Nguyễn Bổng cũng vậy. Anh đã xuất bản hai tập thơ, hai tập truyện ngắn. Bài đăng tới tấp trên các báo. Giải thưởng cũng nhiều. Nếu trưng hết các giấy khen, bằng chứng nhận giải thưởng về văn học nghệ thuật thì chắc chắn cũng phải dán kín một bức tường ngôi nhà cấp bốn anh đang ở.
Hôm vừa rồi ra chơi thăm anh. Ông cựu Bí thư Đảng ủy xã (Anh gánh trọng trách này tới hai mươi năm cùng vài khóa Chủ tịch nữa) khuều khoào chân tay vì đủ thứ bệnh nào tiểu đường, nào gout, nào khớp do ảnh hưởng chất độc da cam… chìa ra vài cái ảnh X quang: Một cục kim loại đen sì nằm trên xương sọ, một mảnh sáng quắc nhỉnh hơn cái đầu lọc thuốc lá một tý nằm gọn trong ống xương bàn chân. Nhìn rợn gáy.
Anh thì thầm tâm sự rằng cái mảnh trên đầu thì nó đã han gỉ, thành… cục bột kim loại. Nó đã là thành phần tạo ra cái đầu rồi, giờ múc ra thì phải múc thêm tý óc, chắc chắn một vài chức năng cơ thể sẽ mất điều khiển. Vậy nên không moi ra được nữa. Còn cái mảnh sáng quắc lẫn vào xương bàn chân thì từ ngày phục viên đã hơn bốn mươi năm giờ mới biết. Lúc đau cứ đổ cho thằng gout. Vừa rồi đau quá, đi chụp X quang mới lộ ra. Cũng bởi cái nhẽ ngày ở chiến trường bị thương nhiều quá. Đầu, ngực, vai, bụng, cẳng chân… chỗ nào cũng bị thương, toàn thân bị đau nên cái mảnh đạn ở bàn chân nhỏ nhất lại lẩn lút qua mặt được khổ chủ và tất tật các bác sĩ chiến trường. Giờ phát hiện ra thì các bác sĩ đương thời ngần ngại vì nó nằm dọc trong lòng ống xương lẫn vào trong tủy. Để thì đau mà lấy ra chắc chắn phải đi ba chân cho đến cuối đời.
|
Nguyễn Bổng viết hay về mảng truyện đã đành, riêng mảng tản văn và bút ký có thể khẳng định không ngoa rằng bây giờ ở tỉnh Nam Định không tay bút nào viết thể loại này vượt qua Nguyễn Bổng. Vậy thì có lẽ không cần góp ý mà chỉ xin được bàn về cái vế khẳng định khó ai vượt qua.
Nguyễn Bổng chỉ viết về các món ăn dân dã của quê mình. Nó dân dã đến mức có thể gọi là những thứ tầm thường chỉ có trong bữa ăn của nông dân nghèo. Đó là Cơm rảm, Mắm cáy, Cháo su hào, Canh khoai, Bánh đúc, Bánh chưng bà Thìn, Nước vối quê, Khoai lang nướng, Canh Trường Sơn… nhiều lắm. Nhưng đọc xong thì có dư vị vừa ngọt ngào vừa đắng đót để thương về một thuở chưa xa, thương cho người viết và thương về đồng đất quê mình. Chẳng sơn hào hải vị mà ngon. Người đọc rưng rưng về cái sự ngon ở đây là sự ngon của người nghèo của cơn đói tháng ba ngày tám và có cả sự lo lắng phấp phỏng cho bữa ngày mai.
Quê tôi làm ra bông lúa hạt thóc vất vả trăm bề. Đếm từng hòn đất xếp lên luống ải, vỗ về vun gốc từng gốc lúa để cây cứng cáp chống chọi với bão giông, thức cả đêm trông con nước lớn ròng để cái ngọt phù sa thau chua rửa mặn. Hạt lúa quý đến độ phải lấy mười đầu ngón tay chẽ từng cọng cỏ như rẽ tóc tìm chấy cố bòn hạt rơi hạt rụng. “Nắm đất lớn dần lớn dần đến độ rặm tay” không thực sự làm cái việc chấm cục đất dẻo gom hạt thóc rơi thì không thể biết được cảm giác “rặm” ấy đâu. Chỉ một từ dân dã mà có sức nặng hơn ngàn hoa mỹ vì nó chân thật, vì nó là của người trong cuộc.
Đau đáu với nỗi quê đói nghèo mà người Cựu chiến binh ấy dám vươn lên. Xã Hải Tây quê anh tới một nửa số dân theo đạo Thiên Chúa. Từ cái nghèo sinh ra lắm phức tạp. Tình hình an ninh chính trị ngày xưa không ổn định kiện tụng om sòm, quan hệ đạo đời có lúc như mặt trăng mặt trời. Cục bộ mất đoàn kết đến mức chẳng ai chịu ai, cán bộ chủ chốt phải do trên cử về nhưng chỉ được nửa khóa thì bật bãi. Người ta nhắm nhe giao trọng trách ấy cho Nguyễn Bổng nhưng anh chẳng mặn mà. Mình mẩy đầy vết thương, vợ con nheo nhóc, phải lo cho gia đình trước đã. Nguyễn Bổng đánh tháo đi buôn cà chua, rồi lên tận Thái Nguyên làm thợ xây. Ông bố nông dân thật thà nghe đồn con sắp bị khai trừ Đảng bèn lặn lội lên đất Thái Nguyên tìm về.
|
Bìa tập sách “Của thiên trả địa” của nhà văn Nguyễn Bổng. |
Được giao nhiệm vụ nhưng Nguyễn Bổng bật bưỡng gọi cái nhiệm vụ đứng đầu một xã là làm “mõ làng”. Anh nói rất thật. Nhưng đến cái việc trên bảo rằng phải đổi mới cơ cấu nông nghiệp, phải biết trồng cây gì nuôi con gì… Chả nhẽ lại cũng về hô hào dân tìm cây gì nuôi con gì? Làm cán bộ phải động não suy nghĩ chứ lại nói như cấp trên thì mình cũng chỉ là anh “mõ làng” không hơn.
Và anh đi học tập các nơi, xem xét thổ nhưỡng quê mình và cả gan phát động cả xã thâm canh kết hợp trồng lúa và cà chua. Trúng đậm. Chỉ vài năm giời, dân Hải Tây giầu bổng lên bởi có cà chua xuất khẩu. Mọi việc trở nên hanh thông, tiếng nói của anh được tin tưởng nể vì. Đến xứ đạo được cha xứ và nhân dân cung kính gọi là Cụ mặc dù chưa đến 50 tuổi.
Được Đảng bộ, nhân dân tin tưởng, Nguyễn Bổng chấp chính gần ba mươi năm. Ba mươi năm gắn bó với nhiệm vụ “mõ làng” và nghiệp viết. (Anh vẫn tự nhận là mõ nhưng giờ là trải chiếu sắp mâm cho dân có bữa ăn ngon). Chục năm nay sau khi về hưu lại càng viết khỏe, nằm viện điều trị vết thương tái phát cũng vẫn viết, đêm đau không ngủ được cũng viết. Và anh đã cho ra đời những trang văn ấm áp thơm thảo tình quê như thế.
Đọc Nguyễn Bổng ta nhận ra sự tinh tế của anh trong cách nhìn sự vật, đối tượng. Nó đủ chiều kích âm dương ngũ hành trong thanh, sắc, mùi, vị và liên kết các yếu tố ấy. Nếu trong ráng hoàng hôn, nhìn ngọn khói vờn trên mái bếp gợi cảnh sống ở một làng quê no đủ thanh bình đẹp như tranh, tự nhiên thấy lòng ta tĩnh lại. Với Nguyễn Bổng những ngọn khói bếp còn cho người đọc thấy đâu là ngọn khói nhà giầu, đâu là ngọn khói nhà nghèo, đâu nhà đứt bữa. Sự tinh tế đến mức ấy để khẳng định cái tình của tác giả đối với mỗi thân phận con người.
Viết về ẩm thực đấy nhưng cũng là viết về con người mà anh đã từng gặp gỡ, từng tiếp xúc, từng gắn bó.
Văn Nguyễn Bổng đậm chất quê nhưng giàu nhân văn, giàu thẩm mỹ. Nhân văn ở chỗ biết thương yêu, biết kính trọng. Kính trọng và thương yêu đặt đúng chỗ. Gu thẩm mỹ của anh cũng xuất phát từ mối giao hòa Thiên, Địa, Nhân. Khác hẳn với trào lưu ham thanh chuộng lạ của tầng lớp trọc phú. Vì vậy mà nhánh lan Hoàng vũ quê biển vẫn dịu dàng khoe sắc nơi đô hội, bát cơm tám Hải Hậu thơm trên mâm cỗ cúng gia tiên và rượu nước ngang vẫn êm dịu với người sành ẩm thực suốt dải đất hình chữ S. Tiếng sáo diều trong chiều lộng gió biển vẫn ngân lên hí hó ri rô bi bô bì bồ… đủ 7 cung tương ứng với đố si la son fa mi rê đồ của âm nhạc hiện đại thế giới.
Từ cái dân dã đến cái cao sang, từ cơ cực khốn cùng đến sự nhân văn vời vợi, với Nguyễn Bổng không có khoảng cách. Anh cởi lòng mở dạ chân tình mà viết để cái dân dã làm đẹp cái cao sang, cái cao sang tôn vinh cái tầm thường dân dã.
Vì anh là người của đất quê, nói tiếng quê, mang đậm hồn quê.
Sắp tới anh sẽ cho ra mắt bạn đọc tập sách “Thảo thơm quê nhà”. Có thể nhiều người sau khi đọc “Thảo thơm quê nhà” sẽ hỏi sao hoài cổ vậy, những cái bây giờ thì ít viết mà chỉ chăm chăm viết những cái khốn khổ ngày xưa. Có phải người viết đã già? Có thể điều ấy đúng phần nào vì Nguyễn Bổng năm nay tuổi tròn thất thập. Nhưng câu tục ngữ “Miếng ngon nhớ lâu” vẫn còn một vế nữa đó là “Điều đau nhớ đời”, cái điều mà Nguyễn Bổng thay mặt cho lớp già muốn gửi gắm với các thế hệ cháu con rằng dẫu có khó khăn đến đâu thì những con người đất này vẫn gắng sức, đủ tài, dũng cảm vươn lên. Để con cháu cảm nhận được sự vất vả, sự yêu thương và tự hào với truyền thống mà biết vươn lên cho bằng anh em chúng bạn, hoà nhập cùng thời đại. Thế thôi!