"Đối nhân". TG: Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 06:34 09/10/2021 Lượt xem: 324
ĐỐI NHÂN
 
       Tôi có anh bạn tên là Hùng, đã từng là người lính trong chiến tranh, đeo lon từ binh nhì cho đến quân hàm sĩ quan trung cấp trong quân đội mà không qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào. Nói thế để các bạn thấy anh bạn của tôi trải qua từ một người lính binh nhì trưởng thành từ cơ sở, gian khổ phấn đấu mà nên… Nhưng sau này anh bạn lại được chuyển ngành ra thi đại học và thi đỗ, đi học đại học nước ngoài.
       Trở về nước anh lại làm việc từ chuyên viên trở lên, nên có thể nói, anh hiểu khá rõ công việc của một công chức mẫn cán là như thế nào. Trong quá trình làm việc anh luôn học hỏi để nâng cao kiến thức và năng lực làm việc chuyên môn của mình. Tiếp tục vừa làm, vừa học thêm ngoại ngữ và học cao học, sau đó làm tiếp nghiên cứu sinh tiến sỹ ở trong nước…
       Và anh bạn của tôi cũng lần lượt được bổ nhiệm đảm nhận các chức vụ từ phó phòng, lên trưởng phòng, sau đó được bổ nhiệm làm vụ phó, rồi vụ trưởng của một cơ quan cấp Bộ mà vẫn thấy kiến thức và thực tế của mình còn thiếu.
       Do vậy, những chuyến đi công tác trong và ngoài nước, anh luôn luôn cố gắng đi sâu sát thực tế, tiếp xúc, học hỏi những người nông dân, công nhân từ trẻ cho đến già.
       Trong các cuộc làm việc với các lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp hay hợp tác xã, anh luôn chú ý nghe các ý kiến phản ánh và đánh giá của họ nên anh vỡ lẽ ra nhiều điều; song vẫn cảm thấy mình còn thiếu hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, vì kiến thức của con người là vô hạn…
       Một phần vì bận rộn và mải mê với công việc, anh chẳng năm nào nghỉ phép đi du lịch hay đi chơi thăm thú bạn bè. Chỉ tranh thủ những chuyến công tác, buổi tối đến thăm bạn bè ở tỉnh, hay thành phố có bạn bè quen biết, có địa chỉ… Một lần trong chuyến đi công tác ở một tỉnh miền núi, ghé vào một nhà hàng ven đường ăn trưa, thấy một đám đông ồn ào, mặt đỏ gay đang trêu đùa cô gái tiếp tân của nhà hàng. Còn cô gái xinh đẹp co dúm người lại vì sợ hãi...
       Cùng lúc đó Hùng vô tình gặp lại anh bạn đồng đội cũ từ ngày còn bộ đội ở chiến trường. Thấy anh bạn ăn mặc khá trang trọng, khác xa với thân mình nhỏ bé thời bộ đội. Đi theo anh còn có 4 hay 5 cán bộ cũng lịch sự không kém. Song cử chỉ xem ra có vè rụt rè hơn, ra dáng là người giúp việc cho anh chứ không phải là người đồng cấp.
       Trong giờ phút gặp mặt ngắn ngủi. Hùng chỉ kịp hỏi thăm về vợ con và gia đình anh bạn. Được biết bạn có gia đình khá giả, con cái đã trưởng thành. Sau ngày chuyển ngành anh bạn chịu khó học hành, phấn đấu bây giờ đang là Giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa, làm ăn phát đạt. Hùng cũng mừng cho bạn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh bạn hẹn hôm sau gặp mặt tại một nhà hàng đặc sản khá sang trọng để tâm sự, Hùng vui vẻ nhận lời.
       Ngày hôm sau đúng hẹn, Hùng đến nhà hàng đã thấy anh bạn và những người giúp việc của anh ngồi đợi từ trước. Hùng bắt tay anh bạn và nhẹ nhàng xin lỗi đã đến chậm mất vài phút, vì không quen đường xá ở đây. Anh bạn nói, không sao và bắt đầu quát nhà hàng mang thức ăn nhanh lên. Nhà hàng chậm một tí, anh ta lại quát:
       Có nhanh lên không, hay muốn đóng cửa nhà hàng hả ? Hùng ngạc nhiên hỏi, này cậu: Người ta có phải nhân viên của cậu đâu mà cậu đóng cửa được nhà hàng của họ. Anh bạn trả lời:
       Ôí giời, tớ chỉ cần phôn một “Phát” là nhà hàng bị đóng cửa ngay. Mấy ông lãnh đạo huyện là cánh hẩu của mình mà ! Vả lại Công ty mình mà không ra ăn ở đây là nhà hàng mất đi một khoản thu nhập lớn đấy !
       Lát sau thấy ông chủ nhà hàng khúm núm ra xin lỗi rối rít. Hùng cảm thấy buồn và xấu hổ cho thái đội của bạn mình. Từ đấy cuộc nói chuyện, xem ra có phần nhạt nhẽo. Dù đang ăn ở nhà hàng đặc sản, toàn những món đắt tiền mà chẳng thấy món nào ngon…
       Đột nhiên anh bạn hỏi Hùng độ này ông làm ở cơ quan nào trên Trung ương đấy ? Hùng trả lời, tôi làm ở Hiệp hội các hợp tác xã, Anh bạn nói, thế thì chán nhỉ, bao giờ các hợp tác xã mới phát triển lên thành doanh nghiệp được… Hùng nhẹ nhàng giải thích cho anh bạn, sao hợp tác xã lại phát triển lên thành doanh nghiệp. Đây là hai loại hình tổ chức kinh tế khác nhau. Một bên doanh nghiệp như các cậu, là Công ty trách nhiệm hữu hạn, là “đối vốn” tức là anh nào có vốn càng lớn, càng có quyền quyết định lớn hơn trong doanh nghiệp.
       Anh bạn nói, đối vốn thì tớ hiểu, như tới đây: Bây giờ tớ nắm 51% vốn của Công ty, tớ quyết hết. Mấy ông quản lý Nhà nước trước kia hét ra lửa, bây giờ thì tịt ngòi hết. Còn “đối nhân” là cái quái gì ?
       Hùng kiên trì giải thích cho anh bạn, đây là một hình thức quản lý trong hợp tác xã, nó bắt nguồn từ một ý nghĩa rất nhân văn từ xa xưa ở các nước tư bản trước đây, điển hình là ở Anh. Mọi người cùng góp vốn với nhau để thành lập hợp tác xã, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, cùng làm ăn, cùng hưởng lợi và mọi người được đối xử bình đẳng với nhau, không phân biệt người góp vốn nhiều hay vốn ít.
       Thế à, thôi uống đi, dù sao thì hợp tác xã cũng rất yếu kém… Hùng nói, tớ công nhận; hợp tác xã bây giờ, quả thật nhiều nơi còn yếu kém. Nhất là các hợp tác xã nông nghiệp. Vì cậu biết đấy làm nông nghiệp, từ xưa đến nay thu nhập thấp lắm. Cứ nghĩ về quê hương, cha mẹ mình ngày xưa thì bọn mình rõ hơn ai hết. Muốn giầu lên thì cứ phải làm dần, không nóng vội được đâu. Kinh tế có quy luật khách quan của nó.
       Nhưng có hợp tác xã như Saigon – Coop (Liên hiệp Hợp tác xã Sài Gòn) doanh thu bằng thu ngân sách cả một tỉnh có thu nhập cao đấy. Hợp tác xã có thể góp vốn để thành lập doanh nghiệp; vì vậy, bên trong hợp tác xã còn có doanh nghiệp. Hơn nữa trong hợp tác xã còn có Quỹ không chia, được kế thừa, nên các hợp tác xã lợi nhuận cao, qua hàng trăm năm, Quỹ này sẽ rất lớn. Vì vậy, Hãng AFP của Mỹ về bản chất bây giờ vẫn là hợp tác xã đấy ! Thế cơ à, anh bạn reo lên khe khẽ; không biết anh bạn mình có hiểu thêm được chút gì về hợp tác xã không, nhưng dù sao cuộc nhậu cũng đỡ phần tẻ nhạt.
       Sau chuyến công tác, Hùng về đến cơ quan lại có sự thay đổi mới. Thủ trưởng cơ quan được trên bổ nhiệm mới, từ địa phương về. Mặc dù là cán bộ cao cấp, nhưng từ lĩnh vực khác chuyển sang, ông chưa hiểu biết gì nhiều về hợp tác xã.
       Ông thủ trưởng mới rất nhiệt tình, hăng hái, muốn các hợp tác xã lớn nhanh như Phù Đổng, nên ông kêu gọi anh em làm ngày, làm đêm, xây dựng một chiến lược phát triển lớn chưa từng có. Ông muốn hiệp hội tổ chức ngành nghề như hiện tại, phải trở thành một “tổ chức chính trị xã hội” như: Tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, sẽ có nguồn ngân sách và vị trí lớn hơn trong xã hội để phát triển.
       Mặc cho những tham gia, góp ý của các lãnh đạo lão thành đi trước và đội ngũ tham mưu giúp việc lâu năm, có kinh nghiệm của cơ quan tư vấn. Ông vẫn chỉ đạo ra văn bản kiến nghị lên trên để sớm trở thành "tổ chức chính trị - xã hội" cho bằng được.
       Hùng được ông phân công mang văn bản kiến nghị nộp trực tiếp lên trên. Tiếp Hùng là một cán bộ cấp cao có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại; từng làm tham tán thương mại của sứ quán Việt Nam ở một nước tư bản phát triển, kể chuyện:
       Tớ nhiều lần được dự các buổi đàm phán về thương mại của các nước lớn, Thấy rằng: Bên cạnh các tập đoàn kinh tế nổi tiếng thế giới là các hiệp hội ngành nghề, họ có tiếng nói rất lớn trong các cuộc đàm phán về thương mại. Trước khi các hợp đồng thương mại tầm cỡ thế giới được ký kết, Hiệp hội các ông Chủ và Chính phủ đều phải hỏi ý kiến Đại diện của các Hiệp hội ngành nghề, nếu họ đồng ý mới dám ký; thì cớ gì ở ta, cứ phải xin là “tổ chức chính trị xã hội” mới có tiếng nói !
       Hùng buồn bã trả lời: Vì các hiệp hội ngành nghề của các nước họ sống bằng hội phí của hội viên là những công nhân, hay người lao động trực tiếp sản xuất; nên họ gắn bó và bảo vệ quyền lợi cho hội viên. Do vậy, tiếng nói đại diện của họ rất có trọng lượng; còn ở ta đang dựa vào vị trí và tiếng nói ủng hộ của lãnh đạo cấp trên…
       Một chuyện còn buồn hơn, có lần Hùng được mời làm phản biện cho một nghiên cứu sinh về đề tài phát triển hợp tác xã, tại Hội đồng bảo vệ của một Học viện có tiếng ở trong nước. Nghiên cứu sinh có kiến nghị tăng vốn góp của thành viên hợp tác xã từ không quá 30 % lên 50% để tăng thêm vốn hoạt động cho các hợp tác xã. Vì các hợp tác xã hiện nay đang rất thiếu vốn để đầu tư sản xuất; nhưng vẫn băn khoăn một điều là làm như vậy, sẽ giảm đi tính chất “đối nhân” của các hợp tác xã…?
       Trong nhận xét phản biện trước Hội đồng, Hùng đề nghị không nên tăng vốn góp cao nhất của một thành viên từ 30% theo quy định của Luật Hợp tác xã lên 50%. Vì bản chất của hợp tác xã là "đối nhân", nếu tăng vốn góp cao nhất của một thành viên lên 50% dễ dẫn đến hiện tượng; nếu cá nhân nào không tốt sẽ lấn át các thành viên khác, làm mất đi bản chất tốt đẹp là “đối nhân” của hợp tác xã. Nên xử lý bằng cách; nếu thành viên nào có nhiều vốn, thì sẽ cho hợp tác xã vay và hợp tác xã sẽ trả lãi gần bằng với lãi xuất của các ngân hàng thương mại…
       Lập tức ông Chủ tịch Hội đồng là Tiến sỹ, Viện trưởng một Viện Kinh tế, mới đi tu nghiệp ở nước ngoài về phản đối:
        Vô lý, trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh mẽ, cần rất nhiều vốn để đầu tư phát triển; nên càng góp nhiều vốn càng tốt. Làm gì có luật nào lại vô lý đến thế…!
       Hùng mặt tái đi, vì không ngờ có một vị Chủ tịch Hội đồng khoa học còn rất trẻ lại vừa tu nghiệp ở nước tư bản phát triển, có rất nhiều hợp tác xã phát triển đứng hàng đầu thế giới về, mà lại phát biểu như vậy !
        Hùng định bật dậy để phản đối; nhưng đã kịp kìm lại, không lẽ lại cãi nhau trước mặt học viên lúc này.
        Thôi để góp ý sau với anh bạn trẻ này cũng được. Vì như thế, cũng là “Đối nhân” mà...!

 
Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan