"Chuyện bây giờ mới kể" - Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 05:08 28/02/2022 Lượt xem: 376
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM MỚI
 
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Truyện ngắn của Nguyễn Đại Duẫn
(Rút từ cuốn "Hoa sứ nở trái mùa)
 
        Ông Chiến mở chiếc va li cũ, lật từng chiếc quần áo. Lật đi, lật lại ông không thấy chiếc áo bộ đội đâu. Tay run run, ông lặng đi giây lát rồi lẩm bẩm: “Lạ! Mới hôm qua mình gấp ngay ngắn bỏ vào đây.” Như để chắc chắn hơn, ông lục tung va li tìm lại lần nữa. Không thấy. Thắng bước vào nhà, thấy bố thẩn thờ chợt hỏi:
- Bố làm sao vậy?
       Nghe ông Chiến nói, Thắng buột miệng:
- Chiếc áo cũ rích, hôm qua con mang ra làm bảo hộ lao động rồi, bố tiếc làm gì. Mai con ra phố mua cho bố chiếc mới.
- Đâu rồi? Đâu rồi? Đưa nhanh vào đây cho bố. Ông Thắng quắc mắt, như ra lệnh.
       Ôm chiếc áo vào lòng, ông nghẹn ngào:
- Con biết không. Chiếc áo này là kỷ niệm quý giá, là kỷ vật không thể mất được. Chuyện dài lắm, khi nào có điều kiện bố kể cho con nghe.
       Khi cả nhà đã chìm trong giấc ngủ, ông Chiến  đưa chiếc áo đã bạc màu theo năm tháng, đường chỉ  đã sờn ra ngắm nghía. Ông sờ tay vào miếng vá trên bờ vai. Từng đường kim, mũi chỉ mịn màng cho biết người vá chiếc áo cẩn thận, khéo tay đến nhường nào. Chiếc áo đã theo ông biết bao trận đánh, bao  đường dài hành quân, đã theo ông trở về đời thường, để khi trái gió trở trời vết thương tái phát nhức nhối, ông lại đưa ra ngắm nhìn như để động viên mình vượt qua. Những ngày trọng đại, mặc chiếc áo vào, huân chương lấp lánh trước ngực làm ông tự hào lắm. Mỗi lần như thế ông lặng đi, đôi mắt ươn ướt.
       Phía giường, bà Thảo tỉnh giấc, nhẹ nhàng đến bên, cất tiếng dịu dàng:
- Sao ông không ngủ sớm đi. Tôi thấy ông như mệt mỏi. Không biết chiếc áo ấy có gì bí mật mà tôi thấy lúc nào ông cũng trân trọng. Ông Chiến nhìn bà bằng ánh mắt cảnh giác rồi có vẻ ấp úng:
- Không! Không có chuyện gì đâu. Bà ngủ  mai còn đi chợ sớm. Tôi thức thêm một lát. Ông ngồi lặng. Tay vẫn nắm chặt chiếc áo. 
***                          
       Đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc. Đoàn xe chở chuyến hàng đặc biệt phải khẩn trương chuyển vào mặt trận phía  Nam chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô. Những ngọn gió đầu mùa  phả vào mặt nóng rát. Giàn cây nguỵ trang trên xe rung lên, đoàn xe rú ga bon bon. Ngồi bên buồng lái, đại đội trưởng nhìn Chiến:
- Chiến này! Xong chiến dịch được cử ra Bắc để đào tạo lái xe tăng, cậu thấy thế nào?  Chiến  nhìn thủ trưởng bằng ánh mắt rực sáng, cười hồ hởi:
- Dạ! Được thế thì thích lắm thủ trưởng ạ. Ra Bắc, em sẽ ghé thăm nhà thủ trưởng, có quà  gửi cho vợ con, em đưa giùm.
- Mình đang “zin” mà. Đi biền biệt gần chục năm, đã kịp vợ con gì đâu. Nếu ghé thì mình sẽ gửi cho mẹ mảnh vải dù làm khăn quàng thôi.
       Xe đang đi vào cung đường “lửa”. Hai người đang chuyện trò vui vẻ, bỗng trên bầu trời máy bay địch  xuất hiện.  Mọi ngày, giờ này chúng chưa hoạt động, không hiểu sao hôm nay xuất hiện sớm thế. Tiếng gầm rít mỗi lúc một gần hơn. Đoàn xe dừng lại tản  vào ta luy, lùm cây. Một tốp máy bay phản lực gầm rú ác liệt, dội bom như trút xuống đường.  Tiếng nổ ầm ầm. Đất đá bay vèo vèo, mặt đường cày xới ngổn ngang. Hai chiếc xe dính bom bốc cháy. Mọi người lao ra, dùng mọi phương tiện  dập tắt ngọn lửa để tránh máy bay địch  phát hiện.
        Trút xong loạt bom, chúng bay thẳng. Đoàn xe tiếp tục lên đường. Đi được vài cây số, phía trước có cờ lệnh cho đoàn xe đừng lại. Có bom nổ chậm, đường bị tắc. Đội thanh niên xung phong đang san lấp hố bom. Tiếng cuốc xẻng va vào đá sỏi nghe lạo xạo. Cấp trên ra lệnh cho đơn vị bằng mọi cách phải thông đường để đoàn xe  kịp thời lên đường, đúng kế hoạch.
        Đại đội trưởng quay sang Chiến:
- Làm sao bây giờ? Đợi công binh đến tháo cho xong bom nổ chậm thì biết khi nào đi cho kịp. Không khéo ở đây lại làm mồi cho bọn giặc trời.
       Thấy nóng ruột, Chiến nói với thủ trưởng:
- Để em lại hỏi mấy cô thanh niên xung phong xem tình hình thế nào?
       Đến bên cô gái đang cầm cờ lệnh, Chiến nói to:
- Cô gì ơi! Cứ cho bọn anh qua đi. Không sao đâu. Bom nó sợ các anh, không nổ đâu.
- Đã có lệnh không qua được. Bom từ trường nguy hiểm lắm. Các anh chỉ cần chạy qua là nó nổ, khi đó thì chúng ta sẽ lên “chầu trời” mất.
- Vậy quả bom nằm ở đâu để chúng tôi lại xem có giải quyết được gì không?
       Biết không từ chối sự “nài nỉ” hết sức cương quyết của anh “xế”, cô gái đưa Đại đội trưởng và Chiến đến thị sát hiện trường. Quả bom nằm cách xa lòng đường vài chục mét, đâm đầu xuống đất ngập gần nửa phần thân. Đại đội trưởng nhận định, đây là  bom từ trường. Loại bom này người ta gọi là “kẻ giết người bí ấn”. Chỉ cần một vòng dây và hai quả pin đèn (thiết bị PK) là có thể rà phá bom nổ được. Nhưng giờ lấy đâu ra? Hay thử cho xe chạy với vận tốc lớn vượt qua. Nhiều lái xe vẫn làm như vậy mà!
       Đại đội trưởng cho họp toàn đơn vị. Tình hình cấp bách nên quyết định dùng xe Zin130 chạy vượt qua quả bom để thông đường. Đây là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, sự hy sinh của người lính. Ý kiến được đưa ra để mọi người bàn luận và phát động tinh thần xung phong. Không do dự, Chiến đứng lên với vẻ đầy quyết tâm:
- Báo cáo Đại đội trưởng,  tôi đoàn viên Ngọc Chiến xin hy sinh tính mạng để cứu đoàn xe. Nếu không vượt qua được lúc này, đợi trời sáng thì cả đoàn xe sẽ làm mồi cho “quạ Mỹ”. 
       Đại đội trưởng nhìn Chiến xúc động:
- Tinh thần của đồng chí rất tốt. Nhưng tôi sẽ cử đồng chí khác. Đồng chí sắp được ra Bắc để học lái xe tăng, việc này quan trọng hơn.
       Chiến cương quyết:
- Thủ trưởng yên tâm, em có kinh nghiệm mà.
       Đại đội trưởng gật đầu. Những trái tim đồng đội nghẹn lại vì lo lắng. Mắt ai cũng hoe hoe đỏ. Mọi người nhanh chóng dỡ hàng trên xe xuống rồi về hầm trú ẩn.  Không do dự, Chiến  mặc áo giáp, đội mũ sắt bước lên xe chuẩn bị nổ máy. Đại đội trưởng nắm chặt tay Chiến như truyền thêm sức mạnh.
        Chiếc xe Zin 130 rồ  máy lao đi. Tất cả mọi người nín thở chờ đợi.  “Ầm”. Quả bom bật nổ, đất đá, cành cây tung tóe mù trời. Chiếc xe chao đảo, tưởng chừng như sệ xuống hố bom gần đó. Chiến vẫn bình tĩnh giữ chặt tay lái. Như có phép mầu kì diệu, chiếc xe vượt qua cung đường an toàn. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Bỗng, chiếc xe khựng lại. Mọi người ùa đến. Trên ca bin, Chiến nằm gục lên tay lái. Máu bên cổ, trên bả vai chảy ra  loang lổ, máu rỉ ra nhầy nhụa ở lỗ tai. Băng bó tạm  thời vết thương,  đại đội trưởng cử một đồng chí lái phụ cùng với vài đồng chí đơn vị Thanh niên xung đưa Chiến về Trạm xá quân y  gần đó. Đường đã thông. Đoàn xe lại hối hả nối đuôi nhau lên đường.
        Chiếc băng ca đẩy anh vào phòng cấp cứu, cánh cửa đóng lại. Cuộc hội chẩn khẩn trương diễn ra bên ánh đèn bão lù mù trong căn hầm nửa chìm nửa nổi. Bác sĩ trưởng trạm nhận định:
-  Đồng chí lái xe vừa bị sức ép, vừa bị vết thương sâu ở vùng cổ phải, đứt động mạch cảnh ngoài vùng cổ nên mất máu nhiều lắm. Lại thêm một mảnh bom nhỏ găm vào bả vai. Bây giờ rất cần máu, đồng chí nào có thể cho máu để kịp truyền, mới mổ vết thương được nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.  
        Tìm mãi, trong đơn vị chỉ có y tá Mến có nhóm máu phù hợp. Không chần chừ, cô giơ tay:
 - Bác cáo Trưởng trạm,  em tình nguyện hiến máu. Nếu chậm trễ sẽ không kịp đâu ạ.
Lo lắng trước cô gái mảnh khảnh, không biết có đủ sức cho máu không. Nhưng không thể chần chừ trước tính mạng của đồng đội, bác sỹ Trưởng trạm nhất trí đề nghị của cô. Quá trình xử lý tổn thương động mạch cảnh và cầm máu rất khó khăn, việc thắt buộc đòi hỏi bác sỹ thao tác quyết đoán, chính xác. Rồi việc lấy mảnh bom ra khỏi xương bả vai cũng không dễ. Nhưng  sau ba tiếng đồng hồ cân não với “tử thần”, ca mổ đã thành công.
       Sau một ngày nghỉ dưỡng sức, đêm nay Mến lại vào ca trực. Đi kiểm tra bệnh nhân, cho uống thuốc, dém màn cho mấy bệnh nhân xong, Mến về bên giường Chiến theo dõi dây truyền.  Mến ngắm nhìn Chiến. Khuôn mặt vuông chữ điền, vầng trán cao, cái mũi dọc dừa như con gái, nước da trắng, dáng dấp thư sinh trẻ trung. Chắc là sinh viên. Nhìn Chiến, Mến  như thấy anh là một khuôn mẫu mà cô ao ước.  Đã từ lâu Mến cũng khao khát được yêu đương, nhưng ở chiến trường cái sống, cái chết trong tấc gang, công việc bề bộn mấy ai nghĩ đến. Tự nhiên, cô thấy trái tim thổn thức đến lạ khi nghĩ đến trong dòng máu của Chiến có hòa lẫn dòng máu của mình. Trong phòng trực, không khí yên ắng, hơi thở đều đặn của các bệnh nhân đang phục hồi sức khỏe làm cho Mến thấy yên tâm. Không biết làm gì, Mến ngồi vá chiếc áo cho Chiến. Mông lung với những suy tư, mũi kim đâm vào tay Mến rỉ máu. Mặt Mến chợt ửng hồng với những cảm xúc khác lạ ùa đến. 
       Sau mấy ngày điều trị, Chiến khỏe dần. Vết thương không bị nhiễm trùng nên nhanh bình phục. Trưởng trạm ghé lại thăm bệnh nhân, bắt tay  động viên từng người. Nụ cười nở trên môi,  Chiến gật đầu cảm ơn. Bác sỹ Trưởng trạm nhìn Mến rồi nói vừa đủ nghe:
- Nếu cảm ơn, người đầu tiên phải là cô y tá Mến đây. Bây giờ trong cơ thể anh, trong trái tim anh đã có dòng máu của Mến cùng hòa lẫn.
        Nửa tháng nằm viện trôi qua, vết thương của Chiến đã lên da non. Anh mong sao nhanh lành vết thương để sớm được về với đồng đội. Nhưng nghĩ đến ngày chia tay, lòng Chiến không khỏi bùi ngùi. Ngày nào không thấy Mến, anh như thấy nao nao trống vắng. Những tình cảm của cô y tá dành cho anh, hằng ngày chăm sóc vết thương  đã làm trái tim anh xao xuyến. Như thấu hiểu suy nghĩ của anh, Mến xuất hiện. Cô nhẹ nhàng đặt gói giấy báo xuống giường, nhỏ nhẹ:
- Em đưa cái này đến trả cho anh.
       Thắng mở xem. Chiếc áo của anh đã được bàn tay khéo léo của Mến vá lại. Từng đường kim mũi chỉ như gửi gắm bao nhiêu tình cảm mà người con gái đang yêu không nói được bằng lời. Cầm tấm áo trên tay, Chiến như cảm nhận được mùi thơm con gái tỏa ra mà lâu nay anh chỉ thấy mùi mồ hôi của mình. Trống ngực Chiến rộn ràng. Muốn cầm bàn tay xinh xắn của Mến mà nâng niu, cảm ơn nhưng Chiến chưa dám. Còn Mến, như muốn nán lại  lâu hơn, để được ngắm nhìn anh. Để lắng nghe hơi thở ấm áp, giọng nói rụt rè, nặng tiếng miền Trung của người lính “cảm tử” mà cô ngưỡng mộ.
       Chỉ còn ít ngày nữa là Chiến chia tay Trạm trở về đơn vị. Anh đi ra, đi vào cảm giác nao nao. Một nỗi nhớ thương trong lòng chợt ùa về. Anh mong trời mau tối để đến chia tay Mến.
       Căn phòng chỉ có hai người. Ánh sáng mờ ảo hắt ra từ chiếc đèn bão như cảm nhận được nỗi buồn sắp xa vắng của hai trái tim yêu. Ngoài kia ánh trăng sáng rực lên, lan tỏa bên cánh rừng già. Ngọn gió lao xao, những đốm trăng xuyên qua kẻ lá đung đưa. Chiến nhẹ nhàng:
- Chúng mình ra bờ suối ngắm trăng đi.
       Chỉ chờ có vậy, bàn tay Mến đã lọt thỏm trong bàn tay ấm áp của Chiến. Bên gốc sung già, hai bờ vai kề sát bên nhau. Chỉ có tiếng suối róc rách. Thỉnh thoảng, những quả sung chín rơi xuống mặt nước xua tan sự im lặng. Ánh mắt Chiến nhìn Mến say đắm từ đầu đến chân khiến mặt cô bừng đỏ. Phá tan không khí im lặng, Chiến cất tiếng:
- Ngày mai anh phải lên đường về đơn vị, không biết khi nào chúng mình lại gặp nhau. Xa em anh sẽ nhớ lắm.
- Hẹn ngày thống nhất anh nhé. Chúng mình sẽ... Mến dừng lại, nghèn nghẹn không thốt nên lời. Vòng tay Chiến kéo Mến gần lại hơn. Hơi thở hai người dồn đập như nhịp trống chầu. Một luồng gió thổi qua bật tung khuy áo ngực để lộ bộ ngực trắng muốt, căng tròn. Bàn tay Chiến lần mò trong vạt áo. Bên tai Mến tiếng gió như thầm thì: “Anh yêu em”.
       Bỗng một hồi kẻng báo động có máy bay liên hồi vang lên. Hai người nhanh chóng chui vào hầm trú ẩn gần đó. Tiếng động cơ gầm rú xé nát màn đêm yên tĩnh. Tưởng chừng như sắp trút cả kho bom xuống Trạm xá. Mến hoảng sợ ôm chặt lấy Chiến. Trong vòng tay, mùi hương tỏa ra từ tấm thân trinh nguyên của Mến làm cho Chiến mê say, khao khát  tưởng chừng như đang ở cõi thiên thai chứ không phải nơi căn hầm nặng mùi ẩm mốc. Những tràng pháo cao xạ đâu đó đùng đùng khạc lửa rực sáng cả một góc trời. Tốp máy bay lượn một vòng sợ dính đạn hoảng hốt cút thẳng.
       Tiếng kẻng báo yên đã lâu. Vậy mà, trong căn hầm tiếng thở hổn hển,  tiếng yêu vẫn thì thầm, thầm thì.
       Sáng sớm. Bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Trạm xá hôm nay náo nhiệt hẳn lên. Câu chào, lời hẹn gặp lại rộn ràng như ngày hội. Mọi người ba lô hành lý gọn gàng đợi giao liên đến dẫn đường.  Hôm nay Chiến và một số đồng đội được xuất viện trở về đơn vị.
       Mến bàn giao ca trực xong, chạy ùa về bên Chiến. Tự dưng hai hàng lệ trào ra. Chiến nhẹ nhàng lấy khăn lau nước mắt cho Mến:
- Anh về đơn vị chứ có đi đâu mất mà em khóc. Đúng là con gái mau nước mắt. Hẹn ngày thống nhất anh sẽ tìm em.
- Anh đi mạnh khỏe nhé. Về đơn vị có hòm thư nhớ biên cho em mấy dòng để em vui.
       Mến tiễn Chiến một đoạn đưòng dài. Đến cây sung bên dòng suối, cô lấy tấm vải dù quàng  lên cổ Chiến, bàn tay cô chạm lên má, vuốt nhẹ. Chiến trao cho Mến tấm ảnh, phía sau ghi địa chỉ để kỷ niệm và chiếc lược bằng mảnh nhôm máy bay mà Chiến đã làm mấy hôm nay. Chiến âu yếm nhìn  Mến, như muốn thời gian trôi thật chậm. Vội vàng ôm Mến vào lòng rồi hôn lên đôi môi có hình trái tim đang mở ra chờ đợi, Chiến nói qua hơi thở:
- Nếu chúng mình có con, em đặt tên là Thắng nhé!
       Khuôn mặt trái xoan của Mến chợt ửng hồng. Đôi mắt lá dăm ươn ướt. Cành lá ngụy trang rung mình chuyển động. Bước chân Chiến xa dần, xa dần khuất hẳn vào cánh rừng sâu.... 
     Bên giường, mắt thao láo, bà Thảo thao thức, trằn trọc. Bà thoáng nghĩ: “Lạ! Thằng Thắng càng lớn càng giống ông Chiến đến vậy. Có cái gì đó khó hiều. Hay là nó là con ông ấy nhỉ”. Những kí ức năm tháng đã qua chợt ùa về. 
***   
       Đất nước thống nhất, mọi người hân hoan trong niềm vui toàn thắng. Những người lính trên chiến trường cũng lần lượt trở về. Thảo xuất ngũ, đưa thằng Thắng về cùng. Anh em, bà con lối xóm đến mừng chật nhà. Nhưng, nhìn thấy trẻ con trong nhà ai nấy đều không khỏi xì xào bàn tán.  Khi mọi người về hết, thằng Thắng đã ngáy đều trên giường, bố Thảo mới đằng hắng lên giọng:
- Con về là tốt rồi. Nhưng thằng bé là sao đây?
- Là con của con, cháu ngoại của ông bà đó.
       Bố Thảo mặt phừng phừng, chỉ thẳng vào mặt Thảo:
- Đồ ngu. Người ta đi bộ đội về huân chương đầy ngực, tay xách khung xe đạp, nắp ba lô lủng lẳng búp bê, đồng hồ Senko sáng lóa. Còn mày, mày đã không có thứ gì, lại ăn vụng, ăn dại rồi đưa thằng bé này về đây. Mày bôi tro trát trấu vào nhà này, dòng họ này. Cút, cút. Mai đưa thằng bé đi tìm bố nó.
- Không phải như bố nghĩ đâu. Oan cho con.
       Mẹ Thảo chen vào:
- Thì có gì sau hãy hay. Giờ cho con nó nghỉ ngơi đã.
- Tôi quyết rồi. Mai hãy đưa thằng bé đi tìm bố nó về đây. Để lâu, hàng xóm biết tôi không dạy được con, để nó hư đốn thế này. Tôi nhục lắm. Bà hiểu chưa.
       Không thể lay chuyển được ý bố. Thảo mang ba lô, đưa Thắng đi. Mẹ Thảo nước mắt sụt sùi, thương con nhưng không biết làm sao. Ông ấy đã quyết thì chỉ có trời mới can ngăn được. Dựa vào tấm ảnh Mến để lại, Thảo lần hồi cũng tìm được nhà Chiến. Đứng trước cổng nhà, nhìn trước nhìn sau xem có người để hỏi. Trong nhà, một người đàn ông cụt một cánh tay bước ra, cất tiếng:
- Cô hỏi ai?
       Nhìn chằm chằm vào cô gái, một thoáng ngờ ngợ. Chiến hét toáng lên sung sướng:
- Thảo. Thảo hộ lý phải không? Đúng là Thảo rồi. Sao em lại ở đây?
       Chiến nhẹ nhàng cúi xuống bế Thắng vào nhà. Sau khi uống nước nghỉ ngơi, Thảo  cất tiếng:
- Sao  cánh tay anh lại ra thế này? Từ ngày anh xuất viện đến giờ đã  biết tin gì về Mến chưa?
       Thắng cúi đầu, tiếng nói như khàn đặc lại:
- Sau cái ngày xuất viện, trong một chuyến chở hàng sang Lào, anh bị mảnh bom cắt đứt cánh tay. Không đủ sức khỏe để học lái xe tăng, anh xuất ngũ. Từ đó đến nay anh không biết tin tức gì về Mến cũng như Trạm xá nơi đã cứu sống anh. Đất nước thống nhất, đã bao lần anh định cất bước đi tìm Mến, nhưng nghĩ đến mình tàn phế thế này nên anh cứ chần chừ ...! Thôi mọi việc đâu còn đó, mình nấu cơm cho cháu ăn kẻo đói bụng.  Nhìn thằng bé ngoan, dễ thương đang đùa chơi với con cún con, Chiến buột miệng:
- Con em à? Thảo nhìn Chiến rồi ậm ừ cho qua chuyện:
- Chuyện dài lắm. Rồi em kể anh nghe.
       Đêm. Khi cu Thắng ngáy đều đều, hai người ngồi đối diện nhau trên chiếc chõng tre ngoài sân dưới ánh trăng mờ mờ. Phá vỡ không khí im lặng, Thảo cất tiếng hỏi:
- Bố mẹ anh đi đâu mà em không thấy về?.
- Bố mẹ anh đã mất rồi. Bố thì bị bom tọa độ khi đi dân công tải đạn trên sông. Mẹ buồn, sinh bệnh rồi cũng qua đời. Giờ anh đang sống một mình. Em đừng ngại. Không sao đâu. Bây giờ em kể chuyện cho anh nghe đi.
- Anh đi rồi, Mến buồn lắm. Ngày đêm thẫn thờ như ngây dại. Ngày hiệp định Pa ri  được ký kết, anh em trong Trạm xá tổ chức ăn mừng. Anh Quang – Trạm xá trưởng - cứ nâng ly chúc mọi người. Mến cũng uống, không biết tâm trạng thế nào mà  uống nhiều nên say không biết gì. Tiệc tàn, Quang dìu Mến về phòng. Ngày đó, anh Quang cũng yêu Mến lắm, nhưng Mến chỉ một lòng với anh nên cứ dửng dưng. Anh Quang đặt Mến nằm bất động trên giường, tìm chiếc quạt quạt nhẹ cho Mến. Tấm thân ngà ngọc của Mến lồ lộ trong con mắt thèm khát của Quang. Có li rượu, không làm chủ bản thân, Quang đổ ập lên người Mến. Khi tỉnh dậy, thấy mình trần truồng nằm bên Quang, Mến dang tay tát vào mặt Quang:
- Anh là đồ tồi. Trời ơi! ma men đã làm hại đời tôi.
- Thôi mọi việc đã đến nước này rồi. Cô muốn làm gì thì làm. Tôi không chủ ý. Chắc là có hơi men nên tôi...Xin lỗi cô nhé! Quang năn nỉ.
       Mến không ăn không ngủ, người gầy rạc đi. Dấu hiệu có mang cả tháng nay đang ục ịch trong bụng. Biết làm sao đây? Bao nhiêu câu hỏi, bao sự dằn vặt cứ làm cho Mến rối bời lên. Và như định mệnh, đám cưới của Mến và Quang được tiến hành trong sự vui mừng của đồng đội, trong nước mắt dầm dề của Mến.
       Cu Thắng chào đời bụ bẫm, trước một tháng so với ngày cưới. Mến vui bao nhiêu thì Quang lầm lì bấy nhiêu. Không ai biết có gì xảy ra mà giữa hai người có một sự đối lập nhau. Ngày này qua khác, công việc cứu chữa thương binh cứ diễn ra nên chẳng ai để ý đến chuyện riêng tư giữa hai người.
      Vùng tự do ngày càng được mở rộng. Mỹ cút nhưng ngụy chưa nhào. Bọn chúng thua đau trên khắp các chiến trường nên càng hung hăng trả đũa. Một dạo, anh  em trong Trạm đang cấp cứu cho một chiến sỹ bị thương. Băng bó xong, chuẩn bị thu dọn phòng phẫu thuật thì pháo địch bắn dồn  dập vào Trạm xá. Quang giục Mến về xem cu Thắng thế nào. Mến hớt hải chạy trong làn đạn về phòng ở. Quang thấy không yên lòng cũng chạy về theo. Một quả đạn nổ rất gần, khói đất bay mù mịt. Rồi mọi người lặng đi khi được tin quả đạn pháo đã làm Quang hy sinh tại chỗ, Mến đang thoi thóp thở. Khi em đến nơi, mắt Mến dại dần. Nhìn em, Mến thều thào:
- Thảo hãy thay Mến nuôi thằng Thắng nhé. Nếu gặp anh Chiến cho mình nói lời xin lỗi. Những kỷ vật để lại, Thảo đưa hộ cho anh Chiến. Vĩnh...bi..ệ..t!
       Kể xong Thảo đưa chiếc ba lô cho Chiến. Anh lặng đi trong giây lát, rồi òa lên nức nở như chưa bao giờ được khóc. 
***
       Ông Chiến dậy từ sớm, bảo Thắng bắt gà làm thịt. Bà Thảo đi chợ mua đồ về làm mâm cơm cúng. Hôm nay là kỷ niệm ngày mất của Mến. Sau bữa, ông Chiến gọi bà Thảo, thằng Thắng vào bàn ngồi ngay ngắn để ông có chuyện. Đằng hắng, ông lên giọng:
- Tôi có chuyện này muốn nói với bà và con. Nói rồi ông lấy quyển nhật ký của Mến ra. Tay run run lật từng trang. Đến trang cuối ông dừng lại và đọc cho cả nhà nghe:
Ngày…tháng …năm... 
          Anh Chiến! Vậy là chúng mình xa nhau hơn một năm. Những kỷ niệm tình yêu của chúng mình em không thể nào quên. Nhưng, sự đời không phải cái gì cũng được như ý muốn. Em có lỗi với anh nhiều lắm. Chiến tranh mà, biết làm sao. Thằng Thắng là con trai của anh, em đã đặt tên con như lời anh dặn. Hẹn ngày thống nhất em sẽ đưa con về với anh…
       Mong anh tha thứ cho em”.
       Đọc xong, ông Chiến cúi lặng, như có lỗi:
- Đó là toàn bộ sự thật, lâu nay tôi cứ để mãi trong lòng không dám nói ra. Giờ thằng Thắng đã lớn, ra tết nó cũng đã nhập ngũ. Phải cho nó biết sự thật này.
       Bà Thảo ngơ ngác nhìn ông Chiến, một hồi lâu như chợt tỉnh giấc mơ bà thốt lên:
-Hèn chi! Bây giờ tôi mới hiểu. Té ra... Cắt ngang lời bà Thảo, ông Chiến cầm tay bà âu yếm:
- Bà tha lỗi cho tôi nhé. Rồi ra tết tôi và bà đưa thằng Thắng về lại chiến trường xưa để viếng mộ mẹ nó trước khi nhập ngũ, để còn khoe với mẹ là nó đang theo nghiệp của bố mẹ.
       Thắng ôm chầm ông Chiến và bà Thảo:
- Con cám ơn bố mẹ nhiều lắm, con sẽ cố gắng để đền đáp công ơn sinh thành của bố,  công dưỡng dục của mẹ.   Và nơi suối vàng mẹ Mến sẽ luôn tự hào về con.
       Ngọn gió chiều man mác ùa về xào xạc cây cau đầu ngõ. Cây mai trong vườn đang chúm chím những nụ xuân. Con chim chích  chòe lửa đầu vườn cất lên những tiếng hót lanh lảnh báo hiệu tết đang về.
 
Xuân Tân Mùi, 2021 
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan