"Đôi điều cảm nhận từ bài thơ "Người đàn bà sợ đêm" - TG: Hoàng Đại Nhân

Ngày đăng: 06:09 10/09/2022 Lượt xem: 304

"Đôi điều cảm nhận từ bài thơ "Người đàn bà sợ đêm" - TG: Hoàng Đại Nhân
 
NGƯỜI ĐÀN BÀ SỢ ĐÊM
Tác giả Nguyễn Trọng Thái 
 
Người đàn bà đêm đổ thóc vào xay
Đêm vỡ vụn… cuốn xoáy vào miệng cối
Thóc trầy vỏ, cũng không sao hiểu nổi
Người đàn bà đêm ấy, có ai hay?
 
Chiếc áo cối tụt rơi, thóc trong cối chẳng còn
Mà ruột gan người đàn bà chưa nguội
Đêm thanh vắng, ánh trăng như vết cứa
Da thịt nào chịu nổi… để nằm yên !
 
Người đàn bà, đêm đổ thóc vào xay
Cạnh nhà bên có người không ngủ được
Ngoài vườn khuya, tiếng gáo dừa giội nước
Mà ngực trần, cứ rừng rực lửa than.
 
Người đàn bà… trong các cuộc chiến tranh
May mắn được mấy đêm làm vợ
Mấy đêm thôi! mùi đàn ông… để nhớ
Cái đêm kia… áo liệm nỗi đàn bà
 
Chiến tranh đi qua… còn lại phận đàn bà
"Bến không chồng" những người đàn bà cũ
Những người đàn bà sợ đêm … không ngủ
Đổ thóc vào xay, cho quên nỗi đàn bà.
12/ 8/ 2022
Nguyễn Trọng Thái
CLB thơ Chiều Thu - Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình


CẢM NHẬN CỦA HOÀNG ĐẠI NHÂN:

       Từ thời xa xưa của lịch sử đã có những mẫu hình về người phụ nữ thương yêu, chung thủy chờ chồng đến hóa đá để người đời ngàn năm mãi xót thương. Hòn Vọng Phu (còn gọi hòn Tô Thị) đâu chỉ có ở Đồng Đăng (Lạng Sơn) mà còn có ở nhiều nơi: núi Nhồi (Thanh Hóa), núi Bà (Bình Định), núi M’drak (Đak Lak), ở bên bờ khe Giai, bản Cơ Lêc (Nghệ An).
       Có một nhà thơ từng viết những vần thơ thật cảm động, xót xa:
“Đất nước mình trong Nam ngoài Bắc
Ở đâu cũng gặp
Người vợ thương chồng vời vợi tháng năm”
       Những khối đá do thiên nhiên tạo ra, có hình dáng giống người mẹ bồng con chờ chồng nên người đời đặt cho cái tên Vọng Phu để gợi nhớ một chuyện dù chỉ là truyền thuyết, dã sử. Nhưng điều đặc biệt của đất nước Việt Nam trong suốt những năm chiến tranh giữ nước đã có biết bao người phụ nữ là những hòn “Vọng Phu sống” cho người đời nể phục, yêu quý và tự hào về họ.
       Những năm chiến tranh chống Pháp và đặc biệt là cuộc chiến chống Mĩ xâm lược, trên miền Bắc có hàng vạnTthanh niên lên đường nhập ngũ, xung phong vào chiến trường đánh giặc. Và khi ấy, ở các vùng quê chỉ còn các chị em phụ nữ, các cháu thiếu nhi và các ông già đã quá tuổi nhập ngũ. Việc ruộng đồng cũng như các công, nông trường, nhà máy… chỉ còn những người lớn tuổi và chị em phụ nữ đảm đương. Bao việc nặng nhọc, đều do chị em gánh vác nhưng chính trong những tháng ngày này những lời ca tiếng hát “Đường cày đảm đang”, “Hai chị em” rồi “Người con gái tỉnh Đông” v.v… luôn cất lên trên đồng lúa hay trong các buổi hội họp…tạo không khí lạc quan vui vẻ. Nhưng có bao người hiểu và cảm thông tình cảnh chị em - những người xa chồng, họ phải chịu đựng những dằn vặt khổ sở gì khi màn đêm buông xuống, thiếu hơi người đàn ông?
       Là người lính trưởng thành trong cuốc chiến chống Mĩ, lại lớn lên ở vùng quê Lúa Thái Bình nên Nguyễn Trọng Thái hiểu sâu sắc nỗi niềm của những người phụ nữ đưa chồng vào chiến trường những năm khói lửa. Ban ngày họ say việc ruộng đồng nên cũng tạm nguôi ngoai nhưng đêm về, họ lại đau đáu “nỗi niềm đàn bà” đến quặn lòng. Họ hiểu và tin vào chuyện xưa: “Bà mẹ chồng khuyên con dâu hãy cho thóc vào xay trong những lúc nhớ chồng cuộn trào”. Vậy nên ngay từ khổ thơ đầu, anh đã trực tả cái “đêm đổ thóc vào say” ấy. Nhưng thóc ở đâu để xay mỗi đêm? Và làm sao xay được nỗi khát khao bỏng cháy? Xay đến nỗi “đêm vỡ vụn…, Thóc trầy vỏ, cũng không sao hiểu nổi”…
       Chỉ bốn câu thơ mà ta bỗng xót xa, nhói lòng:
“Người đàn bà đêm đổ thóc vào xay
Đêm vỡ vụn… cuốn xoáy vào miệng cối
Thóc trầy vỏ, cũng không sao hiểu nổi
Người đàn bà đêm ấy, có ai hay?”
       Thiếu phụ trong phút nhớ chồng cứ kéo hoài chiếc cối xay, đến nỗi “Chiếc áo cối tụt rơi, thóc trong cối chẳng còn” mà “ruột gan người đàn bà chưa hề nguội”. Vầng trăng đêm cũng như thấu hiểu mà còn muốn trêu ngươi “ánh trăng như vết cứa” vào lòng người thiếu phụ. Tác giả dùng phép tu từ, coi ánh trăng như hiểu lòng người nhưng lại bỡn cợt, cố tình tưới lên da thịt thiếu phụ thứ ánh sáng lung linh, nhẹ lướt vậy thì “Da thịt nào chịu nổi… để nằm yên”?
       Tôi chợt nhớ mấy năm trước, trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (mà tôi quên số) cũng từng đăng một truyện ngắn có nội dung tương tự. Đó là bà mẹ người Mông đã khuyên cô con dâu trẻ rằng: “Lúc nhớ chồng mà cái “nỗi niềm đàn bà trào dậy thì cho ngô vào cối mà xay”. Cô dâu nghe lời mẹ chồng, đổ ngô vào xay nhưng khi ngô hết mà cô vẫn xay hoài tới lúc phiến cối đá vỡ tan, cô mới tỉnh “cơn nhớ”. Xót xa quá. Cái “cơn nhớ hay nỗi đàn bà” thì mọi thiếu phụ, dù miều ngược hay miều xuôi, nào khác gì nhau:
“Chiếc áo cối tụt rơi, thóc trong cối chẳng còn
Mà ruột gan người đàn bà chưa nguội
Đêm thanh vắng, ánh trăng như vết cứa
Da thịt nào chịu nổi… để nằm yên !”
       Một điều cũng rất nhạy cảm và tinh tế, bởi vùng nông thôn các nhà hàng xóm thường sát vách nhau nên nghe thiếu phụ mỗi đêm cứ ù ì xay thóc hoài thì “Cạnh nhà bên có người không ngủ được” cũng là điều dễ hiểu. Họ không ngủ được vì tiếng cối xay và cũng vì nỗi lòng trắc ẩn, xót thương cảnh tình người hàng xóm. Người thiếu phụ một mình ra vườn khuya, cái gáo dừa vục vào chum nước lạnh rồi giội lên khuôn ngực trần, những tưởng nước lạnh sẽ làm nguội đi chút nhớ, vậy mà khuôn ngực “cứ rừng rực lửa than” thì kỳ lạ quá. Ở khổ thơ này tác giả thể hiện một sự tinh tế vô cùng. Anh như nghe tiếng trằn trọc của người hàng xóm ở ngôi nhà cạnh bên, anh cũng như cảm thấy sức nóng “rừng rực lửa than” của khuôn ngực trần khi giội nước trong đêm. Với tôi, đây là những câu thơ, một khổ thơ thật hay- hồn cốt của bài thơ bởi cái tinh tế trong sự miêu tả âm thanh và sự cảm nhận bằng cảm giác rất thơ.
“Người đàn bà, đêm đổ thóc vào xay
Cạnh nhà bên có người không ngủ được
Ngoài vườn khuya, tiếng gáo dừa giội nước
Mà ngực trần, cứ rừng rực lửa than.”
       Ai từng trải qua những năm tháng ấy chắc đều biết, không ít cặp vợ chồng chỉ cưới vội để người trai đi vào chiến trường, mong sao có đứa con nối dõi. Vậy nên có cặp vợ chồng chỉ ở với nhau 3- 4 đêm, thậm chí có thiếu phụ chỉ duy nhất một đêm làm vợ rồi đằng đẵng chia xa. Chỉ vài đêm chồng vợ để thiếu phụ mãi nhớ cái “mùi đàn ông” kỳ lạ kia rồi hy vọng vào ngày về. Nhưng thật buồn thay, mãi mãi nhiều người đàn ông ra trận không về nên “Cái đêm kia…” trở thành “áo liệm nỗi đàn bà”. Câu này, anh viết cũng thật hay, hay đến bất ngờ. Lại vẫn nghệ thuật dùng tu từ nhằm tăng ấn tượng với người đọc một cảm xúc nhói lòng đến vô hạn. Một hai đêm làm vợ để rồi mãi sau “cái đêm kia” sẽ thành chiếc áo “khâm liệm nỗi đau đàn bà” cả một đời:
“Người đàn bà… trong các cuộc chiến tranh
May mắn được mấy đêm làm vợ
Mấy đêm thôi! Mùi đàn ông… để nhớ
Cái đêm kia… áo liệm nỗi đàn bà”
       Trong suốt những cuộc chiến giữ nước vĩ đại của dân tộc đã có hàng vạn người trai hy sinh để cho non sông một dải và đã tạo ra biết bao “Bến không chồng” ở khắp các vùng quê. Bến không chồng đâu chỉ ở xã Thụy Liên- Thái Thụy- Thái Bình mà hầu như địa phương nào trên miều Bắc cũng có những bến sông tiễn biệt người ra trận và những bến sông thương tiếc người không về. Mỗi vùng quê ấy lại có hàng ngàn thiếu phụ là những “hòn Vọng Phu sống” với sự yêu quý nể trọng của người dân.
       Bài thơ của tác giả Nguyễn Trọng Thái - một bài thơ viết về một vấn đề rất nhạy cảm của thời cuộc. Ai cũng biết, thể hiện nội dung này rất khó, nó ở lằn ranh của sự NHÂN VĂN, cảm thông sâu sắc nhưng nếu không khéo sẽ là TAI HỌA trong vấn đề nhạy cảm đối với thế giới phụ nữ mà chúng ta luôn quý trọng. Nhưng rất may, anh đã viết rất khéo, rất thành công. Bài thơ chạm tới nỗi đau đời của những người thiếu phụ trong những năm tháng chiến tranh nhưng cũng là những lời ca ngợi sự son sắt thủy chung với chồng. Họ biết hy sinh để giữ gìn nhân cách đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
       Bài thơ ngắn, viết ở thể bát ngôn (tám chữ), chỉ có 5 khổ với 20 câu thơ nhưng nội dụng thật hàm xúc. Ở đôi khổ thơ, bởi không thể kìm nén cảm xúc, anh đã viết có câu 9 chữ, có câu đến 10 chữ như dạng thơ tự do. Nhìn chung, cách gieo vần cũng chưa thật nhuần nhuyễn, thậm chí có khổ thơ (khổ 2) vần chưa chuẩn.
       Không sao hết và cũng chả ai gò bó số chữ trong một câu, miễn sao diễn ý và gieo vần tạm xuôi là tốt rồi. Anh cũng từng ngỏ trên trang thơ rằng (đại ý): “Anh không phải nhà thơ mà chỉ là CCB yêu thơ. Vậy nên câu thơ có thể chưa hay nhưng giải tỏa được lòng mình và cùng kết giao với bạn bè, đồng đội, vậy là tốt rồi”.
       Rất trân trọng quan điểm của anh. Mong rằng anh luôn giữ mãi con tim nhiệt tình với đồng đội, với thơ, tiếp tục sáng tác những bài thơ hay hơn nữa, góp sức cho CLB thơ Chiều Thu của Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình ngày thêm vang tiếng bay xa.

 
Sài Gòn, chiều 03/9/2022
Hoàng Đại Nhân
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 


tin tức liên quan