"Bất chợt cơn mưa" - Truyện ngắn của Phạm Hồng Loan

Ngày đăng: 11:12 02/04/2023 Lượt xem: 96
BẤT CHỢT CƠN MƯA.
Truyện ngắn của Phạm Hồng Loan 

 
Mải mê với công việc, Linh Hương dắt xe ra cổng Bệnh viện thì trời đã gần tối. Cô lên xe, vội vã nhấn ga. Trời bỗng nhiên tối sầm. Gió lốc nổi lên cuốn theo những đám lá khô bốc xoáy trên đường. Chớp rạch ngang trời như muốn xé toang những đám mây sũng nước. Mưa ập xuống. Những hạt mưa xiên chéo xuống mặt đường, quất vào tay rát rạt. Tấm áo mưa mỏng manh không giúp cô chống chọi với cơn mưa xối xả đầu mùa. Con đường phía trước hun hút trong mưa. Nước không có chỗ thoát bắt đầu ứ lên, cuốn theo bao rác rưởi. Có chỗ nước đã ngập đến nửa bánh xe. Chiếc xe đang trên đà lao đi chợt lịm dần rồi sững lại. Cô ngán ngẩm, xuống xe, về số, kéo le, mím môi đạp cần số. Chiếc xe vẫn ì ra như cục sắt vô tri. Cô đành dắt xe lầm lũi đi trong màn mưa chưa có dấu hiệu tạm ngừng, hy vọng gặp một hàng sửa xe nào đó. Con đường chỉ mấy cây số từ bệnh viện về nhà mà sao xa vời vợi. Căng mắt nhìn vào màn mưa mịt mù trước mặt, cô dò dẫm từng bước. Làm sao với cái xe chết máy bây giờ? Thôi vậy. Cứ tạm trú mưa trước đã. Mọi việc tính sau. Linh Hương dắt xe lên vỉa hè, đứng dưới mái hiên rộng rãi của ngôi nhà gần đó. Mưa vẫn không ngớt. Thỉnh thoảng, một vài chiếc ô tô xé nước, vun vút trong mưa. Nước trên đưởng dềnh lên, tràn vào chỗ cô đang đứng. Chợt một chiếc xe máy vội vã tấp vào vỉa hè, dừng trước mặt Linh Hương. Một người đàn ông xuống xe, tiến lại phía cánh cửa sắt xếp màu xanh dương, giơ tay bấm chuông. Tiếng lạch xạch vang lên. Giọng người phụ nữ vang lên trong trẻo sau cánh cửa:
- Sao anh về trễ vậy? Vào đi anh. Ướt hết rồi.
       Lúc này người đàn ông mới nhìn thấy Linh Hương đang co ro vì lạnh:
- Kìa chị…Chị sao vậy?
- Không. Tôi chỉ đứng trú mưa nhờ gia đình một chút thôi.
       Người phụ nữ nhanh nhảu:
- Mời chị vào trong nhà. Mưa thế này chắc còn lâu mới tạnh. Anh dắt xe cho chị ấy đi.
Linh Hương bước vào nhà. Cô đang lúng túng với cái áo mưa trên tay thì người phụ nữ chợt reo lên:
- Chị Hương…Bác sĩ Hương.
      Hương ngỡ ngàng:
- Em là…Hạnh phải không?
      Hạnh quay sang kéo tay người đàn ông:
- Anh ơi, đây là bác sĩ Linh Hương. Chị ấy đã điều trị cho ba ở bệnh viện đấy.
- Thật là một sự tình cờ thú vị. Hạnh nhà em cứ nhắc đến chị luôn. Tiếc rằng thời gian ba em nằm viện, do bận công việc, em chỉ vào thăm ba được vài lần nhưng không gặp chị.
       Công việc khiến hàng ngày cô phải tiếp xúc với bao bệnh nhân và người nhà của họ. Người ta thường ví các thày cô giáo như người chở đò. Mỗi năm chở một chuyến đò sang sang sông. Cứ cẫn mẫn thế, mỗi chuyến đò qua là một lớp người trưởng thành. Nghề bác sĩ cũng thế. Chỉ có khác là người giáo viên chỉ chở những chuyến đò vui. Còn mình? Sao chỉ chở những tai ương, bất hạnh? Và còn biết bao nhiêu người không đến được bờ vui vì đuối sức giữa dòng? Bố của Hạnh cũng là người không may trên chuyến đò không vui ấy. Ông bị ung thư phổi. Đưa vào bệnh viện, bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối. Dù có can thiệp bằng phẫu thuật cũng không giải quyết được gì mà chỉ làm bệnh nhân đau đớn, tốn kém thêm. Cô đã thuyết phục được Hạnh đưa ông về chăm sóc với chế độ đặc biệt. Hai tháng sau, ông mất. Chợt Hạnh kêu lên:
- Ôi! Chị bị cảm lạnh rồi. Người đang run lên đây này. Chị lên trên gác, lấy tạm đồ của em mà thay. –Chưa nói hết câu, Hạnh kéo tay cô lên cầu thang gỗ mát rượi. Vừa đi, Hạnh vừa dóng dả xuống dưới – Anh xem hộ em nồi thức ăn trên bếp nhé –Cô quay sang Hương- Hôm nay, nhất định chị phải ở lại ăn cơm với vợ chồng em đấy.
Hạnh mở tủ, lấy quần áo rồi mở cửa phòng bên cạnh:
- Chị vào tạm phòng này nhé. Đây là phòng của anh trai em. Anh ấy là bộ đội, thỉnh thoảng mới ghé về nhà. Hơn ba mươi rồi mà chẳng chịu vợ con gì cả. Từ khi ba em mất, anh ấy càng ít về.
       Dòng nước ấm sực từ vòi hoa sen toả xuống khiến Linh Hương khoan khoái, dễ chịu hẳn. Bước ra khỏi phòng tắm, cô bật điện, tò mò nhìn quanh. Đồ đạc trong phòng giản dị, ngăn nắp. Một giá sách nhỏ, ăm ắp những cuốn sách văn học. Ánh mắt cô chợt vấp phải một tấm ảnh lồng trong khung kính. Là anh đây ư? Tấm ảnh được chụp trong lần đầu tiên cô đưa anh đi thăm Hà Nội. Chính cô đã chọn góc đứng này để người thợ ảnh thu vào sau lưng anh cả trời mây, non nước: “Hồ Tây một bên và em một bên”. Cô cười bảo anh thế. Giờ đây, nụ cười tươi tắn và ánh mắt thân thương của anh vẫn sáng lên trong ánh hoàng hôn hắt lên trên ngọn sóng. Phía bên dưới tấm ảnh là một bông hoa màu tím. Cô run rẩy, thận trọng cầm lấy khung ảnh. Sao lại thế này? Đây chính là bông hoa Hà tặng cô, được anh cẩn thận ép trên giấy lụa. Màu vàng của nhuỵ nổi bật trên những cánh hoa tím biếc. Cạnh đó là chữ kí của hai người còn tươi nguyên màu mực. Cô đứng lặng. Vậy là em đã tìm được anh sau mười năm bặt vô âm tín. Mười năm trong thất vọng với cuộc sống chờ đợi không ra chờ đợi, hy vọng cũng chẳng có gì để hy vọng. Một sự tồn tại thật đáng sợ khi trái tim cô gần như vô cảm trước tình cảm nhiều người đàn ông dành cho cô. Công việc. Đối với cô, đó là tất cả. Cô làm việc đến quên mình, bất kể thời gian, giờ giấc. Trở về nhà sau những giờ làm việc căng thẳng, cô bật nhạc lên rồi lại tiếp tục vùi đầu vào những trang sách. Cô sợ sự rỗi rãi. Sợ một lúc nào đó phải đối diện với lòng mình. Ngoảnh lại, đã ngoài ba mươi, cô vẫn chưa nghĩ đến mái ấm gia đình. Gia đình! Đó có phải là cứu cánh không khi trái tim cô vĩnh viễn thuộc về một người.
       Linh Hương quen Hà trong lần trường cô tổ chức một đội Thanh niên tình nguyện lên Điện Biên giúp đỡ bà con dân tộc. Công việc chủ yếu là tuyên truyền về việc đảm bảo vệ sinh nơi ăn, chốn ở, giúp bà con vệ sinh làng bản và khám chữa bệnh miễn phí cho mọi người. Khỏi phải nói cô và bạn bè háo hức như thế nào. Ai cũng xung phong đi. Điều đó khiến đoàn trưởng Hoàng Thanh lúng túng. Anh bèn ra thêm tiêu chuẩn: Học khá trở lên, sức khoẻ tốt, giọng hát hay. Tiếc là cô sinh viên luôn có thành tích đứng đầu khoa lại không đạt hai tiêu chuẩn sau. Tất nhiên cô không có tên trong danh sách của đoàn. Cô tìm gặp anh:
- Anh cho em đi. Không hát được, em sẽ đọc thơ. Em tin rằng nhiều người thích nghe thơ không kém gì nghe hát đâu ạ. Anh yên tâm. Vất vả bao nhiêu em cũng chịu được. -Cô nói một mạch, chỉ sợ ngừng lời thì đoàn trưởng sẽ thay đổi ý định. Còn anh chỉ nhìn cô, mủm mỉm cười. Mãi sau này cô mới biết vì sao anh ta đồng ý để cô đi.
       Nơi đoàn đến làm công tác tình nguyện cách một đơn vị bộ đội biên phòng không xa. Theo sáng kiến của trưởng đoàn, đội sinh viên tình nguyện sẽ có một buổi giao lưa văn nghệ với đồn biên phòng. Năm cây số đường rừng vớí người lính thì chẳng ăn nhằm gì nhưng với các cô cậu sinh viên thì quả là chẳng dễ chút nào. Thế mà vừa chân ướt chân ráo đến vào buổi chiều, buổi tối, mọi người đã tíu tít chuẩn bị lửa trại cho buổi giao lưu văn nghệ. Nói là biểu diễn cho oai, thực ra chỉ là những tiết mục cây nhà lá vườn. Có cậu còn hát sai cả nhạc. Dàn nhạc độc đáo chỉ là hai cây ghita bập bùng cũng làm cho các tiết mục sôi động hẳn lên. Có lẽ chưa bao giờ đồn biên phòng lại vui đến thế. Tiếng hát, tiếng cười, tiếng hò reo làm vang động cả một vùng núi rừng vốn dĩ âm u tĩnh lặng trong khúc nhạc trầm sâu từ ngàn đời của đại ngàn. Dưới ánh lửa hồng, Linh Hương càng thêm rực rỡ. Giọng thơ trong trẻo, mượt mà về người lính, về những chiều biên giới mù sương vang lên khiến trái tim những người lính như mềm lại. Có đến đây, có được tận mắt chứng kiến mới thấy hết những gian khổ, hy sinh mà các anh hàng ngày phải đối mặt, những điều mà cô cũng như bao người chỉ hình dung qua sách vở, mới thấy mình thật nhỏ bé, mới thấy mình thật nhàm chán. Linh Hương vừa cúi đầu chào thì một người lính bước tới. Rất tự nhiên, anh cầm lấy mi-cro trên tay cô:
- Xin chị vui lòng hát cùng tôi một bài.
       Cô sững sờ, chưa kịp phản ứng thì cả sân trại đã vang dậy tiếng vỗ tay: “Hoan hô thủ trưởng. Đẹp đôi lắm, thủ trưởng ơi.” Không để ý đến những lời trêu đùa của cánh lính, anh cất giọng: “Anh ở biên cương. Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Tiếng hát thiết tha, trầm ấm đẫm lá rừng ướt sương, dội vào vách núi. Ở biên cương bây giờ đâu phải là mùa rét nhưng từ nãy đến giờ vai áo cô đã ướt đầm sương khuya. Tuy thế, cô vẫn thấy lòng ấm áp lạ. Phải vì từ những ca từ ngọt ngào mà da diết, cháy bỏng kia không? Hay là sức nóng toả ra từ ánh mắt nồng nàn của anh? Phải đến đoạn hai, cô mới bắt nhịp vào được với bài hát. Không được tròn vành, rõ chữ nhưng cô đã dồn vào giọng hát tất cả những cảm xúc trào dâng trong lòng. Bài hát vừa dứt, ông đồn trưởng bước ra, ôm lấy vai cô:
- Tuyệt lắm. Tiếc rằng ở đây chẳng có bông hoa nào để tặng cho cô.
       Mấy hôm sau, anh cùng đồng đội xuống giúp dân bản sửa lại mấy phòng học cho các em học sinh kịp vào năm học mới. Xong công việc, anh rụt rè đến bên cô:
- Em có muốn đi tham quan rừng không? Anh sẽ đưa em đến một nơi tuyệt đẹp. Đảm bảo em mê luôn.
- Thế ạ. Cô nói như reo. Anh đâu biết cô là người ưa khám phá những điều mới lạ. Cô ríu rít theo anh như một cô học trò nhỏ. Càng đi sâu vào rừng, cô càng thấy thích thú. Cô say sưa ngắm nhìn muôn cánh bướm đủ sắc màu chao nghiêng, dập dờn trong những tia nắng lấp lánh sau bao vòm lá. “Anh à, em có cảm giác như đang chìm ngập trong bao điệu múa của thế giới loài bướm. Kìa, anh nhìn xem, những đôi cánh mỏng manh, vàng óng như tơ nhện của nàng bướm vàng đang múa lượn bên cánh bướm nâu vàng pha chút đen tuyền vững chãi của chàng bướm đen. Kia nữa, anh thấy không, thoăn thoắt, nhịp nhàng là cánh bướm nâu. Chắc chú ta đang biểu diễn các tiết mục ảo thuật xen lẫn nhào lộn để thu hút ánh nhìn của các nàng bướm kiêu sa.” “Chắc là loài bướm mở lễ hội đón em đấy. Còn bây giờ em có nghe thấy gì không?” “Em nghe thấy âm thanh gì lạ lắm. Nghe như tiếng rì rầm bất tận của núi rừng, anh ạ.” “Đúng rồi. Nào, mình đi tiếp, em sẽ thấy nhiều điều thú vị hơn nữa.” Con đường trước mặt cô thu hẹp dần. Một bên là vực sâu hun hút. Một bên là vách đá dựng đứng. Cô bất giác nắm chặt tay anh khi những âm thanh ầm ào, dữ dội từ đâu đó vọng lại: “Tiếng thác nước đó em”. Lát sau, một cảnh tượng hùng vĩ hiện ra trước mắt cô. Một dòng nước như tích tụ từ hàng ngàn năm dưới đáy sâu của đại ngàn với bao thác ghềnh giờ đây được thoả sức vẫy vùng với sức mạnh dữ dội tạo thành dòng thác trắng xóa từ lưng chừng núi ào ào đổ xuống. Tiếng thác nước như kết tụ muôn ngàn âm thanh của những trận mưa rừng dội về từ thuở hồng hoang. Như tiếng réo gào hoang dã của bao loài muông thú trong lễ hội rừng xanh. “Kìa anh!” Cô reo lên, níu tay anh. Một vòng cầu vồng rực rỡ, nhảy nhót ngang giữa dòng thác. Lại thêm một vòng cầu vồng nữa. Như hai chú bé con nhởn nhơ, giỡn đùa trong vòng tay của bà Mẹ thiên nhiên.  Có lẽ vẻ đẹp của thác núi Lư làm ngơ ngẩn tâm hồn thi sỹ Lý Bạch cũng chỉ thế này. Hình như đây cũng là một phần lý do níu giữ chân anh từ khi còn là cậu lính trẻ ngơ ngác cầm mảnh bằng tốt nghiệp lên nhận công tác.
- Lại đây em, đẹp quá.
       Anh kéo tay cô, quỳ giữa những bụi cây ngăn ngắt xanh bên bờ suối. Những bông hoa màu tím biếc với năm cánh mỏng manh, mèm như lụa ôm lấy nhuỵ hoa vàng óng, mượt mà. Nâng niu những đoá hoa trên tay, anh nhìn sâu vào mắt cô, thầm thì:
- Xin tặng em.
       Cô xúc động đưa tay đón lấy áp mặt vào cánh hoa mát rượi, êm dịu như nhung mà thấy lòng trào lên một cảm giác thật lạ, thật êm đềm.


Ảnh minh họa
       Hết đợt công tác, đoàn sinh viên trở về trường. Đích thân đồn trưởng và anh băng rừng cùng dân bản tiễn mọi người xuống gần đến huyện lỵ rồi mới yên tâm trở về. Trước khi Linh Hương lên xe, anh còn kịp ngượng nghịu ấn vào tay cô một gói quà nhỏ. Xe chạy. Bóng anh mờ khuất trong bạt ngàn xanh của núi rừng. Bồi hồi, cô mở gói quà. Một cuốn sổ, một tấm khăn mùi xoa và hai bông hoa màu tím anh hái bên bờ đã ép khô được đính trên mảnh vải lụa trắng trông thật đẹp. Về trường được mấy hôm, cô nhận được thư anh. Nét chữ nghiêng nghiêng, rắn rỏi, phóng khoáng chan chứa yêu thương. Cô đánh số thứ tự từng lá, cẩn thận bỏ vào một cái hộp. Lúc nhớ anh, cô lại mang ra đọc đi đọc lại. Đến bây giờ cô còn thuộc từng đoạn: “Gia tài người lính có gì đâu em. Một chiếc ba lô bạc màu sương gió. Bao đồ dùng rất đỗi thân quen và những lá thư của người con gái yêu thương tháng ngày chờ đợi.”
       Mùa hè năm ấy, Linh Hương dành cho anh một tuần. Đơn vị sắp xếp cho cô một phòng riêng. Từ ngày cô lên, cả đồn biên phòng lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Cô đã thổi vào cuộc sống của những người lính một luồng sinh khí mới. Ông đồn trưởng tuổi ngoài bốn mươi thực sự coi cô như con gái. Ngày nào ông cũng đảo qua phòng cô vài lần. Ông sợ cô không quen với cuộc sống nơi đây. Hết thời gian ở lại, ông còn ưu ái cho anh nghỉ mấy ngày đưa cô về Hà Nội.
       Xa anh, cô lao vào học để quên đi nỗi nhớ lúc nào cũng trào dâng và cũng là để cho kì thi tốt nghiệp sắp đến gần. Một hôm, đang ở trên giảng đường, nghe báo có khách, cô vội về. Anh cười tươi đón cô ở cửa phòng. Nếu không có ánh mắt tò mò của đám bạn, cô đã ôm lấy anh, vùi đầu vào ngực anh mà khóc cho thoả nỗi nhớ. Nhưng cô đâu ngờ đấy lại là lần gặp cuối cùng của hai người. Vậy mà đã gần mười năm trôi qua. Chợt tiếng gọi của Hạnh kéo cô về thực tại:
- Chị ơi…Thấy Linh Hương tần ngần với bông hoa trên tay, Hạnh bước tới, nhẹ nhàng:
- Đó là kỉ niệm của anh Hà em đấy, chị à. Chẳng hiểu sao anh ấy lại yêu bông hoa này đến thế. Lần nào về nhà, anh ấy cũng ngồi hàng giờ ngắm nhìn nó mà không chán.
- Thế gia đình em mua căn nhà này đã lâu chưa?
- Chín năm rồi chị ạ. Ngày trước ba em là dân tập kết. Em và anh Hà đều sinh ra ở ngoài Bắc. Năm đó anh Hà được lệnh chuyển công tác vào trong này. Vừa dịp ông bác ruột em chuyển hẳn sang Mỹ với con trai. Bác giao lại ngôi nhà này cho ba em. Thực ra, mảnh đất này là của ông bà nội, bác em chỉ xây dựng, sửa sang thêm. Thế là cả gia đình em chuyển vào trong này. Thôi. Chị em mình xuống ăn cơm. Em đã dọn xong rồi.
Lâm tươi cười đón cô ở bàn ăn:
- Em nghe Hạnh kể nhiều về chị mà hôm nay mới được gặp.
       Anh quay sang Hạnh:
- Có lẽ phải cảm ơn cơn mưa bất chợt này, em nhỉ. Chợt anh nhìn xoáy vào Linh Hương- Chị… Chị có phải chị Hương, bạn anh Hà không?
       Thấy vẻ ngơ ngác của Linh Hương, Hạnh giải thích:
- Anh Lâm ngày trước ở cùng đồn với anh em đó chị. Anh Hà vào đây được mấy năm thì anh Lâm cũng chuyển vào. Từ đó tụi em quen nhau rồi làm đám cưới. Nhà rộng, lại neo người, ba em bắt anh ấy ở rể đấy.
       Linh Hương bàng hoàng:
- Phải rồi, chị cũng nghe anh Hà kể nhiều về em mà hôm nay mới được gặp.
- Em biết chị từ đêm liên hoan văn nghệ ở đồn biên phòng. Tiếc là hôm sau em lại phải đi công tác. Người như chị, chỉ thoáng gặp một lần là không thể quên được. Đợt chị lên thăm anh Hà, em lại về phép. Mà chị biết không, bao năm nay anh ấy ra sức tìm kiếm chị mà không thấy. Ai ngờ chị lại ở ngay đây chứ.
       Hạnh ngơ ngác:
- Ơ hay…Sao lại… Đây là…
       Lâm nhìn vợ:
- Chuyện dài lắm, em à. Trước hết chúng ta phải uống mừng cuộc hội ngộ kì lạ này đã.
Mưa tạnh. Linh Hương đứng lên, chuẩn bị ra về. Lâm xăng xái tháo bu-gi cẩn thận lau sạch rồi khởi động xe. Tiếng máy nổ giòn tan. Anh quay sang vợ:
- Anh đưa chị Hương về. Nếu muộn, em cứ ngủ trước, đừng đợi anh.
       Linh Hương mở cửa căn nhà nhỏ bước vào, bật công tắc điện. Căn phòng sáng bừng trong ánh đèn dìu dịu. Cô trao cho Lâm cốc nước nóng:
- Uống đi em.
- Vâng ạ - Lâm nhìn quanh – Lúc nãy ở nhà em không dám hỏi. Thế chị chưa xây dựng gia đình à? Em cứ tưởng ngày ấy chị sẽ lấy Hoàng Thanh chứ?
- Hoàng Thanh nào? Cô ngạc nhiên
- Cái anh chàng đoàn trưởng của chị ngày xưa ấy.
- Không. Mà sao em lại hỏi thế?
- Vậy thì tại sao nhỉ? Ánh mắt Lâm xa xôi - Chị biết không khi nhận được lệnh điều động vào đây, anh Hà buồn lắm. Anh chỉ có mấy ngày để thăm chị và thu xếp việc gia đình. Anh ấy bảo em: “Đợt này gặp nhau mình sẽ bàn với Linh Hương mọi chuyện. Một tháng nữa cô ấy ra trường, có thể chúng mình sẽ làm lễ cưới rồi đưa cô ấy vào trong này. “Thuyền theo lái, gái theo chồng mà.” Sáng hôm sau, em đưa anh xuống núi. Hẹn em bốn ngày nữa mới lên mà chẳng hiểu sao ngay hôm sau đã thấy anh ấy đùng đùng trở lại đơn vị. Nhìn vào ánh mắt anh, em không dám hỏi. Hôm sau, anh buồn rầu bảo em: “Thôi tạm biệt cậu. Mong cho mọi điều tốt lành đến với cậu.” Mãi sau này, khi đã trở thành em rể rồi, em mới được anh kể mọi chuyện: “ Hôm ấy, xe về đến Hà Nội, mình đến Trường Đại học Y ngay. Đang ở giảng đường, nghe bạn báo tin, cô ấy đâm bổ về ngay. Khi đám bạn bè tế nhị đi khỏi, cô ấy ôm lấy mình, oà khóc. Nước mắt ướt đẫm ngực áo mình. Mình cũng xúc động không kém. Lau nước mắt cho Hương, mình cười: -Lớn rồi mà còn khóc nhè. Xấu chưa kìa – Hương bật cười, đấm vào ngực mình thùm thụp. Lát sau, cô và mấy người bạn cùng phòng tíu tít rủ nhau ra chợ mua thức ăn về đãi minh. Linh Hương vừa đi khỏi thì có một người đến. Cậu biết đó là ai không? Hoàng Thanh-đoàn trưởng đoàn xung kích năm xưa ấy.Bọn mình chào nhau không mấy thân thiện. Biết mình và Linh Hương yêu nhau nhưng cậu ta vẫn kiên trì theo đuổi Hương, mặc dù bị cô ấy cự tuyệt thẳng thừng. Cậu ta ngồi xuống phía cuối giường, với tay cầm cuốn sổ của Linh Hương, lơ đãng lật từng trang: “Linh Hương đã nói chuyện với cậu chưa nhỉ? Chắc là chưa kịp phải không? Chuyện của bọn tôi ấy mà. Chúng tôi tính rồi. Linh Hương là sinh viên xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ xin cho cô ấy ở lại trường làm công tác giảng dạy rồi chúng tôi sẽ tổ chức.” “Anh nói gì lạ thế? Linh Hương yêu tôi. Không thể có chuyện đó được.” Hắn bật dậy, gõ gót giày cồm cộp, hai tay vung vẩy” “Này anh lính, tớ nói thật, cậu không xứng với Hương đâu. Mà cậu có gì cho cô ấy ngoài hai bàn tay chai sạn chỉ biết cầm súng? Phải biết thương Hương chứ. Tin tớ đi. Tớ sẽ đem lại hạnh phúc cho cô ấy.” Bất ngờ, hai bông hoa từ cuốn sổ rơi ra. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, gót giày của cậu ta xéo nát một bông.
       Mình quì xuống nhặt lấy bông hoa còn lại.Trái tim mình nhói lên khi chợt nhớ có lần Linh Hương đã áp hai đoá hoa lên môi, thầm thì: “Tình yêu của chúng mình sẽ thắm đượm mãi mãi như đoá hoa này”. Thế mà bây giờ… Tuy vậy, mình vẫn đủ bình tĩnh để quát vào cái bộ mặt đẹp trai đang dương dương tự đắc kia: “Anh im đi.Anh không được phép xúc phạm đến những người lính chúng tôi. Còn Hương? Sao cô ấy nói là vẫn yêu tôi cơ mà. Hắn cả cười, rút trong túi ra tấm ảnh, chìa sát vào mặt mình: “Thì đây, cậu xem đi. Cậu sao hiểu đám đàn bà con gái bằng tớ.” Mình hoa mắt lên khi nhìn thấy Hương đang tươi cười trong bộ quần áo tắm, tựa vào cái phao trên bãi biển bên cạnh hắn. Nụ cười của cô ta mới mãn nguyện làm sao. Mình lao ra khỏi phòng lúc nào không biết, tay vẫn nắm chặt bông hoa màu tím. Mình không muốn gặp Linh Hương nữa. Không bao giờ…”
       Linh Hương ngồi lặng như hoá đá. Quá khứ dội về buốt nhói. Hôm ấy, để lại Hà một mình trong phòng, cô cùng mấy đứa bạn ra chợ. Thời gian bên nhau còn nhiều, cô sẽ tự tay nấu những món ăn mà anh thích. Chưa về đến cửa, cô đã reo lên:
-Anh ơi. Em đố anh biết em mua được những gì nào?
       Căn phòng im lìm. Cô ngạc nhiên nhìn quanh. Không có anh. Nhìn xuống đất, cô thảng thốt. Một bông hoa màu tím của cô đã bị xéo nát. Cuốn sổ trong đó ép hai bông hoa lăn lóc trên giường. Cô cầm lên. Không thấy bông hoa kia.Vừa lúc đó, Hòang Thanh xuất hiện. Không để ý đến nụ cười đắc thắng của anh ta, cô dồn dập:
-Anh Hà đâu anh? Anh có gặp anh ấy không?
-Có chuyện gì mà em hoảng hốt thế? Hà à? Ơ, anh có gặp cậu ấy ngoài cổng. Cậu ta đi rồi.
       Cô lao xuống cầu thang, băng ra cổng trường, chết sững giữa dòng người ngược xuôi hối hả. Biết anh đi đâu mà tìm? Sao anh vội vã ra đi không một lời từ biệt? Có biết em mong nhớ anh đến cháy lòng không? Câm lặng, cô lê bước về, nằm vật xuống giường. Nỗi đau đã biến cô trở thành con người khác hẳn. Lặng lẽ. Lạnh lùng. Ráo hoảnh. Anh đã bất chợt xuất hiện trước cô. Sự từng trải pha chút lịch lãm. Sự hiểu biết pha chút phong trần của anh khíên trái tim cô run rẩy. Để rồi đây anh lại bất chợt quay lưng trốn chạy. Nhưng tại sao chứ? Đôi lúc, kỉ niệm ào về như dòng thác, không gì ngăn được. Lúc đó trong cô trào lên ước muốn được gặp anh, bắt anh nói rõ mọi điều. Nhưng kì thi tốt nghiệp tới gần khiến cô không thể thực hiện ý định ấy. Cô lao vào học để lấp đầy sự trống trải, tủi hờn lúc nào cũng sẵn sàng ùa đến, nhấn chìm cô xuống tận cùng của vực thẳm cô đơn, tuyệt vọng. Ra trường, với kết quả xuất sắc, Linh Hương được giữ lại trường, tiếp tục đào tạo để làm giảng viên. Nhưng cô đã lẳng lặng nhận hồ sơ vào Tây Nguyên trước sự can ngăn của gia đình, sự ngạc nhiên đến lạ lùng của bạn bè. Tấm bằng Bác sĩ loại giỏi giúp cô dễ dàng tìm được một công việc ổn định tại một bệnh viện tuyến huyện, nơi đang rất cần những người như cô. Mười năm trôi qua. Đôi lúc quá khứ dội về, nhức nhối, cô lại lao vào công việc đến quên mình. Có lần, chị Bác sĩ Giám đốc bệnh viện bảo cô:
- Lấy chồng đi thôi. Em phải lo cho cuộc sống riêng của mình chứ. Ở một mình mãi đến bao giờ?
       Nhưng có lúc chị lại nói:
- Hay em cứ thử tìm Hà một lần nữa xem sao. Không hiểu sao chị tin là có uẩn khúc gì đây. Chị không tin là Đức không còn yêu em. Vì sao cậu ấy lặn lội mấy trăm cây số về thăm em, chưa kịp nói với nhau điều gì lại đùng đùng bỏ đi không một lời từ biệt? Mà em có lỗi gì kia chứ?
       Ừ nhỉ. Chị nói có lí. Từ ngày vào đây, làm việc dưới quyền của chị, Linh Hương cảm thấy thật thoải mái. Ngoài thời gian làm việc, hai chị em như bóng với hình. Đã có lúc cô nghĩ rằng nếu không gặp được chị, chẳng biết mình sẽ ra sao. Sau mười năm, hình như bây giờ, cô mới nhìn nhận lại mọi chuyện. Ngày ấy, có lẽ vì tự ái mà cô đã không suy xét lại vấn đề một cách thấu đáo. Không. Mình không có lỗi. Mình đã chẳng cất công đi tìm anh đó sao?
       Ngày ấy,thi xong môn cuối cùng, ngay trong đêm cô lầm lũi ra ga, ngược lên phía bắc, nơi anh đóng quân. Đón cô vẫn là ông đồn trưởng cũ:
- Hà đã chuyển vào miền Nam lâu rồi cháu ạ. Cụ thể như thế nào chú không được biết. Sao? Nó không cho cháu biết à? Cái thằng lạ thật. Khi đi nó hứa với mọi người là sẽ thường xuyên liên lạc nhưng cho đến nay vẫn không nhận được tin tức gì. Rất tiếc chú không giúp gì cho cháu được.
       Không nản lòng, cô tìm về quê anh. Vẫn còn đây lời yêu thương ngọt
ngào, còn đây dòng địa chỉ thân thương, nơi chôn rau cắt rốn của anh, nơi đã bao lần anh ao ước một ngày đưa cô về ra mắt gia đình, họ hàng nhưng do điều kiện, hai người chưa thực hiện được. Sau gần hai ngày vật vã trên xe, cô đến thị trấn Long Thành. Tổ dân phố số 9. Nhà số 18. Cô hồi hộp bấm chuông. Cửa mở. Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi nhìn cô, thăm dò :
- Cô hỏi ai?
       Cô cố nén nỗi hồi hộp đang dâng lên trong lòng:
- Cô ơi, cô làm ơn cho cháu hỏi, đây có phải là nhà anh Hà không ạ?
       Người đàn bà ái ngại nhìn cô:
- Hà đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh lâu rồi. Nhà này cô mua lại của gia đình cậu ấy. Cháu là bạn của Hà à?
       Nếu không có người phụ nữ đỡ, cô đã khuỵu xuống từ lúc nào. Nỗi vất vả của mấy ngày đường cộng với sự thất vọng cùng cực đã làm cô quị hẳn. Cô nằm li bì suốt năm ngày liền. Ngày thứ 6, cô khoác túi lên vai :
- Cháu không biết nói gì để bày tỏ lòng biết ơn với gia đình cô -Nước mắt cô trào ra thấm đẫm vai người chủ nhà- Bây giờ khoẻ rồi, cháu phải đi thôi. Cháu xin cô nhận lấy vật này làm kỉ niệm.- Cô ấn vào tay người phụ nữ chiếc đồng hồ, món quà của bố tặng cho khi cô bước chân vào đại học.
- Cháu đừng làm thế. Những ngày qua, cô đã hiểu hoàn cảnh của cháu. Còn nhiều việc phải làm lắm, cháu à. Hãy vững tin vào cuộc sống. Đừng nản lòng, đừng buông xuôi. Cô tin mọi điều tốt đẹp sẽ đến với cháu. Cuộc đời công bằng lắm. Cho thế nào, mình sẽ nhận lại thế ấy, cháu ạ.
       Thế rồi cô vào với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Làm việc
được bảy năm, cô được cử về thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục học và bảo vệ luận án Tiến sĩ. Sau đó cô ở lại thành phố, làm việc trong bệnh viện đa khoa cho đến hôm nay.
       Đêm về khuya. Lâm đứng lên :
- Em xin phép chị. Chị ơi.. –Lâm ngập ngừng –Anh Hà bận công tác, nhưng chỉ tối mai thôi anh ấy sẽ có mặt ở nhà. Liệu rằng…
- Em ơi – Linh Hương không để cho Lâm nói hết câu -Trái tim có những lí lẽ riêng của nó em ạ .Điều gì đến sẽ đến phải không em?
 
Phạm Hồng Loan
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan