“Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá" - cuốn sách đầy tâm huyết của Cố Đại tá Trần Văn Phúc đã ra mắt bạn đọcĐẾN LÀNG ĐỒN XÁ” - CUỐN SÁCH ĐẦY TÂM HUYẾT CỦA CỐ ĐẠI TÁ TRẦN VĂN PHÚC RA MẮT BẠN ĐỌC.

Ngày đăng: 09:43 05/04/2023 Lượt xem: 1.169
 “TỪ TRANG LA MIÊN ĐẾN LÀNG ĐỒN XÁ” - CUỐN SÁCH ĐẦY TÂM HUYẾT CỦA CỐ ĐẠI TÁ TRẦN VĂN PHÚC RA MẮT BẠN ĐỌC.                              
 
       Cuốn sách “Từ trang La Miên đến làng Đồn Xá” dày 340 trang (có 16 trang in 4 mầu), khuôn khổ 14,5 x 20,5 cm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành với 1000 cuốn đã ra mắt bạn đọc giữa tháng 4/2023 này. Đây là cuốn sách mà Cố Đại tá Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn đã dành tâm huyết cho tác phẩm này. Cuốn sách được anh viết trong suốt 2 năm cuối cùng của cuộc đời.
       Trường Sơn điện tử của Hội trân trọng giới thiệu cuốn sách qua LỜI GIỚI THIỆU của nhà văn Phạm Thành Lon, Chủ tịch Hội VHNT Trường Sơn – người biên tập cuốn sách quý này của cố Đại tá Trần Văn Phúc.

    


Bìa 1 cuốn sách                                                              Bìa 4 cuốn sách
 

                                         LỜI GIỚI THIỆU
 
          Trước khi mất chừng 20 ngày, tôi đến thăm anh Trần Văn Phúc. Bệnh ung thư gan của anh lúc này đã chuyển nặng. Anh đưa cho tôi tập bản thảo cuốn sách “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá”. Anh nắm tay tôi, giọng nói đã thấy khó khăn: “Mình nhờ Thành Long đọc, biên tập và in giúp mình cuốn sách này. Đây là tâm huyết của mình với quê hương. Kinh phí mình đã chuẩn bị rồi. Không lo đâu. Thành Long gắng giúp mình nhé!”
          Tôi thật sự cảm động và hứa với anh: “Anh yên tâm. Em nhận lời”. Anh cười: “Thành Long nhận lời giúp là mình yên tâm rồi!”…
          Sau khi cháu Trần Phụng con trai thứ của anh chuyển cho tôi toàn bộ “phai mền” của tập bản thảo, tôi hoàn toàn bất ngờ về cuốn sách “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá” của anh. Tôi đã đọc tập bản thảo dày hơn 300 trang. Những trang viết đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Có thể nói, cuốn sách là tâm huyết của cả cuộc đời với quê hương Đồn Xá của anh. Để viết được nguồn cội từ Trang La Miên – một ngôi làng Việt cổ quê anh có tuổi đời hơn 1000 năm, anh đã phải rất công phu sưu tầm từ trong các thư tịch, các cuốn sách cổ… để lần ra các dấu vết lịch sử của làng Đồn Xá xưa và nay. Anh không chỉ công phu mà còn làm việc rất khoa học. Mọi chi tiết trích dẫn tư liệu, thơ ca trong cuốn sách, anh đều có chú thích nguồn lịch sử và tác giả một cách khoa học. Rồi anh viết về đất và người của quê hương. “Những cánh đồng phù sa”, “những dòng sông”, “những ngôi chùa”, ngôi đền được anh kể chi tiết và sống động. Anh “trải ra” trước người đọc những câu chuyện kể hấp dẫn và chi tiết bằng lối viết vừa như hồi ức và như ký sự, chân thật và rất giàu hình ảnh. Những số phận nhân vật từ “Những mảnh đời sau lũy tre làng” đến “Những ông cai, ông vệ làng tôi” đều sống động, chân thật. Người đọc sẽ rơi nước mắt trước những mảnh đời khốn khó của những nông dân bị bần cùng hóa dưới thời thực dân phong kiến. Người đọc càng phẫn uất trước những tên cường hào, ác bá, những tên chức sắc, tay sai, những tên thực dân trên quê hương anh. “Từ Trang La Miên đến Làng Đồn Xá” đã vẽ lên bức tranh u ám về số phận con người… Khi anh viết về thời kỳ “Giữ làng, giữ nước” thì cũng những người nông dân nghèo đói xưa kia ấy lại là những người yêu quê hương và căm thù giặc qua những trang viết đầy ắp sự kiện, sôi nổi và sinh động. Và phần cuối cùng của cuốn sách được mang cái tít “Tôi đi B vào Nam đánh Mỹ” nhưng tác giả lại dành nhiều trang viết cho những người bạn cùng ra đi từ Đồn Xá quê hương. Họ vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Gian khổ nhưng hào hùng! Ác liệt nhưng không chùm bước! Vì miền Nam ruột thịt, những người lính ra đi từ Đồn Xá quê anh nhiều người mãi mãi nằm lại ở chiến trường với một niềm tin cháy bỏng: Đất nước sẽ thống nhất. Nam Bắc sẽ một nhà… Họ sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp thiêng liêng ấy.
         Khi tôi đọc và biên tập xong bản thảo cuốn sách “Từ trang La Miên đến làng Đồn Xá” thì cháu Nguyễn Diện, cháu ngoại Đại tá Trần Văn Phúc lại chuyển cho tôi một bút tích viết tay của tác giả. Anh Trần Văn Phúc ghi “Phần cuối: Làng Đồn Xá hôm nay”. Tuy nhiên phần này Đại tá Trần Văn Phúc chưa kịp viết dòng nào thì bạo bệnh đã ập xuống với anh. Tôi biết, nếu không bị bệnh, chắc chắn chương cuối cùng của cuốn sách, anh sẽ dành cho nó những ngôn từ tươi mới và đầy hào sảng về làng quê Đồn Xá của anh trên con đường đổi mới cùng đất nước hôm nay. Tôi chưa có dịp được đặt chân lên mảnh đất Đồn Xá, quê anh. Nhưng khi xem những bức ảnh cháu Diện chụp bằng flycam gửi cho tôi, tôi thấy Đồn Xá hôm nay đẹp và hiện đại ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đường xá, các di tích lịch sử, văn hóa và tâm linh, những ngôi nhà cao tầng san sát… đã làm thay đổi sâu sắc diện mạo làng quê thời hiện đại, khác xa với những dòng mô tả làng quê u tối của anh năm nào của một thời khốn khó…
            Khi xem nhiều hình ảnh mà gia đình và chúng tôi lựa chọn đưa vào phụ bản của sách, chắc chắn người đọc sẽ thấy sự đổi thay của Đồn Xá hôm nay. Chúng tôi biết Đại tá Trần Văn Phúc đã góp nhiều công sức và thời gian quý báu cho những công trình này của quê hương. Chúng tôi nghĩ, những hình ảnh này sẽ nói thay tác giả một cách tự hào về Đồn Xá hôm nay.
 
          Gấp tập bản thảo lại, trong tôi hiện lên hình ảnh những người con của làng Đồn Xá được cầm cuốn sách “Từ Trang La Miên đến làng Đồn Xá” trên tay. Họ sẽ rất tự hào về anh – một kỹ sư cầu đường ra đi từ làng Đồn Xá, vượt Trường Sơn để xây dựng nhiều con đường, nhiều chiếc cầu trên đường Trường Sơn năm xưa và nhiều công trình của đất nước sau năm 1975. Hôm nay anh lại để lại cho quê hương một “biên niên” về đất, về người, về lịch sử bi tráng của quê hương La Miên - Đồn Xá hôm nay.
          Chúng tôi tin ở dưới cửu tuyền, Đại tá Trần Văn Phúc sẽ mỉn cười mãn nguyện khi những người con và các cháu của anh đã hoàn thành trọn vẹn nguyện ước của anh trước khi mất: “Từ trang La Miên đến làng Đồn Xá” đã ra mắt bạn đọc. Cuốn sách là lời tri ân, là món quà tinh thần vô giá mà một người con đã được quê hương Đồn Xá yêu thương, nuôi dưỡng, chở che để lớn lên và trưởng thành như anh. Cuốn sách của anh là “cây cầu”, là những “ki lô mét đường” mà kỹ sư cầu đường Trần Văn Phúc “xây riêng” cho Đồn Xá quê hương yêu dấu của anh. Nó sẽ vĩnh hằng cùng với đất và người Đồn Xá!
         Tôi tin như thế!
 
                      Nhà báo – Nhà văn Phạm Thành Long
          Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn

 
 
 
 
  

tin tức liên quan