"Điều không mong muốn" - Truyện ngắn của Ngọc Thứ

Ngày đăng: 11:25 05/02/2023 Lượt xem: 469
 

 
ĐIỀU KHÔNG MONG MUỐN
Truyện ngắn của Ngọc Thứ

 
        Ngày anh bỏ nhà ra đi, trời đổ mưa tầm tã. Đêm trước hôm quyết định “cắt đứt dây chuông”, anh đã ôm vợ thật lâu và âm thầm khóc thật nhiều. Có lẽ, ngoài tiếng khóc chào đời, đây là lần đầu tiên anh khóc. Chẳng có tiếng nức nở nào, chỉ có nước mắt anh âm thầm rơi. Tài sản anh mang theo chỉ là mấy bộ quần áo bộ đội đã phai sờn, nhét trong chiếc ba lô bạc màu sương gió.
***
       Anh và chị đã có những tháng năm hạnh phúc bên nhau. “Đôi bạn ngày xưa cùng chung một lớp”, giờ đã cùng chung một nhà. Chị - cô giáo trường làng, một buổi đến lớp, một buổi phụ chồng việc nhà. Chị không đẹp nhưng có duyên. Cái đằm thắm, mặn mà toát ra từ thân hình thon thả, căng tràn sức sống của chị đủ để nhiều chàng trai đi qua phải ngoái đầu nhìn lại. Anh - người lính Trường Sơn phục viên, một mình lăn lộn với mấy sào ruộng khoán cùng một trang trại nhỏ thầu từ khu đất hoang của xã. Hai vợ chồng tần tảo, chắt chiu xây dựng cơ nghiệp. Trời không phụ công người, chẳng bao lâu vợ chồng đã có một ngôi nhà nhỏ, khang trang, sạch đẹp.
***
       Thời gian cứ lặng lẽ trôi, cái thai trong bụng chị cũng lặng lẽ lớn lên. Khỏi phải nói chị hạnh phúc đến nhường nào: “Thiên thần của mẹ, mau lớn nhanh rồi ra với mẹ, đừng làm mẹ đau nghe con”. Dường như đứa con chẳng nghe lời mẹ nói. Nó đã làm bố mẹ nó đau. Không phải cái đau thể xác mà là cái đau ám ảnh, nhói và buốt. Nó chào đời không một tiếng khóc, không được bình thường, chỉ tự hít khí trời được ít ngày rồi ra đi. Chị đã khóc thật nhiều và muốn đi theo nó. Từ ngày ấy anh trở nên trầm tư, lầm lũi. Anh nhượng lại cái trang trại cho người bạn. Anh muốn có thời gian để chăm sóc vợ nhiều hơn. Đêm nằm bên vợ, anh lờ mờ nhớ lại bao lần phải dùng khăn mặt nhúng nước để vượt qua những khu rừng trụi lá, những cánh rừng còn phảng phất màn sương màu vàng nhạt. Anh đã nghĩ tới điều tồi tệ. Và điều tồi tệ ấy đã trở thành sự thật sau lần anh đi thăm khám. Anh bị phơi nhiễm chất độc điôxin. Nhờ sự chỉ dẫn của đồng đội, anh cũng làm xong chế độ người nhiễm chất độc da cam.
***
       Thời gian và tình yêu của anh là liều thuốc giúp nỗi đau trong chị nguôi ngoai, nhưng anh thì luôn ám ảnh. Anh biết, tất cả sự bất hạnh đều bắt nguồn từ anh. Anh đã xa gần nói với chị điều anh không mong muốn: “Tôi không thể cho mình những đứa con lành lặn, tôi muốn mình được tự do, muốn mình được hạnh phúc”. Đôi mắt chị rưng rưng: “ Không. Em không cần gì hết, em chỉ cần mình thôi”. Câu nói của chị đã níu anh lại.
***
       Chị thường dậy sớm, quét dọn nhà cửa, lo bữa sáng và không quên hãm cho anh ấm chè xanh thật đặc rồi mới tất tả đạp xe đến trường. Trưa, chị trở về nhà lúc mặt trời đứng bóng. Nhìn chị trong bộ cánh giản dị, giọt mồ hôi lấm tấm vương vào những sợi tóc mai, đôi má đỏ hồng trong nắng, mới biết chị còn sung sức, còn quyến rũ đến nhường nào. Mỗi lần như vậy, anh lại nghĩ, chị xứng đáng được hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên những đứa con. Và … anh quyết định trả tự do cho chị.
       Linh tính đã báo cho chị biết chuyện không lành. Chị vội đạp xe về nhà. Nhìn lá đơn ly hôn anh đã ký, đọc mấy dòng anh để lại, mắt chị nhòe đi. Chị lao vào trong mưa, gào thét. Những sợi mưa như những ngọn roi da cứ quất vào mặt, đau rát. Chị không còn phân biệt đâu là nước mắt, đâu là nước mưa. Chị chỉ nghĩ tới anh, chỉ mong anh còn quanh quẩn đâu đây: “Anh ơi, em đã mất con rồi, bây giờ lại mất cả anh nữa, em biết sống làm sao”.
***
       Đã bao năm trôi qua, kể từ ngày anh bỏ nhà ra đi và chưa một lần trở lại. Cuộc sống người công nhân khu công nghiệp giữa đất Sài Gòn luôn ồn ào, bận rộn, nhưng anh vẫn nhớ cái cảm giác được hít hà mùi hương bồ kết bay bay mỗi khi chị xõa tóc bên thềm. Anh nghĩ, khoảng thời gian dài đăng đẳng ấy đủ để chị có một cuộc sống ấm êm bên người chồng mới và những đứa con. Suy nghĩ của anh đã đúng khi mới đây, anh vô tình gặp người bạn cùng lớp ở xã bên vào Sài Gòn chơi: “Nghe nói vợ ông đã có một đứa con, trong dịp gặp mặt kỷ niệm ngày tốt nghiệp cấp Ba của lớp mình cô ấy cũng về dự đấy. Mà ông cũng nên về, lặn thế là đủ rồi ông tướng ạ”. Buồn vui trong anh lẫn lộn. Có cái gì đó ngại ngùng, bẽ bàng ngăn cản sự trở về. Nhưng mong muốn được gặp lại những người bạn thời khốn khó, gặp lại người con gái một thời chung lớp, chung nhà cũng luôn thôi thúc. Và anh đã về.
***
       Anh xuất hiện trong bộ véc tươm tất và nụ cười ra vẻ thoải mái, nhưng nỗi buồn chất chứa cứ hằn lên khuôn mặt trầm tư. Trông anh như một pho tượng được đắp lên từ những nỗi niềm. Biết chuyện, bạn bè bố trí cho hai anh chị ngồi chung bàn. Những câu nói vun đắp cho hai người trở lại; những câu chuyện không đầu không cuối; những cái nhìn ngại ngùng nhưng ẩn chứa nhiều yêu thương từ chị và anh… Dù đã cố gắng, nhưng cả hai vẫn không thể hòa cùng cái không khí rộn rã của buổi gặp mặt. Một không gian riêng, yên tĩnh là điều họ mong muốn lúc này.
       Sau buổi gặp mặt, dù không hẹn trước, nhưng chẳng hiểu sao cả hai cùng đi đến cái nơi ngày xưa họ thường đến. Đó là một bờ tre chạy dài ven đê, gần cái trang trại nhỏ của anh ngày nào. Bao năm rồi, bờ tre và con đê vẫn luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua những trận cuồng phong bão tố. Bao năm rồi anh chị kẻ Bắc, người Nam. Hôm nay được ngồi cùng anh bên bờ tre xạc xào tiếng gió, nơi anh thường thủ thỉ kể chị nghe về những cuộc hành quân trong đêm, về những cánh rừng trụi lá, về những trận đánh anh từng tham gia và sự hy sinh của những người đồng đội… Anh bảo “Còn lành lặn và trở về sống bên em là hạnh phúc nhất rồi, chẳng bao giờ anh đánh mất nó đâu”. Vậy mà…
       Thời gian như trôi nhanh hơn. Cuộc trò chuyện giữa chị và anh như còn dang dở mà hoàng hôn đã nhuộm tím trời chiều. Dù đã chuẩn bị trước một tâm thái bình thản, nhưng trái tim anh vẫn thắt lại khi biết cuộc sống của chị chưa một ngày yên ả. Rằng “Con em không có bố. Đó là sản phẩm của một lần lầm lỡ, một phút xao lòng”. Rằng “Em đã ê chề trải qua những tháng ngày sóng gió trước sự dè bửu của người đời. Em buộc phải thôi đi dạy và về sống với mẹ đẻ. Nhà cửa của chúng mình em gửi bác hàng xóm trông coi”. Còn chị, đôi mắt đượm buồn khi biết anh vẫn sống đơn côi nơi đất khách quê người. Rằng “Tôi không thể mang lại hạnh phúc chọn vẹn cho ai. Làm khổ mình như vậy là đủ rồi, tôi không muốn ai phải khổ vì tôi nữa”.
       Một khoảng yên lặng kéo dài. Rồi chị mạnh dạn:
- Tội của em lớn lắm. Anh có tha thứ cho em không?
- Em chẳng có tội gì cả. Em xứng đáng được hạnh phúc bên con mà.
- Không. Em chỉ hạnh phúc khi có anh, khi con em được gọi anh là bố.
     Im lặng. Chỉ có tiếng xạc xào từ bờ tre. Chưa bao giờ việc trở về nhà lại làm anh trăn trở đến thế. Gió triền đê cứ thổi mênh mang, đem theo lời ru thoang thoảng từ xóm nhỏ ven đê: “À ơi… Đi đâu cho thiếp đi cùng / Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam”.
     Ráng chiều đã khoác lên bờ tre chiếc áo màu đỏ thắm. Họ vẫn ngồi bên nhau, lặng lẽ nhìn về phía chân trời, nơi có đôi cò trắng đang miệt mài vỗ cánh, dìu nhau bay về tổ sau một ngày lặn lội mưu sinh./.
 
Đại tá, PGS,TS Đỗ Ngọc Thứ -
Nguyên chiến sỹ E574,F470, BTL Trường Sơn.
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn)
tin tức liên quan