Văn nghệ tiếp sức cho bộ đội
Phóng viên (PV): Từng sống và chiến đấu trên con đường huyền thoại, chắc hẳn ông có những cảm xúc đặc biệt khi nhắc đến hai chữ “Trường Sơn”?
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long: Trường Sơn là một góc rất sâu đậm trong tâm khảm của tôi cũng như bao người lính, thanh niên xung phong từng chiến đấu, công tác trên tuyến đường này. Bởi cả thời tuổi trẻ, chúng tôi sống, chứng kiến biết bao gian khổ, ác liệt xảy ra trên đại ngàn Trường Sơn. Chỉ nói về gian khổ, bản thân tôi từng trải qua 6 tháng mùa mưa không được ăn cơm, chỉ ăn toàn măng, sắn khô, rau tàu bay, củ chuối, đói khủng khiếp... Thương binh cũng chỉ có 1 lạng gạo nấu cháo hằng ngày.
Thời tiết ở Trường Sơn vô cùng khắc nghiệt. Mùa nắng nóng như rang, còn mùa khô thiếu nước trầm trọng, có hôm đi cả ngày không tìm được một con suối. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Đó là chưa kể chúng tôi còn phải đối mặt với bom đạn và những thủ đoạn tàn độc của quân đội Mỹ sử dụng trên chiến trường Trường Sơn... Tất cả những thứ ấy hằn sâu trong ký ức chúng tôi không thể nào quên. Và nó luôn trỗi dậy, câu thúc chúng tôi làm cái gì đó để phát huy truyền thống Trường Sơn cho hôm nay và mai sau.
|
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
PV: Dù khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng Bộ đội Trường Sơn vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Phải chăng, hoạt động văn nghệ chính là “liều thuốc bổ” tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ngày ấy?
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long: Tôi ở Trường Sơn từ năm 1970 đến 1976. Có thể nói, ít ở đâu như Trường Sơn, đi đâu cũng gặp khẩu hiệu, dưới đủ mọi hình thức. Khẩu hiệu viết lên phên nứa, vỏ thùng đạn, cánh cửa ô tô, mảnh gỗ, gốc cây... Hồi ấy không có nhiều phương tiện giải trí như bây giờ nên đội tuyên truyền, tuyên văn (hay còn gọi là văn công binh trạm) chính là phương tiện chủ yếu, phổ biến hoạt động văn hóa, văn nghệ ở Trường Sơn. Từ binh trạm trở lên đều có đội tuyên văn, trong đó có một đến hai đội chiếu bóng. Sư đoàn nào của Trường Sơn cũng có đội tuyên văn, mỗi đội có khoảng 30-35 người. Các đoàn văn công đều có nhạc công, diễn viên múa, kịch, chèo, sáng tác bài hát, tấu hài, thổi sáo... Tất cả đều tự biên tự diễn phục vụ bộ đội tại chỗ. Ngoài các đội tại chỗ còn có các đoàn văn công Trung ương và các địa phương từ miền Bắc vào giao lưu, biểu diễn động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội.
Trong thời gian ở Trường Sơn, tôi được giao phụ trách bản tin của Sư đoàn 471. Mỗi tháng ra một số, mỗi số in khoảng 300 bản cấp xuống đại đội và tương đương. Ngoài thông tin thi đua, gương sáng chiến đấu, bản tin còn đăng nhiều thơ, văn, bài hát, tranh vui, cổ động, minh họa, biếm họa... của các chiến sĩ Trường Sơn. Có số, bìa bản tin là một bức tranh cổ động do họa sĩ Nguyễn Chí Công vẽ, in 4 màu bằng kỹ thuật in lưới, nhưng phải mất đúng một tuần mới in xong trang bìa. Dù mất nhiều thời gian và công sức nhưng chúng tôi rất vui, rất tự hào.
Ngôi nhà chung của văn nghệ Trường Sơn
PV: Thời kỳ kháng chiến, văn nghệ sĩ Trường Sơn đã hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh, để lại nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng. Hiện nay, truyền thống ấy đã và đang được tiếp nối như thế nào, thưa ông?
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long: Qua theo dõi nhiều năm chúng tôi thấy, đời sống văn nghệ đang dần hình thành lực lượng viết về Trường Sơn khá đông đảo với đủ các thể loại, đặc biệt là làm thơ, viết hồi ức, hồi ký... Đó là lý do chúng tôi muốn tập hợp lực lượng này để tiếp nối truyền thống văn nghệ sĩ Trường Sơn thời chiến tranh và thành lập Hội VHNT Trường Sơn vào đầu năm 2017. Đến nay, Hội VHNT Trường Sơn đã có 318 hội viên trên mọi miền đất nước. Nhiều đồng chí vốn có năng khiếu, lại được học hành, đào tạo bài bản một số chuyên ngành khác, họ thực sự là những vốn quý của văn nghệ Trường Sơn hôm nay.
Lớp trẻ có thể bị chi phối, hấp dẫn bởi nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí từ mạng xã hội. Nhưng tôi cho rằng, nghệ thuật truyền thống nếu đủ sức thuyết phục tâm hồn con người sẽ có tác động đến giới trẻ. Còn với thế hệ cao tuổi, bài ca Trường Sơn vẫn luôn được đón nhận. Vì thế mà Hội truyền thống Trường Sơn ở các địa phương đều thành lập đội văn nghệ, câu lạc bộ nghệ thuật Trường Sơn, mà nòng cốt là cựu chiến binh. Hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố duy trì tốt câu lạc bộ, còn cấp huyện có 88 đội hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, có hàng trăm đội văn nghệ Trường Sơn cấp xã, phường thường xuyên tổ chức giao lưu, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Đó chính là sự lan tỏa để thế hệ hôm nay nhớ về Trường Sơn, nhớ về chiến trường đầy gian khổ, ác liệt mà vinh quang.
Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (từ năm 2017 là Hội VHNT Trường Sơn) đã tổ chức thành công 4 cuộc thi thơ, văn. Các cuộc thi thu hút đông đảo tác giả dự thi với hàng nghìn, hàng vạn bài thơ, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, tùy bút, hồi ức... Chẳng hạn như Cuộc thi viết “Ký ức Trường Sơn” (năm 2013-2014) thu hút gần 1 vạn tác phẩm tham gia ở thể loại văn xuôi và thơ. Cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn”, văn xuôi “Gương sáng Trường Sơn” (năm 2015-2016) nhận được hơn 5.000 bài thơ, trong đó ban tổ chức công bố trên trang điện tử hơn 4.000 bài dự thi... Đánh giá cao về Cuộc thi thơ “Lục bát Trường Sơn”, nhà thơ Vương Trọng nhận xét: “Tôi thật sự bất ngờ về số lượng và chất lượng cuộc thi. Có những bài thơ đọc rất xúc động và đầy tính chuyên nghiệp”...
|
Tượng đài Chiến sĩ Trường Sơn tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: PHÚC ANH |
PV: Một số loại hình nghệ thuật khác, như: Âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật... về Trường Sơn hôm nay thì sao, thưa ông?
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long: Ngoài văn học, tranh sáng tác mới của các hội viên đã được công bố nhiều trên trang điện tử Trường Sơn của hội. Chẳng hạn về hội họa, có nhiều tác phẩm mới của các tác giả: Ngân Chài, Nguyễn Đức Dụ... Đặc biệt, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ thời gian qua vẽ rất nhiều tranh sơn dầu khổ lớn về Trường Sơn. 10 năm qua, anh đã có 4 cuộc triển lãm tranh cá nhân về Trường Sơn. Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ còn được gọi với cái tên thân thương: “Họa sĩ của Trường Sơn”. Âm nhạc về Trường Sơn cũng có nhiều tác phẩm mới công bố, trong đó có chùm ca khúc: “Bài ca Hội truyền thống Trường Sơn”, “Bài ca Hội Doanh nhân Trường Sơn”, “Hát mừng Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn”, “Trinh nữ Trường Sơn”, “60 năm Trường Sơn anh hùng” của nhạc sĩ Vũ Minh Vỹ; các ca khúc: “Hào khí Trường Sơn”, "Huyền thoại Trường Sơn" của Đào Hữu Thi; một số bài hát của Nguyễn Tiến Quang và nhiều bài thơ của hội viên Hội VHNT Trường Sơn được các nhạc sĩ phổ nhạc. Chương trình tổng hợp về ca khúc, múa, hợp cảnh về Trường Sơn thường xuyên được các câu lạc bộ dàn dựng, biểu diễn phục vụ các cơ quan, đơn vị và nhân dân địa phương...
Về lĩnh vực điện ảnh, gần đây cũng có nhiều phóng sự, nhiều phim phản ánh về đề tài Trường Sơn hoặc lấy bối cảnh quay về Trường Sơn gây xúc động người xem, như: “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Bình minh đỏ”; “Tuyến hậu cần chiến lược Trường Sơn”, “Trường Sơn một thời con gái”, “Vị tướng và con đường”... Các tập phim phóng sự, tư liệu thì công bố khá nhiều.
Riêng mảng kịch bản sân khấu về Trường Sơn còn ít. Số lượng tác phẩm của các hội viên được chuyển thể hầu như chưa có.
PV: Mặc dù số lượng tác phẩm văn học-nghệ thuật về Trường Sơn công bố hằng năm không ít nhưng như ông từng nói thì “viết bao nhiêu cũng là không đủ”. Vậy làm sao để nguồn cảm hứng sáng tác về Trường Sơn vẫn tiếp tục nối dài và lan tỏa tới thế hệ trẻ?
Nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long: Sau chiến tranh, đề tài Trường Sơn vẫn là nguồn cảm hứng sáng tác của không ít văn nghệ sĩ các thế hệ. Lực lượng văn nghệ sĩ thời kỳ chiến tranh rất mạnh, nhưng đến nay, đa số đều lớn tuổi, nhiều người đã mất. Trong khi lực lượng viết hôm nay vẫn còn thiếu người trẻ sinh ra sau năm 1975. Trong số tác giả tham dự các cuộc thi và có tác phẩm công bố về Trường Sơn vẫn chủ yếu là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và những người từng đi qua Trường Sơn; số tác giả trẻ hầu như vắng bóng. Đó là điều khiến chúng tôi luôn trăn trở.
Tôi nghĩ, Trường Sơn vẫn là đề tài rất bí ẩn. Hơn nửa thế kỷ trôi qua và đã có hàng nghìn tác phẩm với nhiều thể loại, hàng trăm bộ phim ra đời nhưng đề tài Trường Sơn vẫn cuốn hút một cách kỳ lạ những nhà nghiên cứu khoa học quân sự, nhà sử học, nhà văn hóa, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ... tiếp tục sáng tác, nghiên cứu giải mã sự huyền thoại của con đường, giải mã về “trận đồ bát quái” này. Trường Sơn huyền thoại không chỉ ở chiến công, ở sáng tạo khoa học quân sự đặc biệt, những kinh nghiệm quý từ chiến tranh nhân dân mà còn huyền thoại bởi những con người góp phần làm nên huyền thoại ấy, chưa được hé lộ. Cuộc đời của mỗi người lính Trường Sơn là một góc của những bí ẩn ấy.
Với tư cách là Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn, tôi ra sức kêu gọi các hội viên tranh thủ đi, tranh thủ viết, viết những câu chuyện của mình và hãy nói các đồng đội kể lại về những vẻ đẹp, về những bí ẩn trong cuộc sống chiến đấu, trong sự vượt lên những khắc nghiệt nơi đại ngàn Trường Sơn của chính họ để tiếp tục lan tỏa điều kỳ diệu của Trường Sơn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THANH MINH - THU HÒA (thực hiện)