"Ngày trở lại Tây Nguyên" - Tản văn của Đại tá, PGS,TS Đỗ Ngọc Thứ -
NGÀY TRỞ LẠI TÂY NGUYÊN
Tản văn
Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Tây Nguyên, trỏ lại vùng đất đỏ BaZan đã nhuốm một phần máu của tôi và các đồng đội trong những năm tháng đất nước còn khói lửa chiến tranh.
Một sáng bình yên, tôi và thằng bạn cùng đơn vị cũ lấy xe máy chạy chầm chậm dọc con đường 14 đã rải thảm nhựa phẳng lì, lặng lẽ cảm nhận những đổi thay của xứ sở “hoa Pơ lang”sau bao năm xa cách. Giữa san sát những ngôi nhà cao tầng mà hình ảnh những ngôi nhà gỗ, mái lá, mái tôn xưa cũ cứ hiện ra như những thước phim quay chậm theo vòng bánh xe lăn. Có chút man mác nhớ, man mác buồn khi bất chợt bắt gặp những kỷ niệm xưa giữa muôn vàn thay đổi.
Con đường 14 dẫn tôi đến những địa danh thân quen, nơi đơn vị tôi đã đứng chân trong những năm tháng còn rền vang tiếng súng: Thuần Mẫn, Hà Lan, Buôn Hồ, cầu 14, đồi Đô Ry, Đức Lập… và cuối cùng dừng lại bên con Suối Đắc Đam – nơi đơn vị đã ém quân, bí mật mở những con đường và bến vượt dòng Sê - rê - pốc hùng vĩ để xe tăng và đại quân ta tiến vào giải phóng Ban Mê thuột. Dựng chiếc xe bên hàng cây, tôi lội bộ xuống dòng suối và ngồi lặng trên lèn đá đầy rêu, cảm nhận không gian trong lành, yên tĩnh của Tây Nguyên giữa mùa Cà phê trĩu quả. Trong thời tiết giao mùa, không khí se se lạnh, giữa không gian nhuốm màu xưa cũ chợt thấy lòng bâng khuâng đến lạ. Hình như tôi đã quá bận rộn, quá vội vàng để quên đi những hình ảnh thân thương, những ngày tháng gian lao mà anh dũng, những nếp sống giản dị của người dân nơi Cao nguyên đầy nắng và gió.
Tây Nguyên trong tôi là những bữa ăn với rau tầu bay chấm muối, là những đêm thức trắng giữa rừng phục bắt Phun Rô, là sắc vàng của mùa Dã quỳ, là màu trắng tinh khôi của hoa Cà phê, là những con đường đất đỏ lầy lội, là cánh rừng Khộp ngày đêm xạc xào tiếng gió, là tiếng tác trong đêm của chú Nai con lạc mẹ, là những chiều đông lãng đãng mưa bay, là hương Cà phê bên quán nhỏ, là chút nuối tiếc về mối tình đầu không được đoàn viên... Thế đấy. Tôi lại phải xa Tây Nguyên, xa cái nơi nhiều kỷ niệm của một thời trai trẻ. Cứ ngỡ mình tạm xa nơi này để thực hiện những khát vọng, những ước mơ. Ngờ đâu, khoảng xa ấy cũng đã gần trăm mùa lúa, hỏi sao lòng tôi không day dứt, không cồn cào khi nhớ về Tây Nguyên.
Còn nhớ, ngày tôi cùng thằng Thanh, thằng Vang, thằng Bình…rời xa Tây Nguyên cũng là ngày mấy thằng bạn thân của tôi vĩnh viễn nằm lại nơi quê hương đất đỏ. Đó là một kỷ niệm buồn, một bài học về sự cảnh giác. Một chiều mùa mưa năm 1976, tên Trung sỹ ngụy người Việt gốc Hoa Lý A Phúc đã lẻn vào cài mìn hẹn giờ tại kho bộc phá của đơn vị (C6, E574, F470), đúng giờ giao ban thì mìn nổ,kéo theo một tiếng nổ long trời của gần 10 tấn TNT trong kho. 36 đồng đội thân yêu của tôi trở về với cát bụi, trong đó có thằng bạn chí cốt cùng trong đội bóng đá của Trung đoàn với tôi. Thật buồn, đất nước đã im tiếng súng mà máu đồng đội vẫn rơi, vẫn nhuộm đỏ thêm vùng đát Bazan này. Hôm nay ghé thăm nghĩa trang Đức Lập, nơi chúng nó nằm, cứ thấy nghèn nghẹn nơi con tim đã có phần héo úa:
Nửa đời tao mới về thăm
Hoa Bằng lăng rụng tím bầm nỗi đau
Tìm bạn! Bạn ở nơi đâu?
Cà phê thả cánh thâm màu dưới mưa
Về thăm lại chiến trường xưa
Lặng nghe tiếng gió thổi lùa buốt tim.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, tôi đã đi đến tận cùng những vùng đất mới, dù nơi ấy đã cho tôi nhiều hơn những gì mong đợi, nhưng sâu thẳm trong tim mình, những ký ức về một Tây Nguyên hoang dã vẫn luôn nguyên vẹn, vẫn yêu đến cháy lòng. Hôm nay trở về chốn cũ, trái tim tôi lại bồi hồi, tâm hồn tôi lắng lại để hình ảnh Tây Nguyên xưa, hình ảnh những đồng đội thân yêu ùa về trong miên man nỗi nhớ./.
Đại tá, PGS,TS Đỗ Ngọc Thứ -
Nguyên chiến sỹ e574,f470, BTL Trường Sơn.
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)