Nhà thơ Hồ Văn Chi và “Nhật ký Worldcup 22 – Qatar 2022”. TG: Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 09:00 22/12/2022 Lượt xem: 447
 
NHÀ THƠ HỒ VĂN CHI VÀ "NHẬT KÝ WORLD CUP 22- QATAR 2022"
 
          Lâu nay, tôi cứ tự coi mình là người mê bóng đá, ý nghĩ ấy đã thực sự bị vùi lấp khi sáng nay, nhà thơ Hồ Văn Chi (Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật Việt Nam, Chủ tịch Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng) gửi cho tôi bản thảo tập thơ “Nhật ký Worldcup 22 – Qatar 2022”. Về nhà, đọc nhanh tập bản thảo mới ngộ ra rằng, cái gọi là “mê” đó của tôi chỉ là tự huyễn hoặc. Thực ra sự yêu thích của tôi chẳng là cái “đinh” gì so với sự đam mê bóng đá của anh. Ai nghĩ rằng một “bố già” gần 80 tuổi như anh lại có thể thức để xem trọn vẹn 64 trận cầu, trong đó có những đêm diễn ra đến bốn trận. Có lẽ câu “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá” với anh là chưa đủ. Nói như nhà thơ Cẩm Tú (Phần Văn Thắng) thì với anh Hồ Văn Chi phải “Ăn bóng đá, ngủ bóng đá, yêu bóng đá, thơ bóng đá”.
          Dường như bóng đá luôn réo gọi trong tâm hồn lãng mạn, bay bổng và sự suy ngẫm đến độ chín của anh những vốn từ đủ lớn. Thơ Đường luật vốn dĩ là thể loại thơ đòi hỏi khắt khe về niêm luật, các vế đối phải chuẩn. Vậy mà anh đã viết gần 70 bài thơ ở thể loại này với giọng thơ đầy khí chất, tự nhiên mà không trùng lặp, dù trong một đề tài bóng đá. Có lẽ cảm xúc của anh sau mỗi trận cầu luôn tuôn trào cùng ngòi bút. Tôi có cảm giác mỗi bài thơ được viết ra, anh chưa cần biết nó có hay hay không, nhưng điều anh biết chắc chắn, đó là tình cảm, là tâm trạng, là tình yêu, là suy ngẫm của mình với bóng đá. Anh bộc bạch chân thành:
           Viết trận đầu, còn sung lực bút
           Đến kèo sau, tưởng bở hơi tai
           Hoặc:
           Xem qua mấy bản vần còn lệch
           Xét kỹ đôi dòng đối vẫn sai.
           Mặc. Anh vẫn viết vì lẽ:
           Bởi quá đam mê mà gánh mệt
           Đường bơi tới bến hãy đương dài.
           (Mới nửa chặng đường)
           Ấy là anh nói vậy, chứ chắc chắn tôi cũng như các đọc giả phải kính nể và trân trọng sức lao động sáng tạo của anh khi một giải Worldcup kéo dài cả tháng trời đã được anh “nén” trong gần bảy mươi bài thơ, mà mỗi bài chỉ vẻn vẹn 56 từ. Đọc hết 64 bài thơ về 64 trận cầu cụ thể, ta như đang xem các buổi bình luận trực tiếp. Có tiếng hò reo của cổ động viên, có biệt danh: “Gà trống”, “Đại bàng” “Tam Sư”, “Xe tăng”, “Quỷ đỏ”…Có tiến công, có phòng ngự, có chồng biên, tạt cánh, chạy chỗ, đánh đầu…
           Trên sân cầu thủ đua cơ hội
            Khán giả hò reo dậy khán đài
           (Trận 47, Bảng G: Serbia VS Thuỵ Sỹ).
           Hoặc:
           Chín chục ngàn fan phủ kín đài
           Reo hò dậy đất đến ù tai.
          (Trận 64- Chung kết: Pháp VS Argentina).
          Ngang sức cân tài quá hiểu nhau
          Công nhanh, thủ vững xứng hàng đầu
          “Tam sư” hảo thủ đang nhiều lắm
          “Gà trống” thiên tài chẳng ít đâu.
         (Trận 60- Tứ kết 4: Anh VS Pháp)
         Chồng biên, tạt cánh đều nhanh nhẹn
         Chạy chỗ chuyền banh khá dẻo dai.
        (Trận 44 Bảng E: Costa Rica VS Đức).
         Đọc bản thảo, tôi có cảm giác nhà thơ không đơn giản chỉ là xem bóng đá, mà dường như anh đang thả hồn mình vào mỗi trận đấu. Anh cũng vui với đội chiến thắng, cũng buồn đến nao lòng với đội thua trận. Đọc xong mỗi bài thơ, ta thấy những diễn biến của trận đấu cứ hiện lên trước mắt, bởi nó thật, nó hay, nó vui, nó buồn và lắm nỗi đắng cay. Đó là câu chuyện của đội cửa trên bị “rớt đài” thê thảm, là những ngôi sao chưa kịp toả sáng đã vội tắt. Sự trải lòng trong mỗi trận cầu đã giúp anh viết nên những câu thơ nhức buốt tận đáy lòng:
          Bị liền ba trái luân lưu hỏng
         “Bò tót” rời sân xót đủ điều
         (Trận 55: Maroc VS Tây Ban Nha)
          Hay:
          Luân lưu xuất sắc Tăng –gô thắng
          Khán giả La tinh nước mắt đầy.
          (Trận 58- Tứ kết 2: Hà Lan VS Argentina)
          Rồi:
          Maroc làm nên cơn địa chấn
          Thương thay phận hẩm “quả cầu vàng”.
           (Trận 59 Tứ kết 3: Maroc VS Bồ Đào Nha).
          Biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn cùng niềm bâng khuâng dịu vợi đã đi cùng nhà thơ qua từng trận đấu. Đó là những bàn thua oan nghiệt, là những nét chấm phá riêng, độc đáo, góc cạnh mang thương hiệu của các siêu sao như Ramos, Ronaldo, Neyma, Lukaku, Mbappe, Messy…Cảm xúc trong thơ Hồ Văn Chi thật tha thiết, mới mẻ, say đắm khi:
          Thời cơ thắng bại luôn chao đảo
           Ranh giới hơn thua cứ nhập nhoà.
          (Trận 34, Bảng A: Ecuador VS Senegal)
          Rồi:
          Kèo trên, Bồ tưởng dễ làm càn
          Nhưng cuối tăng đầu bị trái oan
          Đờ- Nét -Ta lao ra đấm gió
          Nesyri nhảy tới ghi bàn.
          (Trận 59 Tứ kết 3: Maroc VS Bồ Đào Nha).
          Mbappe sắc sảo ghi bàn đúp
          Đan Mạch bùi ngùi bại một – hai
         (Trận 23. Bảng D: Pháp VS Đan Mạch).
Hoặc:
         “Ca rô” trội điểm chơi vòng tiếp
         “Quỷ đỏ” đồng banh thấm nỗi sầu
          Lão tướng Lukaku rớt lệ
          Chắc gì đủ sức đá kỳ sau!.
         (Trận 41. Bảng F: Croatia VS Bỉ)
          Tôi không nghĩ nhà thơ là một fan cuồng điên của một đội bóng nào, nhưng chắc chắn anh phải là người mê bóng đá đến cháy lòng, hiểu bóng đá và yêu bóng đá đến đắm say. Có lẽ chỉ có thế anh mới “chắt” ra được những vần thơ trôi chảy với nhịp điệu truyền thống của thể thơ Đường luật, bằng những ngôn từ mộc mạc, chân tình nhưng nhiều khi đã chạm đến những triết lý về đạo đức bóng đá, văn hoá bóng đá. Có thế anh mới đủ sức để theo dõi sát từng trận đấu, từng vòng đấu và đưa ra nhận định, dự đoán như một chuyên gia. Chưa hết vòng bảng anh đã nhận định đội Pháp sẽ là ứng cử viên vô địch:
          Thủ quân Lloris luôn nhanh nhạy
          Tiền đạo Mbappe thật dẻo dai
          Đội tuyển Phờ- Răng phô sức mạnh
          Ứng viên vô địch rõ hình hài.
          (Trận 8. BảngD: Pháp VS Australia)
          Trước vòng bảng 3 anh đã nhận định khá chuẩn xác16 đội sẽ vào vòng trong:
          Brazil, Pháp, Bồ Đào Nha
          Ba nước niềm vui sớm vỡ oà
          Maroc, Hà Lan, Anh, Thuỵ Sĩ
          Ba Lan, Mỹ Quốc, Úc, Ghana
         “Sê-Nê”, “Cờ- roát” cùng qua ải
         “Bò tót”, “Tăng gô” khỏi về nhà
         Và tuyển Japan gây địa chấn
          Là mười sáu đội đủ rồi nha.
         (Nhận định 16 đội qua vòng bảng)
          So với thực tế, dự đoán của anh chỉ sai một đội. Hàn Quốc thay cho Ghana.
          Đọc xong tập bản thảo của nhà thơ Hồ Văn Chi, tôi trộm nghĩ, ở thể thơ Đường luật này, với hiểu biết thuộc tầm thi sĩ vốn xuất thân từ quê hương của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương, cùng với một tâm hồn nhạy cảm trước sự kỳ diệu của bóng đá, tập thơ “Nhật ký Fifa Worldcup 22- Qarta 2022” đã rất thành công với cách tiếp cận, cách thể hiện độc đáo, khác biệt. Thước đo giá trị của tập thơ chính là sự bình dị của ngôn từ và sự chân thành của cảm xúc. Dưới dạng nhật ký, nhà thơ không cầu kỳ gọt giũa để khoác cho tập thơ chiếc áo ngôn ngữ bóng bẩy. Nhưng qua ngòi bút sắc sảo đầy biến hoá của tác giả, người đọc có thể được đắm chìm cảm xúc của mình trong từng trận đấu khi bóng đá được thi vị hoá bằng ngôn ngữ văn học đậm chất lãng mạn. Tin tưởng rằng, sau khi xuất bản, tập thơ “Nhật ký Fifa Worldcup 22- Qarta 2022” sẽ được đông đảo bạn đọc đón nhận. Và nó sẽ là động lực để một nhà thơ giàu sức sáng tạo và sự dâng hiến hết mình cho thơ cùng với niềm đam mê bóng đá, yêu bóng đá và hiểu bóng đá như Hồ Văn Chi tiếp tục cho ra đời tập “Nhật ký Fifa Worldcup 23” sau 4 năm nữa./.


Hồ Văn Chi và Đỗ Ngọc Thứ (bên trái) tại Đại hội lần thứ II - Hội VHNT Trường Sơn 
 
Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
 
tin tức liên quan