“Cảm tưởng khi đọc “Kỷ niệm rừng” của Nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ” – TG: Phan Vĩnh Điển.
CẢM TƯỞNG KHI ĐỌC “KỶ NIỆM RỪNG”
CỦA NHẠC SỸ VŨ MINH VỸ
Phan Vĩnh Điển
Sau Đại hội của Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn lần thứ II, có lẽ điều quý giá nhất các hội viên của Hội nhận được là quà Kỷ niệm của Đại hội; gồm rất nhiều sách giá trị viết về Đường Trường Sơn. Con đường huyền thoại đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước về lịch sử hào hùng của nó. Trong đó, bao gồm sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường. Cuộc sống gian khổ, ác liệt, sự hy sinh to lớn của Bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến trong suốt quá trình xây dựng và chiến đấu bảo vệ con đường. Và cả sự đánh phá ác liệt, dã man nhất của kẻ thù đối với con đường huyền thoại. Với công nghệ của một đất nước công nghiệp hiện đại nhất thế giới, chúng chế tạo ra các loại vũ khí tinh vi, hiện đại và dã man nhất để tiêu diệt con đường huyền thoại của chúng ta. Hòng triệt tiêu con đường tiếp tế vũ khí, lương thực, thuốc men, sức người, sức của, ý chí và tình cảm của Hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho Bộ đội ta ở miền Nam; trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam.
Là những người lính Trường Sơn, nhưng là những người đi sau, trong đợt tổng động viên để chiến đấu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi huấn luyện bộ binh xong chúng tôi cũng được chọn đi học Trường lái xe để kế tiếp cho những người lính lái xe trên đường Trường Sơn; sau đó chuyển sang học lái máy mở đường. Sau này, khi miền Nam được giải phóng, chúng tôi được biên chế vào một đơn vị của bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ chiến đấu chống Fullro, giữ vững an ninh quốc phòng kết hợp với xây dựng kinh tế trên mảnh đất Tây Nguyên gian khổ và ác liệt nhất, sau giải phóng.
Cuộc sống của chúng tôi ngày đầu, sau giải phóng ở Tây Nguyên cũng có muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh. Là những Thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi ở thành phố, thị xã, nhiều người sắp tốt nghiệp cấp III phổ thông, với nhiều ấp ủ giấc mơ vào giảng đường Đại học… Bây giờ lại đang sống giữa rừng núi Tây Nguyên, mưa dầm dề cả tháng trời, quần áo ẩm ướt, hôi sì suốt mấy ngày. Đi tuần tra chiến đấu len lỏi trong rừng suốt cả tuần, ăn đói, mặc rét, suốt đêm ngồi phục kích Fullro, muỗi, vắt cắn chẩy máu dòng dòng không dám gãi… Nhiều đồng chí bị Fullro bắn, hay vướng vào mìn trong chiến đấu, hy sinh khi tuổi đời mới bước sang tuổi đôi mươi, độ tuổi đẹp nhất của đời người, đang tràn đầy ước mơ tương lai và hy vọng sáng ngời về một cuộc sống tươi đẹp trong hòa bình, thống nhất…
Những ngày sau, chúng tôi cắm nhà bạt giữa rừng tập trung vào khai hoang, sản xuất, bảo vệ Tây Nguyên. Lại đúng vào thời kỳ đất nước sau chiến tranh khó khăn, đói kém; nên điệp khúc ăn đói, ăn độn sắn, khoai vẫn diễn ra trường kỳ, đến nỗi bây giờ trông thấy sắn chúng tôi vẫn còn rất sợ. Thời kỳ đầu, đa số chỉ có Bộ đội Nam, nên phải làm tất cả các việc như nấu ăn, khai thác tre. gỗ, đánh tranh lợp nhà… Luồn rừng suốt ngày đêm, nên hầu như ai cũng bị sốt rét đến mắt trắng, môi thâm. Nhiều đồng chí bị sốt rét ác tính, ngay trong thời bình mà cũng không có đủ phương tiện và thuốc men để cứu chữa, nên nhiều đồng chí bị tử vong vì sốt rét. Nhất là, sau này đơn vị được bổ sung các đồng chí Bộ đội Nữ thì số chị em bị sốt rét ác tính và tử vong càng nhiều hơn…
Nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ (bên phải – cầm đàn) trong chương trình “Tình yêu qua chiến tranh” của VTV
Tuy nhiên, khi đọc “Kỷ niệm rừng” của tác giả Vũ Minh Vỹ, chúng tôi thấy, những khó khăn, gian khổ, hy sinh của mình chưa thấm là bao so với lớp cha anh đi trước.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh ác liệt thật mong manh. Bằng lối kể chuyện trung thực, sinh động thông qua những cuốn nhật ký được ghi chép cẩn thận và gìn giữ công phu. Tác giả đã miêu tả trung thực cuộc sống chiến trường gian khổ, ác liệt của mình và đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhất là, những năm tháng tác giả là người trực tiếp làm chiến sỹ Công binh phá bom mổ chậm, đánh bọc phá cắt cây thông đường. Để đoàn xe vượt qua trọng điểm, dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Và sau này làm chiến sỹ Văn hóa, Văn nghệ ngay tại mặt trận, trên những trọng điểm, Binh trạm khó khăn gian khổ, ác liệt nhất trên cả cung đường Đông và Tây Trường Sơn. Lúc nào tác giả và đồng đội của mình cũng nêu cao ý chí chiến đấu, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, sẵn sàng dũng cảm hy sinh, lao vào những trọng điểm gian khổ ác liệt nhất, để thông đường cho xe ra tuyền tuyến...
Tác giả miêu tả sinh động, trung thực các việc làm mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của Bộ đội ta trong rà phá bom từ trường của kẻ địch, bằng cách cắt những mảnh thùng phi và cuộn tròn thành những bó mồi, buộc dây kéo qua bãi bom nổ chậm để phá bom từ trường. Hay cách dùng sào và tấm chắn làm bằng mảnh thùng phun xăng cắt ra, bện thêm nùn rơm rạ, hay bẹ chuối rừng, bẹ ngô được gọi là “công sự di động” để phá bom vướng nổ. Sau được chính tác giả, nghĩ ra sáng kiến dùng bộc phá ném về phía trước để phá triệt để hơn các loại bom vướng nổ, mà đỡ bị thương vong hơn cách làm thủ công như trước.
Có những tấm gương bi tráng, anh dũng hy sinh của chiến sỹ lái xe Trường Sơn, tình nguyện lái xe băng qua bãi bom nổ chậm để nhanh chóng giải phóng đường cho đoàn xe vượt qua trọng điểm. Đến cuối chặng đường thì cả người và xe lĩnh trọn trái bom nổ chậm bùng cháy thành một bó đuốc sống để cứu cả đoàn xe. Hay đồng chí tiểu đội trưởng Thanh niên xung phong luôn gương mẫu đi đầu trong phá bom nổ chậm. Là người luôn có mặt trên mặt đường những lúc khó khăn ác liệt nhất, nên đồng chí và đồng đội đã bị bom địch đánh hy sinh anh dũng ngay trên mặt đường.
Nhiều lần, chính tác giả bị máy bay F4 và OV10 của Mỹ truy đuổi, bắn rốc – két chết hụt và bị thương mấy lần. Có lần chiếc xe chở 10 cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ bị dính bom phát quang, tất cả hy sinh, chỉ nhặt được một ít mảnh cơ thể còn sót lại, đành chia đều thành 10 gói để an táng cho phần mộ của 10 Liệt sỹ…
Bên cạnh những gian khổ, hy sinh trực tiếp hàng ngày trên mặt đường khi phải đối mặt với kẻ thù, được trang bị phương tiện và vũ khí tối tân hiện đại nhất thời bấy giờ như: Bom phá, bom phát quang, bom na pan, bom bi, mìn vướng nổ, các loại pháo, rốc két, dùng máy bay rải chất độc da cam... Đó còn là, cuộc sống vô cùng gian nan, khổ cực của Bộ đội và Thanh niên xung phong hàng ngày ở rừng Trường Sơn. Nhất là, trong thời điểm mùa mưa kéo dài tới 6 tháng. Tất cả các con đường trở nên lầy lội, xe không thể vào được, lương thực thuốc men thiếu trầm trọng… Những ngày đó, Thanh niên trai tráng, sức dài vai rộng, mà mỗi ngày chỉ có 1 lạng gạo ăn lót dạ, kéo dài trong cả tháng. Thậm chí có những ngày hết gạo phải ăn toàn măng tre, măng nứa nên cả Tiểu đoàn bị say măng. Vì thế mà nhiều đồng chí sức khỏe ngày càng sa sút lại bị sốt rét ác tính, không có thuốc chữa, cứ lả dần và ra đi trên tay của những người đồng đội… Cũng chính vì, những gian khổ, ác liệt, thiếu thốn, trăn bề và hy sinh bất cứ lúc nào, trong rất nhiều hoàn cảnh éo le không ngờ đó; mà có người đã thối chí, sinh ra tự thương, đảo ngũ. Mặc dù số đó chỉ là cá biệt, nhưng nó chứng tỏ cho sự gian khổ, ác liệt khủng khiếp mà những người lính trên tuyến đường Trường Sơn phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ năm xưa…
Nhưng trên tất cả, làm người đọc xúc động và cảm phục ý chí chiến đấu, và đức tính trung thực của chàng trai nông thôn Vũ Minh Vỹ. Anh tạm biệt gia đình, đồng quê Bắc bộ yêu dấu, ra đi khi tuổi mới mười bẩy tuổi, vừa học xong cấp III phổ thông với bản lý lịch bị nhận xét không được trong sáng, khách quan, nên không vào được đại học. Anh đã tình nguyện lên đường ra nhập đội ngũ “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước”. Sau hai năm rưỡi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, anh có cơ hội được đi học Đại học. Nhưng anh không tiếp tục đi học đại học, thậm chí cả Đại học nước ngoài. Anh lại tiếp tục tình nguyện xung phong nhập ngũ vào Bộ đội và được điều ra chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ, ác liệt.
Và cũng chính trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ và ác liệt này, ý chí và bản chất tốt đẹp của anh được tôi rèn và từng bước trưởng thành trong chiến đấu. Trong chiến tranh ác liệt không những anh đã nghĩ ra nhiều sáng kiến để đánh bọc phá, mở đường thắng lợi. Với tâm hồn và năng khiếu nghệ thuật của người Thanh niên yêu Văn học và âm nhạc ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Anh đã sáng tác ra nhiều bài thơ, bài hát, truyện ngắn ngay tại chiến trường, trong những ngày chiến tranh gian khổ ác liệt nhất. Kịp thời, động viên chiến sỹ, đồng đội, anh dũng, lạc quan trong chiến đấu. Anh đã nghĩ ra sáng kiến lấy than ở đầu quả pin A đã hỏng, hòa với xăng để viết những bài thơ trên mảnh đuyra để cổ vũ, động viên Bộ đội. Hay chế ra mực bằng nhựa đường để viết lên những tấm bia của đồng đội bị hy sinh trên chiến trường… Và cũng chính trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt ấy anh đã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại chiến trường.
Là một thanh niên không được cao to khỏe mạnh lắm, thậm chí nhiều lần còn bị say tầu, xe. Ốm đau, sốt rét phải đi viện nhiều lần, đến bây giờ cơ thể anh vẫn còn mang theo di chứng bênh tật năm xưa; nhưng anh vẫn không bỏ cuộc… Quyết tâm, nỗ lực rèn luyện với ý chí kiên cường, bền bỉ; kiên trì tự học hỏi phấn đấu vươn lên. Anh đã trở thành Nhạc sỹ, đạo diễn, Ca sỹ và Nhạc công ngay trên chiến trường, từ khi chưa học qua trường lớp đào tạo âm nhạc chính quy nào. Cho nên, sau này được đi học đào tạo Trung cấp và Đại học âm nhạc bài bản, anh đã sáng tác nhiều ca khúc, tác phẩm âm nhạc có chất lượng và trở thành Thạc sỹ, Nhà giáo ưu tú, một đạo diễn, Nhạc sỹ sáng tác có tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam được nhiều người nghe, nhiều đồng đội và bạn bè yêu mến, cảm phục...
Tuy nhiên, theo tôi nếu như cuốn Tự truyện dầy trên 400 trang này, phần đầu nên gọt giũa ngắn gọn, tiêu biểu hơn một chút. Tác giả có thể chuyển từ “Tự truyện” sang thành “Truyện ký” dưới tên một nhân vật không có thật để “Tự truyện” trở thành “Truyện ký” đại diện cho cả một thế hệ Thanh niên yêu nước trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, thì giá trị văn học và nghệ thuật và tính lan tỏa được nâng lên tầm cao hơn.
Nhưng trên hết tôi vẫn khâm phục anh, một chiến sỹ Thanh niên xung phong, một anh Bộ đội “Cụ Hồ” trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là có thật: Rất tiêu biểu, nghị lực, trung thực, kiên cường dũng cảm, có tâm và đa tài…
Phan Vĩnh Điển
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn