"Nỗi buồn chung cư".TG: Phan Vĩnh Điển

Ngày đăng: 08:12 10/08/2022 Lượt xem: 153
NỖI BUỒN CHUNG CƯ
(Trích trong tập Bút ký và Truyện ngắn “Nhũng người lính thời bình”)
 
       Ông Nam cả đời phục vụ trong quân ngũ, đến lúc về hưu mới mua được căn nhà chung cư cao cấp để ở dưỡng già, niềm vui tả khôn xiết…
       Vì cả đời ông vất vả bôn ba khắp các chiến trường miền Nam, lên biên giới phía Bắc, rồi còn sang cả Căm Pu Chia giúp bạn, giải phóng đất nước, cứu một dân tộc thoát họa diệt chủng.
Hôm dọn về nhà mới, ông bàn với vợ làm mấy mâm cơm mừng nhà mới. chủ yếu mời anh em, con cháu trong nhà. Tuy nhiên ông nói với vợ làm riêng cho mình một mâm để mời bạn bè, chiến hữu vào sống ra chết với mình ở chiến trường năm xưa.
       Bạn bè, người thân ai đến mừng nhà mới đều rất phấn khởi chúc mừng ông. Từ nay ông đã có căn hộ cao cấp khang trang đẹp đẽ để ở, khỏi lo chui rúc, ra vào mãi căn nhà cấp 4, ở sâu trong ngõ hẹp, ẩm ướt hôi hám như xưa nữa.
       Gần như cả đời ông sống xa nhà, xa vợ con, lang bạt khắp các chiến trường ác liệt trong chiến tranh, Nhiều phen chết hụt, cứ tưởng sẽ chẳng có ngày về gặp lại vợ con… Rất may, ông chỉ bị thương vài lần nhưng đa số vào phần mền, nằm điều trị ít ngày lại trở về đơn vị chiến đấu.
       Điều bất ngờ trong số người bạn Cựu chiến binh hôm đến mừng nhà mới lại có mặt cả cô Hương, không biết làm thế nào lại biết được địa chỉ nhà ông mà đến chúc mừng. Đó là người người con gái bác chủ nhà năm xưa ông đã từng ở trọ trong những ngày đầu nhập ngũ, làm ông nhớ lại…
       Ngày mới nhập ngũ, ông đã từng phải ở trọ nhà dân. Ông bà chủ nhà rất hiền lành, tốt bụng, nhưng nhà nghèo quá, không có đủ giường cho bộ đội nằm ngủ, mấy anh em phải trải chiếu ngủ dưới đất cả tháng liền. Trời mùa hè nóng quá, nông thôn thời đó đã làm gì có điện. Ông bà chủ nhà làm tặng mấy chú bộ đội cái quạt lá cọ, quạt được một tí thì mỏi tay không muốn quạt nữa. Nam dậy ra ngoài hiên hóng gió cho mát.
       Ngay sát đầu nhà là đồi chè, đêm trung du, lại đúng hôm trăng rằm, ánh trăng lấp loáng, mờ ảo trên nương chè. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi nhẹ, làm rung rinh những ngọn tre cuối nương như nhảy múa, cùng với hương chè, mát rượi. Nam bước đi như mộng du, đến bên bờ ao, đang định ngồi hóng mát. Thì bất ngờ trông thấy cô Hương, con gái ông chủ nhà đã ngồi sẵn ở đây từ bao giờ. Nam lên tiếng hỏi:
       Em cũng ra đây hóng mát à ?
      Vâng, nóng quá em đâu có ngủ được, thường đêm nào em cũng ra đây ngắm trăng xong mới đi ngủ, sao hôm nay anh mới ra ?
       À, à thường ngày đi tập về mệt, 9 giờ điểm danh xong, về nhà là bọn anh ngủ ngay, nhưng hôm nay nóng quá !
       Ngay từ hôm đầu được phân về ở trọ nhà ông bà chủ tên Đang, Nam đã gặp cô con gái lớn của ông bà chủ chạc tuổi Nam và các bạn. Cô có dáng người thanh thanh, mặt trái xoan, da trắng hồng. Đặc biệt là đôi mắt bồ câu to, sáng, nhưng có vẻ hơi rụt rè.
       Giọng cô rất nhỏ nhẹ, dễ nghe, qua một vài lần tiếp xúc, Nam thấy cô nói chuyện rất có duyên. Hai người có vẻ hợp, cô thường thích nói chuyện với Nam hơn các bạn khác. Mặc dù anh bạn Thắng cao to đẹp trai có vẻ thích cô ra mặt, nhưng cô không thích…
       Tuy nhiên, Nam cũng không dám nói chuyện với cô nhiều, vì sợ bác chủ nhà nghi ngờ dụ dỗ con gái bác. Nếu chủ nhà nghi ngờ mà phản ánh với chỉ huy đơn vị thì có mà gay… Nên nhiều lần bác nhắc nhở khéo, các chú bộ đội nay đây mai đó chẳng biết khi nào về và ở đâu nhỉ ? Nên có thân với con gái thì thân vừa vừa thôi nhé...!
Hai người vừa ngồi nói chuyện với nhau được một tí, thì thấy bác chủ nhà đã ra tìm và giục cô con gái về nhà ngủ.
       Đêm hôm sau, Nam định không ra ngoài hóng gió nữa, nhưng nằm mãi trong màn nóng quá, không ngủ được, mà cứ thấy ruột nóng như lửa đốt. Nam nhẹ nhàng vén màn chui ra đi hóng mát. Nam cứ đi như vô định, không ngờ con đường mòn lại dẫn anh đến đúng chỗ tối hôm qua, Chưa kịp định thần thì đã nghe tiếng trách:
Sao hôm nay anh ra muộn thế, em đợi mãi…
       Nam chưa kịp trả lời thì đã nghe tiếng bác chủ nhà gọi con gái về đi ngủ.
       Mấy đêm hôm sau Nam chủ động ra sớm hơn, nhưng cũng không dám ngồi lâu và ngồi gần, bao giờ cũng phải cách nhau đến 20 hoặc 30 cm là ít, thời ấy nó thế. Mặc dù trong lòng rất mến nhau, muốn ôm nhau vào lòng, nhưng một phần sợ bác chủ nhà, một phần mình là bộ đội, nay đây mai đó, sống chết chưa biết thế nào? Nếu yêu em ngộ nhỡ sau này có bị làm sao thì khổ em…
       Hơn một tháng sau, đơn vị chuyển quân đến địa điểm khác. Đêm gặp nhau cuối cùng, em tặng Nam chiếc khăn mùi xoa có thêu đôi chim bồ câu cùng tiếng khóc nức nở. Nhưng hai đứa cũng chỉ dám ngồi sát nhau, cảm nhận hương thơm từ mái tóc hương bồ kết lẫn hương thơm ngan ngát của nương chè và mạnh dạm lắm mới dám nắm tay nhau.
       Lần đầu, nắm vào tay em sao mà hồi hộp, tim đập thình thịch ngang trống làng. Trăng đầu tháng mờ ảo, nhưng Nam cũng cảm nhận rõ ánh mắt lưu luyến, thiết tha nhìn anh không chớp, có cả giọt nước mắt lăn tròn trên mà như muốn nói: Đừng quên em anh nhé !
       Mãi sau mới cảm nhận được bàn tay em là bàn tay lao động cứng cỏi, không mềm mại như bàn tay các cô gái thị xã. Nhưng cứ muốn nắm mãi chẳng muốn rời và cũng không biết nói gì thêm vào lúc này, vì ai cũng ngại ngùng…
       Nhiều lần đơn vị chuyển địa điểm đóng quân Nam cùng đồng đội được ở doanh trại, nhưng doanh trại do chính bộ đội tự xây dựng ở giữa rừng trường sơn, bằng tranh tre nứa lá và làm cả một dải sạp dài bằng tre, nứa để làm sạp ngủ. Có những đêm hành quân, đi bộ xuyên rừng vào chiến trường, ngày đi, đêm phải nằm võng ngủ trong các trạm giao liên, mấy tháng liền như thế mới vào đến B3…
       Mấy anh em bộ đội, cựu chiến binh, nâng chén rượu uống mừng cho ông Nam có được căn hộ chung cư cao cấp khang trang đẹp đẽ, Nhưng có anh cũng băn khoăn nói:
       Mừng cho anh lắm, nhưng tôi cũng băn khoăn là giá dịch vụ ở các khu chung cư cao cấp cao lắm. Anh thì còn đỡ, chứ bọn em phục viên lâu rồi, lương hưu thấp lắm, không đủ tiền để ở chung cư cao cấp đâu. Vừa lúc đó cô Hương nói:
       Không biết ở đây thì sao ? Chứ ở chỗ em, giá dịch vụ có hợp tác xã nhà ở lo cho rẻ lắm !
      Ông không kịp hỏi chi tiết, chỉ xin Hương số điện thoại và địa chỉ để hôm nào rảnh, đến thăm Hương và hỏi thêm chi tiết về Hương từ sau ngày chia tay năm ấy…
       Ông đâu có ngờ niềm vui chẳng tầy gang, căn hộ mới ở được mấy tháng đã thấy nước ngấm ở trần, lên mốc xanh, mốc đỏ. Trần nhà có chỗ đã có hiện tượng nứt lở, chỉ sợ nó rơi xuống đầu trẻ nhỏ, tai nạn thì khổ. Nước sạch có hôm mất nước mấy ngày không có, phải xuống tận tầng 1 để xách nước về dùng tạm, chờ sửa chữa đường ống nước.
       Có hôm ông và một vài bà con cùng tầng đi líp xuống thì bất ngờ thang máy dừng đột ngột, mất điện, tối om om. Vào không vào được, ra không ra được, cứ treo lơ lửng ở giữa trời sợ chết khiếp. Ông thì quen với, sống chết trong gang tấc thì chẳng sợ, nhưng giả sử mà chết lúc này thì quá vô lý và uổng phí. Có bà phụ nữ sợ quá, ngất ngay trong líp. Phải gọi bảo vệ lên cậy cửa líp mãi mới ra được.
       Chi phí dịch vụ như vệ sinh, gửi xe, bảo vệ thì quá cao; may là ông có lương hưu bộ đội khá cao nên có thể tự lo cho gia đình mình được, không cần sự trợ giúp của các con. Chứ như anh bạn hôm trước nói, thì khó khăn thật đấy.
       Mấy hôm trước ông có xem ti vi thấy có chung cư cao cấp ở Hà Nội người dân đã biểu tình , căng cả băng rôn, biểu ngữ đòi chủ đầu tư phải giảm giá dịch vụ, nhanh chóng sửa chữa lại những chỗ nhà bị hư hỏng. Và đòi trả lại tiền bảo trì nhà chung cư cho các hộ dân tự quản lý và sửa chữa. Vì khi mua nhà họ đã phải trả phí bảo trì bảo dưỡng nhà chung cư lên tới cả mấy chục triệu đồng…
       Vì bận nhiều công việc dọn dẹp, kê dọn nhà mới và nhiều việc không tên khác làm ông quên lới hứa đến thăm cô bạn năm xưa. Hôm nay, ngày mùa thu đẹp trời. ông chợt nhớ tới cô bạn gái năm xưa và lời hẹn đến thăm nhau hôm trước.
       Ông liền điện thoại cho cô, rất may cả hai vợ chồng cô ấy đều có nhà. Ông hẹn khoảng một tiếng nữa ông đến chơi thăm gia đình cô. Hương vui vẻ reo lên, anh đến nhanh lên nhé !
    Ông bước ra khỏi khu chung cư mới khoảng 8 giờ sáng, trời cuối mùa thu Hà Nội trong xanh, dịu mát, không khí thoáng đãng; không bí bách như ở trong căn hộ chung cư. Gần cả một đời sống nơi rừng xanh, suối mát mới thấy giá trị của thiên nhiên trong lành. Cũng may lúc này, người đi làm đã đến công sở gần hết, đường phố cũng có vẻ phong quang hơn.
       Ông ra bến xe buýt đi cho nó thong thả, vừa được ngắm phố phường, vừa không phải mất tiền đi tắc xi; vả lại người già trên 60 tuổi ở Hà Nội đi xe buýt được miễn phí. Chuyển qua 2 tuyến xe buýt ông đã có mặt ở khu nhà chung cư Trung Hòa - Nhân chính. Hỏi thăm một chút là ông đã có mặt tại căn hộ của Hương trên tầng 11 của chung cư.
       Cả hai vợ chồng Hương đều ra đón đón ông tay bắt, mặt mừng. Vào nhà, hỏi thăm nhau một chút, chồng Hương biết tôi và Hương là bạn với nhau từ thời trẻ, tế nhị xin phép rút lui để chúng tôi nói chuyện được tự nhiên…
       Hai người cứ lúng túng mãi không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Sau ông phải lên tiếng trước. Ông hỏi thăm em được mấy cháu chắc các cháu trưởng thành cả rồi chứ ?
        Khuôn mặt Hương bỗng trở nên buồn buồn trả lời:
       Em được hai cháu, cháu gái thứ 2, có việc làm ổn định lấy chồng và đã có một cháu ngoại… Còn cháu con trai lớn thì nằm bất động, hơn 3 chục năm nay anh ạ. Nhà em hồi ở chiến trường đóng quân trúng nơi bị Mỹ giải chất độc hóa học, ít năm sau hòa bình bị tái phát ô nhiễm chất độc đioxin, phải điều trị mãi mới tạm khỏi.
       Khi chúng em sinh ra cháu trai đầu lòng, nặng 3,2 kg đẹp trai, khôi ngô như thiên thần, ai cũng phấn khởi chúc mừng chúng em… Ai ngờ càng ngày, cháu càng biến dạng, chân tay co quắp… điều trị khắp nơi chẳng đỡ. Đành bó tay ! Cháu nằm liệt giường, mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, vợ chồng em phải thay nhau chăm sóc…
       Trước đây em buồn lắm, chẳng muốn đi đâu; sau được mọi người động viên, em xác định thôi đành chấp nhận số phận và nghĩ vợ chồng em được trở về đoàn tụ như ngày hôm nay là còn hạnh phúc hơn bao nhiêu đồng đội còn nằm lại ở chiến trường… Từ đó em năng đi ra ngoài tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, gặp gỡ bạn bè cho khuây khỏa, nhưng về nhà vẫn buồn lắm anh ạ.
       Tôi xin phép em được vào thăm cháu. Tôi nhìn thấy một cháu bé khuôn mặt đẹp nhưng ngây ngô, chân tay loằng ngoằng, co quặp thật đáng thương, đôi mắt to tròn nhìn vô vọng, buồn quá !
       Quay ra, cả hai đều im lặng một hồi lâu, tôi mới dám hỏi:
       Sau lần gặp nhau năm ấy em đi làm hay đi học ở đâu, mà bây giờ lại sống ở Hà Nội vậy ? Hương kể:
      Sau hôm chia tay anh năm ấy, em ở nhà đợi kết quả thi đại học và đợi thư anh mãi chẳng nhận được lá thư nào ? Sốt ruột quá, em xung phong đi bộ đội để được vào miền Nam tìm anh.
       Em được biên chế vào một đại đội bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường và sửa đường cho xe vận tải chở vũ khí và lương thực vào Nam tiếp tế cho bộ đội. Cả đại đội bọn em hơn 100 người toàn bộ đội nữ, sống ở rừng gian khổ, thiếu thốn trăm bề…
       Nhưng không gì ngăn được niềm vui và lạc quan của tuổi trẻ. Máy bay địch quần đảo và thả bom, đánh phá các con đường rất ác liệt, không kể ngày đêm. Khi chúng ném bom, mọi người vào hầm trú ẩn; chỉ trừ mấy chị đếm bom là còn ở hầm trên núi cao để đếm bom.
       Khi địch hết ném bom, đường bị tắc là bọn em lại xông lên mặt đường, cùng với các anh lái máy ủi, nhanh chóng san lại đường cho xe qua. Nhiều hôm vẫn lạc quan, yêu đời vừa làm, vừa hát. Mỗi khi xe qua, còn trêu đùa với các anh lái xe cho vui.
       Có cô bạo miệng hỏi: Em trông anh quen quen, hình như chúng mình mới gặp nhau đêm qua thì phải…? Gặp anh lái xe sừng sỏ, đi ra, đi vào nhiều lần thì reo lên:
Ơ đúng rồi, lại đây cho anh hôn một cái rồi anh phải đi ngay đây, nhanh lên không lỡ mất thì tiếc lắm..!
       Nhưng gặp anh lái xe trẻ, mới lái xe vào lần đầu thì xấu hổ, mặt đỏ gay, chối đây đẩy. Không phải, không phải đâu, em nhầm rồi… Làm chị em cười ồ lên vui vẻ ! Riêng em thì chỉ nhìn mãi xem có gặp được anh không và hỏi thăm xem có ai biết anh không ?
       Sau em được đơn vị cử đi học lớp y tá cấp tốc tại chiến trường. Trong một lần điều trị cho một thương binh tương đối nặng cùng quê, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén mà… Vả lại, hồi ấy chúng mình chia tay cũng không có hẹn ước gì.
       Ngày đó em hỏi anh:
       Anh đi có nhớ em không ? Anh chỉ nói có nhớ, nhớ lắm…
       Em hỏi còn gì nữa không ?
       Anh không nói gì, chỉ nắm chặt tay em và nói, anh sẽ viết thư cho em, cho đến bây giờ cũng chẳng thấy có lá thư nào…
       Cuối năm 1974, sau khi điều trị khỏi bệnh, anh nhà em được biên chế về một đơn vị bộ đội pháo binh Trường Sơn, ngay cạnh đơn vị em; nên đám cưới của chúng em tổ chức ngay tại chiến trường, đơn giản lắm.
       Ban ngày bọn em vẫn đi làm. Buổi tối anh em, bạn bèn của hai đơn vị họp mặt, mừng đám cưới bọn em. Cô dâu, chú rể vẫn mặc trang phục bộ đội, chọn bộ còn mới hơn một chút. Anh em hai đơn vị vị dành sụm, góp lại được mấy bao thuốc lá Trường Sơn và ít kẹo xanh đỏ, gói bằng giấy bóng. Uống nước nấu bằng lá rừng.
       Sau lời chúc hạnh phúc của đồng chí chính trị viên đại đội nhắc nhở: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Tất cả cùng hát vang bài: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” và bài: “Gặp nhau trên đỉnh trường Sơn”… Đơn giản thế mà vui ra phết; khiến bọn em cảm động, nhớ mãi không bao giờ quên !
       Chồng em bây giờ cũng là Cựu chiến binh Trường Sơn đó anh, Sau hòa bình anh được cử đi học đại học, ra trường được cử về công tác tại Hà Nội, nay đã nghỉ hưu ở Hà Nội, nên bọn em ở đây luôn.
       Thỉnh thoảng vẫn về quê thăm họ hàng, bố mẹ em, mất hết rồi. Khi còn sống, các cụ vẫn thường nhắc tới anh, cụ nói:
        Thằng Nam ngay xưa là thằng ít nói nhưng sống tình cảm, không biết bây giờ nó ở đâu ?
       Rất may, hôm đi sinh hoạt Hội cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn, có ông bạn khoe: Mai đi gặp bạn Cựu chiến binh về nhà mới, ở hẳn chung cư cao cấp đẹp lắm ! Hỏi ra mới biết đúng là anh, nên anh không mời em cũng đến…!
       Ông Nam cứ ngây người ngồi nghe không biết nói gì ? mãi sau mới ấp ùng nói:
       Ngày đấy vào chiến trường, không biết sống chết thế nào, đã mấy lần viết thư ngỏ lời với em nhưng không dám gửi, sợ sau này không trở về được thì tội cho em, nên thôi.
       Sau hòa bình anh về quê, có về lại nơi đóng quân ngày xưa để hỏi tìn về em, nhưng anh chưa dám vào nhà. Dừng chân ở quán nước dưới gốc đa đầu làng, hỏi thăm bà chủ quán nói: Cô ấy đã lấy chồng, nhưng không còn ở quê nữa. Bố mẹ cô ấy đã mất hết rồi, các con nghe nói cũng đi làm xa hết, nên anh không tìm về nhà em nữa, sợ em biết tin sẽ buồn…
       Thôi thế cũng mừng, vì chúng ta đều được trở về và có cuộc sống yên ổn sau chiến tranh. Còn may mắn hơn nhiều đồng đội của chúng ta rất nhiều, nhiều người nay còn nằm ở đâu nơi góc bể, chân trời mà còn chưa tìm thấy hài cốt…
       Cả hai người lặng đi trong giây lát, dường như để tưởng nhớ đến những người đồng đội của mình đã hy sinh vì độc lập, tự do cho tổ quốc. Mãi sau ông Nam mới lên tiếng, để trở về thực tại, liền hỏi:
       À thế hôm trước em nói, giá dịch vụ chung cư ở đây rẻ lắm là thế nào ? Sao cùng ở Hà Nội mà lại có nơi cao, nơi thấp là ra làm sao ?
       À là thế này: Khu nhà bọn em ở đây là khu chung cư thành phố đền bù cho các hộ dân trước đây ở Ngã Tư Sở phải di dời, để mở rộng đường, nên chất lượng xây dựng không được cao cấp như chỗ anh ở đâu.
       Các hộ gia đình sau khi nhận được căn hộ, ở một thời gian là bị ngấm, dột và bong tróc khắp nơi. Nước sinh hoạt nhiều hôm không lên được tầng cao, các khu sinh hoạt chung như: Hành lang, bãi để xe thì mất vệ sinh, lộn xộn lắm. Kiến nghị lên trên mãi chẳng thấy ai hồi âm…
       Vì thế có một bác Cựu chiến binh họp mấy anh em lại, bàn cách “Tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”. Thành lập ra một Ban Quản lý chung cư tự nguyện, để sửa chữa những cỗ bị hư hỏng, tổ chức bơm nước, vệ sinh sạch sẽ khu chung cư.
       Vừa đúng lúc đó, nghe nói Liên minh HTX Việt Nam đang chuẩn bị thành lập Hợp tác xã Nhà ở có cả sự giúp đỡ của Liên đoàn Hợp tác xã Nhà ở của Vương quốc Thụy Điển.
       Thế là Hợp tác xã Nhà ở Thụy Điển được ra đời ở Việt Nam, với sự giúp đỡ, hướng dẫn về tinh thần, vật chất của các chuyên gia đến từ Liên đoàn Nhà ở của Vương Quốc Thụy Điển theo đúng bản chất tốt đẹp và nhân văn của hợp tác xã.
       Với mô hình “Người dân tự giữ nhà mình và bảo vệ chính mình”, cộng với thực hiện đúng bản chất và nguyên tắc của hợp tác là công khai, dân chủ và minh bạch.
       Những người được dân tín nhiệm bầu vào Hội đồng quản trị hợp tác xã đã phát huy hết trách nhiệm của mình, nhiệt tình, tận tụy và công tâm nên chỉ sau một năm đi vào hoạt động, khu nhà đã trở nên khang trang, sạch đẹp, an ninh đảm bảo.
       Người dân sống trong chung cư ai cũng hồ hởi, phấn khởi khi trở về ngôi nhà của mình, đúng với tư thế của người làm chủ ngôi nhà, không còn tâm lý như người đi ở thuê như trước đây.
       Trong khi đó phí dịch vụ lại rất rẻ: phí vệ sinh, an ninh bảo vệ, đi lại cầu thang có 20.000đ/tháng, vé gửi xe cũng chỉ có 30.000 đ/tháng. Hợp tác xã còn tổ chức được nhà trẻ để chăm lo cho các cháu nhỏ trong chung cư với mức giá 800.000đ/tháng. Làm các dịch vụ căng tin, bách hóa, sửa chữa điện nước, điện thoại, máy điều hòa, tổ chức tang lễ, cưới hỏi cho các gia đình trong chung cư có nhu cầu...
       Cũng chính nhờ những thành tích xuất sắc như vậy, năm 2013 Hợp tác xã Nhà ở Thụy Điển đã được Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ Việt Nam vinh danh và trao giải xuất sắc tại cuộc thi VACI 2013 trong Chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng tại Việt Nam và được tặng giải thưởng về vật chất là 290 triệu đồng.
       Chương trình Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam (VACI) do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới và các nhà đồng tài trợ tổ chức hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo nhằm giảm thiểu tham nhũng, tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm mang tới môi trường sống tốt đẹp hơn cho mọi người. Các nhà đồng tài trợ cho Chương trình bao gồm: Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID), Irish Aid, Đại sứ quán Thụy Điển và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID-UK).
       Hoạt động của mô hình Hợp tác xã dịch vụ Nhà ở Thụy Điển ngoài việc giải quyết việc làm thu nhập cho người lao động; còn đem lại được sự bình yên cho hàng chục vạn cư dân các khu chung cư với giá dịch vụ hợp lý, đây là ưu điểm vượt trội, không phải mô hình doanh nghiệp nào cũng có thể làm được như vậy.
       Hơn nữa, đây còn là cơ hội mở ra thị trường mới cho thành phần kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển, khẳng định bản chất tốt đẹp, nhân văn của hợp tác xã trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
       Cuối năm 2012 đến năm 2014 liên tiếp xẩy ra nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp giữa cư dân sống trong các khu chung cư cao cấp với công ty quản lý nhà vì người dân phải trả phí dịch vụ quá cao có nơi lên tới 5 triệu, 7 triệu đồng/ tháng... Thì mô hình hợp tác xã dịch vụ nhà ở Thụy Điển lại càng được biết đến, càng nổi tiếng với chi phí siêu rẻ của mình, nhiều nơi đến để học tập mô hình tổ chức và dịch vụ của hợp tác xã.
       Hiện nay, ngoài Nhà chung cư 17T10, hợp tác đã phát triển mô hình quản lý, dịch vụ hợp tác xã nhà ở tại Cụm chung cư Vinaconex 3, Dịch Vọng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Yên Hòa... Hợp tác xã còn vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tư vấn cho thành phố phát triển hợp tác xã dịch vụ nhà ở.
       Mô hình Hợp tác xã dịch vụ Nhà ở Thụy Điển đã được minh chứng sống động trong thực tế ở Việt Nam.
      Tuy nhiên, trên con đường phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi nhà nước, các cấp các ngành quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ để HTX dịch vụ nhà ở ngày càng phát triển vững chắc ở Việt Nam và phát huy được bản chất tốt đẹp và nhân văn của nó.
       Để làm được như vậy, Nhà nước cần quan tâm tháo gỡ về mặt chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mô hình HTX dịch vụ nhà ở phát triển. Nhất là, cần bổ sung, sửa đổi Luật Nhà ở…
       Ôi lại có mô hình tổ chức quản lý dịch vụ về nhà ở hay thế mà, lâu nay anh không biết.
      Cảm ơn Hương nhé, có lẽ anh về bàn thêm với anh em trong Hội Cựu chiến binh của Khu nhà chung cư để thành lập hợp tác xã nhà ở mới được…
 
Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan