Đọc tập truyện ngắn "Hoa sứ nở trái mùa"

Ngày đăng: 10:39 15/12/2021 Lượt xem: 404
     ĐỌC TẬP TRUYỆN NGẮN: “HOA SỨ NỞ TRÁI MÙA”
                         
Nguyễn Viết Lợi
       Hội viên Hội VHNT Trướng Sơn – Nghệ An


 
 
Ai đã từng một lần đi qua miền cát trắng của quê hương “Hai giỏi” dưới chang chang nắng trưa, sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của tạo hóa ban cho miền quê Quảng Bình.
Dọc quốc lộ 1A. Những vũng, vịnh, những núi cát, chạy dài với rừng dương xanh. Dãy Hoành Sơn hiên ngang trườn ra biển để biển ôm choàng lấy núi đầy ấn tượng. Một thời, trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc ác liệt của đế quốc Mỹ, cánh lái xe Trường Sơn chúng tôi, được nghỉ chân nơi đây là điều thú vị. Xe tấp dưới rừng phi lao trùm kín, mát rười rượi gió biển. Đỡ phải chặt lá ngụy trang mà vẫn an toàn bởi có: “Rừng che bộ đội…”, tránh sự xoi mói của lũ giặc trời. Bên tê bờ Nam sông Nhật Lệ (chạy song song với con đường thiên lý Bắc - Nam) là xã Bảo Ninh, tên đất, tên làng đầy thơ mộng, nhoài ra biển với rừng dừa cao vút, rừng dương mướt mát xanh còng lưng hứng bão. Và hẳn bóng đò mẹ Suốt đang in hằn tâm trí chúng ta.
Xế phía Bắc là những bến phà thời chiến, qua sông Nhật Lệ, sông Gianh… Chúng chảy từ đại ngàn Trường Sơn xuôi về biển, tạo thành những đứt gãy, nguyên sinh của vỏ trái đất cắt ngang mảnh đất hình chữ S, để có những chuyến phà làm nên lịch sử.

Phà Quán Hàu, nay nằm trên thị trấn Quán Hàu. Trước đây trống huơ trống hoác. Những bãi bồi, những ruộng lúa của nông dân còn trụ lại được, trong lỗ chỗ những hố bom của không lực Hoa Kỳ, hòng chặt đứt “cuống họng” - đường tiếp tế của quân, dân miền Bắc cho miền Nam ruột thịt. Nơi có tuổi thơ, có kỷ niệm buồn vui (Cái sự đời) của nhà giáo, nhà văn Trường Sơn Nguyễn Đại Duẫn. Có những thằng bạn cùng học một lớp, sinh cùng tháng, cùng năm… Có những bông (Hoa sứ nở trái mùa), để lại bao vấn vương cho người lính Trường Sơn và những người bạn. Văn phong và giọng điệu của Nguyễn Đại Duẫn, không phô trương, không giật gân, cường điệu hóa, nên khi đọc “Hoa sứ nở trái mùa” ta bắt gặp những hình bóng thân quen của miền quê: “Quảng Bình quê ta ơi !” của ông giáo về hưu Nguyễn Đại Duẫn…”.  Những đêm thanh vắng, nghe tiếng bờ tre cọ vào nhau như tiếng võng bà ru cháu à ơi nghèn nghẹn…” (Mẹ đi lấy chồng). Mẹ cu Tèo có cái tên của loài hoa biển vùng bãi ngang Quán Hàu: Cúc! Chắc chắn một điều, cái vốn sống được ông giáo làng tích góp, nên việc miêu tả cảnh đời của bà Hoa, cu Tèo và “Lão” chắc cũng là hàng xóm thân quen với o Cúc, nên tác giả đã khắc họa những nhân vật trong (Mẹ đi lấy chồng) rất chân thực và kỹ càng đến thế. Khiến người đọc cứ nao lòng, với lời ru nghẹn đắng, cảm thông cho hoàn cảnh éo le của món nợ… tình với gã sở khanh họ Đặng.
Nguyễn Đại Duẫn, hóm hỉnh trong ngôn từ, khéo léo trong cách xây dựng cốt truyện, lập tứ trong kịch bản. Những mẫu truyện của anh đa phần có hậu trong kết cấu câu chuyện, làm thỏa lòng người đọc.
         Tác giả nắm bắt tính cách nhân vật đa chiều, bởi anh sống, chiến đấu trong môi trường quân ngũ và giáo dục. Cái thị trấn nhỏ bé, nhưng đầy chất thơ miền cửa bể, của con sông có cái tên mộng mơ Nhật Lệ. Nhưng từ bao đời nay, người dân Quán Hàu, cúc cung tận tụy với nghề nông thuần túy, một nắng hai sương gắn bó với mảnh đất hẹp miền Trung. Thủy chung với những điệu hò khoan trong trẻo cùng những giai điệu bâng khuâng lòng người, đã được anh tích lũy, phơi phong, gạn lọc, như nghề làm nông quê anh, để hình thành và tái dựng nên những nhân vật đứng được trong sáng tác. Có những điển hình được nhà văn khắc họa chi tiết khiến độc giả đọc thấy tỷ mẩm đến ngon lành: “… Hương là cô con cả có khuôn mặt thanh tú… Đôi mắt lá răm ươn ướt, nước da trắng nõn nà. Mỗi lần đi học vén quần lội suối, bọn con trai mắt cứ trợn ngược lên nuốt không khí ừng ực…” (Nhà toàn con gái)…Và còn biết bao hình ảnh gần gủi, thân thiện khác như lão Hen (Lão Hen), ông Quang (Con mèo đen)…
Để khép lại tập truyện với 15 câu chuyện, 175 trang sách trình bày in ấn, xinh xắn. Tác giả khéo léo “khóa đuôi” bằng truyện ngắn: “Chuyện bây giờ mới kể” để “Hoa sứ nở trái mùa” cứ bâng khuâng mãi, làm người đọc rơi nước mắt bởi tính khốc liệt của chiến tranh, tính nhân văn, bản chất anh hùng cách mạng của bộ đội Cụ Hồ. Mối tình tay ba thời quân ngũ Chiến - Mến – Quang đó là điểm nhấn đậm nét của những chàng trai, cô gái Trường Sơn. Họ dám anh dũng hi sinh vì đồng đội, gửi lại tuổi hai mươi, lứa tuổi đẹp nhất cuộc đời cho cuộc chiến tranh vệ quốc vỹ đại.
Xin chúc mừng nhà văn, nhà báo Hội Truyền thống Trường Sơn Nguyễn Đại Duẫn đã sinh hạ đứa con tinh thần cho Văn học Nghệ thuật và đã thành công với nhiều giải thưởng, nhiều thơ, văn, tin bài được đăng trên các báo Trung ương, của Hội và địa phương./.
 

tin tức liên quan