“Mẹ vắng nhà” – Chuyện mùa dịch Covid của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 02:16 22/11/2021 Lượt xem: 397
MẸ VẮNG NHÀ
 
       Hôm nghe thông báo: Do đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng nên việc dậy học ở các nhà trường phải chuyển qua hình thức On-lai, bà nội thở dài: Làm thế nào để quản lí cái “lũ giặc trời ” này đây. Bố mẹ chúng nó bàn: Phải sắm đồ dùng học tập qua mạng; phải mua dụng cụ tập thể thao tại nhà không á chỉ có ăn với ngồi nhà chơi chẳng mấy bữa mà thành tịnh hết. Thế là hôm sau thấy sihpper gọi oai oái ngoài cửa. Anh Ken được trang bị một cái xe đạp thể thao tại chỗ rèn luyện cơ bắp, một cái máy tính bảng để kết nối với cô giáo trong giờ học trực tuyến. Anh Bin một cái sàn nhẩy lò-xo, một cái bàn học nhỏ cho trẻ 4 tuổi. Em Na mới 1 tuổi cũng được bổ xung thêm ít đồ chơi.
       Mẹ nó gọi hai thằng anh đến dặn: Các con ai cũng có phần phải giữ để học tập, rèn luyện thể lực đứa nào làm hỏng bị phạt. Muốn chơi lẫn của nhau phải hỏi, tranh giành đánh nhau là liệu hồn. Chúng khoái lắm, vâng dạ ríu rít. Trông coi cái lũ này bở cả hơi tai, lúc thì như một bảo mẫu hiền lành cưng nựng, dỗ dành, ngon ngọt; khi thì như một cai ngục luôn mồm quát tháo, dọa nạt; nhưng đau đầu nhất là phải đóng vai một thẩm phán xét xử mọi tranh chấp nội bộ.
       Chuyện cứ như thế ngày này qua ngày khác, còn giãn cách xã hội thì còn lu bù. Bố mẹ thì đi làm, một mình bà với 3 đứa cháu nội, có hôm lại thêm cả đứa cháu ngoại nữa.
       Thằng Ken từ trong phòng gọi vọng ra: Bà ơi, thằng Bin làm đổ hết bát cháo của em Na ra chiếu rồi. Bà nội vội quăng cái chổi đang quyét sân chạy vào phòng khách, một cảnh tượng “khủng khiếp” đập vào mắt: Bát cháo đổ văng ra chiếu, con bé đang bò nhặt miếng thịt băm nhét vào miệng. Một đống đồ chơi: ô tô, máy bay, búp bê…đủ loại đến hơn chục cái lăn lóc trộn vào cháo. Tiếng nhạc xập xình hai thằng ngoáy mông, lắc vai, chân tay dậm dật nhảy múa loạn xạ.
- Giời ơi – Bà nội quát lên – Thằng Ken, trông em như thế này à.
- Con bảo rồi, nhưng em không nghe, con làm sao giữ được.
- Chỉ giỏi cãi, cái roi đâu rồi – Bà nội đi ra chỗ cái roi vẫn treo ở móc quần áo – Cái roi mới tối qua bà treo ở đây đâu rồi.
- Con không biết bà để ở đâu – Thàng Ken thanh minh. Thàng Bin lên tiếng:
- Sáng sớm nay con dậy thể dục thấy con chuột nó tha đi rồi.
- Con chuột nào to gan dám tha đi.
- Con nhìn thấy thật mà. Nó kéo lên nóc nhà, rồi nó ngồi ăn hết bà ạ.
        Bà nội lẩm bẩm: Chỉ phá là giỏi, cứ có cái roi nào, cất kĩ mấy chỉ một, hai hôm là bị chuột ăn.
      Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát trở lại, bọn trẻ con lớn bé tất cả đều ở nhà. Ba đứa cháu nội thằng Ken đang học lớp hai, thằng Bin lớp mẫu giáo, cái Na đang chập chững tập đi. Đến tầm tám giờ sáng lại thêm cái Mun đứa cháu ngoại, cả thẩy bốn đứa. Ngôi nhà vốn yên tĩnh ban ngày chỉ có ông bà già với cái Na bỗng trở nên náo loạn, như một cái chợ vỡ. Mà ông bà cũng có việc chứ, có phải lúc nào cũng ngồi canh chừng được đâu. Cứ xểnh ra là náo loạn.
       Cái Na thì chỗ nào cũng leo trèo, chui rúc. Gầm bàn, tay ghế, gầm tủ, sợ nhất là nhặt được cái gì cũng đút vào mồm, rồi leo trèo chỉ hãi không may bị ngã thì khổ. Thằng lớn được giao nhiệm vụ trông em nhưng xểnh ra là cắm mặt vào cai Ai-pat, một tý là suy bì tỵ nạnh, tranh giành với em. Mới tuần trước thằng Bin và cái Mun chơi trò đua xe, thằng anh cầm cái ô tô ném thẳng vào màn hình. Bà đang nhặt rau trong bếp nghe tiếng choang.
- Bà ơi – thàng Ken gọi - Em Bin ném vỡ cái tivi rồi - Thằng bé sợ lấm lét đứng áp mặt vào tường ở góc nhà. Bà điên tiết quất cho mấy roi thật đau vào mông thế mà nó cứ trơ lì ra không khóc. Hôm trước tết cũng bị một lần như thế. Mỗi lần có “xung đột” bà nội lại cầm cái roi đứng ra phán xử. Chẳng có tiêu chí nào, đúng sai chỉ căn cứ vào thực tế “hiện trường” và lời khai của các “ bị can”.
       Chúng cãi rất giỏi, mách tội nhau, đứa nào cũng đúng. Cuối cùng mọi tội lỗi đều dồn lên đầu cái Na, nó đã biết gì đâu mà cãi. Nhiều hôm cả ba đứa bịt mũi từ trong nhà chạy vội ra: Bà ơi em Nạ ị, kinh quá, thối quá bà ạ - Bà chạy vào thì thấy cứt đái be bét cả ra chiếu. Chả là mấy bữa nay trời nóng bà bỏ bỉm cho thoáng, canh giờ xi cho nó quen ngồi bô. Thế mà lắm hôm “trái quy luật” be bét ra cả nhà.
       8 giờ thằng Ken phải lên phòng riêng để học, nhưng không nhắc là nó quên luôn. Giờ học nào cũng phải giám sát vậy mà có lúc nó vừa học, vừa chơi điện tử, cũng có lúc đầu ngoẹo sang một bên…Nói thì nó kêu chán học thế là lại phải ngọt nhạt động viên khích lệ, treo thưởng. Cũng có lúc thằng em chán chơi dưới nhà chạy lên phòng học cuả anh, cửa chốt thế là nó đứng ngoài hét ầm lên, lấy chân đá vào cửa rầm rầm buộc người phán xử phải có mặt. Có lần ông chạy lên kiểm tra thấy thằng Ken đang ôm mặt khóc nức nở - Con làm sao, bị cô mắng hay bài khó quá không làm được – Nó càng khóc to hơn:
- Con muốn đi học, con muốn đến lớp ư…ư…ư... Con nhớ cô, con nhớ các bạn ư…ư…ư…
- Thôi nín đi, hết dịch con sẽ được đến lớp. Con cứ học thật giỏi qua on-lai là cô, các bạn, bố mẹ và ông bà sẽ vui – Vâng ạ.
       Đến bữa ăn, “cuộc chiến” xẩy ra mới thật sự khủng khiếp. Lúc đầu là tranh giành chỗ ngồi. Thằng anh bao giờ cũng đầu têu xí chỗ trước thế là hai đứa em lao vào tranh, cấu véo nhau chí chóe. Lại phải phán xử, quy định rõ chỗ ngồi cho từng đứa, thế mà vẫn không yên, lại phải lấy roi để điều chỉnh hành vi. Đến tranh giành bát đũa, đôi co làm cái thìa bắn vào mặt em còn cái bát thì văng xuống đất vỡ toang. Đứa thì đòi ăn thịt, đứa đòi trứng, đứa thì đòi được đút, đứa đòi nước uống, cơm canh rơi vãi tung tóe bừa bãi cả. Đứa thì dỗi thế là lại phải nịnh ngon ngọt nó mới chịu mở mồm. Thực hiện bổn phận và trách nhiệm của Osin, ông bà cứ quay như cái chong chóng.Tất cả phải xong đâu đấy, dọn dẹp qua “chiến trường ” lúc ấy mới đến lượt hai cái thân già. Và vội lưng cơm để còn dẹp loạn sau bữa ăn. Phải bái phục các cụ ta ngày xưa giỏi thật. Năm, sáu đứa con sàn sàn tuổi nhau đứa nào cũng được chăm bẵm chu đáo, ngoan ngoãn.
       Đến giờ ngủ trưa phải thực hiện mệnh lệnh một cách dứt khoát, nếu không thì chẳng đứa nào chịu lên giường cả. Đến cuộc phân chia chỗ nằm, mặc dù đã quy định rõ vị trí của từng đứa, nhưng không bao giờ chúng chịu nằm yên cả. Đứa nằm dọc, đứa xoay ngang thế là đụng chạm. Chân đứa nọ đạp vào lưng đứa kia, tay đứa nọ vắt qua mặt đứa kia. Chẳng đứa nào chịu thua. Lại mách, lại khóc, lại phải xử lí. Phải mất cả tiếng đồng hồ chúng mới chìm vào giấc ngủ.
       Nhớ lại có những lần cả nhà nó đi du lịch, có mấy ngày thôi mà bà nội cứ đi ra đi vào, nhớ cháu thương cháu cứ thẫn thờ như người mất hồn, đêm nằm thao thức không sao ngủ được. Chỉ mong cho nhanh nhanh chóng chóng chúng nó kéo nhau về để được hành.


Tranh minh họa
 
       Dịch dã đúng là đã mang tai họa đến cho mọi nhà. Con cháu càng đông thì việc phán xử càng phức tạp. Chẳng phải chỉ lũ trẻ ngóng mà ông bà cũng mong bố mẹ nó đi làm về để được hưởng những giây phút yên tĩnh. Nghe tiếng mở cổng là chúng ùa ra, lời đầu tiên là đứa nọ mách tội đứa kia. To, bé đủ thứ tội rồi khóc lóc đòi bố mẹ phán xử. Hôm nào bố mẹ nó cũng hỏi: Hôm nay ở nhà các con có ngoan không – Dạ chúng con ngoan lắm mẹ ạ - Để mẹ phải hỏi bà xem đã – Lúc ấy đứa nào cũng xét nét nghe ông bà kể tội, nhưng cũng chỉ mách một phần thôi, không á no đòn.
       Phải công nhận, từ lớn đến bé đứa nào cũng sợ bố mẹ chúng một phép. Một khi bố mẹ đã phán xử thì không đứa nào dám ho he. Có sai bảo cái gì cũng đều tăm tắp. Bố mẹ nó bảo: Ở nhà đứa nào hư ông bà cứ lấy roi trị thẳng tay cho con, bọn này mà không rắn là dễ hư lắm. Nói vậy thôi chứ ông bà nào nỡ ra tay. Cái roi trong tay mục đích cũng chỉ để thị uy, giơ cao đánh khẽ. Bọn trẻ bây giờ ma ranh lắm, có lẽ vì thế mà uy lực của người phán xử cũng bị giảm đi nhiều.
       Từ ngàn xưa các cụ ta đã tổng kết “Thương cho roi cho vọt…” chẳng sai tý nào. Chả trách cây gậy và củ cà-rốt luôn là phương châm hành xử trong đối nội, đối ngoại của mọi quốc gia, hữu hiệu với mọi đối tượng, mọi gia đình.
       Làm thẩm phán, quá trình xét xử mà vướng vào người thân kể ra…cũng khó thật. Chả trách…

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT và BT Trường Sơn tại Hà Nội
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan