“Đi chợ thời đại dịch” – Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:39 03/09/2021 Lượt xem: 475
ĐI CHỢ THỜI ĐẠI DỊCH
(Truyện ngắn )
Hoàng Văn Kính
 
       Chuẩn bị đi ngủ, nhìn sang phòng của mẹ vẫn thấy sáng đèn, tôi sang xem bà làm gì mà gần 11 giờ rồi vẫn đang ngồi hý hoáy, giờ này mọi ngày đã yên giấc rồi cơ mà.
       Đẩy cửa phòng bước vào, thấy bà vẫn đang lúi húi viết: Khuya rồi ngủ thôi, hay mẹ còn phấn đấu để trở thành thi sỹ mà giờ này vẫn cặm cụi làm thơ. Cái bài thơ của mẹ mới được đăng trên báo, các bạn con đứa nào cũng khen hay. Nó bảo thơ viết về chống dịch mà cứ như trống giục ra trận. Chúng nó khen mẹ làm con cũng phổng đỏ cả mũi.
       Mẹ vui lắm: Ừ, mẹ lấy cảm hứng từ lời kêu gọi của các bác lãnh đaọ: Chống dịch như chống giặc, ai ở đâu ở yên đó. Mình lớn tuổi rồi không làm được cái gì to tát thì góp một chút nhỏ bé, mỗi người một chân một tay phải như thế mới đẩy lùi được cái nạn dịch quái ác này. Rồi bà ngước nhìn tôi: Mẹ đang cân đối xem mai đến phiên nhà mình đi chợ nên mua cái gì cho đủ ăn trong ba ngày.
       Tôi nhìn vào tờ giấy chữ viết nhằng nhịt chỗ tẩy, chỗ xóa thấy hơn mười cái gạch đầu dòng - Sao phải mua dồn làm gì, thực phẩm để lâu giảm chất lượng đấy mẹ ạ. Mà nhà mình gần chợ, ngày nào mua ăn ngày ấy, thiếu gì chạy loáng cái là có, mẹ cứ hay lo xa.
- Cái con này cứ như người trên giời. Để thực hiện dãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người bây giờ phải đi chợ theo phiếu, trong phiếu ghi rõ ngày tháng, còn phân biệt bằng mầu nữa, nhìn đây này – Mẹ xòe ra trước mặt tôi năm tờ phiếu mầu vàng, mỗi cái bằng bàn tay, có in sẵn ngày tháng năm được vào chợ, họ và tên, địa chỉ, số điện thoại – Đấy Nhà nước làm chặt chẽ lắm, ba ngày mới được vào chợ một lần, đi không đúng ngày ghi trong phiếu là không được vào, lấy gì mà ăn.
- Cũng chỉ làm mầu thôi mẹ ạ, sống cùng địa bàn, toàn người thân quen cả chẳng lẽ lại đuổi à.
- Ơ, nói năng hay nhỉ. Đã là quy định thì mọi người đều phải chấp hành, có như thế mới phòng chống được dịch, không thì toang hết à. Sáng mai lúc nào nghe gọi là phải khẩn trương dậy đi cùng mẹ.
       Hôm sau, trời mới chạng vạng bà đã gọi: Người ta đi cả rồi, không khẩn trương lên hết cả chợ bây giờ.
- Mẹ buồn cười nhỉ, chỉ lo những cái không đáng lo…
- Bố cô chứ, không lo thì nhịn à.
- Đây nhé, mẹ xem: Người ta đã phát phiếu nghĩa là lượng người vào chợ đã được khống chế, mặt khác thành phố có chủ chương không được để đứt gẫy chuỗi cung ứng, phải bảo đàm đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân. Có gì mà rối lên nào.
       Dắt cái xe máy ra khỏi cổng, đeo khẩu trang kín mặt mẹ còn bắt đeo chồng lên tấm chống giọt bắn
– Dịch dã thế này phải cẩn thận con ạ, trước hết là giữ cho mình rồi cho người khác, chẳng may bị lây thì khổ. Tôi chuẩn bị rồ ga thì bác hàng xóm tất tả chạy đến:
- Em ơi giúp chị với.
- Có gì đấy bà chị - Mẹ hỏi.
- Mua giúp chị mấy thứ, đây chị đã liệt kê hết trong mảnh giấy này. Phải bữa kia mới đến phiên, hôm nay nhà có việc bí quá - Nói rồi bà đưa tiền vào tay mẹ tôi.
       Lướt xem qua tờ giấy, mẹ tôi thốt lên:
- Giời ơi, cả đống thế này thì em khuân làm sao
- Thôi cố gắng giúp chị rồi đến phiên chị em nhờ gì chị cũng mua.
        Thấy mẹ còn đang chần chừ, tôi cầm tờ giấy:
- Vâng bác để mẹ con cháu mua cho. Còn tiền bác cứ cầm lấy, hết bao nhiêu thanh toán sau .
- Không được – Bác dúi hai tờ năm trăm vào tay tôi.
       Thật ra với mọi người thì mẹ luôn sẵn sàng, có khi còn ngửa tay xin việc nhưng với bà này mẹ rất ngại, vì ở cái xóm này ai cũng biết bà là người rất khó tính. Mua giúp rồi đắt đắt, rẻ rẻ, đồ ngon với không ngon dễ dẫn đến nghi kị, mất tình làng nghĩa xóm. Phiền toái lắm.
       Phải công nhận dân mình tự giác thực hiện dãn cách xã hội khá nghiêm túc, đường vắng, các ngã ba, ngã tư đều có lực lượng túc trực, đều căng dây chắn, trương biển: “ Vùng xanh, không đi lối này”, hoặc “Vùng cách ly”. Phải lòng vòng mãi mới đến được chợ. Cổng chợ có người trực, được quy định có lối vào, lối ra riêng.
    Thấy tôi dừng xe ngó nghiêng, bác bảo vệ tay đeo băng đỏ chạy ra tuýt còi: - - Đề nghị hai mẹ con ra chỗ gửi xe tập trung, ở đấy có người trông coi đàng hoàng không mất đâu mà sợ.
       Tôi bảo:
- Để con vào cùng mẹ, chứ cả đống hàng, đùm to gói nhỏ lưng còng, gối mỏi mình mẹ xách làm sao.
       Bác bảo vệ ngăn lại:
- Không được, đi như thế còn gọi gì là dãn cách
- Thôi mẹ đứng ngoài chờ, đưa bản kê để con vào mua, thồ một chuyến không xong con đi hai chuyến.
       Trong chợ không đông người, những nhu yếu phẩm thiết yếu như: các loại thịt, các loại tôm cá, các loại rau củ chất đầy các xạp, tha hồ chọn, chỉ thiếu tiền chứ cái gì cũng có. Giữa người bán và người mua cũng phải đứng dãn cách theo vạch kẻ sẵn, thực hiện cách li bằng tấm nhựa trong suốt căng trước mặt. Giá cả hợp lí, cũng có một số mặt hàng giá bán có nhích lên nhưng không đáng kể.
       Tôi tò mò hỏi chị bán hàng:
- Chị ơi, em thấy chợ mình vẫn bình yên, hàng hóa dồi dào, giá cả cũng bình ổn chị nhỉ, thế mà em cứ sợ.
Chị nhìn tôi cười:
- Mất một, hai ngày đầu bà con chưa kịp thích nghi, ai cũng lo khan hàng, lại chưa kịp làm phiếu dãn cách nên mọi người đổ xô đi mua, cũng xẩy ra chen lấn, cãi vã, chụp giật đấy nhưng rồi Chính quyền đã kịp vào cuộc. Bây giờ em thấy đấy, êm rồi.
-Quy định chặt chẽ thế này tuy có phiền hà đấy nhưng an toàn chị ạ - Tôi nói – Mỗi người cố gắng một tý, có trách nhiệm một tý nhưng bảo đảm an toàn thì còn gì bằng nữa chị nhỉ.
- Em nói đúng đấy, bây giờ hơn lúc nào hết mọi người cùng phải chung tay thì mới đẩy lùi được dịch.
       Thấy tôi khệ nệ xách túi to, túi nhỏ mấy bà quen biết bảo: Nhà mày định vét hết cả chợ, mua ăn cả tuần à.
- Dạ, tại mẹ cháu cứ lo…
- Mua đủ ăn việc gì phải lo. Đấy như nhà bác sáu người ăn cũng chỉ thế này thôi - Nói rồi bà giơ cái làn lên khoe.
       Tôi thầm nghĩ: Trong lúc dịch dã đang hoành hành, hàng hóa vẫn đầy đủ, dân yên tâm thực hiện các quy định dãn cách thế mà cái bọn xấu, bọn vô công dồi nghề, cả những đứa có bằng cấp, học hành tử tê, cán bộ công chức cứ tung tin thất thiệt, xuyên tạc, đúng là cái đồ vô lương tâm, một lũ phá hoại.
Phải khệ nệ hai vòng mới mang hết đồ ra. Nhìn túi to, túi nhỏ mẹ mới sực nhớ còn thiếu mấy thứ gia vị, tôi định quay vào thì bác bảo vệ nhất quyết ngăn lại:
- Thôi bác linh động, cháu vừa ở trong ấy ra mà. Đấy hàng cháu mua một đống kia kìa – Tôi chỉ tay vào đống hàng nói khó.
- Cháu thông cảm, đây là quy định. Ai cũng vào vào, ra ra như thế người không biết lại tưởng bác thiên vị, rồi không nghiêm túc phiền lắm.
       Một bà quen biết nói với mẹ tôi:
- Cứ tầm 10 giờ chị ra, lúc ấy chợ vắng người, chẳng cần phải giấy tờ gì cả tha hồ mà mua, chỉ phải không được đúng ý của mình. Cũng được, khỏi phiền hà.
       Đúng lúc ấy tôi nghe thấy tiếng cãi vã ở ngay trước cổng vào, vội chạy lên xem có chuyện gì thì thấy lực lượng an ninh đang khóa tay một lão tầm 45 tuổi đẩy lên chiếc ô tô chờ sẵn. Nghe mấy bà kháo nhau: Lão này đã không đeo khẩu trang, sặc mùi rượu, lại còn định phóng xe vào chợ nhưng bị ngăn lại thế là hắn xửng cồ lăng mạ, dọa nạt, còn giơ tay định đánh bảo vệ.
       Một bà chửi:
- Đúng là cái đồ súc sinh, quân vô lại. Đã sai lại còn dở thói côn đồ, cái loại người này phải phạt thật nặng tống cổ vào lò cho nó sáng mắt ra.
       Một bà khác cũng tham gia:
- Ôi dào, không phải chỉ mình thằng này, đầy đứa cán bộ, công chức, cổ cồn cavat hẳn hoi cũng côn đồ chẳng kém. Quy định đã quá đầy đủ, rõ ràng, tôi cho rằng tại mình phạt chưa nghiêm, không đủ sức răn đe nên bọn này coi trời bằng vung, không còn coi ai ra gì cả.
       Đám đông bị giải tán ngay.
       Về đến nhà, hai mẹ con dãi ra phân loại. Mẹ rất hài lòng:
- Con thấy không, đằng nào cũng phải mua, mình cứ chuẩn bị đầy đủ thế này chẳng phải lo nghĩ gì cả - Rồi bà phàn nàn: Cái tủ lạnh thì bé tẹo, tống vào đâu được bây giờ.
- Tại mẹ cứ thích khuôn cho lắm cơ, giá như hôm tết mẹ nghe con mua một cái tủ cấp đông có phải tiện lợi bao nhiêu không. Bây giờ con quyết, còn tiền… - Chắc lại mẹ chi chứ gì
– Không con có nói thế đâu, để con chi.
       Mâm cơm trong mùa dịch cũng đầy đủ như những ngày không có dịch. Lúc cả nhà đang ngồi ăn thấy tivi chiếu cảnh bữa cơm quá đạm bạc của những gia đình tha hương phải ở trọ, không có việc làm, mẹ thở dài:
- Cầu mong cho mau chóng hết dịch, cuộc sống được trở lại bình thường để không ai còn phải khổ nữa.
-Họ được Nhà nước trích ngân sách tài trợ cả đấy mẹ ạ.
       Bố tôi bảo:
- Đấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời thôi, thấm tháp gì đâu. Vấn đề là phải nhanh chóng dập được dịch, ổn định được cuộc sống có như thế thì người lao động mới có thu nhập. Nhưng cũng phải thừa nhận những gói hỗ trợ như thế trong lúc khốn khó này là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Mỗi đợt hàng hàng triệu người được hưởng, hàng ngàn tỷ đấy không ít đâu. Rồi còn cả sự chung tay của người dân cả nước nữa chứ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, đúng là chỉ có trong hoạn nạn mới hiểu hết lòng nhau.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan