-----------------------------------
CHUYỆN TÌNH LÍNH TRƯỜNG SƠN
Lân Tôn là một làng thuộc huyện 40 ( Nay thuộc huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) cũng là nơi tuyến đường B46 chạy qua ở km 113. Từ năm 1968 khu vực Lân Tôn trở thành đầu mối B46 giao hàng cho khu 5 và Bắc Tây Nguyên, là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ-Ngụy… Nơi ấy đã chứng kiến biết bao kỳ tích vượt qua khó khăn gian khổ của người lính Trường Sơn và lưu giữ những ký ức chuyện tình về các chàng trai, cô gái thuở mười tám, đôi mươi…
Ở khu vực đầu mối B46 Lân Tôn ngoài lực lượng bộ đội thuộc BT44 – 559 còn có các đơn vị hậu cần khu V. Trong đó có tiểu đoàn 2 nữ thanh niên xung phong. Các em tuổi đời còn rất trẻ, mới mười tám đôi mươi, rời quê hương lên rừng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hàng ngày các em mặc bà ba đen khăn rằn vắt vai tới kho O3 cõng hàng ra hỏa tuyến. Lâu dần quen, tính chuyện kết nghĩa giữa các đơn vị. Đêm đêm tiếng hát của các chàng trai xứ Bắc hòa với giọng nữ nằng nặng của vùng Quảng Nam: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước …” vang khắp núi rừng.
Rồi những cuộc giao lưu văn nghệ, anh hát, em hát át tiếng bom. Mọi người vòng quanh tán thưởng. Nhiều chàng trai nhắm đọc thơ Phạm Tiến Duật: “Nghe em hát mà anh buồn cười/ nhịp với phách nghe chừng sai cả/ mồ hôi em ướt đầm trên má/ anh và mọi người nhìn nhau khen hay …” và càng vỗ tay cổ vũ to hơn.
Thế rồi anh Bắc, em Nam cùng bắt chặt tay nhau vượt qua khó khăn. Những chiếc gùi của các cô gái cùng với ba lô con cóc của các chàng trai theo chân các nữ chiến sỹ về với các rẫy cách mạng cõng sắn về cứu đói mùa mưa. Những hạt giống rau từ miền Bắc gửi vào được các anh chia sẻ cho các em. Hàng ngày bóng áo xanh của bộ đội miền Bắc hòa với bà ba đen của các em Thanh niên xung phong ở khu vực Lân Tôn cùng chiến đấu, cùng công tác. Hàng ngày cả anh, cả em đều mang gùi vào rừng xanh núi đỏ, cùng ra rẫy kiếm tìm rau xanh, thân tình cởi mở. Tuyệt nhiên chuyện anh, chuyện em không có sự “lộn xộn” nào xảy ra.
Đám cưới đầu tiên được tổ chức ở đầu mối B46 Lân Tôn là vào mùa thu năm 1971 giữa nữ Quân y sỹ xinh đẹp tên Mỹ quê Phú Thọ với chàng trai xứ Thanh tên Tiếp nhân viên quân nhu cùng ở binh trạm bộ 44. Mọi người đều chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Mỹ, Tiếp “thành thân” là câu chuyện đẹp lan tỏa cả vùng Lân Tôn. Trời Lân Tôn như trong xanh và cuộc sống như cũng hối hả hơn, ý nghĩa hơn, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.
Vùng Lân Tôn có những thung lũng, có những triền đồi đất đỏ ba zan màu mỡ chạy dài theo thượng nguồn sông Thanh. Ở đây đồng bào Lân Tôn bất chấp bom đạn của giặc Mỹ, vẫn phát rẫy canh tác. Những nương lúa, nương ngô, nương sắn tươi tốt bám theo hai bờ sông Thanh. Đứng trên đồi nhìn xuống những “đầu trâu húc nước” chắn giữa dòng sông Thanh tung bọt trắng xóa phát ra những tiếng “Ầm, ào” lúc kéo căng, lúc thả chùng hàng dãy; kéo theo một hệ thống rung đập khắp nương lúa, vạt ngô. Tất cả tạo nên một bản hòa tấu đuổi bày chim, lũ chuột, lũ sóc phá hoại mùa màng … nghe vui tai và thán phục tài nghệ của người Lân Tôn. Hạt lúa, củ khoai, hạt bắp … nuôi sống người dân Lân Tôn.
Hàng ngày người dân Lân Tôn vẫn hướng dẫn những chiến sỹ nuôi quân tìm kiếm rau rừng cho bếp ăn bộ đội. Tình quân dân nồng ấm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thế mà! Một hôm già làng quấn xà rông, ngậm tẩu thuốc, cầm mác cùng một cô gái đeo gùi tìm đến lán chỉ huy. Vừa thấy Chính trị viên già làng đã cất tiếng giận dữ:
- Bộ đội! Mình bắt đền bộ đội.
Chính trị viên từ tốn mời ông ngồi và hỏi:
- Già làng bắt đền bộ đội về chuyện gì?
Già làng không ngồi, giọng vẫn giận dữ:
- Bộ đội đổ nước con mình.
- Nước gì bộ đội đổ vào con già làng?
- Nước có thằng người ngồi trong ấy.
Chính trị viên lạnh sống lưng, nhưng vẫn từ tốn mời cụ ngồi uống nước.
Hỏi ra mới biết con gái già làng đang nuôi con nhỏ, hôm chị đang trỉa bắp một anh bộ đội đeo gùi đi lấy rau cho bếp “làm ẩu’ với chị. Theo lệ làng bộ đội phải nộp trâu, heo để cúng giàng nộp phạt. Nếu đúng thế thì quá nghiêm trọng.
Chính trị viên đưa già làng và cô gái đi nhận mặt. Trong bụng anh rất mong là người “làm ẩu” không phải đơn vị mình. Nhưng vừa tới bếp nhìn thấy chiến sỹ Ba quê Nam Hà cô gái đã chỉ: -“anh này”. Ba tái mặt, chực ngã. Thế mới chết.
Ba thú nhận có đuổi theo chị từ dưới dốc lên trên dốc, có ôm chị nhưng chị cầm dao chống cự nên thôi. Cô gái cũng công nhận như vậy. Già làng vẫn nhất quyết phải nộp phạt vì đã ôm con gái ông đang nuôi con nhỏ. Cuối cùng đơn vị phải đem hai con gà “hết lớn” tới nộp phạt …
Chuyện đem gà nộp phạt chưa quên thì một hôm trợ lý dân vận binh trạm xuống đề nghị xác minh chuyện Hơ Mai ở Lân Tôn bắt chiến sỹ Phương làm chồng. Chuyện này gần đây chính trị viên có nghe báo cáo, nhưng chưa kịp xác minh. Hai người cùng chiến sỹ liên lạc xuống Lân Tôn. Làng sơ tán ở hai bên dòng suối. Những chú lợn thả rông chạy toán loạn kêu “Hực! Hực!”.
Hơ Mai ở trong nhà, thấy bộ đội tới, ra chào mời vào nhà – Một cô gái khỏe mạnh, bạo dạn, tự tin. Hỏi cô chuyện bắt chồng, cô chỉ cái cột nhà và nói: - Anh Phương treo võng ở đây, mình nằm đây, thế thôi. Hỏi cô đã cưới chưa, cô liền nói: - Cưới hôm rồi! Mình và anh Phương kiếm được con heo ba nắm hai ngón mời lũ làng rồi.
Thế là rõ! Chuyện Hơ Mai làng Lân Tôn bắt chiến sỹ Phương làm chồng là có thật. Cũng may là chuyện này diễn ra trên đất nước Việt Nam. Nếu xẩy ra trên đất bạn thì lôi thôi to. Nhưng xử lý Phương ra sao đây. Đơn vị gọi Phương về kiểm điểm. Phương quê Nghệ Tĩnh vào tuyến đã hơn hai năm. Anh là chiến sỹ của đại đội 293 bộ binh có nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác, tính tình hiền lành, ít nói hay cười tủm.
Địch đổ biệt kích thám báo thăm dò đầu mối B46 Lân Tôn. Ban đêm chúng dùng pháo hiệu bắn liên lạc với nhau. Các chiến sỹ bộ binh BT44 được lệnh truy lùng tiêu diệt bọn chúng. Nhóm của Phương được phân công cắm bản ở Lân Tôn nên mới nảy sinh tình cảm.
Phương thừa nhận đã làm đám cưới với Hơ Mai và nhận lỗi là chưa báo cáo, chưa được phép của chỉ huy, Phương hứa sẽ làm tốt mọi việc đơn vị phân công.
Thế đấy! Cùng trên đất nước Việt Nam, trai chưa vợ, gái chưa chồng ưng thuận cưới nhau. Tổ chức tính sao đây. Phương nhận được thư chị gái là giáo viên cấp 3 trường huyện có đoạn: “Em cứ yên tâm chiến đấu, khi nào về thích o nào chị sẽ giúp em …”. Anh đi khoe khắp đơn vị.
Cán bộ họp phân tích nhận định: Có thể tuổi trẻ bồng bột nên mới thế và thống nhất tạm thời tách Phương xa Hơ Mai một thời gian xem sao. Phương được phân công đi cánh Nam xa Lân Tôn. Lâu không thấy Phương ghé Lân Tôn, Hơ Mai đeo gùi cầm dựa tìm về đơn vị. Gặp chính trị viên Hơ Mai đòi ngay:
- Bộ đội trả Phương về cho mình.
Chính trị viên nhỏ nhẹ, giải thích:
- Phương là bộ đội, phải đi làm nhiệm vụ. Bao giờ hết giặc mới về nhà được chứ.
Không nói gì, Hơ Mai lẳng lặng đi các lán tìm. Một chiến sỹ biết Hơ Mai hỏi đùa:
- “Sưng ruột” rồi hay sao mà đòi nó về?
- Bây giờ chưa có! Nhưng sau sẽ có.
Cô nói ngay. Rồi cô tiếp:
- Bộ đội không được làm khổ Phương của mình.
Nói rồi cô đeo gùi ra về.
Năm ấy có lệnh của BTL 471 điều một phân đội bộ binh của BT44 về BTL 471 để thành lập đơn vị mới. Nhận thấy đây là thời cơ Phương xa Hơ Mai. Phương có tên trong danh sách đi xây dựng đơn vị mới. Phân đội theo đường giao liên quay ra mất ba ngày mới về tới đơn vị mới ở tỉnh Saavan – Lào. Phương được giám sát chặt chẽ. Mọi người thấy anh vui vẻ, hòa nhập rất nhanh với đơn vị mới. Được ít ngày sau, sáng dậy không thấy Phương đâu. Súng đạn giao cho
Phương, quân tư trang của Phương cũng không còn. Đơn vị điện đi các nơi tìm kiếm Phương. Nhiều người cho là Phương ra Bắc theo lời nhắn nhủ của chị gái.
Nhưng mọi phỏng đoán đều không đúng. Phương trở về Lân Tôn với Hơ Mai.
Dân Lân Tôn đón nhận anh và cử anh làm xã đội trưởng.
Chuyện của Phương và Hơ Mai dần dần cũng nguôi ngoai. Phương vẫn cầm súng ở tuyến đầu chống giặc bảo vệ tuyến lửa Trường Sơn. Có người cho rằng Phương phải bùa yêu thuốc lú của Hơ Mai. Có người lại cho rằng đấy là tình yêu đích thực. Còn đám lính trẻ ngày ấy lại truyền tai nhau: Đấy là chuyện tình. Chuyện tình của lính Trường Sơn.
Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN
ĐT: 039.788.9685