“Còn mãi với thời gian” - Truyện ngắn của Chu Kim Hương

Ngày đăng: 06:22 23/03/2023 Lượt xem: 807
CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
Truyện ngắn của Chu Kim Hương
 
       Sau bữa cơm chiều, bố chồng tôi bảo: “Con thu xếp công việc cùng bố về Thái Bình mấy hôm nhé”. Tôi vui vẻ: “Vâng thưa bố, mai con xin nghỉ phép rồi sang đầu tuần bố con mình về quê ạ”. Bố chồng tôi người Vũ Thư. Cuộc đời binh nghiệp gian lao suốt những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn” đi đánh Mỹ. Năm 1979 ông còn ngược Lạng Sơn tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1986 thì về hưu với cấp hàm Đại tá. Với tôi, ông vừa là cha, vừa là Thủ trưởng. Tôi hết lòng kính trọng ông bởi những đức tính của một người lính được tôi rèn trong quân đội suốt mấy chục năm.
       Tôi đã cùng ông về quê lúa mấy lần, tôi rất thích ngắm cảnh đồng lúa chín trải dài tít tắp. Bây giờ đang chuẩn bị vào mùa gặt, tôi sẽ ra cánh đồng chụp thật nhiều ảnh đẹp về cất đi làm thơ đăng phây dần. Nghĩ thế nên cái bụng tôi vui lắm. Ở Vũ Thư năm ngày, tôi cùng ông đi thăm họ hàng và các bác cựu binh, bạn bè của ông. Đến ngày thứ sáu hai bố con đi Taxi ra thành phố thăm một người bạn mà bố tôi nói là “hết sức quan trọng”. Theo địa chỉ ghi trên mảnh giấy mà một bác cùng đơn vị cũ của bố ghi cho, xe dừng trước một ngôi nhà hai tầng trên đường Trần Hưng Đạo. Tôi bấm chuông, một lát cánh cổng được mở ra. Trước mắt tôi là một phụ nữ chừng trên bẩy mươi tuổi, dáng người nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn còn khá tinh anh. Tôi thấy ánh mắt cuả hai người già nhìn nhau trong sự ngỡ ngàng. Không gian dường như lắng xuống theo một cung bậc cảm xúc thiêng liêng diệu kì. Tiếng bố chồng tôi cất lên: Khánh à, anh là Trọng, Hoàng Đức Trọng - Đại trưởng “hắc bọ xít” cánh rừng săng lẻ Trường Sơn năm xưa đây…
- Trời… anh Trọng… Anh còn sống ư? Sao đến tận bây giờ anh mới đến tìm em? Tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má không còn trẻ của bà Khánh. Bốn bàn tay run run nắm chặt lấy nhau… niềm vui vỡ oà sau mấy mươi năm đợi chờ trong mỏi mòn hy vọng.


Ảnh minh họa
 
       Theo chân bà Khánh vào phòng khách, tôi ngồi lắng nghe câu chuyện thật cảm động nhưng cũng hết sức thú vị của hai người lính cựu Trường Sơn năm xưa. Là một người lính thế hệ sau, được biết chiến tranh qua sách vở và những lời kể, nên phần nào tôi đã hiểu và hình dung ra những ác liệt, gian khổ, hiểm nguy qua những lời đối thoại ngược dòng ký ức trở lại chiến trường năm xưa. Ngày đó vào năm 1970 bố chồng tôi là Đại đội trưởng một đơn vị pháo. Bà Khánh là Y tá thuộc trạm phẫu tiền phương của Sư đoàn. Một lần ông bị thương, mảnh bom cắm vào bắp đùi, do mất máu nhiều nên ông bị choáng. Bác sĩ chỉ định truyền máu nhưng cơ số Y và cơ số X của kho thuốc đã hết sạch máu dự trữ. Cũng thật may vì bà Khánh có cùng nhóm máu B nên bà đã tình nguyện cho máu. sức khỏe của ông khá dần lên. Sau đó họ nhận ra cùng đồng hương Thái Bình nên hai người nhanh chóng thân thiện. Những lúc rảnh, bà Khánh lại xuống khúc suối gần bệnh xá mò cá về nấu cháo hoặc kho khô để cho ông bồi dưỡng. Sức khoẻ của ông nhanh chóng hồi phục. Tình yêu nảy nở từ đó và hai người lính đã có những hẹn thề… Chiến tranh ngày càng khốc liệt, mặt trận không ngừng tiếng súng, đơn vị của bố tôi tiến vào sâu hơn. Những cánh thư bay đi mà không có hồi âm.
- Em cứ ngỡ anh Trọng đã quên mất cô Y tá đồng hương rồi, bởi sau khi đơn vị chuyển đi, em đã viết biết bao lá thư cho anh mà không hề nhận lại một dòng tin của anh. Chiều nào em cũng ra suối nhớ lại tất cả và chỉ biết thầm khóc một mình. Giọng của bà nghẹn ngào vừa như dỗi hờn, vừa như trách móc.
- Không! Anh quên sao được khi mà dòng máu của em đang chảy trong cơ thể anh. Nếu không có em cho máu hôm đó thì tính mạng anh không biết sẽ ra sao.
-Em làm theo đạo đức nghề nghiệp,con tim em mách bảo là phải cứu lấy Anh.
- Chiến tranh ác liệt quá, đơn vị anh tham gia nhiều trận đánh, đặc biệt là mặt trận Đường Chín- Nam Lào, đồng đội hy sinh nhiều. Anh bị thương nặng lạc đơn vị, rất may được một gia đình Vân Kiều cất giấu, chăm sóc, và đã sống sót trở về.
- Có lẽ vì thế nên ngày em tìm về quê anh thì làng xóm nói anh hy sinh, cả gia đình đã chuyển lên vùng kinh tế mới Tuyên Quang. Em đau khổ tột cùng, ruột gan như xát muối, toàn thân suy sụp tưởng như không sống nổi nữa.
       Giọng bà Khánh buồn buồn khiến không gian như chùng xuống… Bố tôi lấy khăn tay thấm những giọt nước từ hai khóe mắt già nua… Giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày gặp lại bất ngờ, niềm vui vỡ oà nhưng không tránh khỏi sự xót xa, bởi chiến tranh đã chia cắt mối lương duyên - một mối tình trong sáng vô ngần. Tình yêu bắt nguồn từ tình đồng chí, đồng hương, tình người thiêng liêng như sắc màu của rừng núi Trường Sơn hùng vĩ.
- Anh ạ, hai năm sau ngày anh chuyển đi, một lần Trạm phẫu bị dội bom, em không may bị thương và được chuyển ra Bắc. Sau khi hồi phục em xin vào công tác tại bệnh viện tỉnh Thái Bình, em đã xây dựng gia đình. Chồng em cũng là lính Trường Sơn phục viên. Vì thế anh ấy rất hiểu chuyện. Em đã kể cho anh ấy nghe về mối tình của em và anh ở Trường Sơn. Anh ấy rất trân trọng và đứa con trai đầu của chúng em mang tên Sơn, đúng như lời hẹn của anh và em ngày đó. Rất tiếc hôm nay anh ấy về quê dự đám cưới, lẽ ra em cùng đi nhưng tự dưng sáng dậy em thấy ruột gan cồn cào, linh tính như mách bảo… và để rồi gặp lại anh đó.
- Khi từ trại an dưỡng ra, anh khoác ba lô về quê tìm em, nhưng vừa tới đầu làng thì nghe tin em đã thành cô dâu. Hụt hẫng trong đớn đau, anh đành quay trở lại đơn vị. Ít lâu sau bố mẹ cưới cho anh một cô vợ trên vùng kinh tế mới. Con trai anh cũng tên Sơn hiện đang tại ngũ và đây là con dâu anh, nó tên Vân là Bác sĩ Quân y. Hai vợ chồng nó công tác ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang.
- Thế hả anh? Vợ chồng thằng Sơn nhà em cũng là Bác sĩ Quân y, sao trùng lặp kỳ lạ vậy chứ.
       Đúng lúc đó ngoài sân có tiếng xe máy, tôi nhìn ra thì thấy hai sắc áo xanh bước vào, bà Khánh chỉ và giới thiệu với bố con tôi – Đây là vợ chồng cháu Sơn nhà em đấy ạ… Chúng tôi nhanh chóng làm quen có lẽ bởi do cùng là lính và cùng là đồng nghiệp. Cuộc sống luôn có biết bao điều thú vị mà thứ đáng trân trọng nhất là tình người bởi nó thật thiêng liêng và sâu nặng nhường nào. Bữa cơm đoàn tụ trưa hôm đó, bà Khánh tự tay nấu món canh cá lóc để đãi bố con tôi. Bữa cơm thật vui và ấm áp nghĩa tình, cả năm người chúng tôi đều là đồng chí mà có đến bốn người là đồng nghiệp nữa chứ. Anh Sơn học trước tôi ba khóa và vợ anh sau tôi hai khóa. Tôi vừa ăn vừa chăm chú nghe câu chuyện tưởng như không thể dứt ra nổi. Làm con dâu bố bao năm nay nhưng có lẽ chưa bao giờ tôi thấy ông vui như hôm nay. Gương mặt của ông như trẻ ra chục tuổi, vơi đi vẻ ưu tư hàng ngày. Nhìn bà Khánh cũng thật rạng rỡ, bà tươi cười gắp vào bát cho bố tôi những miếng cá ngon nhất. Tôi hiểu cảm giác của bà như đang sống lại ngày xưa, hồn nhiên và trong trắng lắm. Ba anh em tôi ăn nhanh rồi ý tứ, lên phòng khách uống nước, trả lại không gian riêng cho hai người già cùng với bao ký ức Trường Sơn.
       Tôi ngồi đó mà vẫn nghe được câu chuyện từ nơi phòng ăn. Chợt căn gác nhà bên bỗng vọng xuống giai điệu bài hát: Bài ca không quên…”Bài ca anh đã hát cho em yêu, cho đồng đội và cho cả lòng mình”… Từ nơi sâu thẳm trái tim tôi bất giác trào dâng một cảm xúc thật thiêng liêng,ấm áp và chan chứa tình người…
      Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Trên đường về bố tôi bảo: “Con về đừng kể với mẹ con nhé”.Nghe bố nói mà lòng tôi chạnh xót xa, bố có làm gì sai đâu chứ. Trái tim của người lính trận đập những nhịp đập nuôi cơ thể nhưng trái tim đó cũng yêu và được yêu, cũng có quyền cho đi và nhận lại như bao người bình thường. Và trái tim của bố hôm nay “đã làm sống lại những hồng cầu đã chết”. Trái tim như hồi lại những nhịp của năm tháng chiến tranh khốc liệt nơi rừng Trường Sơn…
       Suốt chặng đường từ Thái Bình trở về Tuyên Quang, tôi suy nghĩ miên man. Hai chữ chiến tranh thật đáng căm hận vô cùng. Có biết bao nhiêu mối tình bị chia cắt đau thương. Bao người vợ chờ chồng, mẹ chờ con, bao hòn vọng phu và bến không chồng... Giờ đây được chứng kiến mối tình đầu của bố thật cảm động vô cùng. Hai người lính Trường Sơn may mắn đã trở về nhưng vì lạc nhau mà không nên duyên, suốt mấy chục năm trôi qua mỗi người đều có cuộc sống riêng nhưng một góc con tim vẫn luôn nhớ về mối tình đầu vô cùng thiêng liêng, trong sáng. Mối tình đó sẽ còn mãi với thời gian.
 
Chu Kim Hương.
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan