GIÓ BỒ ĐỀ
Tùy bút
Chiều đông se sắt. Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hải Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) im lìm trong tiếng lá khô xào xạc cuốn theo chiều gió trên con đường bê tông trắng toát dẫn đến đền thờ Liệt sỹ. Ngôi đền sừng sững, trầm mặc uy nghi trông xa như mái đình cong vút lặng mình theo dòng thời gian, ôm ấp, chở che những người con của quê hương đã ngã xuống cho đất nước qua hai cuộc kháng chiến. Trên nóc đền, hai con rồng chầu hướng về ngôi sao vàng năm cánh gắn trong bức phù điêu với hình ảnh những ngọn lửa bay lên như biểu tượng cho ý chí quật cường ở nơi chôn rau, cắt rốn của anh Nguyễn Huy Hiệu, nơi mà có đến ba người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Con đường này, ngôi đền ấy là tấm lòng của anh cùng Công ty TNHH TM Him Lam dành cho quê hương.
Sau bao năm gắn bó với quân ngũ, mỗi lần về quê, đến thắp hương cho những người đã hy sinh, anh lại ngồi trầm tư trên bậc đá với đôi rồng chầu cạnh bến sông quê, đối diện với cổng nghĩa trang liệt sỹ. Một trời kí ức ập òa hiện về nơi bến sông này. Xa xôi lắm rồi, ngày ấy, chú bé Hiệu sau những buổi học cùng bạn bè vẫy vùng trong làn nước trong xanh. Này đây cậu học trò bé nhỏ ngày ngày sau buổi học lưng đeo giỏ, hì hục sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm mò cua, bắt ốc. Này đây bao ngày một nắng hai sương phơi mình cùng bố mẹ trên đồng cạn, dưới đồng sâu để khi bước sang tuổi 18, anh lên đường nhập ngũ. Hành trang anh mang theo là những bài học dang dở, là sự chân chất, mộc mạc của “người nhà quê” là sự thông minh, lanh lợi, cả sự gan lì, mạo hiểm chỉ có ở những cậu bé chân đất đầu trần suốt ngày quây tụ cùng bạn bè với bao trò nghịch ngợm mà chỉ bọn “nhất quỉ nhì ma” mới nghĩ ra, thấm đẫm hồn anh. Có lẽ tất cả những điều đó đã hun đúc lên con người anh, để có thể hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, lập nhiều chiến công, để từ một chiến sỹ, anh lần lượt được trải qua hầu hết các cấp trưởng trong Quân đội và được phong Tướng khi mới 40 tuổi, trẻ nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam tính đến thời điểm đó rồi giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu
Ở bất cứ cương vị nào, trái tim người Tướng ấy vẫn hướng về quê hương, nơi mỗi cành cây, ngọn cỏ đều thấm đẫm tình quê. Giờ đây, nơi góc nghĩa trang, cây Bồ đề tỏa cành xanh lá, đứng trầm tư trong không gian tĩnh lặng. Theo giáo lý nhà Phật, nói đến Bồ đề là nói đến sự bình an, thanh khiết, sự linh thiêng. Nghe như trong gió tiếng lá hình trái tim xào xạc kể câu chuyện từ hàng nghìn năm trước. Ngày ấy, trước ngày trăng tròn của tháng Vesak (tháng 4-5 âm lịch), khoảng 528 trước công nguyên, có một vị Thái tử của Hoàng tộc Cồ Đàm của Tiểu quốc Thích ca, từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quí, lên đường đi tìm chính đạo. Sau sáu năm tu đạo, vị Thái tử đạt được giác ngộ chính pháp đã đến vùng ngoại ô của ngôi làng nhỏ, nằm bên bờ sông Neranjara (Ấn Độ). Khung cảnh tuyệt đẹp nơi đây đã níu giữ bước chân của nhà tu hành trẻ tuổi. Dưới tán cây bồ đề, Người ngồi thiền định suốt ba ngày ba đêm và đạt được giác ngộ, thành chính quả. Người đã nhìn thấy Sự thật trong tất cả vinh quang và huy hoàng, tìm ra chân lý của con đường phổ độ cứu vớt chúng sinh trong bể khổ trầm luân. Người không còn là Thái tử Tất Đạt Đa mà là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ đó cây này được gọi tên là Bồ đề (có ý nghĩa là Giác Ngộ). Sau khi giác ngộ, Đức Phật đã đi khắp châu Á để giảng dạy về Phật giáo. Vì vậy, cây Bồ đề được trồng khắp nơi trên thế giới và tượng trưng cho sự may mắn.
Thấu hiểu điều đó, tháng 11/2003, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trong lần dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ quốc phòng Việt Nam theo lời mời của Bộ quốc phòng Ấn Độ sang thăm và làm việc với đất nước của Phật Giáo. Món quà mà Thượng tướng nhận được từ Đại sư Thích Huyền Diệu khi thăm ngôi chùa cổ kính mà chỉ khách quí mới được đưa đến là ba cây Bồ đề lấy giống từ cây bồ đề nghìn năm tuổi nơi Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo. Để rồi một phần của món quà quí giá đó đang tỏa cành xanh lá, reo vui trong mỗi sớm mai nơi nghĩa trang Liệt sỹ linh thiêng này. Cây Bồ đề bé nhỏ, mong manh nhưng lại là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật vượt ngàn dặm từ đất nước xa xôi ấp ủ, chở che cho những linh hồn trinh nguyên, bất tử, cho sự sống vĩnh hằng được Thượng tướng đặt xuống mảnh đất quê hương, nơi mạch nguồn của những người con anh hùng, trong niềm xúc động nghẹn ngào. Để rễ cây vươn xa, bám vào mảnh đất quê hương, có ý nghĩa hướng về những điều tốt đẹp, ban phước lành cho muôn đời. Theo thời gian, cây Bồ đề sẽ già cỗi đi nhưng những người lính đã hiến dâng cuộc đời mình cho sự trường tồn của đất nước thì mãi mãi bất tử. Cây Bồ đề trải qua bao mưa nắng vẫn hiên ngang, sừng sững là nén tâm nhang thể hiện lòng tri ân vô bờ bến của người Tướng đã kinh qua bao trận mạc với những chiến công oai hùng của những người con của quê hương anh hùng.
Những nấm mộ san sát bên nhau như bao đoàn quân lặng lẽ xuất kích trong tĩnh lặng với những ngôi sao rực cháy trong tim. Từng cái tên trên mỗi tấm bia đều mang trong mình một câu chuyện đẹp về tình yêu chưa dám ngỏ, mang niềm khát khao về một giảng đường Đại học, mang ước nguyện về một thửa ruộng đầy ắp, một mái ấm ríu rít tiếng trẻ thơ, mang khát vọng trở về trong niềm vui chiến thắng, mang huyền thoại về một chiến công oai hùng phi thường của những con người làm nên lịch sử. Nhớ ngày nào, cả gia đình, làng xóm tiễn anh đi trong lời hẹn chiến thắng, với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” thì giờ đây, anh lại về trong lá cờ phủ. Bởi trái tim cuộc đời anh đã dành trọn vẹn cho đất nước. Hãy về đây đồng đội ơi, để thấy mỗi tiếng lá reo là lời mời gọi, là tiếng ru hay tiếng gọi yêu thương thẳm sâu từ lòng mẹ đêm đêm để giấc ngủ vĩnh hằng của anh thêm đằm sâu. Bao đêm trên mảnh đất bình dị mà gan góc, dạn dày, này hàng ngàn trái tim thổn thức nhớ về các anh. Và nếu như mỗi dòng nước mắt của người mẹ là một dòng suối thì trên đất nước Việt Nam này, trải qua bao thời kì dựng nước và giữ nước không biết bao dòng sông đã chảy.
Ngày ấy, chỉ cách ngày 30 tháng Tư năm 1975 hai ngày, toàn mặt trận thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Trước tình hình đó, Trung đoàn 27 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy là một trong năm cánh quân nhận nhiệm vụ đánh chiếm đường 16, mở cửa cho Sư đoàn đưa lực lượng vào,tiến công, tiêu diệt tuyến tử thủ của địch ở Lái Thiêu. Đây là trận đánh hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho mũi thọc sâu của Sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Vì vậy, bằng giá nào Trung đoàn 27 cũng phải tiến công theo đúng kế hoạch. Thời gian bây giờ được tính bằng giây, bằng phút, bằng bao xương máu đồng đội, bằng sức mạnh, bằng chiến thắng. Đêm 28 tháng Tư, Tân Uyên được giải phóng. Ngày 29, Trung đoàn chuẩn bị tấn công Lái Thiêu nhưng đứng trước muôn vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chưa nắm được tình hình địch và địa hình trong quận lỵ. Trong đêm tối với tình thế nước sôi lửa bỏng đó, tổ trinh sát của anh nhìn thấy xa xa le lói ngọn đèn dầu. Ngọn đèn đó, đêm đêm, được thắp lên từ bàn tay người mẹ Sáu Ngẫu trong đợi chờ, hy vọng những đứa con trở về giải phóng quê hương. Và đêm nay, niềm khao khát của mẹ đã thành hiện thực. Khi nghe tiếng gõ cửa, khi nhìn thấy tấm vải đỏ trên ngực người chiến sỹ, khi má thầm thì: Hồ Chí Minh và tiếng người chiến sỹ như reo lên Muôn năm, trái tim má như vỡ òa. Bỏ tấm bản đồ quân sự người chỉ huy Trung đoàn đưa cho, má mở bọc giấy báo, lấy ra tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn đã ố vàng vì thời gian, kỉ vật cuối cùng của người chồng đã hy sinh trao lại, được má giữ từ năm 1961. Để rồi từ đó, ngày ngày, má tỉ mẩn tìm hiểu tình hình quân địch. Để đêm đêm, dưới ánh đèn dầu tù mù, trong căn nhà bé nhỏ, tấm bảm đồ đậm thêm những nét khoanh tròn, thêm những mũi tên ngang dọc. Cứ lặng thầm như thế, má gửi vào từng nét chì cả ý chí quyết tâm, niềm khát khao cháy bỏng về một ngày đất nước thống nhất. Niềm xúc động nghẹn ngào, niềm vui dâng trào trong lòng những người chỉ huy, bởi họ nhìn thấy sau những nét vẽ tỉ mỉ, chính xác, chằng chịt kia là những điểm trọng yếu, những vị trí đóng quân, bố trí hỏa lực quan trọng của địch trên con đường tiến về thành phố Sài Gòn. Là trái tim, tấm lòng, là sự hy sinh vô bờ bến của những người dân như má. Để bây giờ, tấm bản đồ như ánh đuốc soi đường, tăng thêm sức mạnh, niềm tin cho Trung đoàn của anh tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc làm chủ hoàn toàn “cửa tử”, nơi quân giặc đặt ở đó những lực lượng mạnh nhất, hy vọng chặn bước tiến công của quân ta để mở toang cánh cửa phía Bắc, hợp nhất với bốn cánh quân tiến vào Sài Gòn.
Chỉ trong hai tiếng, Trung đoàn 27 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng đã thần tốc, táo bạo, quyết thắng, bảo toàn lực lượng, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiến vào Sài Gòn vừa tránh cho Bộ đội khỏi thương vong lớn. Tấm bản đồ như một cây cầu bắc từ trái tim, tấm lòng của má, bắc từ những ngày đen tối trong đau thương mất mát của chiến tranh đến với ngày vui thống nhất, quê hương sạch bóng thù. Là con đường dẫn đến dinh Độc lập để lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong ngày toàn thắng.
Rồi một ngày má về với đất Mẹ. Trở về thắp hương cho má, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trồng trong khuôn viên mộ một cây Bồ đề mang về từ đất Phật. Nếu như khi còn sống, tấm lòng, trái tim của má dành cho đất nước với những việc làm thầm lặng mà cao cả, góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tấn công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì giờ đây, anh linh của má vẫn vĩnh hằng bên con cháu, bên những con người dạn dày trận mạc, vào sinh ra tử cho một ngày đất nước ca khúc khải hoàn. Nghe như đâu đây vang vọng lời má: “Đã là người dân Việt Nam, đứng trước ách thống trị của quân cướp nước, mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ đất nước như lời Bác Hồ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải chiến đấu, quét sạch nó đi.”
Không còn là tiếng của người mẹ, người ân nhân năm xưa mà là tiếng nói của người mẹ Việt Nam với những phẩm hạnh đáng quí: Anh hùng, bất khất, trung hậu, đảm đang với niềm tin vững chãi về sự sinh tồn, an lạc. Giờ đây, cây Bồ đề ấy đã hóa bóng cổ thụ, mang cách sống ngay thẳng và thánh thiện, một lòng vì nước vì dân như má, tỏa bóng sum suê cả một khoảng trời.
Và hôm nay, anh trở về gọi tên má trong rưng rưng, nghẹn ngào, trong cảm giác như bao đồng đội đang quây tụ về đây trong tiếng lá Bồ đề reo vui. Anh thầm gọi tên má, gọi tên những đồng đội đã hy sinh trong không khí linh thiêng, thanh tịnh đến nao lòng, trong khói nhang lan tỏa, trước lăng mộ uy nghi. Anh tin rằng má sẽ mãi mãi hóa bóng Bồ đề chở che cho các thế hệ cháu con.
Thời gian dần trôi. Tất cả sẽ chìm vào dĩ vãng. Nhưng có những điều trường tồn mãi với thời gian. Và cây Bồ đề mà Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu trồng trong Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hải Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định); nơi mộ má Sáu Ngẫu và rất nhiều cây anh trồng ở nhiều nơi khác mãi mãi xanh tươi. Những ngọn gió Bồ đề mãi mãi rì rào bài ca về người anh hùng một thời trận mạc với tấm lòng nhân hậu, bao dung. Rì rào bài ca về quê hương, xứ sở. Rì rào bài ca giữ nước.
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
ĐT 0913 515 562