"Mai vàng tỏa hương" - Truyện ngắn của Xuân Tuynh

Ngày đăng: 05:59 03/03/2022 Lượt xem: 258


MAI VÀNG TỎA HƯƠNG

Truyện ngắn của Xuân Tuynh

       Một sáng đầu thu, năm hai nghìn mười sáu, tôi ở Đà Nẵng ra, đi chuyến tàu F1 Sài Gòn - Hà Nội. Tàu dừng ở ga Phủ Lý có hai phút, tôi vội vã xách hành lý xuống tàu. Ra cổng nhà ga đứng ngơ ngác nhìn xem có chiếc xe ôm nào thuê họ chở về quê. Từ thị xã Phủ Lý về quê tôi mất cả hơn chục cây số. Bỗng có tiếng gọi tên mình từ bên kia đường, đối diện với nhà ga.
- Tuyền, Tuyền ơi!
       Nghe tiếng gọi ,tôi nhìn sang thấy một phụ nữ vận bộ đồ vét màu xanh đen sang trọng, đứng cạnh chiếc xe con mầu mận chín giơ tay vẫy tôi. Chưa kịp nhận ra người phụ nữ đó là ai thì chị đã nói to:
- Chị đây, chị Mai ra đón em đây.
  Chiếc xe từ từ lăn bánh đi về cổng nhà ga, đỗ vào lề đường,  ngay trước mặt tôi. Cửa xe mở, người phụ nữ từ trên xe bước xuống. Tôi nhận ra chị Mai:
- Chị Mai, lâu quá rồi mới gặp chị. Sao chị biết em ra mà đón?
        Chị Mai đứng ngắm nhìn tôi giây lát , niềm nở nói:
- Nào, để chị ngắm cậu một chút. Đã năm, sáu năm nay chị em mình chưa gặp nhau. Nhìn cậu vẫn trẻ khỏe chị mừng. Chiều qua chị về quê có sang thăm cô, nghe cô nói sáng nay cậu ra. Chị nói với cô để chị tới ga đón cậu về nhà chị nghỉ, chiều chị bảo cháu Đức lái xe đưa cậu về.
        Chị Mai mở cốp sau xe, xách đồ của tôi bỏ vào cốp rồi bảo tôi  lên ngồi ở ghế đầu. Chị lái xe đưa tôi về nhà.
       Nhà chị ở trung tâm thị xã, một tòa nhà cao bốn tầng, tọa lạc trên một khu đất rộng cả năm trăm mét vuông, bên ngã ba sông Đáy. Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà chị. Đứng trước cửa nhà nhìn ngắm hồi lâu mới lên tiếng:
- Nhà chị đẹp và ở nơi thoáng mát quá!
         Chị Mai đưa xe vào nơi đậu xe phía sau nhà, ra đứng cạnh tôi:
- Anh chị làm ngôi nhà này hai năm nay rồi. Ngày trước gia đình chị ở xã Thanh Châu, quê anh. Anh chị về đây gần với xưởng sản xuất của Công ty, tiện điều hành công việc. Nhà chị cũng là nơi văn phòng Công ty làm việc.
       Chị mở cửa đưa tôi vào phòng khách. Phòng kế bên là văn phòng Công ty đang trong giờ làm việc buổi sáng, các nhân viên của Công ty vào ra hối hả. Tôi ngồi xuống chiếc ghế sa lông làm bằng gỗ gụ được chạm trổ tinh xảo, sang trọng. Chị Mai pha trà, rót ra chiếc ly sứ trắng trong như ngọc mời tôi.
- Cậu uống trà cho ấm. Thời tiết mới vào Thu mà đã thấy lạnh.
       Tôi nâng ly trà nóng, bốc khói nghi ngút, mùi chè Thái thơm phức. Nhấp một chút nước trà, quay sang hỏi chị:
- Anh và các cháu đâu, chỉ có mình chị ở nhà? - Chị niềm nở :
- Anh xuống xưởng, cháu Đức đi làm, hiện cháu làm Giám đốc phân xưởng hai ở Thanh Bình, còn cháu Diễm học ở trên Hà Nội, cháu là sinh viên Đại học Sư phạm năm nhất. Bây giờ để chị điện cho anh và cháu Đức về, trưa nhà mình ra nhà hàng ăn. Anh chị đãi cậu ở nhà hàng Tiếng Sóng mới khai trương, nhà hàng nằm ở trên bờ sông, đầu cầu mới sang Phù Vân, ngày xưa là cầu phao, thời chiến tranh hẳn cậu thường đi.
      Buổi trưa, anh Trung chồng chị, cháu Đức,  và tôi, bốn người ăn ở nhà hàng Tiếng Sóng. Ăn cơm niêu với cá quả nướng, một món ăn đặc sản của sông Đáy. Món cá này rất thơm ngon. Ngồi trong nhà hàng cạnh bờ sông, ngắm những cánh buồm nâu trôi ngược, xuôi trên sông, gió thu từ mặt sông thổi lên mát lạnh lòng bồi hồi nhớ về ngày xưa tôi học trường Cao đẳng Bưu điện ở đây, chiều chiều bạn bè kéo nhau ra bờ sông ngồi học bài, ngắm dòng sông Đáy nước trong xanh lững lờ chảy về xuôi thơ mộng.
       Cơm trưa xong, đầu giờ chiều, Đức lái xe đưa tôi về quê.
***
     Chị Mai là con gái đầu của bác họ tôi. Chị gọi mẹ tôi bằng cô. Mẹ tôi ngày bà còn sống kể, họ đã bốn đời nhưng nhà chị và nhà tôi ở cùng làng, tuy họ hàng xa lại hóa gần. Ngày giỗ, ngày Tết mẹ thường đưa chúng tôi tới nhà chị ăn cỗ.
       Chị Mai đẹp gái vào loại nhất nhì trong làng. Dáng người cao, gương mặt tròn, da trắng, hai má có lúm đồng tiền trông rất xinh. Chị học giỏi, tính nết hiền dịu, trong họ hàng, ngoài xóm làng ai cũng mến. Dòng họ Nguyễn rất tự hào về chị. Năm mười sáu học hết phổ thông trung học, hệ mười năm. Ngày ấy trẻ con trong làng thường đi học muộn, có đứa bảy, tám tuổi mới vào học lớp một. Chị Mai học xong lớp mười, nhà nghèo không đủ điều kiện đi Đại học, ở nhà giúp việc cha mẹ. Bước sang năm mười tám tuổi đi lấy chồng. Chồng chị tên là Lê Văn Thu, một chàng trái bình thường, chẳng có gì nổi bật. Nhiều bạn bè thắc mắc , đẹp gái như Mai mà lấy thằng Thu kể cũng khó hiểu. Có người bảo: " đó là số phận". Làng Hạ ở vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước còn giữ nếp phong kiến, con cái lấy vợ gả chồng cha mẹ đặt đâu con ngôi đấy, không có sự lựa chọn. Thu ở làng trên, cùng xã. Hai người lấy nhau một tháng, Thu đi nhập ngũ vào đầu năm một ngàn chín trăm bảy mốt, giữa lúc chiến trường miền Nam đang căng thẳng.
       Chị Mai ở nhà sống với bố mẹ chồng cùng đàn em chồng còn nhỏ. Lúc này bố chồng chị, ông Lê Văn Vạ mới ngoài năm mươi tuổi, còn khỏe, sức vóc vạm vỡ, ngược lại, bà Lý Thị Quả, vợ ông, hơn ông sáu tuổi, đẻ nhiều con, vợ chồng ông có cả thảy năm người con, Thu là con cả, dưới Thu là bốn đứa em, toàn con gái. Bà Quả khi ấy gần sáu mươi tuổi mà trông bà như một bà lão, người gầy đét, da dẻ nhăn nheo. Ông Vạ còn sung mãn, dục vọng còn cao. Sống chung với con dâu trẻ đẹp, con trai lại đi bộ đội. Ông giở trò đồi bại với con dâu. Nhiều lần ông rình mò nhìn trộm con dâu tắm. Những khi vợ và các con về bên ngoại, còn lại ông và cô con dâu ở nhà, buổi tối ông xông vào phòng ngủ của con dâu gạ gẫm. Chị Mai là con nhà gia giáo, không chấp nhận một ông bố chồng loạn luân. Chị kịch liệt phản đối. Mỗi khi ông sàm sỡ với chị, chị nhìn thẳng vào mặt ông, tức giận nói:
- Ông là bố chồng tôi, ông phải sống cho đàng hoàng, nếu ông sàm sỡ với tôi, tôi la lên cho làng xóm biết.
       Chị nói thẳng thớ như vậy nhưng ông Vạ coi như chẳng có chuyện gì to tát. Ông nhe hàm răng ám khói thuốc lào nhơ bẩn ra cười nói:
- Con gái hơ hớ thế kia, chồng đi vắng không thèm chuyện ấy... bỏ mẹ đi, còn làm bộ. Chuyện này chỉ có tao với mày, ai biết mà sợ.
       Một buổi tối, chị ra giếng nước sau nhà tắm. Ông Vạ lẻn vào buồng chị, đứng nép đằng sau tủ đựng áo quần. Khi chị Mai tắm xong, vào buồng tắt đèn đi ngủ, ông Vạ nhanh như chớp, lao ra, một tay ôm ngang hông, một tay bịt miệng, đè chị xuống giường, chị Mai vốn là phụ nữ khỏe mạnh, thoát được ra khỏi vòng tay ông, đạp mạnh vào bộ hạ, ông Vạ đau đớn kêu la ầm ĩ, vợ con thấy tiếng ông Vạ la liền chạy vào. Ông hô hoán đổ cho con dâu ăn cắp tiền của ông, mang giấu ở đầu giường, ông theo dõi vào lấy lại, còn phản đối, đánh ông. Bà Quả không tin những gì chồng nói. Bà hiểu cái tính trăng hoa của ông; bà tin con dâu không phải người có tính trộm cắp. Bà cầm tay ông lôi về buồng riêng của hai vợ chồng, đẩy ông ngồi xuống góc giường. Ông Vạ hai tay vẫn ôm chặt lấy bộ hạ, mặt nhăn nhó như chiếc bị rách, ông còn đau lắm bởi cú đạp khá mạnh của cô con dâu. Bà Quả đóng chặt cửa nhốt chồng ở trong buồng. Bà ra ngoài, gọi tất cả bốn đứa con nói: “Chuyện tối hôm nay xảy ra ở nhà mình tao cấm chúng mày không được đứa nào hở miệng nói cho người ngoài biết. Chẳng hay ho, tốt đẹp gì đâu”. Bốn đứa con nín thinh, gật đầu rồi quay vào nhà trong ngủ. Cả bốn đứa con nhà bà Quả xưa nay chúng nó chỉ nghe bà, mẹ nói đúng hay sai tụi nó chỉ biết nghe và làm theo, không bao giờ chống lại. Nhưng với ông Vạ thì khác, ông hầu như chẳng có một chút quyền lực nào với chúng. Những lời ông nói đúng hay sai cũng chẳng đứa con nào nghe. Người đời vẫn thường nói: “Bề trên ăn ở không chính ngôi để cho kẻ dưới cào mặt trên”. Trong một gia đình cũng vậy. Làm cha mẹ mà sống không mẫu mực thì các con khinh cũng là lẽ thường.
       Chị Mai lúc này trong bụng đã mang thai được hai tháng. Ông Vạ sau những vụ dụ dỗ, giở trò đồi bại với con dâu không thành, quay ra nói xấu con dâu. Dựng chuyện vu cho con dâu lén lút ngoại tình. Ông đi nói với hàng xóm láng giềng, con Mai ngủ với thằng Hạt, Y tá của thôn ở sau nhà kho của Hợp tác xã. Đây là một sự bịa đặt vô căn cứ, bởi anh Hạt là cán bộ Quân y phục viên, anh có một giá đình hạnh phúc. Anh sống rất tốt, đêm khuya trong thôn ai ốm đau kêu đến anh, anh sẵn sàng đến ngay, bất kể ngày nắng, đêm mưa. Anh có đôi lần tới nhà thăm khám, chữa chứng viêm xoang cho chị Mai. Từ đó hai người quen thân, nhưng họ quý mến, trân trọng nhau còn bởi trong làng thời bấy giờ chỉ có anh Hạt và chị Mai là hai người học hết phổ thông trung học, cả hai còn là cán bộ đoàn.
       Trong làng, cũng có người nghe lời ông Vạ, cho rằng chị Mai và anh Hạt có quan hệ không lành mạnh. Chị Mai nghe họ xì xào bán tán cũng buồn, khổ tâm, nhưng chị cố nhẫn nhịn, bỏ tất cả mọi chuyện ngoài tai, âm thầm nuôi dưỡng cho thai nhi trong bụng mau lớn. Chị nghĩ đây là mầm sống của anh Thu, chồng chị. Khi đứa con ra đời sẽ chứng minh lòng thủy chung của chị với người chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận.
       Với ông Lê Văn Vạ, bố chồng chị lại không nghĩ như vậy, ông thẳng tay đuổi chị ra khỏi nhà. Đóng cửa buồng của chị lại, khóa chặt không cho chị sử dụng. Thường xuyên đay nghiến, chửi bới, nguyền rủa làm cho chị rời bỏ nhà ông. Về phần mình, chị Mai thấy không thể sống được ở nhà chồng, hàng ngày chịu những lời chửi bới cay nghiệt của người bố chồng, chị quyết định khăn gói về nhà bố mẹ đẻ sống. Bố mẹ và các em cũng hiểu hoàn cảnh của chị, hết thảy mọi người trong gia đình đều yêu thương chị, chở che chị.
       Sau chín tháng, mười ngày chị Mai sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Bố mẹ và mọi người trong gia đình mừng lắm. Bố mẹ chị rất cưng cháu ngoại. Ông ngoại đặt tên cho cháu là Đức. Ông tin thằng cháu ngoại của ông mang dòng máu nhà ông Vạ nhưng lớn lên là người có đạo đức chứ không là kẻ bất hảo, vô đạo đức như ông nội của nó.
       Được sự chăm sóc của mẹ và gia đình ngoại, cu Đức lớn nhanh, càng lớn càng thể hiện một cậu bé thông minh, tuấn tú. Khi Đức được hai tuổi, vào đầu năm 1973, chị Mai để Đức ở nhà cho ông bà ngoại, chị lên thị xã ôn văn hóa, thi vào trường Trung cấp Tài chính kế toán của tỉnh. Chị Mai vốn là người học giỏi. Sau sáu tháng học ôn, chị thi đỗ vào trường Trung cấp Tài chính kế toán. Chị vừa học, vừa đi làm thêm lấy tiền trang trải cho việc học hành và phụ thêm với bố mẹ nuôi con. Năm 1975, qua hai năm học chị tốt nghiệp lấy bằng Trung cấp Tài chính kế toán loại ưu. Chị xin được vào làm việc ở Xí nghiệp chế biến gỗ Biên Hòa, đây là một xí nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh do anh Lý Chí Trung làm chủ. Anh Trung là người có bằng Thạc sĩ kinh tế học ở Liên Xô về. Một thanh niên cao to, đẹp trai, thông minh nhanh nhẹn, sống hòa nhã với mọi người .
***
        Tôi đã có dịp tới thăm xí nghiệp gỗ Biên Hòa của anh Trung. Xí nghị nằm trên một khu đất rộng chừng hai hét ta, nhà xưởng hoành tráng. Xí nghiệp có hơn một trăm công nhân.Trong đó có một chục thợ trạm khắc giỏi ở Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình được anh Trung mời về làm việc. Ở vào những năm tám mươi của thế kỷ trước một xí nghiệp tư nhân lớn vậy quả là hiếm, được cho là một việc làm ăn táo bạo, vượt ra ngoài khuôn mẫu của nền kinh tế Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
       Bước chân vào xí nghiệp thấy bầu không khí làm việc vui nhộn, tiếng máy xẻ gỗ, tiếng đục đẽo vang rền giống như một công trường kiến lòng thấy rạo rực. Mặt hàng của xí nghiệp là bàn tủ, đồ dùng trong trường học và các mặt hàng cao cấp như tạc tượng, hoành phi câu đối ở các đình chùa... Hàng làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhiều tỉnh bạn từ Thanh Hóa, Nghệ An... cũng tìm tới xí nghiệp đặt hàng. Hàng ngày xe vào ra chở hàng hối hả. Hàng tiêu thụ nhanh, đời sống của công nhân nâng cao. Trung bình mỗi người hàng tháng lương được sáu chục đồng. Ở vào thời điểm bấy giờ công nhân có mức lương như vậy là cao. Tôi nhớ, mức lương của một viên chức nhà nước thời ấy có ba chục đồng.       
***
        Ba mươi tháng tư, một nghìn chín trăm bảy lăm, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Tháng bảy cùng năm, Lê Văn Thu, ra quân về phục viên, mang trên mình thương binh loại 4/4. Thu về, chị Mai đưa thằng Đức, lúc này đã bốn tuổi lên gặp bố. Thu nghe lời cha quyết không nhận con. Thu cho rằng chị Mai phản bội chồng, ngoại tình đẻ ra thằng Đức nên nhất quyết không nhận con; không chịu nghe lời giải thích của vợ. Thu còn dùng những lời lẽ tục tĩu, ác độc chửi vợ. Chị Mai thấy bị xúc phạm đến nhân phẩm của mình, liền dắt con ra về. Ba ngày sau Thu mang đơn ly hôn đến nhà yêu cầu chj ký vào đơn. Chị Mai ký ngay, không một chút do dự. Chị nghĩ với loại người chỉ biết nghe lời đơm đặt của cha, không biết phải trái, đúng sai, loại người như thế thì chẳng níu kéo làm gì cho bận tâm.
       Tòa xử ly hôn, sau hai tháng Thu lấy vợ mới. Vợ mới của Thu tên là Lài, một cô gái hai lăm tuổi ở xã bên.
       Chị Mai làm kế toán ở Xí nghiệp gỗ Biên Hòa được một năm, thấy chị làm được việc, Giám đốc xí nghiệp đưa chị lên chức Kế toán trưởng. Trong quá trình làm việc, anh Lý Chí Trung, Giám đốc xí nghiệp có cảm tình với chị, sau cảm tình dẫn đến yêu. Anh Trung đã qua một đời vợ, vợ anh là Cao Thị Tình, hai người học chung một lớp ở Liên Xô. Hai người cưới nhau được năm tháng. Chị Tình bị mất đột ngột do tai nạn giao thông ở Thủ đô Mat-xcơ-va.
       Cuối năm 1977, anh Trung và chị Mai tổ chức đám cưới. Một đám cưới được tổ chức trang trọng ở một nhà hàng lớn nhất của thị xã thời bấy giờ. Là chồng chị Mai, anh Trung rất yêu vợ và quý thằng Đức, con riêng của vợ. Anh coi Đức như con đẻ của mình, chăm lo chu cấp cho Đức ăn học đầy đủ. Đức quý mến yêu quý bố dượng. Sau hai năm cưới nhau, anh Trung và chị Mai có với nhau một cô con gái xinh đẹp tên là Diễm - Lý Thu Diễm.
***
       Trở lại với Lê Văn Thu, lấy Lài, sau hai năm Lài mới mang bầu, hết thời hạn mang bầu, Lài sinh ra một đứa con gái bị dị tật, đầu to như quả mít, không có chân. Bác sĩ qua xét nghiệm cho biết, đứa trẻ bị dị dạng do nhiễm chất độc đi-ô-xin từ người cha hoặc mẹ đã sống trong vùng Mỹ rải chất độc màu da cam thời chiến tranh.
Nhìn thấy đứa con quái thai, sau một tuần sinh đẻ, Huỳnh Thị Lài quấn áo quần, đồ đạc rời khỏi nhà chồng, bỏ đứa con lại cho chồng.
       Vợ chồng ông Vạ thấy đứa cháu nội sinh ra dị tật, mẹ nó lại bỏ đi, hai vợ chồng đầu khổ. Bà Quả cho rằng đây là nghiệp chướng . Bà đay nghiến chồng, năm xưa cư xử độc ác, tàn nhẫn với con Mai để nó bỏ đi. Ông Vạ không chịu để nhà mình tiệt giống, không người nối dõi tổ tông. Ông bàn với Thu, tìm cách đi bắt cóc thằng Đức. Thu nghe theo lời bố, bỏ tiền thuê bọn lưu manh tổ chức đi đột nhập tư gia nhà chị Mai bắt cóc Đức. Để có tiền thuê bọn lưu manh chuyên bắt cóc người, bố con ông Vạ phải bán một con trâu cầy mới có tiền. Bọn bắt cóc có bốn tên, chúng bỏ ra nhiều ngày tiếp cận nhà chị Mai, tìm hiểu nắm rõ quy luật đi, về ăn ở sinh hoạt của Đức. Bọn chúng nghiên cứu kĩ lối vào, ra trong căn phòng của Đức. Chúng lợi dụng vào một đêm cuối tháng tối trời  để hành động. Chúng đâu ngờ mọi cử chỉ hành động của bọn chúng đã được anh Trung biết, mật báo cho Công an hình sự của thị theo dõi. Khi bọn chúng vừa vào được trong nhà, tiếp cận đến cửa phòng của Đức thì bị Công an ập đến tóm gọn như người ta bắt con thỏ trong chuồng.
       Vụ bắt cóc không thành, qua điều tra bọn chúng khai ra Lê Văn Thu là người chủ mưu thuê bọn chúng thực hiện Bắt cóc Đức. Theo pháp luật, Thu và đồng bọn phải đi tù nhưng chị Mai anh Trung đã bảo lãnh, xin cho bọn chúng khỏi tù tội. Về sau bốn thằng trong vụ bắt cóc gồm Tèo, Cát Sẹo, Mình và Mạnh được anh Trung tuyển dụng làm công nhân bốc vác trong xý nghiệp gỗ Biên Hòa.
     Vụ bắt cóc không thành, Thu bị một cú xốc lớn, ngã bệnh, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Lúc này ông Vạ, bà Quả, đều đã già. Thu nằm một chỗ, hàng tháng cả nhà sống trông vào đồng tiền trợ cấp thương binh ít ỏi của Thu, lại còn phải chăm nuôi đứa con tật nguyền. Vợ chồng anh Trung, chị Mai thấy hoàn cảnh của Thu khốn cùng đến mức thảm hại, anh chị tỏ lòng thương, gửi tiền về trợ giúp. Anh chị nghĩ, dầu sao Thu cũng là bố thằng Đức. Vả lại anh chị coi số tiền bỏ ra giúp Thu cũng giống như một món tiền anh chị bỏ ra hàng năm làm từ thiện giúp đỡ những người nghèo trong tỉnh. Ngoài việc chu cấp tiền giúp đỡ Thu, Xí nghiệp chế biến gỗ Biên Hòa của vợ chồng anh Trung còn bỏ ra hàng nhiều tỷ đồng xây dựng đường xá, trường học, tu sửa đình làng đẹp đẽ, khang trang. Dân làng Hạ rất yêu quý vợ chồng anh Trung, chị Mai. Dân làng khen chị là người phụ nữ đẹp nhất của làng.
       Mọi người ngợi ca anh chị là “Trai tài, gái sắc đệ nhất thiên hạ”. Bà con trong làng còn làm hai câu thơ tặng cho chị Mai:
“Mai vàng tỏa hương bay xa
Để cho con cháu tụ ca lâu dài”.
 
Đầu Xuân Nhâm Dần - 2022
Nguyễn Xuân Tuynh
Ủy viên BCH Hội Trường Sơn tỉnh Khánh Hòa 
số 6 Phan Đình Phùng,TP Nha Trang
Đ/t: 0908.625.369

tin tức liên quan