"Tháng 5 về quê Bác" - TG: Nguyễn Bá Thuyết

Ngày đăng: 09:40 11/05/2022 Lượt xem: 182
----------------------- 
 
THÁNG NĂM VỀ QUÊ BÁC
 
Tháng Năm trao nắng hạ
Trời xanh chín tầng mây
Hương sen ngát nhụy đầy
Con về thăm quê Bác…
 
       Tháng Năm nào cũng vậy, quê hương Bác vẫn thường đông đúc hơn khi đón những dòng người về thăm. Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An là một trong những vùng quê mà người dân nước Việt, cũng như bao du khách nước ngoài ai ai cũng muốn được một lần ghé thăm với một tấm lòng thành kính nhất.
        Theo dòng người trên con đường dẫn vào ngôi nhà tuổi thơ của Bác, lòng tôi bồi hồi lắng lại, xúc động dâng trào. Cảnh làng quê thật bình bình chân chất, những hồ sen bông trắng, bông hồng tỏa ngát hương thơm, lũy tre xanh kẽo kẹt, đôi hàng rào râm bụt, hàng chè tàu (mận hảo) và mái nhà tranh vách nứa đơn sơ hiện lên trước mắt, tất cả vẫn còn đó, nhưng Bác và những người thân nay đã đi xa.
       Giọng xứ Nghệ của cô thuyết minh viên nghe sao mà nao nao đến thế:
- Đi khắp bốn phương trời Người mới có dịp thăm quê “quê cha làng Sen – quê mẹ Hoàng Trù”. Sau 50 năm xa cách, lần đầu tiên, mùa hè năm 1957 Bác mới được về thăm quê nhà... Hoàng Trù, nơi đây Bác đã cất tiếng khóc chào đời vào ngày 19-5-1890 trong vòng tay yêu thương của ông bà ngoại, cha mẹ, là nơi ươm mầm cho nhân cách cao thượng và vĩ đại của Người. Những kỷ vật của Bác từ 1 cho đến 5 tuổi, đây chiếc võng gai, chiếc giường nhỏ đơn sơ, mộc mạc, cái tủ gỗ, gốc cây mít sau hồi... Và đây nữa, ở làng Sen, có ngôi nhà 5 gian với những hiện vật gắn bó với gia đình Bác: Chiếc bàn, hai bộ phản, chiếc giường, chiếc rương, chiếc tủ, chiếc mâm gỗ sơn đen, kiềng sắt ba chân... vẫn còn vẹn nguyên, như vẫn còn đọng lại trong đó hơi ấm của Người.
       Đọc những dòng văn của Bác tại Nhà lưu niệm trong khu di tích Kim Liên khiến tôi cũng như du khách đã trào nước mắt: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi, tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.
       Từ tiếng của cô thuyết minh viên và những gì được trực sinh động, mắt thấy, tai nghe không chỉ bổ sung thêm kiến thức thời thơ ấu của Bác Hồ kính yêu mà còn giúp chúng ta được trải nghiệm thực tế sinh động hấp dẫn và ý nghĩa. Củng cố, nung nấu thêm niềm tin và tình yêu, sự kính trọng đối với thân thế và sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ, củng cố quyết tâm phấn đấu trở thành một công dân tốt hơn nữa, xứng đáng là con cháu Lạc Hồng, con cháu Bác Hồ Chí Minh.
       Tuổi thơ của Bác kính yêu quá đỗi bình dị, thân thương… đó là những dấu ấn đầu tiên để hình thành nên cốt cách bình dị cho chính cuộc đời và tấm lòng Bác, đúng như lời thơ Tố Hữu đã viết: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
       Muôn khách thập phương về đây đều tỏ lòng kính trọng và bùi ngùi xúc động, thương yêu đến nghẹn ngào.
       Tạm biệt Kim Liên, tạm biệt Làng Sen và Hoàng trù, tạm biệt bức tranh yên bình tôi bước chân đi giữa đôi bờ tre vẫn rì rào trong gió, hàng râm bụt vẫn đung đưa nhè nhẹ, hoa cau, hoa bưởi, hương sen vẫn còn thơm nồng. Trong lòng đầy ắp niềm tự hào về quê hương Bác: Nơi đây là bức tranh quê về không gian văn hóa lịch sử đặc sắc không những là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, mà còn niềm tự hào chung của mỗi người con đất Việt. Nơi ấy, một con người, một nhân cách vĩ đại đã được nuôi dưỡng, đấu tranh cho độc lập dân tộc, giải phóng người nghèo khổ, để giờ đây chúng ta vinh dự được gọi tên vị lãnh tụ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam: Hồ Chí Minh.
       Hẹn làng Sen – Hoàng trù con sẽ trở lại vào những tháng năm sau!...

 
Kim Liên, 09/5/2022
Nguyễn Bá Thuyết
Hội viên Hội VHNT Phú Yên – Hội VHNT Bộ đội Trường Sơn Việt Nam
Thường trú: 67 Nguyễn Văn Cừ, phường 7, Tp Tuy Hòa, Phú Yên
ĐT: 0944258548

 
tin tức liên quan