Nhớ lại một kỷ niệm về Tết ở Trường Sơn

Ngày đăng: 05:42 03/02/2022 Lượt xem: 269
Nhớ lại một kỷ niệm về Tết ở Trường Sơn
 Anh Hoàng
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
 
      Bắt đầu từ binh trạm làng Ho – trạm thứ nhất của đường Trường Sơn ở thượng nguồn sông Bến Hải – chúng tôi vượt con đèo đầu tiên cao 1.115 mét để đi vào trục chính của đường Trường Sơn – con đường huyền thoại mang tên Bác Hồ kính yêu. Với chiếc gậy Trường Sơn, đôi dép cao su, súng đạn, quân trang, thuốc men và 5 ngày gạo -  “tài sản” của những người lính nặng trĩu trên vai. Chúng tôi đã vượt không biết bao nhiêu đèo cao, dốc đứng, vực sâu với những tên vừa quen vừa lạ: dốc Nguyễn Chí Thanh, dốc Bà Định, dốc quê hương, đèo tình yêu, đèo cổng trời, đèo gió hú, đèo văn công, đèo hít thở… (những tên này do lính tự đặt) của núi rừng Trường Sơn để vào chiến trường. Đường mòn Hồ Chí Minh có trăm ngả, lúc vắt qua Trường Sơn Đông khi luồn sang Trường Sơn Tây để tránh sự phát hiện của kẻ thù. Máy bay Mỹ đánh phá đường này, quân ta đi đường khác. Đường xa, mang nặng, chúng tôi cứ loại dần những thứ không cần thiết cho nhẹ bớt, có khi chỉ là một chiếc cúc áo mà cũng cảm thấy nhẹ hơn!
      Mỗi ngày đơn vị phải vượt qua một trạm giao liên gọi là Binh Trạm. Có điều đặc biệt là đoạn đường giữa các Binh Trạm lại không tính bằng kilômét mà tính bằng thời gian! nên có ngày chỉ hành quân 7 – 8 giờ là đã tới Binh Trạm mới, lại có ngày phải đi tới 10 – 11 tiếng đồng hồ.
      Sáng, chúng tôi dậy từ 5 giờ ăn cơm, chuẩn bị hành trang để 6 giờ hành quân. Trưa, nghỉ 1 tiếng ăn cơm nắm hoặc lương khô. Chiều, đến binh trạm mới nấu ăn, nghỉ ngơi hoặc tắm giặt… Tối, ngủ tại “bãi khách” của binh trạm. Nơi nào an toàn thì ngủ võng, những nơi thường bị địch đánh phá ác liệt thì ngủ hầm, ngủ “huyệt” để tránh bom bi. Cứ như thế, ngày đi, đêm nghỉ ròng rã hàng tháng trời.
     Trường Sơn thời tiết của những ngày cuối năm thay đổi thất thường. Khi mưa phùn, gió rét, lạnh thấu xương, lúc nắng hanh rát mặt. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau tới hơn 100C.
Đang trên đường hành quân, vào ngày 23 Tết ông Táo, tôi bị sốt rét ác tính, người nóng, rét, mê man, đơn vị phải gửi vào bệnh xá Binh Trạm 9. Sau gần một tuần điều trị, tôi đã cắt cơn sốt rét. Thấy người khoẻ, tôi xin ra viện để tiếp tục đuổi theo đơn vị, vì Trung đoàn 564 thuộc Sư đoàn 330 của tôi vẫn đang trên đường hành quân vào B2. Đồng chí Bệnh xá trưởng một mực không đồng ý, lo tôi sốt rét trở lại, mà đoạn đường tới trạm  giao liên tiếp theo dốc núi rất cao lại phải bơi qua sông. Anh bắt tôi nghỉ thêm 3 ngày nữa và ăn Tết Mậu Thân ở đây.
       Tuy gọi là bệnh xá nhưng chỉ có hơn 20 người, kể cả thương bệnh binh.
       Đã 28 Tết rồi mà thực phẩm của bệnh xá còn rất ít, đột xuất thương bệnh binh lại vào thêm hơn 10 người, phần lớn là lính mới vào Trường Sơn và một vài thương binh trên đường ra Bắc bị sốt rét phải nằm lại. Thấy vậy, anh em chúng tôi bàn nhau:          Ai có quần áo hoặc những thứ gì không dùng đến sẽ mang đi đổi cho đồng bào dân tộc lấy thực phẩm ăn Tết.
        Là lính mới vào Trường Sơn nên tôi còn tới 2 áo rét. Một chiếc áo len dài tay do một người bạn tặng; một chiếc áo đông xuân Trung Quốc do quân đội cấp phát. Nghe nói ở miền Nam không rét lắm, lại muốn bớt đi cho nhẹ ba lô, tôi quyết định dùng 2 chiếc áo này để đổi thực phẩm cho bệnh xá.
       Sáng sớm 29 Tết, bác sĩ Truyền, Bệnh xá trưởng khám lại sức khoẻ cho tôi và dặn: Đồng chí tìm đổi lấy một con chó để anh em cải thiện. Lâu không ăn thịt chó chắc ai cũng thích. Nhớ đi gần thôi nhé!
        Tôi ăn vội bát cơm, mang theo cơm nắm, bi đông nước, khoác súng AK và 2 chiếc áo lên vai cùng 2 bệnh binh khác mang áo trấn thủ và một số ca sắt tráng men Trung Quốc… đi đổi thực phẩm. Chúng tôi đã đi gần 2 giờ đồng hồ mà chẳng gặp được ai. Tới một ngã tư của 2 đường mòn giao nhau, ba anh em phân công mỗi người đi một ngả.
        Vì “mục tiêu” tìm đổi bằng được một con chó, tôi đã đi quá xa. ở Trường Sơn đường ngang, đường dọc nhiều lắm, đường do bộ đội mở, đường đi của đồng bào địa phương.
        Qua một thung lũng, tôi gặp con suối cạn. Kinh nghiệm cho hay, nơi nào có suối thường có bản làng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, K’ho hay PaCô… Nghĩ vậy, tôi cứ dọc theo suối cạn mà đi các bản. Còn là mùa khô nên nước suối chỉ ngập trên mắt cá chân. Đi tiếp khoảng 500 mét, tôi phát hiện ra mùi hăng hắc của thuốc lá và mùi khét lẹt của mồ hôi người. Ai đã qua Trường Sơn đều biết, nếu theo chiều gió, có thể cách xa vài, ba chục mét đã ngửi thấy mùi mồ hôi “đặc biệt riêng” của người dân tộc ở đây! Lại nghe có tiếng chó sủa, tôi mừng lắm. Nghĩ bụng, chắc ăn rồi! Thế nào anh em cũng được một bữa thịt cầy 7 món, nhất là món “dồi chó” mà ai đó đã khuyên mọi người nên tranh thủ thưởng thức khi còn sống ở trên đời! kẻo lỡ… đâu có mà ăn! Nhìn lên núi, thấy nhấp nhô mấy nóc nhà, tôi theo đường mòn lên bản, bỗng giật mình vì một tiếng chào như quát:
- Đồng bào chào bộ đội!
     Một người đàn ông dân tộc Tà Ôi, rất khó đoán tuổi, cao lớn, da ngăm đen bóng, miệng ngậm chiếc tẩu thuốc có cái cán dài ngoãng trông như một chiếc búa con, tay cầm khẩu súng tự chế đang cười nhăn nhở…
     Tôi vội đáp:
- Bộ đội chào đồng bào!
- Bộ đội có gì đổi cho đồng bào không?
- Có áo.
     Thấy có bộ đội, người vợ vội đến bên chồng nói nhanh líu ríu như chim:
- Bộ đội đổi áo lấy cái chi. Có múi (muối) không?
- Đồng bào đổi cho bộ đội con chó này và được lấy một cái áo! Vừa nói tôi vừa chỉ tay vào con chó đen tuyền khoảng 5 – 6 kg đang quấn quít dưới chân, rồi đưa 2 chiếc áo cho người chồng lựa chọn. Anh chồng xem áo rất kỹ và nói với vợ bằng tiếng dân tộc. Tôi không hiểu họ nói gì với nhau nên chỉ cười xã giao.
      Hai vợ chồng thay nhau căng 2 chiếc áo giơ cao lên xem xét, cười nói vui vẻ. Hình như họ đang trao đổi về chất lượng của từng chiếc áo.
- Mình ưng cái này (chiếc áo rét đông xuân Trung Quốc) còn cái này (chiếc áo len) mình không ưng đâu, vợ mình cũng thế!         Vừa nói anh ta vừa trả chiếc áo len cho tôi và mặc ngay chiếc áo đông xuân màu xanh vào người. Chị vợ lấy dây buộc vào cổ chó đưa cho tôi.
      Rất vui, tôi bèn mở túi lương khô bẻ một miếng cơm nắm cho con chó. Nó ăn nghiến ngấu và nhìn tôi vẻ thèm thuồng. Tôi dắt chó, miệng huýt sáo gọi nó đi. Con chó ngoan ngoãn chạy theo như quen tôi đã từ lâu.
Lại lần theo suối cạn, đường mòn tìm về bệnh xá, đã gần 4 giờ chiều rồi mà chẳng thấy binh trạm đâu, tôi biết mình đã bị lạc đường.
     Trời tối dần, hình như ở Trường Sơn đêm xuống nhanh hơn. Tôi bắn 3 phát súng AK để báo hiệu mình gặp nguy hiểm cần được cứu trợ, nhưng chờ mãi vẫn không có tiếng súng trả lời. Tôi ngồi nghỉ, mang cơm nắm ra ăn và không quên cho con chó một nửa.
     Thật may mắn, một lúc sau có 2 vợ chồng người dân tộc K’ho (người dân tộc đi rừng thường có đôi) da đen gắm, vai khoác súng, trông vẻ dữ dằn đi tới. Tôi vội chào làm quen trước:
- Bộ đội chào đồng bào! Đồng bào có biết trạm bộ đội ở đâu không?
- Mình có biết nhưng không nói đâu!
- Bộ đội bị lạc đường, nhờ đồng bào dẫn bộ đội về trạm.
     Người chồng nhìn tôi từ đầu đến chân như soi xét điều gì rồi nói:
- Sắp tối rồi, bộ đội không đi được đâu. Về nhà mình, mai mốt mình dẫn bộ đội trả về trạm.
     Không còn con đường nào khác, tôi khoác súng, dắt chó theo họ về nhà. Lại vượt đèo, lội suối, đi gần 1 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tôi buộc con chó dưới nhà sàn rồi vào nhà. Bếp lửa bập bùng ấm cúng ở giữa căn nhà và mùi thơm của hương Tết, với vẻ thân thiện của cả 2 vợ chồng làm tôi yên tâm hơn. Người vợ lấy cơm nếp và thịt nai khô cho chồng và tôi ăn. Tôi mang thuốc sốt rét và hộp cao con hổ cho gia đình. Hai vợ chồng luôn miệng cảm ơn và chỉ chỗ ngủ cho tôi.
     Đêm 29 Tết, trời tối đen, sâu thẳm. Gió rừng hun hút. Thỉnh thoảng lại có một vài tiếng hú của loài vượn. Tôi nằm im không ngủ mặc dù rất mệt nhưng phải thức vì sợ có điều gì không hay xảy ra và rất lo cho anh em ở bệnh xá phải đi tìm. Tôi nghĩ về gia đình ở miền Bắc xa xôi… Giờ này chắc bố mẹ và các em tôi đang quây quần bên nồi luộc bánh vui chuyện và chờ nếm thử chiếc bánh chưng con gói vét gạo, đỗ thơm lừng… Lúc này lại càng thương mẹ tôi, cả đời vất vả, tần tảo vì các con...
      Đêm Trường Sơn sao mà dài thế! Mãi mới có tiếng gà rừng gáy và lác đác có tiếng hoẵng gọi bạn… Người vợ dậy thổi xôi nếp trong khi ông chồng vẫn ngáy như kéo gỗ ở góc bên kia nhà. Thế mới biết, phụ nữ dù ở đâu, dân tộc nào cũng lo toan, sớm tối vất vả như nhau...
      Trời đã gần sáng. ở khu rừng đại ngàn, heo hút này dần dần bật lên những âm thanh rộn rã, ầm ĩ, náo động của đủ loại tiếng chim rừng. Bản hoà tấu âm thanh Trường Sơn của tiếng chim, thú làm tôi vui hơn…
       Tôi được gia đình mời ăn cơm nếp và cho một chiếc bánh chưng gói bằng lá cây ỏng. Cơm nước xong, người chồng nói với tôi:
- Mình cùng vợ mình đi trả bộ đội về Trạm đây!
Tôi lặng lẽ dắt chó theo 2 vợ chồng xuống núi.
      Lại lội suối, leo đèo, sau 2 giờ, chúng tôi tới Binh trạm 9. Vào Trạm người chồng nói với đồng chí bảo vệ:
- Đồng bào muốn gặp bộ đội to nhất ở đây?
     Đồng chí Binh trạm phó ra tiếp.
- Mình “bắt được” bộ đội lạc đường, tối qua ở nhà mình nay đem bộ đội  trả lại Trạm. Mình “chỉ đổi” bộ đội này lấy một bát muối thôi!
      Tưởng họ nói đùa nhưng nhìn nét mặt thấy trang nghiêm quá, tôi mới hiểu ra điều mà họ yêu cầu. Mình bị đồng bào “đổi” bằng một bát muối! Thú vị thật!
      Đồng chí Binh trạm phó nghe tôi trình bày về việc đi đổi thực phẩm bị lạc. Anh cười và phê bình nhẹ:
- Mới vào Trường Sơn mà ông đã hơi liều đấy. May mà gặp đồng bào tốt nên chỉ phải đổi bằng một bát muối! Nếu gặp phỉ, kẻ xấu hoặc thú dữ thì… thôi rồi! Anh nói, đã được báo cáo tối hôm qua và huy động cả bệnh xá đi tìm.
      Sau khi trao đổi với đồng chí phụ trách hậu cần. Đồng chí anh nuôi mang muối lên. Anh định xúc 2 bát muối tặng để cảm ơn họ nhưng cả 2 vợ chồng nhất định chỉ nhận 1 bát. Người dân tộc nói gì làm nấy không tham, họ thật thà và tốt bụng quá!
     Sau khi tiễn và cảm ơn 2 vợ chồng người dân tộc K’ho, tôi dắt chó về bệnh xá. Mọi người ôm lấy tôi như thể đi xa lâu ngày lắm mới về. Con chó đen tuyền nằm vào góc lán. Mọi người trầm trồ khen nó đẹp và lành quá. Nhìn nó ăn, ve vẩy đuôi, ngoan ngoãn, ai cũng quí và thương nó. Cả trạm xá quyết định nuôi nó để giữ nhà.
    Ở miền Nam vào dịp Tết Mậu Thân đang đánh lớn. Tôi ra viện, xuống bếp lĩnh 5 ngày gạo, lương khô, nhập vào đoàn văn công xung kích Đoàn 559 xuống biểu diễn ở binh trạm để đi tiếp chiến trường tìm đơn vị cũ.
Mồng 1 Tết năm ấy, tôi ăn Tết trên đường hành quân ở Trường Sơn./.
 

tin tức liên quan