"Má" Truyện ngắn của Lê Hứa Huyền Trân-

Ngày đăng: 09:05 23/02/2022 Lượt xem: 220

Truyện ngắn của Lê Hứa Huyền Trân
 
       Trong mắt tôi khi ấy, má là người phụ nữ vĩ đại và có sức mạnh to lớn đến độ dường như không gì có thể quật ngã được. Từ nhỏ, tôi đã mất ba, tôi nghe ngoại tôi kể lại ngày ôm tôi còn đỏ hỏn trong tay, má tôi, vì đức hạnh, lại vì chịu thương chịu khó nên dù đã qua một lần đò vẫn lắm người sang nhà ngoại xin gả. Nhưng má vì tình cảm với ba sâu nặng, lại vì thương tôi sợ lấy chồng khác rồi đối xử không tốt nên quyết ở vậy nuôi con. Cứ thế, đằng đẵng thân gái vò võ một mình, má ở vậy nuôi tôi cho đến khi tôi tốt nghiệp đại học.
       Không ai có thể viết nổi những dòng về sự hi sinh cao cả của người phụ nữ một mình chống đỡ với cuộc đời ở vậy nuôi con trong gia đình không có bóng đàn ông.
       Tôi còn nhớ năm tôi học tiểu học, kí ức mang máng của tôi là những ngày hầu như tôi luôn được má đón trễ hơn các bạn học. Vì má khi ấy làm gỗ trên tận Phú Tài, mỗi khi xe đưa đón về là cũng ngót nghét cả tiếng. Tôi thường thấy bộ dạng má hớt hải chạy vào trường lúc nhá nhem, và rối rít cảm ơn cô giáo vì nán lại thêm độ nửa tiếng để trông tôi. Có nhiều lúc, vì tuổi nhỏ, tôi có quấy, giận dỗi má vì luôn bắt tôi phải đợi, má khi ấy chỉ biết nín nhịn không thể nói gì, cười xoà với mồ hôi còn nhễ nhại, và tóc bết trước trán:
- Mai má hứa sẽ đón con thật sớm nha.
       Nào ngờ những lời khi ấy đã bị cô giáo tôi nghe thấy. Trong một lần lại đợi má Tan ca làm tới đón, cô giáo đã hỏi tôi:
- Con có biết má con làm nghề gì không?
- Má con làm thợ gỗ.
- Con có biết làm nghề đó vất vả và nguy hiểm như thế nào không? – Ngay khi thấy tôi lắc đầu, cô giáo nói với tôi – Cô nghe nói sắp tới bên công ty má con có liên hoan mừng năm mới, nếu chịu khó con quan sát chút nhé.
       Lời cô nói tôi nằm lòng, ít hôm sau công ty má tôi tổ chức liên hoan tại xưởng, các cô chú công nhân đều đưa con cái tới liên hoan, lúc đó tôi dường như choáng ngợp trước sự đồ sộ của từng phân xưởng. Thỏ thẻ hỏi má làm chỗ nào, má tôi chỉ một khu xưởng rộng lớn với những máy cắt, máy ép, máy xẻ… chạy ầm ầm bất kể ngày đêm và to tướng, phát ra những tiếng kẽo kẹt khiến tôi run lên vì sợ. Nhìn vài công nhân còn tăng ca muộn khiêng những thanh gỗ lớn trên vai và tiếng những chiếc máy như đang gào rú khoe khoang sự nguy hiểm của mình khiến tôi oà khóc. Tôi biết ngày đó má sẽ nghĩ tôi khóc vì sợ nhưng kì thực tôi khóc vì biết được má đã vất vả như thế nào.
       Kể từ đó dù má có đón tôi muộn đến đâu, tôi cũng sẽ luôn mỉm cười chờ đợi vì với sự nhỏ bé khi ấy của tôi, đó là điều duy nhất tôi làm được cho má. Khi tôi lớn hơn, tôi luôn nghĩ má tôi là siêu nhân vì dường như quanh năm suốt tháng má luôn gồng gánh tất cả mọi khó khăn của cuộc đời đổ ập vào gia đình nhỏ bé này.
       Nhà tôi là một căn nhà nhỏ lợp mái ngói với những thanh gỗ bắt ngang dọc trên mái. Mỗi khi mưa về mái dột, hình ảnh quen thuộc của mỗi đêm vì tiếng mưa thức giấc là hình ảnh má bám vào tường, vắt người trên những cột ngang dọc ấy để giăng những chiếc áo mưa vào những chỗ dột đưa tôi giấc ngủ ngon lành. Má luôn gánh thay vai trò của người đàn ông trong gia đình, từ sửa điện, đóng tủ cho đến sửa khoá, mắc dây điện… đều một tay má làm hết. Má có thể nhờ vả những người xung quanh nhưng má luôn dạy tôi tự lực trong cuộc sống là trước nhất.
       Cứ thế hai mẹ con trải qua những năm tháng bên nhau đầy hạnh phúc và má cũng ở vậy không đi thêm bước nữa. Nhiều lần sợ má cô quạnh lúc về già và cũng vì thuận theo tự nhiên rồi tôi cũng sẽ theo bước về nhà chồng, tôi có gợi ý má đi thêm bước nữa nhưng má cứ gạt đi. Ngày trẻ thì lấy lí do lo cho tôi, già thêm chút thì cứ gạt phăng rồi cười xoà:
- Tao già rồi còn ham hố chi ba cái chuyện vợ chồng, khổ nhà người ta thêm
chứ được gì con.
       Vì muốn báo hiếu với má, tôi nhất quyết không lấy chồng, đến năm ba mươi Tuổi, người yêu mà tôi hẹn hò từ thuở đại học nghe lời má tôi nhất quyết sang hỏi cưới. Má ưng thuận ngay. Trong khi tôi chối đây đẩy thì má vừa khóc vừa giận:
- Hai đứa bây thương nhau từng ấy năm má biết. Con nghĩ cho con thì con cũng phải nghĩ cho nó đã hi sinh bao nhiêu năm qua để con lo tròn đạo hiếu.
        Người đàn ông hi sinh cho con như vậy má không muốn con bỏ lỡ. Huống hồ, hai bên gia đình thân thiết lại ở gần nhà, con có muốn quay về thăm má cũng đâu khó gì…


Mẹ và con (Tranh minh họa)
 
       Tôi nhìn anh rồi nhìn má, anh đúng rất thương tôi, biết tôi không muốn nhắc chuyện cưới xin nên thậm chí suốt những năm qua luôn ở bên tôi không danh phận nhưng chưa bao giờ thay lòng. Thậm chí anh còn đề cập đến việc ở rể nhưng má gạt phắt ngay:
- Gái lớn lấy chồng thì phải theo chồng cho thuận lễ nghĩa. Nhà cách nhau có cái cầu ao, thậm chí má đứng bên này còn dòm được hai đứa bây, thằng Vân mà ăn hiếp con Thảo là má qua má lôi nó dìa đó nha.
       Cứ thế, tôi đi lấy chồng. Nhiều khi về nhà thấy má cứ vò võ một mình quét dọn mảnh sân một mình, nấu mâm cơm nhỏ cúng ba rồi cứ bới một chén cơm ra góc sân ăn cùng đàn gà và con cún nhỏ tôi lại thấy thương. Nhưng chỉ cần nhìn thấy hai vợ chồng tôi về thăm là lúc nào cũng vội dẹp tô cơm nguội sang một bên, dọn lên bữa ăn nóng hổi cứ như lo cho tôi từng bữa chu toàn như hồi bé.
       Mỗi khi cứ về thăm má là tóc má lại bắt đầu điểm sương, chỉ có nụ cười khi nhìn thấy giọt máu của mình là không thay đổi, khác chăng là bắt đầu hằn những dấu vết chân chim…
 
Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Địa chỉ :1083/30 TRẦN HƯNG ĐẠO ,tổ 17B, KHU VỰC 4, PHƯỜNG ĐỐNG ĐA,
THÀNH PHỐ QUY NHƠN, TỈNH BÌNH ĐỊNH
Sđt : 0972076980

tin tức liên quan