"Nỗi quê" - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 09:05 10/10/2021 Lượt xem: 560
NỖI QUÊ
Tản văn 

 
       Chưa đủ nỗi quê thì thật khó thành người. Chẳng hiểu nguyên cớ gì tôi vẫn thường nghĩ thế. Tuy nhiên, nếu ai đó bắt mình nói rõ ra nỗi quê là gì, nỗi quê ra sao thì chưa chắc ta đã diễn đạt rành rẽ, mạch lạc được. Hình như nó là cái gì đó thuộc về hồn người, tồn tại trong cái vô hình nhưng chẳng hư ảo chút nào cả. Nỗi quê là có thật, rất thật, ít nhất đối với tôi bấy lâu nay, càng thêm tuổi càng thấy rõ nó.
       Tôi có một tuổi thơ buồn nhiều hơn vui, bấy nhiêu hồn nhiên con nít không lấn át được những ngậm ngùi, tủi giận. Nhà nghèo trong một vùng quê nghèo giữa những năm tháng bom đạn tơi bời. Ám ảnh đói. Ám ảnh rét. Ám ảnh chết. Kéo dài trong suốt mười năm thiếu thời, chặng đời được coi là đẹp nhất của kiếp người. Trở lại quê hôm nay, hồi ức thời xa vắng ấy vẫn thường hay trỗi dậy trong tôi, nỗi buồn quá vãng hình như chưa tan hết, nuốt vào lòng nấc nghẹn nó vẫn sườn sượt buông ra. Biết nói sao đây, những tiếng thở dài. "Mẹ sinh tôi nét mặt buồn, nói năng thì vụng, bán buôn chẳng rành"…Thơ tôi đấy, thốt ra trong một đêm đông Hà Nội, ở ngôi nhà số 4 phố Lý Nam Đế. Không làm sao thay đổi được. Tôi. Cái buồn đã được “mã hóa” vào thân phận.
       Nỗi quê, trước tiên là đó. Tôi không dám lãng quên thời khốn khó, hạt cơm dính đeo vào lát khoai khô, rất hiếm những đứa trẻ hồng hào bụ bẫm. Cái thời nhiều quá những xanh xao, vóng đẹt; lúc nào cũng thèm có cái chi đó để cho vào mồm. Mấy năm tôi học trường cấp ba của huyện, mỗi tuần về nhà mang đi được vài ba lon gạo còn lại là sắn lát, khoai khô cho vào ruột tượng cùng với lọ ruốc con con. Thiếu thốn đến mức ba đã có ý định cho tôi thôi học về đi làm hợp tác xã. Nếu như tôi không phải là học sinh giỏi toàn diện của trường thì điều đó chắc chắn đã xảy ra. May cho tôi, cuối cùng vẫn học hết cấp ba, thi tốt nghiệp có điểm cao vào tốp đầu của tỉnh Quảng Bình.
       Mặc cảm nghèo còn lưu giữ trong tôi như ký ức buồn. Túp nhà tranh quá bé nhỏ và tềnh toàng là nơi ở của gần chục con người. Bà nội. Ba và dì tôi (mẹ tôi mất vì bom bi Mỹ năm 1968). Bốn anh em tôi (lẽ ra là năm nhưng em gái út bị chết đột ngột sau khi mẹ tôi mất hai năm). Một đứa con trai riêng của dì. Sau đó, ba dì tôi sinh thêm hai thằng em nữa. Lúc đó, tôi đã lớn. Mặt măng tơ điểm mấy nốt trứng cá nâu sẫm. Trái tim đã biết xôn xao, bâng khuâng khi bắt gặp đôi mắt đen muồi của bạn gái. Không khỏi nao nao khi nhớ tới hai bím tóc tết đuôi sam thả xuống trên vầng ngực vun cao. Và gì nữa nhỉ, cái mảnh mai với vùng thấp bí ẩn có lần kiêu hãnh bước vào giấc mơ đầu đời đẹp nhất của tôi. Thế mà thằng con trai học văn giỏi nhất trường cấp ba Bố Trạch thời đó đã không dám một lần mời mảnh mai, đen muồi kia về nhà mình. Dù chỉ một lần thôi cũng chẳng dám. Hắn xấu hổ khi nghĩ tới túp nhà mụn nát, vá viu của gia đình mình. Túp nhà như phiên bản của một hình tượng văn học thời 1930 - 1945 mà hắn từng phân tích khá hay. Tội nghiệp!
       Có lẽ, tôi không phải là trường hợp cá biệt muốn thoát khỏi quê nhà thời xa xôi đó. Nghĩ lại, quá thương quê, thương mình. Khổ vì chiến tranh một phần. Nhưng khổ lâu vì những nguyên do khác khó nói. Thoát khỏi quê nhà là muốn thoát đói rét. Thoát khỏi những ám ảnh mình bấy lâu. Vậy thôi. Tự do mà đói khổ vẫn là thứ tự do không hoàn hảo, chẳng ai mỏi mong như thế cả. Thực ra, cái điều vừa nói thì sau này tôi mới chạm thấu chứ lúc đó nghĩ rất đơn giản là cần có cái ăn, cái mặc. Thế là, tôi mau chóng trở thành người ăn cơm chính phủ, mặc áo chính phủ sau khi được cầm trên tay tờ giấy gọi nhập ngũ. Hai tháng bộ đội đầu tiên tăng năm cân, chàng binh nhì không còn gầy gò xanh rớt nữa. Đêm gác, không nhớ mấy về quê nhà xơ xác mà lại bâng lâng nghĩ tới "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm"... Chàng binh nhì không mảy may mơ ước trở thành đại tướng mà chỉ khát khao trở thành thi sĩ mặc áo lính. Phạm Tiến Duật là “thần tượng” của hắn thời đó. Tưởng rằng đời lính ngắn ngủi, nào ngờ như số phận đã an bài, kẽo kẹt suốt bốn mươi ba năm tôi mang quân phục, hết làm y tá đến cán bộ chính trị rồi viết văn, viết báo. Sáu mươi mốt tuổi nhận sổ hưu. Rồi như bây giờ lặng lẽ trở về một góc chiều, bầu bạn với cây xanh, mây trắng, chim trời cách thủ đô nơi “bọ làng” từng gắn bó hai mươi lăm năm một chặng đường sáu trăm cây số.


Sông Gianh (Ảnh ST minh họa)
 
       Vẫn chưa được trở lại nơi mình đã sinh ra ở cuối dòng sông Linh Giang. Nhiều người hỏi sao không trở về nơi gốc gác, cội nguồn. Biết trả lời làm sao đây, khi đất xưa vườn cũ đã thuộc quyền sở hữu người khác. "Quê, không tấc đất cắm dùi"…Tôi có một bài thơ dở dang bắt đầu như thế. Xa quê thì nhớ quắt quay, về quê lại ngậm ngùi. "Đêm nằm gặp mạ trong mơ/ sáng ra thấy cát bơ vơ dưới trời/ Giọt mưa về nẻo mồ côi/ nửa sa mộ mà, nửa tôi ngậm ngùi"…Tôi phải có một lựa chọn khác, trở lại nơi mình có hai mươi năm gắn bó thời thanh xuân trong màu áo lính, rồi lấy vợ sinh con, làm nhà trồng cây, cho đến một ngày mang ba lô lên tàu ra Hà Nội làm việc. Hình ảnh vợ như một dấu chấm than gầy in bóng trên sân ga Đông Hà chiều tháng ba tôi đã khắc sâu vào lòng. Mãi tới bảy năm sau vợ tôi mới chuyển ra Thủ đô khi được một nhà xuất bản nhận vào làm việc. Quảng Bình. Quảng Trị. Hà Nội. Ba vùng đất, một cuộc đời. Vùng đất nào cũng bộn bề kỉ niệm, đều làm cho tôi rơm rớm nước mắt khi nhắc tới. Vùng đất nào tôi cũng mang ơn. Mang ơn sông núi. Mang ơn con người. Tuy rằng những kẻ ghen ghét mình thì ở đâu cũng có, tuy ít, rất ít thôi.
       Ở tuổi này tôi thường hay nhớ về quê. Nhớ sông, nhớ núi, nhớ đèo, nhớ những vạt ruộng van vát nằm dưới chân đồi, những lườn cát, vú cát bên biển cả mênh mang. Nhớ vũ điệu của đá trên sóng. Nhớ những khuất vắng linh thiêng. Nhớ gió mùa hạ, nhớ mây mùa đông, nhớ những trọ trẹ khó lẫn vào thiên hạ…Nhớ để thấu hiểu rằng chính quê hương đã làm nên cốt hồn mình; từ giao hòa cha mẹ, xa hơn nữa từ ông bà, tổ tông. Sợi dây huyết thống níu buộc vào quê hương như một xác quyết về cội nguồn bản quán. Một phần hạnh phúc của ta nằm ở đó, nơi tiếng khóc sơ sinh được cất giữ trong không gian được gọi là làng xã. Tôi tin sẽ có ngày mình được trở về nơi đó. Sớm muộn thì cũng thế thôi dẫu thời gian ngắn dài ai biết được. Cát trắng đang giữ phần cho tôi. Phi lao, hoa tứ quý, chim chiền chiện, chim rặt rặt, mây núi, gió biển…góp “cổ phần” cho tâm hồn tôi. Đó chính là nỗi quê không bao giờ tan biến. Sinh hay tử đều là hành trình thăm thẳm trên quê hương yêu dấu. Đó chỉ là sự chuyển dịch luân khúc từ không đến có, từ có đến không và…vô tận. Đến lúc tôi phải cúi đầu cảm ơn quê nghèo đã cho tôi minh triết sống: không sợ khổ, chỉ sợ nhục.
       Cách đây dăm năm, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội có làm một bộ phim (tạm gọi thế) về tôi. Các anh chị em đã về Quảng Bình, tới nơi tôi sinh ra để quay. Có những cảnh quay chính như tôi đang ngồi trên cát ở cửa sông Gianh, tôi thắp hương ở chùa làng Thanh Khê, thắp hương ở mộ mẹ và em Hà của tôi. Màu trời, màu sông, màu cát hôm ấy có gì đó thật lạ. Cái xanh - trắng trộn hòa, sâu lắng như được chiết ra từ hồn quê. Mái quê, dòng quê, nền quê dường như đã được tỏa ra mênh mang từ đó. Hồn quê tôi đang mang trong mình như một bất biến diệu kỳ. Vút cao hay lắng xuống cũng từ mộc mạc xa xưa được lưu giữ trong mẹ. Mỗi chúng ta có một người mẹ như có một quê hương. Không có gì giản dị hơn thế nữa đâu. Tôi đã về làng ru mẹ như ru một cội nguồn biền biệt và vững chãi sau những bôn ba, bươn chải quanh co, gập ghềnh không kể xiết:
Ạ ơ…
Cát đi mãi chẳng thành đường
Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru…
Ạ ơ…
       Tôi ru mẹ hay mẹ ru tôi? Khúc đồng hành mẫu tử. Phải rồi, tôi đã nhận ra trong đó điều bền chặt thiêng liêng nhất: NỖI QUÊ!
 
Đại tá, Nhà thơ: Nguyễn Hữu Quý
Phó Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan