HAI ĐỨA CON
Vừa trải qua những ngày xuân thì nhà tôi xảy ra biến cố lớn, má tôi nhập viện vì đau tim nên nằm viện để theo dõi suốt cả tuần liền. Tôi cũng xin nghỉ làm để vào viện chăm má.
Tôi thường nghĩ ở ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một lằn ranh người ta thường thấy những mặt khác nhau của đời người, điều đó càng đúng hơn cho tới ngày tôi gặp chị.
Chị cũng vào viện chăm mẹ, và giường bệnh của mẹ chị lại nằm ngay sát giường bệnh của mẹ tôi nên chúng tôi thường nói chuyện với nhau. Trong căn phòng điều trị nhỏ ngót nghét mười giường, tuy chỉ ở đây non tuần nhưng tôi cảm thấy mọi người đối xử với nhau hệt như một gia đình. Một phần vì đều là người bệnh với nhau nên dễ san sẻ, những phút yếu lòng đi đôi với những lời động viên nhau cùng vượt qua bạo bệnh. Khi thì trái chuối, hộp sữa, có những khi người nhà chưa vô kịp mà tới giờ ăn, thì người bệnh thậm chí còn nhờ người nhà của mình đi mua cơm giùm cho người bệnh khác.
Mẹ của chị ngót nghét bảy mươi, bà vừa được chuyển từ phòng chăm sóc đặc biệt xuống phòng thường, tôi nghĩ một phần cũng là vì cách chăm sóc hết sức tận tình của chị.
Từ sáng sớm, vì bác sĩ thường ghé đo nhịp tim, huyết áp và kiểm tra sơ bộ lúc năm giờ sáng nên từ bốn giờ chị đã dậy để vệ sinh cá nhân cho mẹ. Bà vốn yếu nên mọi cử động đều chậm chạp, chị, bằng sự dịu dàng nhất mà tôi thấy cũng chậm rãi lót một cái gối phía sau lưng bà, đỡ bà tựa vào rồi cố gắng kể những chuyện hài hước nhất để bà khuây khoả vì bà vốn sợ khi các bác sĩ khám cho mình vì sợ phát hiện bệnh thêm. Ngay khi khám xong tổng quát định kỳ, chị luôn hỏi bác sĩ cẩn thận và ghi lại vào giấy những thứ bà ăn được và không ăn được. Khi bà vừa nằm xuống thì chị lại quay qua nhờ tôi:
- Em trông mẹ giúp chị một lát nha, chị chạy ù xuống mua tí cháo, chị lên ngay đó. Mẹ em có ăn gì không chị mua luôn một thể.
Chị không bao giờ để bà tự ăn vì tay bà vốn run nên chị luôn phải đút cho bà từng muỗng, cứ mỗi lần bà ăn mà ho tí chị lại vỗ nhẹ vào lưng để bà thông. Tôi chưa bao giờ thấy chị có phút ngơi tay vì ngoài phải đi giặt đồ bệnh nhân, đi mua đồ ăn, dọn dẹp vệ sinh cho bà còn phải thường đưa bà đi toilet. Vì trong đơn thuốc của bà có toa hay đi vệ sinh nên hầu như rất năng đi, có những đêm tôi thấy cứ non tiếng lại nghe tiếng thều thào của bà khều chị và chị lại nhẹ nhàng dắt bà vào. Sợ ồn ào những bệnh nhân đang ngủ nên chị cố đi thật khẽ, đôi khi bà gây ra tiếng động thì chị lại xin lỗi rất nhẹ nhàng, cùng là người bệnh lại cảm thông cho nhau, không ai nỡ chỉ vì một tiếng động nhỏ ban đêm mà rầy chị.
Tôi phải nói ở chị có sự sắp xếp rất cẩn thận. Dù luôn tay đút bà ăn chị vẫn kịp pha cho bà ly sữa, để nguội, kịp ăn xong thì còn có uống. Vì bà không ăn được nhiều nên trưa chị hay đổi món, lại nhờ người luộc hộ mấy quả trứng, bóc lòng trắng trứng bẻ nhỏ ra chan ít xì dầu cho mẹ ăn đổi món. Hôm sau lại thêm ít cơm với chà bông, bẻ cá vụn để bà ăn khỏi nghẹn.
Tôi ít khi thấy chị ngủ ngon, chị nằm dưới đất để mẹ nằm thoải mái trên giường nhưng chỉ cần bà khẽ động là chị lại dậy ngay để quan sát thật lâu. Được sự chăm sóc của chị, bác sĩ và cả những người trong phòng ai cũng thấy ngày bà xuất viện đến rất gần.
Mẹ và con (tranh minh họa)
Hôm nay tôi không thấy chị chăm mẹ mà là một người phụ nữ khác có thân hình hơi đẫy đà. Chị buông thõng bộ dạng có phần nặng trịch xuống giường và hỏi tôi:
- Dưới căn tin có bán cháo đúng không em? Mắc không?
Tôi khẽ nhìn đồng hồ đã qua tám giờ, quá giờ ăn sáng hàng ngày của bà cụ, chị ấy khẽ với lấy tờ giấy mà tôi nghĩ là của chị note lại để chị này làm theo rồi tặc lưỡi:
- Người bệnh thì ăn cháo thôi, sao cứ vẽ vời nhiều món thế nhỉ?
- Em thấy dạo này cụ ăn được nên chị Vân đổi món cho nhiều chất dinh dưỡng đó chị.
Chị nguầy nguậy quay đi rồi tôi thấy chị mua lên một chén cháo cho cụ, bữa trưa cũng được chuẩn bị rất muộn và cũng lại là cháo nên xế chiều tôi thấy cụ có đói và với lấy hộp sữa đầu giường uống. Trong khi đó chị này đang cuộn tròn ngủ chiếm hết gần cái giường của mẹ.
Hỏi thì mới biết chị có việc đột xuất nên đổi em gái vào thay nhưng rõ ràng trong cách đối xử với mẹ của hai người con hoàn toàn khác xa nhau, hầu như các bữa của bà cụ chỉ toàn là cháo vì theo quan niệm của chị này người bệnh ăn cháo là đủ.Và lúc nào chị cũng mua lên để bà tự ăn rồi còn mình thì ngồi xem tivi.
Thường ở phòng chung này chỉ có một chiếc ti vi to tất cả cùng xem, và độ tám giờ là tắt để tất cả đi ngủ sớm vì mai khám định kì sớm. Nhưng tối nào chị này cũng coi phim tới chín giờ hơn, khi được nhắc thì lúc nào cũng buông thõng:
- Ở bệnh viện cả ngày đã không có gì coi, tối mới chín giờ đi ngủ ai mà chịu nổi.
Tôi thấy cũng ít ai nói gì chỉ lắc đầu vì cũng không muốn gây hấn gì thêm, chỉ có mẹ chị như có phần buồn tủi cuộn mình nhỏ thó trong chăn. Tôi còn nhớ chị Vân lúc nào cũng để cái bô bên cạnh giường để nếu không vào nhà vệ sinh kịp thì cụ sẽ đi rồi chị Vân đem đi đổ, dọn dẹp. Còn mỗi khi bà nhờ chị này thì chị lại đây đẩy, đỉnh điểm nhất là lần khi tôi dọn đồ chuẩn bị đưa mẹ xuất viện và tạm biệt những người ở lại cũng như chúc mọi người mau khỏi bệnh thì tôi nghe chú Thảo giường bên cạnh nói nhỏ:
- Con coi thay đồ cho mẹ, hình như quần bà…
Có lẽ vì cứ nhịn mãi nên bà đã đi bậy cả ra quần mà không dám nhờ con gái… Tôi đẩy cửa bước ra và không khỏi ngoái nhìn thấy bộ dạng chống nạnh trách Cứ của chị ấy dành cho mẹ, lại than trời trách đất vì phải dọn dẹp, giặt giũ.
Tôi nhớ tới chị Vân mỗi ngày sáng chiều chăm sóc bà, và khi không tới được luôn điện dặn dò cẩn thận và lúc nào mỗi khi cúp máy chị này cũng buông câu “ Phiền thật luôn”.
Được ít lâu khi thi thoảng liên lạc với những người trong phòng bệnh ngày ấy xuất viện, tôi có nghe tin bà đã chuyển lại phòng chăm sóc đặc biệt…Đột nhiên tôi cảm thấy ngay cả sự hiếu thảo cũng là một liều thuốc để chữa bệnh và ở ranh giới của sự lựa chọn có đôi khi sự thoải mái của mình đã quan trọng hơn sức khoẻ của người thân.
Tác giả : Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
ĐT : 0972076980
Số CMND : 215257216