"Bên chén trà xuân…" TG: Nguyễn hữu Quý

Ngày đăng: 04:08 05/02/2022 Lượt xem: 234

 

--------------------------------------------------------

Bên chén trà xuân…

 05-02-2022 12:51

 

 
       Rồi xuân cũng đến. Như từng đã ra đi. Một luân khúc quen thuộc mà trời đất đã hằng định. Hai mươi ba tháng Chạp, mới bày biện lễ cúng tiễn ông táo lên trời “gặp mặt cuối năm”, mà nay nhà nhà đã tất bật sửa soạn đón giao thừa. Mười hai tuần trăng hết khuyết đến tròn, qua tròn lại khuyết. Sóng cả vẫn thường nổi lên. Khi thì thiên tai, khi thì dịch bệnh. Thêm nỗi rình rập cương vực biển đảo bị quấy nhiễu. Nên càng thấm thía lời Phật dặn, sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, phải trân quý…

       Sống, trước hết là biết ơn, là tri ân thế hệ trước, tôi thường đau đáu điều đó. Tổ tiên ông bà, cha mẹ cho ta những cái không ai có thể cho được, ân tình ấy lớn lắm. Tục đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu của người Việt chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trước khi đón rước, nơi thờ tự phải quét dọn sạch sẽ, lư hương chén nước được lau chùi nhẹ nhàng, cẩn trọng. Tết là lúc âm dương đoàn tụ, ngôi nhà như được ấm hơn, vui hơn khi có bóng hình của những người thân yêu đã khuất. Chén nước trong rót ra trước khi đốt nến thắp hương và chén trà thơm thảo dâng mời tổ tiên, ông bà khi nhang sắp tàn, là lễ nghi thành kính, bình dị của dân ta. Người Việt trọng tâm linh, “trần sao âm vậy” là cách nghĩ duy tình, ngoài Bắc trong Nam, miền xuôi vùng ngược đều như thế. Chén trà sau mỗi bữa ăn, thơm ấm trên môi, chan chát đầu lưỡi là thức uống thân quen của dân mình. Dâng trà cho người đã khuất có lẽ bắt đầu từ cách nghĩ đó chăng? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có mấy câu lục bát viết về chén trà dâng cha trong ngày giỗ thật cảm động: “Thưa cha, con đã dâng trà / Sao cha im lặng như là bóng mây / Để hồn trà khuất đâu đây / Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con…”

Thưởng trà xuân. (Ảnh: Lê Xuân Bách - Cao Sơn Trà)

       Hồn trà. Quá khó để diễn đạt là gì? Phải chăng, trà như một sinh thể, có cả phần xác lẫn phần hồn. Và hình như hương vị trà không bất biến trong bốn mùa, trong một ngày mà có sự khác nhau nào đó theo tiết trời, tùy tâm người. Bởi thế, có chén trà vui, chén trà buồn, chén hoan hỉ, chén ủ ê. Hồn trà quyện lụy hồn người, thấm thía nỗi vui buồn nhân thế. Trà là bạn của người, tri kỷ tri âm, trong im lặng lắng nghe nhau. Trà có hồn, ta mới thẩm thấu dư vị của trời đất, của rễ nâu lá xanh, của những giọt mồ hôi đổ xuống nương chè, của bàn tay mẹ và em vò chè, sao chè thuần nhuyễn như ca dao chân mộc trữ tình. Trà có hồn mới kết nối được bạn bè, sự tâm giao quanh ấm trà thơm, rót ra nước xanh màu cốm, nhìn vào mắt nhau yêu thương đong đầy. Trà có hồn mới gần gũi thi ca đến thế. Uống trà không đơn thuần chỉ là ẩm thực, sức khỏe mà còn sóng sánh điệu tâm hồn xưa nay.

       Bên cành đào, cành mai khoe sắc tỏa hương, ta nâng chén trà thơm nghe và ngẫm những câu thơ về trà cũng là một cách thong dong trong xuân thì. Viên Ngộ nhận ra ngan ngát hương hoa trong vườn lòng khi nâng chén trà sớm lên môi: “Uống trà trong nắng sớm / Vườn tâm đầy hương hoa…”. Mùa đông, trong khuya khoắt lạnh lẽo, chén trà thay rượu đãi bạn đường xa đến nhà bỗng ấm hồng lên tình đời: “Đêm lạnh khách thăm trà thay rượu / Bếp lò đun nước lửa đang hồng.” (Đỗ Lỗi). Lại bâng khuâng cùng Ức Trai Nguyễn Trãi mơ được nhẹ nhàng, thanh đạm nơi rừng khuất suối xa: Bao giờ lều cỏ, núi mây / Pha trà nước suối, gối say đá mềm…Trà có mặt trong đời sống con người, với thi nhân thì không thể thiếu trà. Này nhé, Nguyễn Khuyến viết: “Khi trà chuyên năm ba chén / Khi Kiều lẩy một đôi câu”. Và, Nguyễn Du: “Khi hương sớm lúc trà trưa / Bàn lan điểm nước đường tơ hoa đàm…”. Nghĩ rằng, nước ta không có trà đạo như ở xứ sở hoa anh đào nhưng cũng gần như thế. Cách dùng trà, dâng trà trong ngày thường cũng như giỗ chạp hay dịp Tết, mang trong đó nội hàm văn hóa người Việt. Từ tốn và trân trọng. Uống trà mà vội vã, hấp tấp làm sao ngon nổi. Tôi nghĩ, trà ngon trong thế tĩnh, tâm lành. Hương trà, vị trà không hợp với tâm địa ác hiểm, đen tối. Trà gợi mở yêu thương cho cuộc đời.

       Tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi sống trên trên dải đất hình chữ S thân yêu. Cái hạnh phúc tôi muốn nói chính là yêu thương. Yêu thương để sẻ chia và sẻ chia là hạnh phúc. Nhân dân ta giàu lòng nhân ái biết bao.

       Năm 2021, dịch COVID - 19 bùng nổ dữ dội hơn ở trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…trở thành điểm nóng nhất ở nước ta trong đợt bùng phát dịch COVID - 19 lần thứ tư với số người bị nhiễm bệnh và tử vong hàng ngày tăng chóng mặt. Dân đến làm ăn ở thành phố Hồ Chí Minh ùn ùn kéo nhau về quê tránh dịch. Sản xuất ngưng trễ, kinh tế khó khăn. Nhưng cũng thật kỳ diệu, trong gian nguy thử thách tấm lòng người Việt càng tỏa sáng. Minh triết sống “Thương người như thể thương thân” chưa bao giờ được thể hiện sinh động như những tháng ngày này. Chúng ta chứng kiến những đoàn quân “Nam tiến” trong thời bình. Họ là các thầy thuốc, bộ đội, công an…lên đường chi viện cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch. Rồi những chuyến bay, những chuyến tàu xe đưa đồng bào về quê. Biết bao câu chuyện cảm động ta đã nghe, đã thấy trong những ngày đại dịch. Từ việc lớn như một doanh nghiệp nhận nuôi các cháu mồ côi có bố mẹ bị mất vì COVID- 19 đến chuyện lo cơm nước, giúp phương tiện cho những người dân về quê.

       Mùa xuân mới đang về cùng những hy vọng sáng rỡ. Nắng xuân. Lộc xuân. Hoa xuân. Người xuân. Chén trà xuân. Khởi đầu một năm, tất cả ấm áp chân thành như lời chúc an lành cho tất thảy. Núi sông, con người Việt Nam bừng sắc xuân, khí xuân trong khao khát bình yên và vươn tới.

 
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
(tỉnh Quảng Trị)

( PS st theo thainguyen.gov.vn)

tin tức liên quan