Hồ Xuân Hương – Bà Chúa thơ nôm, giỏi thơ chữ Hán, Sở trường thơ Đường luật. – Tác giả: Hồ Văn Chi

Ngày đăng: 07:15 11/05/2022 Lượt xem: 268
----------------------- 
         Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ - Danh nhân Văn hóa Thế giới Hồ Xuân Hương. Ngày 10 tháng 5 năm 2022, tại Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá. Hội thơ Đường luật Việt Nam kết hợp với Thi đàn “Một thoáng Xuân Hương” tổ chức hội thảo “Ảnh hưởng thơ Hồ Xuân Hương đối với thơ Đường luật đương đại”. Tại sự kiện đầy ý nghĩa này, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn – Hồ Văn Chi, Phó Chủ tịch Hội Thơ Đường luật Việt Nam đã có bài tham luận…
       Ban Biên tập Báo Điện tử Trường Sơn và VHNT Trường Sơn Việt Nam trân trọng giới thiệu tới các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn toàn văn bài phát biều này của tác giả Hồ Văn Chi.
         Xin trân trọng:


 
HỒ XUÂN HƯƠNG, BÀ CHÚA THƠ NÔM,
GIỎI THƠ CHỮ HÁN, SỞ TRƯỜNG THƠ ĐƯỜNG LUẬT.
 
I. HỒ XUÂN HƯƠNG, NỮ SĨ TÀI HOA MÀ BẤT HẠNH.
 
       Hồ Xuân Hương 胡 春 香 là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 (1772-1822), cùng thời với đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820).
       Bà được hậu thế biết đến qua sách “Giai nhân dị mặc” 佳 人 遺 墨 (Bút tích giai nhân) của học giả Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến xuất bản tại Hà Nội năm 1916; Tập thơ “Lưu hương ký” 琉 杳 記 đề là Xuân Hương, Nghệ An, Cổ Nguyệt Đường, được Nham Giác Phu Tốn Phong họ Phan người cùng quận đề tựa vào tháng 3 năm 1814; tập thơ này do ông Trần Thanh Mại (1911-1965) là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình Văn học phát hiện năm 1964; và gần một trăm bài thơ Nôm truyền tụng trong dân gian.
       Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, quê cha ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
       Theo sách “Từ Thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi” của Hồ Sĩ Giàng, nxb Nghệ Tĩnh năm 1988 (tr.72):
       “Thân sinh bà, ông Hồ Phi Diễn đậu sinh đồ (tú tài) dạy học ở vùng Hải Dương lấy bà họ Hà làm vợ lẽ sinh ra Hồ Xuân Hương. Bà đã từng về thăm quê. Theo gia phả chi họ Hồ Phi, Hồ Xuân Hương con Hồ Phi Diễn, đậu sinh đồ…Có một tình tiết xin ghi lại; lúc còn trẻ, trong dịp về thăm quê, bà đi gánh nước giếng Bà Cả (gần nhà bà), hai nồi đình nước (nồi bằng đất nung) bị vỡ. Một số thanh niên làng thấy người xa về rủ nhau xem, thấy bà ngã, cười đùa chế diễu thích thú. Bà ứng khẩu đọc ngay một bài thơ:
Vén bức màn mây thấy mặt trời
Xanh xanh từng đám trắng từng nơi
Núi non cũng muốn nhô đầu dậy
Cây cỏ trăm năm mỉm miệng cười.”
       Sách “Họ Hồ Việt Nam cội nguồn và phát triển”- nxb Khoa học Xã hội- 2019 Tr.276 có ghi: “Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ kiệt xuất, một nhà Văn học độc đáo. Bà làm thơ chữ Hán, chủ yếu là thơ Nôm, được người đời sau ca tụng là “Bà chúa thơ Nôm”. Thơ văn của Hồ Xuân Hương với bút pháp châm biếm trào lộng là vũ khí chiến đấu sắc bén đấu tranh cho nữ quyền. Bà để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị: Tập thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Lưu Hương ký (thơ chữ Hán), Đồ Sơn bát vịnh…Tên tuổi và sự nghiệp Văn chương của Bà sống mãi trong lòng Dân tộc Việt Nam”
       Ở đầu làng Quỳnh Đôi hiện có một quần thể bốn lăng bia thờ các bậc tiền nhân người làng Quỳnh có công với nước; đó là: Bia và miếu thờ Hoàng Giáp Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích (1655-1734); Bia nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822); Lăng mộ nhà Cách mạng Hồ Tùng Mậu (1896-1951); Bia tưởng niệm Anh hùng LLVTND Cù Chính Lan (1930-1952).
       Trước cổng nhà thờ họ Hồ đại tộc xã Quỳnh Đôi có đặt pho tượng toàn thân của Bà, tay phải cầm bút vung lên cao, tay trái cầm cái quạt, trong tư thế đề thơ lên quạt.
       Bên phải là tấm biển khắc bài thơ “ Đề đền Sầm Nghi Đống”
“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”
       Bên trái là tấm biển khắc bài thơ “Bánh trôi nước”:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
       Hồ Xuân Hương đã từng được nhà thơ Xuân Diệu suy tôn là: “Bà chúa thơ Nôm”
      Năm 2021, Bà cùng Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ Việt Nam được UNESCO vinh danh là: “Danh nhân Văn hoá thế giới”.
       Tuy rằng Bà là nữ sĩ tài hoa và được vinh danh như vậy, nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh; Bà lấy chồng muộn và cả hai lần đều làm vợ lẽ: Lần đầu với ông Tổng Cóc vốn là biệt danh của Chánh tổng Nguyễn Bình Kình, tự Công Hoà, nguyên quán của ông ở làng Gáp, xã Tứ nay thuộc huyện Lâm Thao Phú Thọ. Lần thứ hai là với ông Phủ Vĩnh Tường. Cả hai lần, chồng đều mất sớm, không có con. Theo Giáo sư Hoàng Xuân Hãn bà còn có đời chồng thứ ba là quan Tham hiệp Trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển, nhưng ông này cũng mất sớm. Cuộc đời Bà thật là bất hạnh!
       (Lược trích trang mạng Wikipedia Tiếng Việt- Tiểu sử nhà thơ Hồ Xuân Hương).

II. HỒ XUÂN HƯƠNG, BÀ CHÚA THƠ NÔM, GIỎI THƠ CHỮ HÁN.
       Khi chưa phát hiện ra tập “Lưu hương ký”, và một số bài thơ viết bằng chữ Hán của Bà thì các nhà nghiên cứu đều cho rằng Hồ Xuân Hương là một nhà thơ Nôm thuần tuý với những bài thơ viết bằng chữ Nôm được lưu truyền trong dân gian.
       Ngày nay, khi vào internet tìm kiếm: “Tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương” chúng ta thấy có đến 155 bài thơ cả chữ Hán và chữ Nôm của Bà, bao gồm:
- Đề vịnh Hạ Long: 6 bài (chữ Hán).
- Đồ Sơn bát vịnh: 9 bài (chữ Hán)
- Hương Đình Cổ Nguyệt thi: 9 bài (chữ Hán)
- Lưu hương ký: 43 bài (gồm 12 bài chữ Hán và 31 bài chữ Nôm).
- Thơ Nôm truyền tụng: 88 bài.
       Như vậy, trong tổng số 155 bài có 36 bài viết bằng chữ Hán và 119 bài thơ Nôm.
       Trong 36 bài thơ chữ Hán của Bà, có 32 bài sáng tác và 4 bài họa.
       Muốn viết được thơ chữ Hán, đặc biệt là thơ Đường luật, thì người làm thơ phải là người có trình độ Hán học rất cao. Thơ họa thơ chữ Hán lại càng khó hơn bởi phải theo ý và bộ vần (chữ Hán) của bài họa. Cả 4 bài thơ họa bằng chữ Hán của Hồ Xuân Hương đều là họa lại thơ của ông Trần Hầu, Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng (Trấn Sơn Nam Thượng là vùng đất gồm Hà Nội và Hưng Yên sau này, trị sở đặt tại Châu Cầu- Phủ Lý);
       Ở đây, chúng tôi chỉ nêu tổng thể về thơ chữ Hán của bà. Muốn tìm hiểu sâu về những bài thơ này thì phải qua sự dịch thuật chuyển ngữ rất công phu. Tuy nhiên, chỉ với 4 trong 8 bài họa lại thơ Quan Hiệp Trấn họ Trần của Bà được đối đáp bằng chữ Hán (trong tập Lưu hương ký) thì cũng đã đủ thấy được Bà là người rất tài năng và sắc sảo không những thơ chữ Nôm mà cả thơ chữ Hán nữa.

III. SỞ TRƯỜNG CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG LÀ THƠ ĐƯỜNG LUẬT
       Về thể loại, thơ Hồ Xuân Hương dù viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm thì đều thiên về thể thơ Đường luật, với 121 bài ĐLTNBC (28 bài chữ Hán và 93 bài chữ Nôm), cộng với 18 bài Đường luật Tứ tuyệt thành 149 bài thơ Đường luật trên tổng số 155 bài, chiếm 96%, chứng tỏ rằng Hồ Xuân Hương là một nhà thơ có sở trường về thể loại thơ Đường luật.
       Từ trước tới nay có nhiều người cho rằng Thơ Đường luật là khô khan, gò bó, khó chuyển tải hết các ý tưởng của thi nhân, nhưng thơ Đường luật của Hồ Xuân Hương lại dễ đi vào lòng người đọc, một số bài đã được đưa vào sách giáo khoa; nhiều bài ĐLTNBC được nhiều người thích thú và thuộc lòng như: Đánh đu, Tranh tố nữ, Cái quạt, Chùa Hương Tích, Dệt cửi đêm, Hang Cắc Cớ, Khóc chồng làm thuốc, Không chồng mà chửa, Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, Lấy chồng chung, Đèo ba dội, Chùa Quán Sứ, Vấn Nguyệt, Vịnh cái quạt, Vịnh Hằng Nga v.v…Và một số bài thơ Đường luật Tứ tuyệt như: Ốc nhồi, Bánh trôi nước, Chơi hoa, Con cua, Khóc Tổng Cóc, Lởm học trò, Mời ăn trầu, Miếu Sầm Thái thú, Quả mít, Trách Chiêu Hổ v.v…cũng đã thẩm thấu sâu vào lòng độc giả.
       Có lẽ, những người làm thơ Đường luật ngày nay cũng nên tự đặt ra cho mình một câu hỏi là: “Tại sao thơ Hồ Xuân Hương, chủ yếu là thơ Đường luật lại có giá trị nghệ thuật cao và được nhiều người ưa thích như vậy?”
Theo thiển ý của riêng tôi, đó là:
- Về nội dung tư tưởng: Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng lòng của một trái tim biết thương yêu nhân loại, thơ của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo, đấu tranh cho nữ quyền trong xã hội phong kiến, trào lộng trước những sự đạo mạo giả tạo của những kẻ trưởng giả học làm sang, những kẻ bất tài hợm hĩnh…. Thơ của bà không tả cảnh chung chung, không yêu đương giả tạo, mà mỗi từ mỗi câu mỗi bài đều có một ý nghĩa sâu xa, nhiều khi là cay đắng nhưng vẫn được độc giả đón nhận và trân trọng.
- Về hình thức: Đọc kỹ từng bài thơ của Hồ Xuân Hương chúng ta thấy điểm nổi bật là nữ sĩ “trọng ý hơn trọng từ”; thơ của bà rất chuẩn mực về các yếu tố cốt lõi của thơ Đường luật như: Bố cục, Vần, Niêm, Thanh luật, Đối ngẫu; nhưng không quá câu nệ với những lỗi bệnh thông thường như phong yêu, hạc tất, đại vận, tiểu vận v.v…để cho ý thơ, lời thơ được phóng khoáng. Tuy vậy, có khi bà cũng sử dụng ngón “phá cách” rất độc đáo như câu đầu của bài “Đèo ba dội”: “Một đèo, một đèo, lại một đèo”. một câu thơ thất luật nhưng không thể thay thế bằng câu khác hay hơn, đúng hơn, độc đáo hơn!

IV. THAY CHO LỜI KẾT
       Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương,
      Chúng tôi rất vinh hạnh được về dự cuộc hội thảo “Ảnh hưởng thơ Hồ Xuân Hương đối với thơ Đường luật đương đại” do Hội thơ Đường luật Việt Nam kết hợp với Thi đàn “Một thoáng Xuân Hương” tổ chức tại Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá. Hội nghị đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ về mọi mặt của Lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Lãnh đạo Đảng, Chính quyền và ngành Văn hoá Thị xã Nghi Sơn.
       Là hậu duệ của “Bà chúa Thơ Nôm”, chúng tôi rất xúc động và chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã cho phép tôi được phát biểu đôi điều tham luận như trên.
       Kính chúc quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu, và toàn thể hội nghị an khang hạnh phúc.
       Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
 
Nghi Sơn, ngày 10 tháng 5 năm 2022.
Hồ Văn Chi.
-----------------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1.Wikipedia Việt Nam
-Tiểu sử nhà thơ Hồ Xuân Hương
-Tuyển tập thơ Hồ Xuân Hương
2.Từ Thổ Đôi Trang đến làng Quỳnh Đôi- nxb Nghệ Tĩnh 1988
3.Họ Hồ Việt Nam cội nguồn và phát triển- nxb Khoa học Xã hội 2019.

 
tin tức liên quan