NHỚ PHẠM HOA, BÂNG KHUÂNG TRANG GIẤY TRẮNG...
NHỚ PHẠM HOA,
BÂNG KHUÂNG TRANG GIẤY TRẮNG...
Phùng Văn Khai
Với cái sự viết văn, thật tình cờ, tôi được gặp nhà văn Phạm Hoa khá sớm. Đó là một buổi chiều mùa thu năm 1995. Buổi ấy, tôi có cảm tình với Tô Nhuần hơn, mặc dù lúc đó Phạm Hoa đã nổi tiếng, lại là thủ trưởng của Tô Nhuần. Sau này vẫn vậy, Tô Nhuần luôn dễ gần hơn Phạm Hoa, dù cả hai đều đồng hương Thanh Hóa.
Phạm Hoa có cái gì đó thật khác người. Khó không ra khó dễ không ra dễ. Đại loại khiến người đối thoại, gặp lần đầu cũng vậy các lần sau cũng thế, nhất là cánh văn chương quân đội hay chờn chợn Phạm Hoa? Ai đó còn cho rằng Phạm Hoa là đặc tình chuyên theo dõi các nhà văn, nhất là các phát ngôn văng mạng lúc trà dư tửu hậu? Tệ hại là Phạm Hoa cũng thuộc biên chế tửu đồ, không ít lúc nhậu cùng, đã dăm bảy chén bố ai nhớ mình nói gì? Hôm sau có tin cấp trên lườm nguýt hoặc đồng nghiệp ì xèo ai cũng nghi ngờ đổ lỗi cho Phạm Hoa.
Phạm Hoa không bao giờ tự minh oan. Những lúc rượu vào anh em chất vấn chỉ cười khì khì còn hay nói tục. Bụng bảo dạ, lão nói thì được mình chớ nói theo toi đời có ngày. Đấy là mãi sau nhiều lần bầm dập tôi mới ngộ ra việc ấy. Còn những năm trai trẻ hai ba mươi tuổi ngông nghênh đâu biết sợ là gì? Phạm Hoa viết truyện ngắn chúng tôi cũng viết truyện ngắn. Phạm Hoa làm thơ chúng tôi cũng làm thơ. Rồi bút ký, kịch bản búa xua, tiểu thuyết đông tây kim cổ. Tóm lại là điếc không sợ súng. Mãi mới biết văn chương vốn có sức chứa mênh mông nhưng không phải dành cho số đông. Biết được có khi cũng muộn rồi.
Lúc mới ti toe cầm bút tôi đã tưởng mình viết ngang hàng với Phạm Hoa. Cỡ Đùa của tạo hóa viết dễ ợt. Sau này, đến Miền xa thẳm tôi vẫn có một thái độ cao ngạo như thế. Và cũng bởi thế, tôi và một số bạn văn đồng thời không chịu khuất phục văn chương Phạm Hoa, mê mải tôn sùng Tây Tàu lơ lắc, coi lứa nhà văn đàn anh là cổ lỗ, Khốt ta bít, ngáng trở cánh trẻ tài năng ngời ngời chúng tôi.
Ôi chao sao lại có một thời bịt tai xem chuông như thế?
Vẫn với cá tính của mình, Phạm Hoa cũng như lứa nhà văn đàn anh tuyệt nhiên không chấp chúng tôi. Kể cả khi mấy thằng em xục xịch chuyện gì trong viết lách, phát ngôn cái gọi là nhạy cảm chính trị, một mực cho rằng anh tâu cấp trên để nẹt chúng tôi, Phạm Hoa đều im lặng. Thậm chí có chuyện đám nhà văn đàn em nói xấu sau lưng Phạm Hoa chuyện ngoài văn chương anh vẫn giữ một thái độ bình thường, thậm chí còn khen chú này viết lên tay, chú kia mới, chú này sâu sắc.
May mắn thay, cá nhân tôi đã mau chóng giật mình phản tỉnh. Không phải là để học hỏi hoặc chiều chuộng bất kỳ ai, nhất là Phạm Hoa, song đã sớm thấy sự nông cạn chết người của mình. Ai đời mới giải thưởng Sâu sắc đời bộ đội đã vênh vác bố giời. Vài cái truyện ngắn in Văn nghệ; Văn nghệ quân đội đã cho mình nhất đẳng đai đen. Về được Nhà số 4 cứ như trụ trì thiếu lâm tự văn chương. Kinh hãi lắm! Không đọc ai. Không nghe ai. Chỉ mình là nhất. Mà không chỉ riêng tôi, có khi nhiều người trang lứa cũng đã từng như thế. Thật hú hồn!
Lúc này Phạm Hoa đã nghỉ hưu, đã không quyền hành gì tại sao những tác phẩm, phát ngôn nhạy cảm của các nhà văn vẫn bị nhắc nhở? Hóa ra Phạm Hoa không phải thủ phạm. Và cái sự đó cũng là lẽ thường, khắc làm khắc chịu. Ai đời nhà văn lại to tiếng trong phát ngôn? Càng không nên hò hét trong tác phẩm? Điều này cánh anh em nhà văn quân đội lứa chúng tôi đã sớm nhận ra. Nhìn vào đời sống và cống hiến của thế hệ các anh đi trước mà tự răn mình. Điều này có lần chúng tôi trách các anh thì được bảo: Ngày trước cánh tớ cũng thế. Hoắng lắm! Rồi cũng già cả ấy mà!
Chúng tôi dần dà nhận ra các cao thủ trong đó có cao thủ Phạm Hoa thì đã ở thế lưỡng nan U40, U50 rồi. Bây giờ mới biết để viết được, nhất là sống được như các ông anh là quá khó. Viết được Ngày không bình thường; Tiếng chim; Đừng quên mùa hoa săng lẻ; Mỗi thời của họ; Đùa của tạo hóa; Miền xa thẳm... như Phạm Hoa là không thể. Bỗng thấy ngượng ngùng. Bỗng thấy thăm thẳm, mênh mông.
Lục lại những ứng xử ấm ớ, suy nghĩ non xanh ngày trước chỉ biết tự mỉm cười. Lại còn to gan đổ tội các ông anh giấu nghề dù biết tỏng nghề văn có cái quái gì mà giấu? Khi ấy mới biết Phạm Hoa từng học Khóa I trường Viết văn Nguyễn Du cùng với cánh Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh... và thời đó, Phạm Hoa là một trong những người nổi nhất trong sáng tác văn chương, truyện ngắn in tì tì trên Văn nghệ vang danh khắp nước.
Văn Phạm Hoa rất tinh tế, đôi chỗ tinh nghịch khác thường. Không thể nào nghĩ anh lại có thể là ông quan quản lý văn học nghệ thuật trong quân đội, làm tới chức Cục phó Cục Tuyên huấn hét ra lửa. Văn Phạm Hoa là thứ văn mang lửa, không phải là ngọn lửa cháy đùng đùng mà là những mạch lửa đêm đông bền bỉ. Phạm Hoa viết khác từ ngày còn ở Trường Sơn. Những cô thanh niên Trường Sơn láu lỉnh, có cả sự hoang dã, bản năng đã được Phạm Hoa đưa vào văn rất tinh tế. Tả về nỗi đau chiến tranh, Phạm Hoa không cần dùng đến súng, càng không dùng đến đại bác, xe tăng, máy bay, tàu chiến ồn ào. Chỉ vài tình tiết hết sức đời thường, thậm chí là cay nghiệt, bản năng trong Đùa của tạo hóa đã cho thấy cái nhìn về chiến tranh của Phạm Hoa đạt một bậc thầy. Trong Miền xa thẳm, tiểu thuyết mà Phạm Hoa viết như trả nợ đời mình, đã thấy rõ một bút lực, một tài năng, và đặc biệt là một cá tính văn chương khác biệt. Không ồn ào. Không lấy số lượng làm chất lượng. Không né tránh sự thật. Và thăng hoa ngòi bút đến tận cùng.
Tới lúc đó, tôi mới giật mình đọc lại Phạm Hoa. Đọc tất thảy những gì anh đã viết và tìm hiểu những gì các anh đã sống. Mới thấy lứa các anh, trong đó có Phạm Hoa không chỉ viết đến tận cùng mà sống cũng đến tận cùng. Thẳng thắn. Bao dung. Không bao giờ làm những việc khuất tất, nhất là với văn chương. Trong một lần ngà ngà men rượu, anh nói rằng có một lần rất cáu khi ở trong Hội đồng xét danh hiệu NSND; NSƯT Quốc gia đã bị chỉ trích là thiên vị, còn bị ngờ vực nhận gì đó của các thành viên dự xét. Phạm Hoa cáu. Phạm Hoa văng tục. Phạm Hoa bảo không cáu giận sao được khi đến như cụ Tào Mạt đang ung thu sắp mất thì Hội đồng dù có bị nghi oan cũng nhất định phải đề xuất cụ thẳng lên NSND không cần qua NSƯT. Có những cái, chúng ta phải làm việc bằng lương tâm, lương tri của con người.
Những lúc ấy tôi mới hiểu thì ra Phạm Hoa luôn phải giả vờ nghiêm trọng trong gần như toàn bộ thời gian làm công tác quản lý của mình. Nghiêm trọng để sự thật được cất tiếng. Nghiêm trọng để sự nông cạn bớt ba hoa. Và đặc biệt, phải nghiêm trọng để đối trọng với những thứ hàng giả như thật trong văn chương chữ nghĩa.
Phạm Hoa còn luôn tỏ ra nghiêm trọng trong việc tham gia xây dựng, lãnh đạo Chi hội Nhà văn Quân đội. Nhất định phải xây dựng đội ngũ nhà văn quân đội không chỉ về số lượng mà phải bằng vào chất lượng. Chất lượng từ đâu ra nếu lớp người đi trước không tận tâm tận lực gạn đục khơi trong, khuyến khích, mời gọi chân thành? Bây giờ, tôi mới hiểu thâm ý của Phạm Hoa khi cố công giữ bằng được Bằng chứng nhận Giải thưởng cuộc thi Kỷ niệm sâu sắc đời bộ đội của tôi năm 1992-1994, sau đó chỉ đạo Tô Nhuần tìm bằng được, giao tận tay. Số tiền giải thưởng không phải nhỏ, tương đương hai chỉ vàng với cậu binh nhất mới cưới vợ là quý giá lắm. Thế mà khi sang làm phóng viên truyền hình có chút vật chất, lại viết được dăm truyện ngắn đã tưởng mình tới tận đâu đâu, còn cố tình lánh, chống chế mỗi khi giáp mặt Phạm Hoa.
Bây giờ, khi mọi thứ tưởng chừng rất khác chúng tôi mới càng giật mình trước những việc thế hệ các anh đã làm. Bộ Tổng tập Nhà văn Quân đội khổ lớn gần 3000 trang nặng trĩu mồ hôi và máu, trí tuệ và công sức của các thế hệ nhà văn đi trước trong đó có Phạm Hoa tham gia thực hiện đã xếp thành đội hình nghiêm trang, vững trãi. Các anh dường như đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ mà nhân dân và Tổ quốc giao cho các anh từ trong chiến trường - nơi lửa đỏ; từ trong cuộc sống cần lao - nơi muối mặn, gừng cay. Chính các anh, dù không nói một lời đều đã một lòng âm thầm gánh vác.
Đến lúc này đây, chúng tôi đã nhận ra vẻ đẹp của thế hệ các anh trong đó có nhà văn Phạm Hoa. Dường như anh vẫn còn nhiều điều chưa nói hết? Dường như Phạm Hoa vẫn còn nhiều chuyện chưa viết được ra? Tính anh vốn vậy. Cá tính văn chương anh là thế. Đã viết ra, dứt khoát phải nói được một điều gì có ích cho đồng đội, nhân dân. Nếu không thì im lặng. Còn không thì đành nghiêm nghị làm một ông quan quản lý văn hóa, mặc người đời, đồng nghiệp bình phẩm, thậm chí là e dè, lạnh nhạt.
Nhà văn Phạm Hoa những năm gần đây tham gia vào Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, làm Ủy viên Ban Thường vụ 2 khóa và là Cố vấn mảng văn hóa - nghệ thuật của Trung ương hội. Vẫn là một Phạm Hoa nghiêm nghị, nghiêm khắc với tất cả các loại hình nghệ thuật sáng tác về Trường Sơn. Anh quá hiểu sự dễ dãi đã giết chết nghệ thuật như thế nào. Anh đã từng phải bỏ đi nhiều trang bản thảo của chính mình và nhiều lần thẳng thắn đề nghị bỏ đi những tác phẩm văn học nghệ thuật dông dài, non yếu. Nhưng giờ đây, cấp trên, các bạn đồng nghiệp, những người sáng tác trẻ đã thấy rõ cái tâm, cái tầm, và cao hơn là trái tim luôn say đắm của anh. Anh là một nhà văn rất đậm chất nghệ sĩ. Chính điều này khiến mọi người luôn thấy ổn thỏa khi cùng làm việc, được lắng nghe, được anh xem xét, thậm chí là phán xét tác phẩm của mình.
Khi lứa chúng tôi, trong đó có cá nhân tôi phần nào hiểu được về anh, nghiêm túc đọc các tác phẩm của anh và thấy được tầm vóc của nó cũng là lúc Phạm Hoa đã đi xa. Tôi không thấy buồn chỉ bâng khuâng cảm nhận sự trống vắng từng cây bút trong đội ngũ các nhà văn đàn anh. Càng bâng khuâng trước trang giấy trắng.