"Từ chuyến xe 18" - Cuộc trò chuyện bằng ngôn ngữ Hội họa. TG: Phạm Hồng Loan .
“TỪ CHUYẾN XE 18”-
CUỘC TRÒ CHUYỆN BẰNG NGÔN NGỮ HỘI HỌA
Phạm Hồng Loan
Ngày 05 tháng 10 năm 2022, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, cuộc triển lãm tranh Từ chuyến xe số 18 được cắt băng khai mạc. Các tác phẩm trong triển lãm là tổng hợp những trải nghiệm cá nhân của hai nhân vật đặc biệt. Họ gọi nhau là cha, là con, nhưng thú vị hơn, họ có cơ duyên trở thành những người đồng nghiệp, những người bạn trên con đường nghệ thuật. Đó là câu chuyện của họa sỹ Vũ Xuân Dương (*) và họa sỹ Vũ Tuấn Việt.
Vào năm 2000, họa sỹ Vũ Xuân Dương (Thạc sỹ Mỹ thuật, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân, chi hội trưởng chi hội Mỹ thuật Việt Nam-Nam Định) đưa con trai lần đầu lên Hà Nội tham dự triển lãm cá nhân của mình. Anh không ngờ rằng chuyến xe số 18 đã đánh dấu một thời khắc thay đổi giữa cha và con. Lần đầu tiên người con được hiểu về ngôn ngữ riêng của bố, ấy là hội họa. Và cũng bắt đầu từ đó, những gam màu cảm xúc từng bước in sâu vào tâm trí cậu con trai. Chuyến xe 18 xưa đã chở đầy hoài bão và thành công để 22 năm sau, cậu bé ấy có thể đứng cạnh bố cũng tại nơi đây không chỉ với tư cách của người con mà còn là người đồng nghiệp. Tuy nhiên, sự khác nhau về không gian sống, về con đường phát triển sự nghiệp nghệ thuật đã tạo nên cho hai cha con những kí ức, suy tư riêng biệt. Thông qua điểm nhìn và cảm hứng từ phong cảnh xung quanh mình, hai họa sĩ gửi gắm những trải nghiệm đó vào tranh, và cũng là dịp để hai đồng nghiệp đặc biệt có cơ hội trò chuyện một lần nữa bằng ngôn ngữ hội họa .
Họa sỹ Vũ Xuân Dương mang đến triển lãm những gam sắc màu riêng biệt của những nơi anh từng đến, từng đi, từng trải nghiệm. Với phong cách khoáng đạt, không bị gò bó trong khuôn khổ hiện đại, nét vẽ khỏe, nắm được chất dân gian trong từng chi tiết, anh phả hồn vào từng nét vẽ, đem đến cho người xem tranh cảm giác nhẹ nhàng, thư thái như được thong thả dạo bước trên con đường quê thân thuộc nơi Vùng quê bình yên của anh trên con đường làng quanh co, dưới mái đình cong cong đậm dấu ấn của thời gian, ngắm nhìn những giếng nước, cây rơm, bờ ao, mà sao thấy tất cả đều thân thương lạ. Bằng cách tạo hình chắc chắn, đường nét mạnh, mang đậm màu sắc dân gian, anh đưa người xem đến ngôi Chùa Cổ Lễ trong thong thả tiếng chuông ngân xa thả vào hư không rồi cô đọng lại ở một góc nghiêng trong Chiều Tam Đảo. Ở một góc khác, Vũ Xuân Dương vấn vương đầy màu sắc tươi vui với những ghềnh đá đĩa đan xen nơi góc biển bình yên trong Phong cảnh Phú Yên. Và có một Vũ Xuân Dương khắc khoải, trầm tư theo diễn biến thời cuộc trong Ngõ vắng thời Covid. Hãy đi với những bước chân thật chậm, thật nhẹ nhàng cùng nghệ sỹ để lắng nghe tiếng gà gọi mặt trời lên, tiếng cá quẫy, tiếng cựa mình khe khẽ của đất đai, để hít căng lồng ngực hương nồng say của cỏ cây hoa trái trong cảm giác nâng niu, trìu mến thân thương, gần gũi, yên bình. Có cảm giác trong mỗi bức tranh của người họa sỹ này như văng vẳng tiếng nhạc màu. Hình như trong trái tim của người họa sỹ, những kí ức ở nơi sâu thẳm nhất là những rung cảm về mảnh đất nơi mình sinh sống, là những trải nghiệm bản thân về thời cuộc, gia đình, tuổi thơ, những niềm vui, mất mát đều thể hiện trong từng bức tranh với bút pháp chân thực và dung dị. Mỗi tác phẩm là những câu chuyện, là sự trải nghiệm của anh trong cuộc sống. Với những gam màu đằm thắm, mỗi bức tranh phong cảnh đều thể hiện cái nhìn riêng, tiếng nói riêng để cất lên tiếng lòng trước vẻ đẹp thiên nhiên, của quê hương, đất nước để thấy mỗi bức tranh là một nét đẹp của tâm hồn người nghệ sỹ. Cách sử dụng nét bút linh hoạt, chủ động của họa sĩ làm cho sự vật trong bức tranh trở nên sống động, có hồn. Mỗi bức tranh thể hiện những góc nhìn khác nhau về kí ức, hiện thực đời sống, về những nơi mà nghệ sĩ đã trải qua, chiêm nghiệm và đúc kết bằng cảm xúc.
Đằng sau những bức tranh, người ta có thể nhìn ra một Vũ Xuân Dương gói trọn nhiều ẩn ý rất trừu tượng trong hiện thực của đời thường, hoặc cố lãng quên mà chẳng hề quên để vượt qua những xáo trộn, những thăng trầm, vươn tới những ước mơ, những thành công nhất định.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam cắt băng khai mạc triển lãm
Đến với triển lãm, họa sỹ Mai San trải lòng mình: “Vũ Xuân Dương đã làm chủ một góc phòng tranh với những bức tranh về con người, làng quê Việt Nam. Kể cả những tác phẩm vẽ dạng mới, anh đã truyền tâm tư, tình cảm của mình vào từng nét vẽ với họa sắc hài hòa tình yêu đến người xem, thể hiện sự lao động bền bỉ, nội lực.” Nói về những đam mê của mình, Vũ Xuân Dương bộc bạch: “Nghệ thuật đối với tôi là sự tận hưởng. Tôi cảm nhận cuộc sống và biểu đạt lại nó dưới góc nhìn cá nhân, với chất xúc tác là cảm xúc nội tại. Tôi nhìn cuộc sống một cách nhẹ nhàng và tôi hiểu chỉ khi chúng ta nhìn thế giới một cách thuần túy nhất, tinh khôi nhất, lúc đấy chúng ta mới diễn tả lại thế giới được, cho riêng mình.”
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2016, Vũ Tuấn Việt được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định, năm 2017, trở thành Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngay từ khi còn là sinh viên, Vũ Tuấn Việt đã bén duyên với giải Nhì (không có giải Nhất) Triển lãm tranh, ảnh toàn quốc bảng B Mỹ thuật chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên chủ đề Nét đẹp đời thường do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2016. Từ năm 2018 cho tới nay họa sỹ đã sớm chứng tỏ mình là một trong những tài năng mới của hội họa đất Thành Nam, với hàng loạt các giải thưởng và dự án tham gia thực hiện: Top 10 tác giải đạt Giải đồng hạng Nghệ sĩ trẻ năm 2021 do Hội đồng nghệ thuật - Hội Mỹ thuật Việt Nam bình chọn tại Triển lãm "Chúng ta đang nghịch gì" được tổ chức tại VCCA - Vincom Center for contemporary Art. Ngoài ra, Vũ Tuấn Việt tham gia làm các tác phẩm và hỗ trợ các hoạt động mang tính xã hội như: Cố vấn Nghệ thuật và Thành viên BGK vòng Bán kết cuộc thi Green Talk do GreenHub tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Giải Khuyến khích Dự án "Nghệ thuật Tái chế" trong cuộc thi được tổ chức bởi tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc UNESCO và Cocacola 2019. Giám tuyển triển lãm "Từ hành tinh B612 đến vẽ như Picasso" trong khuôn khổ Dự án Phát triển trẻ - Vì một tương lai xanh.
Tiếp nối dòng chảy của triển lãm “Dịch chuyển” tại Hà Nội, GốcCreation và Toong mang đến showcase cá nhân đầu tiên của họa sỹ Vũ Tuấn Việt tại TP Hồ Chí Minh mang tên “Luân chuyển” với hơn 30 tác phẩm được trưng bày. Đây là những tác phẩm đánh dấu đầy đủ quá trình khởi đầu, quan sát, đấu tranh, trải nghiệm và trưởng thành của người họa sĩ trẻ trong 6 năm. Với Triển lãm “Luân chuyển”, Vũ Tuấn Việt muốn qua những tác phẩm chuyển tải thông điệp thay vì hãy sống thoải mái trong vòng an toàn và né tránh những áp lực của thế giới xung quanh thì hãy “luân chuyển”. “Luân chuyển” từ nội tại, bằng sự tiến bộ phát triển, dám dũng cảm đương đầu với cuộc sống.
Trong giai đoạn trước, Vũ Tuấn Việt thường khai thác chủ yêú chủ đề về con người và nội tâm con người với những góc khuất trong tâm tưởng. Đến với Triển lãm Từ chuyến xe số 18, cùng người bố của mình, Vũ Tuấn Việt thể hiện cái nhìn đa chiều hơn trong quá trình tìm tòi về cảm xúc với tự nhiên trong những bức vẽ phong cảnh. Đây được coi là chủ đề còn ít khai thác trong quá trình sáng tác, tuy nhiên nó vừa vặn với những trải nghiệm và thông điệp mà người nghệ sĩ đưa vào trong tranh. Những tác phẩm trong triển lãm lần này có chiều sâu suy tư hơn so với những triển lãm trước. Ngôn ngữ, màu sắc có sự đổi mới tươi sáng hơn, đường nét khỏe khoắn mà mềm mại, gần như một cuộc lột xác, đem đến cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Những cấu trúc không gian cùng khối hình giúp họa sỹ phân chia rõ ràng hơn sự đan xen giữa các mảnh ghép nhịp điệu thời gian chuyển tải tất cả những tâm tư sâu lắng với đa góc nhìn vào tranh, với cảm nhận sâu sắc và chiêm nghiệm những thăng trầm trong cuộc sống. Đến với Một thế giới mộng mơ người xem đến với một khu phố nhỏ với tông màu ghi lạnh nhẹ nhàng đặt giữa trung tâm tranh, xung quanh được bao bọc bởi mảng màu xanh nhẹ nhàng cùng vàng hồng tạo sự tương phản về nơi con người chen chúc trong những mảnh tường với thế giới tự nhiên bên ngoài. Những tầng lớp nhà cửa phố phường, con đường đan xen nhau và chỉ thi thoảng ta mới bắt gặp những mảng nhỏ cam tạo nên nguồn sáng nơi gia đình. Bức tranh thể hiện cách nhìn xoáy vào mọi ngóc ngách, va đập của cuộc sống, có thêm nét táo bạo về bút pháp, màu sắc khác lạ, chuyển tải cảm xúc mạnh mẽ đến người xem.
Là người đam mê, miệt mài, luôn có kế hoạch làm việc với sự tính toán kĩ lưỡng, những tác phẩm Vũ Tuấn Việt mang đến triển lãm lần này sự táo bạo, hiện đại, với những ý tưởng mới lạ pha trộn với sự mãnh liệt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, đánh dấu giai đoạn mới trong hành trình theo đuổi hội họa. Đó là dấu mốc người họa sỹ vượt qua sự tự ti, áp lực cuộc sống, trưởng thành, bước tiếp trên con đường mình đã chọn với tâm thế và ý niệm mới. Tuấn Việt cũng như những nghệ sĩ trẻ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về những giá trị trong cuộc sống đương đại. Họ đặt vấn đề một cách thẳng thắn, trực diện để phản ánh chân thực những vấn đề nhức nhối thường nhật, do vậy tính thời sự và nhân bản là điều ta dễ dàng nhận thấy trong từng tác phẩm.
Vững bước trên chặng đường mới, vẫn với những ngôn ngữ riêng, Vũ Tuấn Việt sẽ phát triển sâu hơn về mặt ý tưởng và tạo ra những thực hành nghệ thuật mới đến với khán giả. Vẫn xoay quay chủ đề về Nam Định- phát triển ý tưởng của triển lãm Dịch Chuyển - nơi kết nối những câu chuyện của người Nam Định xa xứ, tạo nên một thế giới mới- thế giới nội tâm của nguời Nam Định nơi đất khách quê người. Họa sỹ trải lòng mình: “Việc theo đuổi những góc khuất trong tâm tưởng của xã hội hiện tại, bằng những cảm xúc trải nghiệm cuộc sống, tôi lựa chọn cho mình ngôn ngữ thể hiện giúp biểu đạt được rõ ràng hơn về ý đồ cảm giác, đó là lập thể. Những cấu trúc không gian cùng khối hình giúp tôi phân chia rõ ràng hơn sự đan xen giữa các mảnh ghép nhịp điệu thời gian mà tôi cảm nhận được”
Đến dự triển lãm, Chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn phát biểu: “Tranh của Vũ Xuân Dương đánh động chúng ta bằng những xúc cảm, mang tinh thần người Việt, cái chất thành Nam. Với Vũ Tuấn Việt, tuổi trẻ họ bạo dạn hơn, họ có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, họ cứ vẽ khác đi, khác với phụ huynh, càng khác càng tốt, thì Việt cũng đang làm được điều ấy. Tôi cho rằng đấy là điều may mắn cho một gia đình có hai cha con cùng làm nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là niềm vui của anh Dương mà cũng là một niềm vui của đồng nghiệp. Tôi nghĩ đất thành Nam đã sản sinh ra rất nhiều nhân tài, và văn hóa thành Nam cũng là một nét văn hóa rất đặc biệt trong văn hóa của người Việt. Và tôi cho là những tín hiệu, những cách sử dụng tạo nên một bút pháp Vũ Xuân Dương. Đối với tôi là sự bất ngờ. Tôi không nghĩ anh có thể vẽ được tung tẩy, trước đây những tác phẩm của anh thường rất nặng. Tất cả mọi thứ nó căng thẳng và có nhiều ý niệm chiều sâu về nhân sinh, đương nhiên có rất nhiều cái khó giải thích. Và tôi tin với khi bắt đầu những lộ trình khác, đấy là một điều may mắn của Vũ Xuân Dương. Chúc hai cha con sẽ có tiếp có những lộ trình mới, lộ trình khác, và phụ huynh lại càng phải khác nữa, để cùng với con, để xem ai hơn ai, con hơn cha, mà cha cũng đủ sức khỏe để đọ sức với con. Chúc tất cả quý vị, chúc các bạn đồng nghiệp có mặt ở đây cảm nhận cái tiếng lòng của hai cha con trong triển lãm.”
Hai cha con, hai phong cách nghệ thuật khác nhau. Nếu bố đằm thắm, có chiều sâu mang đậm yếu tố dân gian kết hợp hiện đại bao nhiêu thì với ngôn ngữ lập thể, Vũ Tuấn Việt biểu đạt những chiều sâu ý niệm về không gian, thời gian, những trúc trắc trong nội tâm con người bấy nhiêu. Đằng sau mỗi bức tranh của Vũ Tuấn Việt đều thấy thấp thoáng bóng hình người cha ở ý tưởng, màu sắc, thấy sự hòa nhập giữa hai thế hệ bởi cuộc trò chuyện không bị ngắt mạch và sẽ vẫn tiếp diễn theo con đường sáng tác tiếp theo của hai cha con. Qua dấu ấn hội họa, họ thấu hiểu, bổ sung cho nhau để cùng thỏa sức đam mê và tự tin theo đuổi mơ ước của mình, cùng vận hành những cỗ xe trên con đường thành công phía trước.
------------------------------------------------------
(*) Họa sỹ Vũ Xuân Dương - (Thạc sỹ Mỹ thuật, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nhân, chi hội trưởng chi hội Mỹ thuật Việt Nam-Nam Định) - Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn