"Hương vị tình thân" - Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:04 18/08/2021 Lượt xem: 500
HƯƠNG VỊ TÌNH THÂN
(Truyện ngắn)
 
Hoàng Văn Kính
 
       Vì trong cơ quan có người dương tính với Covid-19 nên tất cả chúng tôi đều phải làm xét nghiệm. May quá không ai bị F0, nhưng có vài người dính F1 liên quan đến ca nhiễm, trong đó có tôi. Mọi người bấn loạn lên vì lo lắng: Chẳng may mà lây ra cả nhà thì khổ, nhất là với tôi lại đang nuôi hai con nhỏ, đứa bé mới ba tuổi. Theo quy định F1 phải cách li tại nhà để theo dõi, nếu có “ biến” phải thực hiện ngay các biện pháp nghiêm ngặt theo quy  định.
       Tôi phân vân chưa biết phải xử lí việc cách li như thế nào. Căn phòng vợ chồng đang thuê ở thì chật, chỉ hai chục mét vuông với một cái gác xép. Chồng làm việc trực tuyến ở nhà, nhưng vẫn phải qua lại cơ quan, các con thằng lớn học ở nhà qua trực tuyến, đứa bé vẫn phải gửi.
       Trời thì như đổ lửa cả bốn người cứ chồng chất lên nhau, suốt ngày khẩu trang đeo kín mặt thì chịu sao nổi. Ra đụng vào chạm, việc cách li như thế không đúng cách, không bảo đảm an toàn, nhỡ chẳng may lây sang chồng con thì chết cả nhà.
       Tôi lo lắng điện cho chồng, anh bàn:
-Hay là em cứ cách li ở nhà, còn anh đưa các con di tản sang ở với bà nội ít bữa.
-Em đã nghĩ đến phương án ấy rồi, nhưng không ổn anh ạ. Từ nhà bà nội đến chỗ cơ quan anh thì xa, lại cũng xa chỗ gửi con, bà thì đã lớn tuổi chăm cho cả nhà sao được, bất tiện đủ đường em lo lắm.
-Ừ, khó quá nhỉ, thôi để anh bàn với mẹ xem.
       Tôi định gạt đi nhưng…cũng chẳng còn con đường nào khác . Chẳng lẽ lại đi thuê nhà nghỉ để cách li. Mà đang giãn cách xã hội thế này, cũng chẳng ai cho thuê cả. Nếu có thuê được cũng nơm nớp lo, nhỡ cơ quan chức năng đi kiểm tra họ lập biên bản trốn cách li, không những bị phạt cho vàng mắt, còn bêu lên tivi thì biết chui vào đâu.
       Đến chiều, tôi nhận được điện thoại của mẹ chồng. Bà bảo: Con không phải đi đâu cả, về chỗ mẹ mà cách li, nhà có phòng riêng trên tầng, đủ mọi tiện nghi con cách li luôn trên đó là an tâm nhất, không sợ bị lây. Còn việc cơm nước đã có mẹ lo. Cùng bất đắc dĩ, chẳng thoải mái gì nhưng cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, ngay tối hôm ấy tôi xách va li quần áo, đồ dùng cá nhân về ở với mẹ chồng. Bà ra đón từ ngoài cổng, ân cần, vui vẻ thoải mái, tay xách cái túi đưa tôi lên tầng:
- Mẹ đã chuẩn bị xong rồi, đầy đủ cả, con cứ yên tâm ở trên này. Thiếu gì, cần gì cứ gọi mẹ sẽ mang lên
– Vâng con cảm ơn mẹ - Trong lòng tôi như trút được gánh nặng lo âu.
       Lần đầu tiên từ ngày về làm dâu, tôi sống chung với mẹ chồng trong một căn nhà. Phòng giành riêng cho tôi rộng rãi, đã được mẹ chồng lau rửa, quýet dọn sạch sẽ, thoáng mát, bài trí hợp lí. Bố chồng đã mất cách đây năm năm do bạo bệnh, không phải là đứa bất hiếu, nhiều lúc vợ chồng tôi cũng bàn bạc với nhau về ở chung cho mẹ đỡ cô đơn, nhưng tôi lại ngại quan hệ giữa mẹ chồng với con dâu. Thà ở xa tháng một đôi lần về, mẹ con, bà cháu gặp gỡ còn tình cảm chứ về ở với nhau dễ nẩy sinh va chạm, lúc ấy… chỉ nghĩ đến đấy tôi đã thấy sợ.
       Từ cái hồi còn đang là học sinh cấp III, được nghe nhiều câu chuyện về mối quan hệ cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt giữa mẹ chồng với nàng dâu, tôi đã có ấn tượng không mấy tốt đẹp về những bà mẹ chồng. Nào là: soi mói, hay chấp vặt; nào là: đanh đá, khó tính; nào là hay lườm nguýt, thù dai; nào là: bảo thủ, cậy thế… Mấy đứa thân nhau cùng lớp còn tuyên bố: Sau này có lấy ai thì lấy, nhưng dứt khoát không được về sống chung nhà với bố mẹ chồng. Mà chúng nó nói cũng phải: Nào là mình khác máu, tanh lòng không bao giờ nhận được tình cảm yêu thương như con họ đẻ ra; nào là mất tự do, có muốn làm cái gì, nói câu gì cũng phải uốn ba tấc lỡi, nhìn mặt bố mẹ chồng mà sống; nào là vợ chồng trẻ, trong chuyện tình cảm có muốn thoải mái cũng không đước, bố mẹ đang lù lù trước mặt chẳng lẽ cứ nhẩy xổ vào ôm nhau bồng bế, hôn hít; nào là hai thế hệ khác nhau rất dễ xẩy ra xung khắc về quan điểm, cách sống, nhất là việc nuôi dậy con cái sau này… Điên hết cả đầu, tôi thầm nghĩ: Có cho kẹo mút cũng chẳng dám sống chung.
       Khi về cơ quan làm việc, những câu chuyện xoay quanh quan hệ mẹ chồng nàng dâu của mấy chị lớn tuổi hơn mới khủng khiếp làm sao. Ở đấy như một cái thùng rác để vứt bỏ cơn tức giận, nỗi bức xúc bị dồn nén. Những định kiến về mẹ chồng cứ lớn dần, ăn sâu bén rễ vào lòng tôi. Khi yêu anh, tôi đã nói thẳng như một điều kiện: Cưới nhau xong, chỉ ở với bố mẹ hai tuần đầu cho các cụ vui, sau đó phải thuê nhà ở riêng.
       Thôi thì trời không chịu đất, đất phải chịu trời chứ biết làm thế nào. Được cái ông bà cũng thoải mái, dễ tính nên chiều ý các con. Ông nói với bà: Ở đâu không quan trọng, miễn chúng nó hạnh phúc, hiếu thảo và đẻ con đàn cháu đống là được. Tôi với bà càng nhàn.
       Để không dây dưa gì đến cái sự lằng nhằng, lúc ra ở riêng tôi đã cố ý tìm một căn phòng ở khá xa nhà bố mẹ chồng, mục đích là tránh không để mẹ chồng ngày nào cũng “ viếng thăm” rồi soi mói cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng. Các cụ hay lắm chuyện việc bé xé ra to chỉ tổ mất đoàn kết. Thích thì đưa các con về thăm ông bà còn lại cơm ai người ấy ăn, nhà ai người ấy ở cho đỡ bùng nhùng. Tình cảm tuy bình yên nhưng có phần xa cách. Cũng chẳng sao.
       Từ hôm tôi về ở chung, tuy phải cách li tầng trên với tầng dưới, chưa có dịp chuyện trò, mọi trao đổi chủ yếu qua điện thoại nhưng bà vui hẳn lên. Ngày ba bữa bà nấu rồi bưng lên sảnh trên tầng hai, đặt vào một cái bàn để sẵn, con dâu chỉ việc ra lấy mang vào phòng. Hai ngày đầu tôi ngại, sợ mẹ chồng vất vả nên bảo chồng mua cơm xuất rồi sipper đến nhà để hai mẹ con cùng ăn, chứ suốt ngày phải lụi hụi nấu nấu, nướng nướng. Chiều lòng con dâu nên mẹ chồng chẳng có ý kiến gì.
       Sang ngày thứ ba, dãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, sipper không được hoạt động, bà nấu cơm mang lên cho con dâu. Cơm với món ăn bà nấu bữa nào cũng nóng hổi. Ngoài những món tôi thích như sipper thường mang đến, bữa nào cũng có thêm một món ăn nhẹ và li nước ép. Tối nào cũng vậy cứ tầm 10 giờ bà lại mang lên một món ăn phụ mà chẳng bữa nào giống nhau cả. Ngày ba bữa bà cặm cụi, tỷ mẩn nấu nướng, thường xuyên cải tiến, đổi món. Phải công nhận bà khéo tay nên món nào cũng ngon. Hôm nào bà cũng gọi điện hỏi xem món ăn có hợp khẩu vị không, có phải thêm nếm thêm gì nữa không. Bà hỏi con dâu thích ăn gì để bà làm, hôm nào tôi ăn không hết xuất là bà lo lắm, động viên cố mà ăn cho mau khỏi bệnh. Bà bảo:
- Con phải ăn thật nhiều, phải có sức khỏe, cơ thể phải đủ dinh dưỡng thì mới chống lại được con Covid.
-Cơm mẹ nấu ngon, ăn nhiều con sợ béo lắm.
       Bà nói vui:
- Không phải sợ, hết dịch mẹ chi tiền cho đi chỉnh eo, bây giờ con cứ ăn thật thoải mái.
       Giọng bà vui vẻ, nhỏ nhẹ, ân cần làm tôi xúc động. Tôi nhân ra: trong mỗi món ăn bà nấu có chứa đựng tình thân, là sự quan tâm và thấu hiểu của mẹ chồng, điều đó đã thực sự chạm sâu vào con tim tôi.

       Một buổi tối tôi gọi điện cho chồng, nhắc bố con phải chú ý nấu nướng, ăn uống cho đàng hoàng. Anh quay mâm cơm, tôi nhân ra tất cả những món ăn đều giống những món tôi được mẹ nấu cho ăn lúc chiều. Hỏi ra mới biết, từ ngày tôi cách li bữa ăn của bố con đều do mẹ nấu, cứ đến giờ anh lại đến lấy mang về. Tôi hiểu rằng mẹ làm như thế vì con, vì cháu để tôi thật yên tâm cách li.
       Tôi trách anh sao không ra quán thích ăn gì thì mua hay chịu khó ra chợ tự nấu lấy, phải để mẹ có thời gian nghỉ ngơi chứ. Anh phân trần: - Mẹ không đồng ý. Mẹ bảo ăn uống như thế không bảo đảm vệ sinh, cả tỉnh đang thực hiện dãn cách xã hội mình cứ lượn lờ ngoài đường, đến chỗ đông người vừa dễ bị lây nhiễm, lại vi phạm quy định phòng chống dịch, mình là cán bộ công chức Nhà nước phải gương mẫu. Đằng nào cũng một công để mẹ nấu rồi cứ đến giờ mang xe đến lấy.
-Em dặn này, anh phải duy trì mọi sinh hoạt cho thật điều độ, nhớ tập thể dục nhưng chỉ trong nhà không được lượn lờ ngoài đường đâu nhé, có phải đi đâu thì đeo khẩu trang cẩn thận, về nhà phải sát khuẩn tay. Không được hẹn hò bia bọt gì cả, chết với em đấy.
-Khổ lắm, biết rồi nói mãi. Thế em không tin bố con anh à.
-Tin, nhưng vẫn phải nhắc nhở, kiểm soát. Không được lơ là, bố con anh là chúa chủ quan đấy.
       Nhiều hôm ngồi hóng gió trên tầng hai, nhìn xuống dưới thấy mẹ chồng đội nắng ngoài vườn nhặt từng cọng rau, hôm thì lụi hụi giã cua, treo kính tỷ mỷ nhặt từng con tôm cái tép, ngồi nhặt từng cái long gà…lòng tôi se lại.
       Thấy tôi chạy xuống, bà bảo: Con ở trên ấy cho an toàn, xuống làm gì.
-Con xuống đỡ mẹ một tay.
-Cầy cuốc, gánh gồng nặng nhọc gì mà phải đỡ. Con cứ nghỉ ngơi thực hiện cách li cho thật tốt, mẹ làm một loáng là xong thôi – Rồi bà nhìn tôi cười: Làm thế là cả mẹ và con đều sai quy định dãn cách. Con không phải băn khoăn, lo lắng gì cả.
       Mẹ chồng tôi là người như thế, tất cả vì con vì cháu, không phải như những gì thiên hạ vẫn đàm tiếu về sự “ xấu xa” của những người làm mẹ chồng. Tôi tâm niệm một điều: mình phải sống thật tử tế thì sẽ nhận được lòng vị tha và sự bao đáp tử tế. Cái làm nên sự vĩ đại của một người phụ nữ, một người mẹ không phải chỉ ở những việc to tát họ làm mà trước hết và trên hết ở sự thấu hiểu, quan tâm, đùm bọc nhất là những lúc có khó khăn, hoạn nạn.
       Nhờ có dãn cách xã hội, buộc phải về sống với mẹ chồng, được ở gần bà, chứng kiến tấm lòng của bà tôi mới hiểu hết được tình thân gia đình, trong lòng gỡ bỏ được mọi định kiến. Tôi ân hận, tự trách mình vì lâu nay đã luôn nhìn nhận sai lệch, thiển cận về những người làm mẹ chồng. Tôi bàn với chồng khi nào hết dịch dã sẽ đưa gia đình về ở cùng mẹ, mọi khó khăn trước mắt vợ chồng sẽ phải tìm cách khắc phục.
       Khỏi phải nói bà vui thế nào, tôi tin rằng với vòng tay ấm áp và sự bao dung của mẹ, chúng tôi sẽ có một gia đình với ba thế hệ sống bên nhau thật hạnh phúc.
       Cứ đà chống dịch quyết liệt như thế này, chắc chắn đất nước mình sẽ sớm đẩy lùi được đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
       Tôi tin là như thế.
 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
(CTV Trang TT và BT Trường Sơn)

tin tức liên quan