“Miền Đông… nỗi nhớ còn đây” – TG: Phạm Trọng Thanh

Ngày đăng: 06:27 13/12/2021 Lượt xem: 453
 

MIỀN ĐÔNG… NỖI NHỚ CÒN ĐÂY
Phạm Trọng Thanh

 
       Ngày 22 - 10 - 1952, tại Sóc Mây Tàu, một người lính chuyển vùng công tác từ chiến khu miền Đông Nam Bộ về chiến khu Đồng Tháp Mười. Người lính ba mươi tuổi ấy là nhà thơ Xuân Miễn.
       Từ buổi chia tay miền Đông với bao nhiêu lưu luyến, bài thơ “Nhớ Miền Đông” của ông đã ra đời:
“Chưa chi mà đã nhớ miền Đông!
Cứ muốn ghì ôm lấy núi rừng.
Ôi! Tiếng chim Hoàng kêu buổi sáng,
Nỉ non trong lá vượn ru con”...
       Câu mở đầu bài thơ thật gợi, đầy ắp tình cảm và ý tưởng để bài thơ phát triển theo mạch tâm tình hướng nội, tự nhiên. Cái ước muốn “ghì ôm lấy núi rừng” sao mà tham lam đến bật rơi nước mắt, bởi vì: “Ta sắp xa rồi! Ta sắp xa…”
       Lời một người ra đi đầy bâng khuâng, tiếc nuối, bước đi chẳng đành… Rồi nỗi nhớ “Miền Đông gian lao mà anh dũng” hội về lớp lớp hình ảnh chân thực với thiên nhiên hùng vĩ, từ “tiếng chim Hoàng kêu buổi sáng”, “tiếng vượn ru con” nỉ non trong bóng lá đại ngàn; những ngày “trảng xa ngập nước” mênh mang chân bước đến:
“Những chiều rừng thẳm gió bao la
Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ
Vang tiếng bầy voi giữa rú già”…
       Bức tranh sinh hoạt của những người lính miền Đông xây dựng hậu cứ chiến khu thật sinh động. Họ dựng nhà, chuyển lán: “Những trưa tranh cắt mình đau xót/ Nhà cất lên rồi lại dọn đi”. Họ mở lối khẩn hoang cho dù: “gai móc xé da lưng” để trỉa hạt, trồng khoai, trồng mì tăng gia, tự túc lương thực, tiến hành công tác hậu cần thật bài bản:
“Mồ hôi đổ xuống se lòng đất
Cho lúa khoai lên mướt rẫy vồng”.
       Họ đối đầu với “Cơn rét nằm run đến sập giường” trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc Quân y. Nhưng “Rét xong lại dậy cuốc như thường”. Viết tưởng như chơi. Thế nhưng vì cái cách viết như chơi ấy, câu thơ đã vô tình làm sáng lên quyết tâm và nghị lực của những người lính cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Họ chia sẻ với nhau từng đĩa cơm vơi, hạt muối mặn lúc đói lòng, lạt miệng. Và họ thật vui sau “Đôi lúc tương tư…”, những người lính biết ơn đất rừng miền Đông đã sẻ chia “Lá bứa chua chua, củ chụp bùi” đến từng bữa ăn đạm bạc để có lúc cao hứng trong đời lính:
“Nhiều khi cơm lạt vẫn cười vui
Tòn ten chiếc võng trong giờ nghỉ
Mẩu thuốc tàn chia bập mấy người”.
       Những chi tiết thơ được khắc họa thật gần gũi, thân thuộc, đời thường làm sáng lên phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn chiến sĩ miền Đông thời kháng chiến chống Pháp. Tình đất, tình người hòa điệu trong một bài thơ trữ tình, đọc rồi không dễ gì quên:
“Ấm sao tình bạn lính miền Đông
Mỗi bước xa đi nhớ núi rừng
Men mét làn da cười nghẹn nghẹn
Ra đi kết ngãi với bàng đưng”.
       Hình ảnh những người lính miền Đông chia tay nhau trên đường kháng chiến khiến ta bồi hồi xúc động. Sau nụ cưởi nghẹn nghẹn, họ soi vào nhau qua gương mặt “men mét làn da” để lưu giữ hình ảnh thân yêu của đồng đội và nhận ra ngọn lửa ấm nồng trong trái tim những người lính trên hành trình bảo vệ Tổ quốc.
       Phía trước là cả một chặng dài của người tiếp bước lên đường “Ra đi kết ngãi với bàng đưng”. Đến đây, nhà thơ sử dụng cả lối nói ẩn dụ “kết ngãi với bàng đưng” kết nối miền Đông Nam Bộ anh hùng với Đồng Tháp Mười bất khuất. Bài thơ vừa kết, lại mở ra tình nghĩa quân dân chiến khu Đồng Tháp đang chờ người đi.
       Sử dụng thể thơ bảy chữ truyền thống, “Nhớ miền Đông” của Xuân Miễn ít nhiều cộng hưởng âm điệu trữ tình hào sảng những bài thơ trận mạc trong trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm của những nhà thơ chiến sĩ.
       Xuân Miễn không sinh ra và lớn lên ở miền Đông. Ông sinh ngày 22-8-1922, tại thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Qua tuổi học trò, Xuân Miễn (tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Miễn) sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh từ tháng 3 -1945, tham gia khởi nghĩa giành Chính quyền ở địa phương. Sau cách mang, Xuân Miễn tòng quân, gia nhập đoàn quân Nam tiến đầu năm 1946, chiến đấu tại mặt trận An Phú Đông, ngoại thành Sài Gòn.
       Năm 1954, Xuân Miễn cùng đơn vị tập kết ra Bắc. Ông làm Phóng viên rồi phụ trách trang Văn hóa – Văn nghệ báo Quân đội nhân dân sau chuyển sang làm Biên tập viên thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
       Xuân Miễn làm thơ từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. “Đó là tiếng nói cõi lòng của một chàng trai mới lớn, đang bước vào tuổi yêu đương. Cách mạng Tháng Tám thành công và cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp,
chống Mỹ đã mang lại sinh khí mới cho ngòi bút thơ Xuân Miễn. Là một người con của đồng bằng Bắc Bộ, được chiến đấu bên cạnh những người con ruột thịt của miền Nam từ những ngày đầu chống Pháp, đã để lại trong tâm khảm ông bao dấu ấn tốt đẹp về những người má, người chị, người em miền Nam”(*)
       Nhà thơ Xuân Miễn là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I và khóa II (1957 –1983). Ông là tác giả các tập thơ: Rung động (1938), Lửa binh (1946), Khói lửa phương Nam (1948), Gói đất miền Nam (1960), Chặng đường hành quân (1971), Một tiếng Xamakhi (in chung với Phạm Ngọc Cảnh, Duy Khán, 1981); An Phú Đông (1982). Các bài thơ viết về miền đất Thành đồng Tổ quốc của ông xuất phát từ tấm lòng yêu quý miền Nam cũng là lời tri ân những đồng đội của ông đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
       Với các tác phẩm thơ viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân miền Nam, Xuân Miễn đã góp vào bộ sử thi Nam Bộ kháng chiến những bài thơ mang phong cách riêng của mình. Riêng bài thơ “Nhớ miền Đông”, những chiến sĩ Nam Bộ ai ai cũng thuộc.
--------------------------------------------------
(*) - Trích “Các tác giả văn chương Việt Nam” tập 2, Trần Mạnh Thường, NXB Văn hóa Thông tin - Hà Nội, 2008.
 

Ảnh: Nhà thơ Xuân Miễn (1922-1990).
 
NHỚ MIỀN ĐÔNG
 
Thân mến tặng chiến sĩ miền Đông Nam Bộ
Chưa chi mà đã nhớ miền Đông!
Cứ muốn ghì ôm lấy núi rừng.
Ôi! Tiếng chim Hoàng (1) kêu buổi sáng,
Nỉ non trong lá vượn ru con.
Ta sắp xa rồi! Ta sắp xa,
Những chiều rừng thẳm gió bao la,
Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ,
Vang tiếng bầy voi giữa rú già.
Những buổi vai mang nặng gánh mì,
Trảng xa ngập nước mỏi chân đi.
Những trưa tranh cắt mình đau xót,
Nhà cất lên rồi lại dọn đi.
Nửa đĩa cơm chia đỡ đói lòng,
Phá rừng gai móc xé da lưng.
Mồ hôi đổ xuống se lòng đất,
Cho lúa khoai lên mướt rẫy vồng.
Cơn sốt nằm run đến sập giường,
Rét xong lại dậy cuốc như thường.
Miền Đông “gian khổ mà anh dũng”
Đôi lúc tương tư một tán đường.
Lá bứa chua chua, củ chụp (2) bùi,
Nhiều khi cơm lạt vẫn cười vui.
Tòn ten chiếc võng trong giờ nghỉ,
Mẩu thuốc tàn chia bập mấy người.
Ấm sao tình bạn lính miền Đông,
Một bước xa đi nhớ núi rừng.
Men mét làn da cười ngẹn nghẹn,
Ra đi kết ngãi với bàng đưng .(3)


Sóc Mây Tàu, 21-10 -1952
Xuân Miễn

(Trích Tổng tập các nhà văn Quân đội – Kỷ yếu và Tác phẩm, tập 2
NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2000).

----------------------

(1).Chim Hoàng: còn gọi chim “cao các” là loài chim đặc hữu ở rừng miền Đông.
(2). Củ chụp: củ khoai mài.
(3). Bàng đưng: chỉ khu 8, Đồng Tháp Mười, nơi nhiều bàng đưng – loại cỏ để lợp nhà, dệt chiếu.


PHẠM TRỌNG THANH.
Số 6/22, Ngô Quyền, thành phố Nam Định.
Điện thoại: 0816 483 731

 
 

tin tức liên quan