng tôi là máu thịt/ Từ buổi sơ khai đã mặc định thế rồi. Mượn ý trong bài phát biểu của cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 13, năm 1959, Nguyễn Thanh Uy đã phác họa một quá trình chiến đấu hy sinh đầy thử thách: “Lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc/ Hang ổ quân thù nằm giữa quê ta/ Đảng tin yêu, chúng tôi vào trận đánh/ Lật mặt kẻ thù khi chúng mới manh nha”. Để đến hôm nay: “Và lớp lớp chúng tôi đang tiếp lửa/ Góp giọt máu đào cho Tổ quốc bình yên/ Bảy lăm năm vẫn một lòng son sắt/ Nguyện khắc ghi: Còn Đảng, chúng tôi còn”.
          Viết về Đảng quang vinh, trong tập thơ này còn có sáng tác của tác giả Trần Ngọc Niệm, bài “Sáng mãi niềm tin”: “Chào mừng Đại hội Mười ba/ Tinh hoa kết tụ sơn hà Rồng Tiên/ Vầng dương tỏa sáng mọi miền/ Niềm tin thấm đậm vững bền lòng dân”. Trong bài “Năm lăm tuổi Đảng”, tác giả Lê Nguyên Đệ có những dòng thơ liên hệ suy ngẫm về lẽ sống của người đảng viên, lời thơ bình dị mà sâu sắc: “Mấy mươi năm ấy vàng thử lửa/ Một dạ kiên trung lẽ sống còn/ Hưu ở quê nhà cùng làng xóm/ Vui với bạn bè, vui cháu con”…
          Viết về Thành Nam – Thiên Trường là những bài thơ thể hiện tình cảm của những người qua công tác gắn bó với thành phố, với quê hương trong suốt hành trình chiến đấu gian khổ đến ngày toàn thắng và trong giai đoạn cách mạng mới hôm nay.
        Bài thơ “Mùa xuân ấy” của tác giả Lại Hải Bôn ghi nhớ những sự kiện lịch sử: “Có mùa xuân của năm Ba mươi/ Cờ búa liềm bay trên nhà máy/ Máu đã hòa trong màu đỏ ấy/ Xuân niềm tin khát vọng bừng lên”. “Nhớ thuở nước nhà vừa giành độc lập/ Xuân đầu tiên gian khó chất đầy/ Bác về thăm, nắng theo tay Người vẫy/ Ấm lòng dân vừa thoát kiếp đọa đày”. Chúng ta đều biết, sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên (ngày 6/1/1946), chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Nam Định. Sáng ngày 11/1/ 1946, hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh ta mít tinh trước trụ  sở Ủy ban Hành chính tỉnh tại thành phố Nam Định để chào mừng Người. Lịch sử Đảng bộ tỉnh trân trọng ghi lại sự kiện lịch sử này, và hôm nay thơ không quên ơn nghĩa ấy.
          Với thành Nam, Cột Cờ đã thành một biểu tượng: “Hơn hai trăm năm Cột Cờ đứng đó/ Trầm tích sử thi lộng gió thượng đài… Di tích quốc gia bia tạc nơi này/ Ghi nhớ chiến công những ngày oanh liệt/ Tự hào biết bao anh hùng hào kiệt/ Hồn quê hương sông núi tụ về đây” (Cột cờ Thành Nam – Trịnh Vệ). Và “Trên đỉnh Cột cờ hồn nước tung bay/ Điện Kính Thiên, chùa Vọng Cung nối bước/ Đàn Xã tắc cầu cơ trời vận nước/ Để cần lao đứng dậy dưới cờ hồng” (Về Thành Nam – Nguyễn Xuân Bội). Những câu thơ âm vang truyền thống lịch sử - cách mạng trên thành phố anh hùng.
           “Tượng đài Hưng Đạo đại vương”, công trình mỹ thuật tầm cỡ quốc gia trên quảng trường 3-2 thành phố đã vào thơ vào nhạc. Tượng đức Thánh Trần đã có thêm phiên bản tạc bằng đá xanh, năm 2012,  tỉnh Nam Định đã tổ  chức đoàn công tác chuyển tượng bằng tàu biển, dựng trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa, trấn giữ biển Đông. Dâng hương tượng đài anh hùng dân tộc, tác giả Trịnh Vệ đã khắc hoạ hành trình lịch sử: “Trên chiến thuyền vượt bão táp phong ba/ Qua sông Hồng về quê nhà thân thiết/ Gặp lại biết bao anh hùng hào kiệt/ Hòa bản trường ca oanh liệt muôn đời”.
          Tác giả Nguyễn Văn Khánh, trong bài “Ký ức thành Nam” có những dòng thơ về truyền thống văn hiến địa linh nhân kiệt thành Nam, có Trường Thi “Nhân tài trọng dụng các kỳ lưu danh”, có khí thế đấu tranh phá xiềng gông “Đánh Tây đuổi Nhật đồng lòng đứng lên” để đến hôm nay “Thành Nam vào tuổi trăm xuân/ Bừng lên rực rỡ trăng ngần trời cao’”. Tác giả Nguyễn Thanh Uy trong bài “Hội đền Trần” những dòng lục bát duyên dáng: “Đền Trần mở hội mùa trăng/ Mượt mà điệu hát chầu văn nao lòng”. Lời những người yêu dặn nhau: ”Nhớ câu “Tháng tám giỗ cha”/ “Tháng ba giỗ mẹ” người xa tìm về/ Nam Định ơi, một miền quê/ Ngàn năm văn hiến hãy về cùng em”.
          Bến Đò Quan Nam Định đã vào thơ Á Nam Trần Tuấn Khải bài“Tiễn chân anh Khóa xuống tàu”  năm 1915, tiếp đến ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Thái Cơ năm 1976, bài “Qua bến Đò Quan”. Trong tập thơ này, bài thơ “Nhớ bến Đò Quan” đằm thắm của tác giả Bùi Quảng Bạ: “Đò xưa chở nặng tình người/ Ai qua chẳng nhớ, đi rồi chẳng quên/ Nghĩa tình sông nước quê em/ Tôi mang theo những tháng năm xa nhà”..     
        Thành Nam sang thế kỷ XX, lại có thêm tên gọi thân yêu là thành phố Dệt. Tác giả Trần Doãn Đãng có bài “Tiếng còi tầm” lắng đọng: “Trăm năm một tiếng còi xa/ Cả ba thế hệ cùng là công nhân”, Tiếng còi tầm từ đời bà: “ Mồ hôi người thợ đổ ra/ Miếng cơm manh áo quê nhà đợi mong”. Tiếng còi tầm đời mẹ: “Mẹ thời năm tháng long đong/ Theo bà bám máy vẫn vòng quẩn quanh/ Ca ba phai mái tóc xanh/ Thức cùng đêm đã trở thành nếp quen”. Những dòng thơ chuyển giao thế hệ gợi lên bao suy nghĩ việc đời: “Trăm năm một giấc mơ đầy/ Còi tầm máy Dệt còn say lòng người”.
          Công việc của người thợ dệt trong thơ một nữ tác giả, có những chi tiết gợi cảm: “Thuở ông cha giữ trọn  tình thân thiết/ Năm tháng rộng dài còi ủ, thoi đưa/ Cùng cặp lồng cơm lót dạ giữa ca/ Dệt tấm lụa nuột nà không gợn nối”. (Tâm tình người thợ dệt – Nguyễn Thị Hưng).
          Những năm tháng không quên “Một thời chiến tranh bom đạn tan hoang/ Tự vệ hiên ngang vít đầu “Thần sấm”/ Cơm không đủ no mặc còn chưa ấm/ Vải đẹp làm ra sang tận trời Âu”. Người đọc ấn tượng với hình ảnh này trong bài “Dệt xưa” của Trịnh Văn Lân: “Có phải em, gái thành Nam yêu dấu/ Đã tạc hình trên giấy bạc quốc gia”. Hình ảnh cô thợ dệt thành Nam đứng máy từng được in trên giấy bạc Nhà nước ta trong những tháng năm cả nước là chiến trường chống Mỹ, thật đáng tự hào.
          Thơ viết về thành phố Nam Định còn được thể hiện trong các sáng tác về các danh nhân văn học Trần Tế Xương, Nguyên Hồng... những địa danh quen thuộc, thân thiết: Trường Thi, Bến Ngự, Chợ Rồng, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Hàng Tiện, Hàng Cau...Những câu thơ mang cảm quan lịch sử sâu lắng: “Dấu xưa mưa nắng dãi dầu/ Vương triều, thành cổ, in màu vàng son/ Đông A hào khí nước non/ Thời gian phủ kín lối mòn bể dâu” (Trịnh Vệ). Những câu thơ cất cánh từ thành Nam đổi mới, những kỷ niệm từ mái trường Lê Hồng Phong giàu thành tựu, những mùa hoa khởi sắc bên dòng sông Đào, lời tâm sự yêu thương, câu hát văn truyền thống, giọng điệu trữ tình của chiếng chèo Nam nổi tiếng: “Lới lơ, đào liễu du xuân/ Hồn dân tộc Việt trong ngần giọng em” (Trịnh Văn Lân).
          Thơ viết về những người chiến sĩ an ninh - một chủ đề quán xuyến trong nhiều bài thơ. Những người chiến sĩ “Dấu chân in khắp mọi miền/ Rừng già thay sắc, ta nguyên vẹn lòng) (Một thời để nhớ - Trần Ngọc Niệm).
Bài thơ “Nhật ký đường đi tiền tuyến” của cố đại tá Trần Duy Đản, nguyên Phó trưởng Ban an ninh Công an Thừa Thiên – Huế, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam Ninh, những ngày ông cùng đoàn cán bộ Công an tỉnh Nam Hà chi viện chiến trường Miền Nam tổng tiến công năm Mậu Thân - 1968: “Tiếng súng trận rền vang tâm trí/ Đoàn Công an quyết chí lên đường/ Nghĩa tình chín nhớ mười thương/ Nhưng non sông gọi chiến trường chờ ta”. Thơ nhật ký viết trên đường ra trận liền mạch từ Nam Hà vào khu Bốn, qua đường Tây Trường Sơn nước bạn, về địa bàn Bình Trị Thiên khói lửa. Bài thơ ít nhiều mang âm hưởng anh hùng ca: “Xe vượt dốc trùng trùng lớp lớp/ Người hành quân bóng rợp sườn non/ Sức ta muôn thác đổ nguồn/ Chí ta lấp biển, dời non, lật thành”…          
          Tác giả Trần Văn Xuyến, với những dòng thơ tâm đắc trong bài “Gương sáng”: “Gương sáng lâu nay vẫn thế rồi/ Cuộc đời dù có lúc đầy vơi/ Tâm trong chí vững vì dân nước/ Được tiếng yêu thương bởi trọng người”.
Cây bút trẻ Phạm Văn Chiến,  trong bài “Giữ vững niềm tin” những dòng thơ tâm nguyện: “Trái tim con mang dòng máu đỏ/ Như màu cờ Tổ quốc thiêng liêng/ Dẫu khó khăn, dẫu xuôi ngược mọi miền/ Khi Đảng cậy, dân tin người chiến sĩ/ Khi chân lý đã vươn tầm thế kỷ/ Hãy cứ gieo mầm cuộc sống nở hoa”.
        Từ mùa thu ấy có những trang thơ xúc đông viết về người mẹ, người vợ gia  đình liệt sĩ, những tháng năm đằng đẵng chờ trông từ thuở tóc còn xanh đến khi tóc bạc vẫn một niềm thương nhớ khôn nguôi. Thơ ở đây là lời tri ân tình nghĩa: “ Vì nền độc lập non sông/ Máu xương tô thắm cờ hồng hôm nay/ Thương người nằm lại nơi đây/ Nén hương khấn nguyện đêm ngày tri ân” (Tri ân các anh hùng liệt sĩ – Đới Văn Giáp). Từ mùa thu ấy còn có những trang thơ  đậm đà hương sắc tình yêu chung thủy: “Nắng thu đậu ở môi xinh/ Buộc lời ước hẹn mối tình đôi ta ( Đỗ Xuân Thảo); “Chim từ quy gọi bạn/ Nỗi nhớ ở hai đầu/ Suốt chiều dài đất nước/ Nhưng vẫn gần bên nhau” (Nguyễn Thị Hưng).
        Từ mùa thu ấy với 123 bài thơ của 15 hội viên Câu lạc bộ,12 cây bút cộng tác viên và một tác giả quá cố - đại tá Trần Duy Đản. Số bài hay, bài khá chiếm ưu thế làm nên chất lượng tác phẩm. Một tập thơ khởi sắc của Câu lạc bộ Công an hưu trí tỉnh Nam Định “hòa tiếng thơ vui” vào dòng chảy thi ca giàu bản sắc quê hương thành Nam, Nam Định trên đà đổi mới nhiều hứa hẹn.
 
Phạm Trọng Thanh (Nhà văn)
số 6/22, Ngô Quyền, Nam Định. Điện thoại: 0816 483 731   
 
tin tức liên quan