“Cảm nhận sau 4 năm tham gia là hội viên Hội VHNT Trường Sơn và CTV Trang TT&BT Trường Sơn” TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 09:01 24/08/2022 Lượt xem: 263

CẢM NHẬN SAU 4 NĂM THAM GIA LÀ HỘI VIÊN HỘI VHNT TS
VÀ CỘNG TÁC VIÊN TRANG TT&BT TRƯỜNG SƠN
Hoàng Văn Kính
 
       Cũng rất vô tình, một lần đến nhà chơi, thấy tôi bứt rứt, than vãn về cái chuyện từ sau ngày nghỉ hưu đầu óc cứ mụ mị ra “ Kiểu này sớm muộn gì em cũng bị tâm thần mất ”. Bác Nguyễn Kim Chúc thủ thỉ, động viên tôi tham gia vào Hội Văn học - Ngệ thuật Trường Sơn (VHNT TS). Bác bảo: Sân chơi này hay lắm, rồi cậu sẽ thấy cuộc đời này rất đáng sống, chẳng còn thời gian đâu để mụ mị cả. Tôi nghe theo cũng bởi vì bác vừa là đồng đội Trường Sơn, vừa là người anh, một người bạn thân đồng thời bác còn là cộng tác viên Trang TT&BT Trường Sơn lâu năm và còn là Ủy viên của Ban Kiểm tra  Hội VHNT TS.
       Bởi làm nghề tuyên truyền nên trong thời gian còn tại chức thi thoảng tôi có tham gia viết tin, bài cho báo QĐND, báo CCB, Tạp chí Nhà trường. Sau khi về hưu (2015) gác bút, ở ẩn bằng lòng với nghề làm nhân viên chạy long tong cân đong đo đếm bán hàng phụ bà xã. Sợ rằng mình không “ hợp cạ” nên đắn đo mãi, thấy tôi cứ khất lần, bác Chúc liên tục gọi điện giục: Cậu phải nhớ viết không phải cho riêng mình mà đây là trách nhiệm với đồng chí, đồng đội, biết mà không viết, viết được mà không viết là có tội đấy. Phải viết để lưu giữ lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của lớp lớp cha ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Rồi bác còn động viên tôi: Với những kinh nghiệm viết lách vốn có, mình tin cậu sẽ làm được.
       Sau một loạt bài viết được đăng tải trên các chuyên mục Văn học - Nghệ thuật, Kinh tế - Chính trị - Xã hôi của Trang TT Trường Sơn, tôi thấy tự tin hơn và tiếp tiếp tục “ theo nghề ” cho đến hôm nay, mặc dù đã qua tuổi cổ lai hy.
       Đây là một sân chơi không quá khó tính. Ngoài Bản tin Trường sơn định kì 2 tháng ra một số, còn có Báo điện tử đăng tin, bài, ảnh hàng ngày. Không câu nệ về độ ngắn dài của bài viết, có nhiều chuyên mục khác nhau để lựa chọn tùy sở trường, sở đoản, sở thích của bạn. Văn phong không qua cầu kì, câu cú trong bài viết đôi chỗ có thể còn lủng củng, chính tả chưa thật chuẩn chỉ… nhưng không sao đã có Ban biên tập giúp sức. Hội Văn học - Ngệ thuật Trường Sơn từ thời điểm sáng lập năm 2017 mới có 87 hội viên, qua nhiều đợt kết nạp đến nay con số đã tăng lên 336 hội viên ( trong đó có 44 hội viên là nữ giới ), thế mới biết công lao, tâm huyết và sự nỗ lực của Ban chấp hành Hội lớn thế nào.
       Trang báo điện tử có nhiều chuyên mục. Chuyên mục “ Hoạt động của Hội ” thông tin đến hội viên mọi hoạt động thường nhật của TW Hội và các Hội ở các địa phương, giúp mỗi chúng ta có cái nhìn tổng thể về các hoạt động của Hội trong phạm vi cả nước. Chuyên mục Văn hoc – Nghệ thuât có sức hút lớn hơn nhiều so với các chuyên mục khác, cũng phải thôi bởi đây là sở trường cũng là kí ức chiến trường của mỗi người lính, là tình đồng đội, là những khoảnh khắc sinh tử khi phải đương đầu với bom đạn của giặc Mỹ, là vô vàn những khó khăn, thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc… được thể hiện trung thực, sinh động qua những dòng hồi kí, nhật kí, truyện ngắn… qua những câu thơ dung dị với đủ các thể loại: Lục bát, Song thất lục bát, Đường luật, Thơ tự do…Ngoài ra các chuyên mục Sức khỏe - thể thao có nhiều bài viết hấp dẫn giúp hội viên – Những người cao tuổi – hiểu biết về bệnh tật và cách phòng ngừa, Chuyên mục Gương sáng Trường Sơn khắc hoa chân dung những người lính TS năm xưa khi về với đời thường, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có ý chí vươn lên, nêu gương sáng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống…, chuyên mục nụ cười TS mang đến bạn đọc những tiếng cười nhẹ nhàng, sảng khoái… Bên cạnh đó cũng có chuyên mục kén người viết.
       Điều quý nhất trên trang Báo Điện tử là các bài viết dù ở thể loại nào cũng rất trung thực, thể hiện được chất lính, khắc họa đậm nét chân dung những người lính TS, không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ lại phía sau. Khi nhấc bút viết về những sự kiện, những tấm gương chiến đấu hy sinh của đồng đội và cả khi được đọc những bài viết của các cây bút khác nhiều lần tôi không sao cẩm nỗi nước mắt. Kí ức bi thương và hào hùng của cuộc chiến tranh, những mất mát, đau thương cứ hiển hiện về như mới xảy ra hôm qua…
       Hôm đi dự Đại hội Hội VHNT TS chúng tôi còn được thưởng thức 2 chương trình biểu diễn nghệ thuật của Câu lạc bộ Nghệ thuật Phong lan Trường Sơn thuộc Hội VHNT TS có kết hợp với một số tiết mục “ cây nhà lá vườn ” của Hội TS các tỉnh. Lính TS hát về TS, chương trình được dàn dựng công phu, mang đậm tính nghệ thuật. Trên sân khấu các anh, các chị - những nghệ sỹ không chuyên – nom còn rất tươi trẻ, vẫn hào hùng, rừng rực khí thế như hồi nào tuổi mười tám, đôi mươi xả thân đi cứu nước. Mấy bác ngồi cạnh tôi to nhỏ: Xúc động quá, lính mình giỏi thật đánh giặc cũng hăng mà làm văn nghệ cũng khá, chẳng khác gì chuyên nghiệp cả. Tuy nhiên cũng phải nói chương trình biểu diễn tôi 20-10 hơi bị xô bồ. Cũng phải thôi bởi chương trình mang tính quần chúng, anh chị em đồng đội cũ lâu ngày mới được gặp nhau, ai cũng hoan hỷ cả.
       Về dự Đại hội nhiệm kỳ II ( 2022-2027 ) còn thiếu vắng gần nửa số hội viện vì nhiều lí do trong đó đại bộ phận do sức khỏe không đảm bảo, nhiều anh chị đã đăng kí nhưng đến phút chót đành phải bỏ. Tất cả các anh, các chị có mặt tại hội trường đều đã trên dưới 70 tuổi, nhiều bác đã trên tám mươi, không còn trẻ trung nữa. Bác ngồi cạnh tôi thở dài lo lắng: Sang đến nhiệm ky III số anh chị em ngồi đây chắc cũng chẳng còn mấy! Vâng đấy là quy luật của tạo hóa nên anh em mình trời còn cho sống được ngày nào càng phải cố gắng viết. Đến một lúc nào đó thế hệ các chiến sỹ TS không còn nữa đã có lớp con cháu cầm bút tiếp tục kế thừa. Văn phong chúng viết có thể bay bổng, chải chuốt hơn nhưng vì thiếu thực tiễn chiến trường nên sự chân thực, sức cảm hóa, thuyết phục cũng sẽ bị giảm đi, chưa kể có những sai lệch về bản chất của sự kiện.
       Từ trải nghiệm thực tế, tôi nhận ra: Làm cái nghề “ tay trái ” này ngoài một chút năng khiếu bẩm sinh, đòi hỏi người viết phải thật sự tâm huyết, tận tụy với nghề. Phải đọc, đọc rất nhiều thu nhận các nguồn thông tin ( phải có chọn lọc ) để mở rộng kiến thức, sưu tầm tư liệu, học hỏi kinh nghiệm viết lách. Phải rất tỷ mỷ đến từng câu, từng chữ, công phu, đầu tư nhiều thời gian, mỗi bài viết trước khi gửi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Chỗ nào thấy còn ngờ ngợ dứt khoát phải lần ra bằng được chân tơ kẽ tóc, đơn giản, cẩu thả, tặc lưỡi cho xong dễ rước họa vào thân. Nửa thế kỉ qua đi, nhớ nhớ quên quên đây đó có thể nhầm lẫn về thời gian, địa điểm cụ, tên tuổi của nhân vật nhưng bản chất của sự kiện phải chân thật và chính xác.
       Viết để tri ân, báo đáp, ghi nhận sự hy sinh, cống hiện của hàng vạn, hàng vạn đồng đội trên Đường Trường Sơn – Đường Hồ chí minh huyền thoại. Chỉ thế thôi trong lòng đã thấy nhẹ nhõm, đã mãn nguyện lắm rồi.
tin tức liên quan