“Học Online” - Truyện ngắn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:43 20/09/2021 Lượt xem: 356
HỌC ONLINE
Truyện ngắn
 
Hoàng Văn Kính
 
       Bình minh mới ló, chưa hết bài thiền đã nghe tiếng còi xe máy inh ỏi trước cổng:
- Này mới tờ mờ, các cháu thức khua học on-lai ông phải để nó ngủ chứ, đi đâu mà loạn lên thế. Ở các nước văn minh, bấm còi xe là một biểu hiện thiếu văn hóa đấy nhá.
       Lão gãi tai giả vờ ngô nghê: Thế họ sinh ra cái còi xe để làm gì. Nói như ông thì cái thằng sáng chế ra cái còi mới là đứa ngu nhất. Cái xe ô tô trị giá tiền tỷ mà thiếu cái còi liệu có thằng dở hơi nào mua không.
- Không có luật nào cấm cả, nhưng phải tùy lúc, tùy nơi, tùy chỗ mà bấm, đâu phải cứ hứng lên là được.
- Ông lại sai rồi, thế nào là tùy. Tớ chưa thấy có cái hướng dẫn hay quy định lúc nào thì được bấm, bấm mấy lần, bấm kêu to hay nhỏ.
- Bảo thủ, chầy cối. Nói với ông chán bỏ mẹ. Ông định rủ đi ăn phở đấy à.
- Ừ, ta ra quán phở bà Béo đầu phố, xong ông đi với tôi mua cái máy gì đấy về cho thằng cháu học trực tuyến. Còn có mấy ngày nữa thôi, bố mẹ nó phải thực hiện 3 tại chỗ ở Xí nghiệp không về được. Não hết cả lòng, thời đại 4.0 ít chữ khổ thế đấy, nghe cô giáo nó bảo mua cái “phôn” hay “pat” gì đấy toàn tiếng tây, tiếng tầu ù hết cả tai. Thằng “đít nhôm” năm nay lên lớp 2, ông tư vấn giúp tôi xem nên mua cái gì, mua loại nào cho hợp lí.
       Tôi nhìn lão cười: Xem chừng nuốt được bát phở với li cà của ông cũng đắng chát lắm đây.
- Chứ còn gì nữa – Lão liếc xéo một cái.
- Văn nghệ một tý thôi, bây giờ dỏng tai lên nghe: có 2 loại tùy chọn: Laptop hay máy tính bảng.
- Hỏi thế có khác gì đánh đố, bố thằng nào biết được.
- Theo tớ nên mua máy tính bảng, hợp với lứa tuổi học sinh cấp 1, dễ điều khiển với màn hình cảm ứng, tính linh hoạt cao, không cồng kềnh có thể mang đi dễ dàng. Ở độ tuổi ấy bọn trẻ chỉ cần học và tương tác với các chương trình được cài sẵn. Chưa cần phải thực hành và làm bài tập nhiều. Loại này có màn hình đẹp và ít gây mỏi mắt nếu dùng thời gian dài.
- Hay đấy, nhưng đã thuộc hàng đẳng cấp nhất chưa.
- Chưa, có loại hiện đại hơn nhưng không cần, loại ấy chỉ dành cho học sinh cấp 2 trở lên mới phù hợp.
-Thế còn cái “lôp tốp”.
- Laptop chứ không phải “lôp tốp”. Sự khác nhau căn bản nhất là Laptop có bàn phím đi liền nên nó hiện đại và cũng tiện lợi hơn. Việc thực hiện các thao tác như nhập văn bản, tài liệu, các dữ liệu được nhanh và chính xác hơn.
- Thủng rồi, tớ quyết mua máy tính bảng. Nhưng giá cả thế nào nhỉ.
- Tùy vào cái túi của ông. Loại 9-10 triệu cho oai nhé.
Lão dẫy nẩy lên: Nhiều tiền thế đào đâu ra, cả tấn thóc đấy, không có ăn thì lấy sức đâu mà học. Hay học qua cái cục gạch, tớ có.
- Mới thế đã run, đầu tư cho học hành là đầu tư cơ bản nhất không bao giờ lỗ cả. Cái cục gạch của ông không có chức năng kết nối vả lại nó chỉ bằng cái bàn tay nhìn cho hỏng mắt à. Đơn giản như ông thì cả một thế hệ tương lai tới đây sẽ phải đeo kính cận thị đấy.
Lão gãi tai: Nhưng… thôi ông tìm xem có loại nào vừa vừa tầm vài trăm thôi, để còn thở nữa chứ.
- Có, nhưng ở bãi phế liệu, ra đấy tha hồ chọn, vài chục cũng có.
       Nhưng theo tôi nên mua cái loại tầm từ 3,5 đến 5 triệu. Thiết bị này nó chạy Android, màn hình trên 8 inch, cấu hình đủ để cài các phần mềm học trực tuyến.
- Oke, quyết ngay, chiều cho chạy luôn xem thế nào.
- Chưa được, còn phải lắp đặt, kết nối mạng, phải có bàn học, ổ điện, đèn, rồi phải hương dẫn truy cập… Không dễ như nổ cái xe máy đâu.
       Lão cười hềnh hệch: Tìm được thằng cố vấn như ông sướng thật, am hiểu thị trường, rất giỏi công nghệ lại còn nói tiếng tây như gió.
        Đúng là… Tôi cướp lời: Không phí tiền chi bát phở với li cà phê chứ gì.
- May mà mình mới có một thằng cháu, chi phí còn chịu được chứ nhiều gia đình ăn còn phải chạy từng bữa, nhà 2-3 đứa phải đầu tư cả đống tiền thì lấy đâu ra. Tivi mới nói cả nước còn 1,5 triệu trẻ chưa có thiết bị học, dịch với dã khốn nạn thật.


Tranh minh họa
 
- Học trực tuyên với nước mình là mới, là lạ nhưng với thế giới đấy là xu hương tất yếu, cái được nhiều hơn cái không được. Nhưng với học sinh phổ thông chỉ là giải pháp tình thế trong những ngày dãn cách. Lớp 1, lớp 2 nhỏ quá nên còn nhiều bất cập. Đến các anh chị lớn học cấp 2, cấp 3, cả sinh viên đại học nữa còn vàng mắt, toát cả mồ hôi huống hồ mấy đứa nhỏ.
- Cứ mang về, mầy mò rồi ra hết – Hôm sau lão alo:
- Không được, đồ rởm rồi ông ạ. Máy móc gì mà bật lúc được lúc không, tắt thì chả biết ấn vào đâu, chập chà chập chờn. Ông phải sang kiểm tra xem thế nào.
       Thấy cái bàn học đặt ở ngay phòng khách, tôi phán: Đặt bàn học ở đây là không hợp lý, Tivi ra rả, khách khứa vào ra nói cười, xe cộ qua lại ồn ào thì học làm sao. Học trực tuyên cần phải có một không gian riêng thật yên tĩnh tạo môi trường cho trẻ tập trung học tập. Bây giờ ông bà cùng với thằng cháu ngồi nghe tôi hướng dẫn, ghi chép để khỏi quên, chỗ nào chưa rõ thì hỏi.
       Sau khi hướng dẫn kĩ các thao tác kết nối mạng, vào máy… - Tôi nhắc mấy việc phải lưu ý: trước khi vào tiết học, phải giúp con chuẩn bị máy tính kết nối Internet đảm bảo tốc độ đường truyền tốt, không bị gián đoạn, bỏ lỡ giờ học. Kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ sách vở, bút, thước những dụng cụ học tập tối thiểu để khi con cần là có ngay không mất thời gian tìm kiếm, làm phân tán quá trình học tập. Ổ điện xung quanh cái nào không dùng phải bịt lại để bảo đảm an toàn, phải có cái quạt mát mẻ cho nó ngồi. Vì là mới, trẻ nhỏ lại rất hiếu động nên phải có người lớn kèm vừa để hướng dẫn, vừa để nhắc nhở, động viên, nó cần gì thì giúp.
- Thế phải mất một người lúc nào cũng kè kè với nó à.
- Biết làm sao được, không có người lớn kèm chắc chắn nó chỉ nghịch, hoặc là gục xuống bàn ngủ, hoặc lượn lờ vào ra, có hỏi thì: Con khát nước, con đói, con đi vệ sinh, con buồn ngủ…nhiều lí do lắm. Tóm lại phải giám sát chặt chẽ. Phải kiên trì và tạo cho nó một thói quen, chỉ khi nào nó thấy hứng thú thì lúc ấy việc học trực tuyến mới thật sự có hiệu quả. Nhà trường, học sinh và gia đình là 3 yếu tố quyết định thành công đấy.
- Nhiêu khê phết. Mà tại sao họ không cho học lùi lại 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm thống nhất trong cả nước hay tùy diễn biến dịch ở các tỉnh có phải cả thầy, cả trò, cả gia đình đỡ vất vả lại không tốn kém. Lùi một bước tiến ba bước chắc chắn sẽ hiệu quả hơn cái trò học trực tuyến này. Đang tuổi ăn tuổi chơi, vắt mũi còn chưa sạch, đến lớp có thầy cô kè kè ở bên còn chẳng ăn ai, huống hồ ngồi nhà On-lai với trực tuyến, nghe câu được câu chăng, chữ trên bảng thì như giun bò, mặt cô méo xệch bé tẹo lấy đâu ra chất với lượng. Chỉ khổ hai cái thân già này thôi.
- Tất cả đều như thế đâu phải mình ông, bọn trẻ nhậy cảm lắm đừng có than mà ảnh hưởng, suy cho cùng chúng nó mới là đối tượng thiệt thòi nhất. Mà tôi nhắc ông đừng có quát mắng, roi vọt đấy.
- Như giặc, nói không nghe, nhiều lúc không thể kiềm chế chỉ có cái roi mới răn dậy được. Các cụ ta đã đúc kết : Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Cấm có sai.
- Trẻ con nó hiếu động, nhất là ở lứa tuổi cấp 1. Phải uốn nắn dần dần, động viên giáo dục nhắc nhở là chính. Đấy rồi ông thấy học trực tuyến với lứa tuổi này không dễ dàng tý nào, chúng nó diễn lắm trò, mình không nhẹ nhàng, kiên trì dậy bảo lúc nào cũng quát mắng là phản giáo dục, hỏng hết.
- Nói thật oải lắm rồi. Cũng theo phong trào thôi. Người ta sắm “tốp” thì mình cũng mua “tốp”, họ mua bảng thì mình cũng sắm bảng cho đủ bộ, khỏi mang tiếng chứ… tôi nghi ngờ lắm - Lão ngao ngán lắc đầu.
      Tôi động viên: Cố lên ông ạ, tất cả cũng tại con Covid chết tiệt. Có còn hơn không, không thể bằng đến lớp nhưng cũng không thể nói không hữu ích, được chữ nào hay chữ ấy còn hơn để bọn trẻ lêu lổng cả năm. Dịch dã còn kéo dài, cứ phải động viên rồi kèm cặp cho nó thích nghi dần với cách học mới, chắc chắn sẽ có kết quả tốt.
- Mong là như thế.

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan