"Ở một góc rừng" - Truyện ngắn của Đại tá Trương Ngọc Hùng, Nam Định

Ngày đăng: 09:45 10/04/2023 Lượt xem: 85
Ở MỘT GÓC RỪNG

          - Thạch ơi…Thạch ơi…Thạch. Thạch ơi... Mày ở đâu về mau. Đơn vị tập hợp rồi. Thạch ơi…
          Tiếng gọi vừa da diết vừa như mệnh lệnh phá vỡ không gian vốn tĩnh lặng, u ám, tăm tối suốt mấy chục năm qua khiến Thạch cuống cuồng thu dọn đồ đạc. Súng đâu? Ba lô đâu? Sao chỉ còn mỗi chiếc võng thế này?
          - Chúng mày ơi, chờ tao.- Thạch gào lên như muốn đứt thanh quản. Bất chấp gai đâm, dây cuốn, Thạch lao theo, vấp ngã, vùng dậy, lại vấp ngã, luẩn quẩn mãi vẫn chưa ra khỏi cánh rừng.
          Tiếng chân rậm rịch, dần xa, dần xa.
          Tiếng gọi mảnh dần rồi tắt hẳn. Thạch bật khóc: “Sao đời lại bất công như thế chỉ một quãng đường mà không ai nhận ra. Sao nỡ để lại một mình tôi thế này?” Những giọt nước mắt rơi xuống. Bước chân rối hơn, vẩn vơ, vô định.
          - Ông giải phóng. Ông tìm cái gì ở góc rừng lạnh lẽo tăm tối này? Giọng nói ồm ồm cất lên từ ụ mối cách con suối không xa vọng lại.
          - Ông là ai? Ra đây đi.- Thạch đáp không ra buồn, không ra vui, cũng không ra trả lời, đăm đăm nhìn về nơi xa. Trăng thượng tuần cố chắt những giọt sáng cuối cùng xuyên qua lớp lá dày của rừng già để có thể nhận ra người nói, nhưng vô vọng, chỉ có tiếng nói vọng lại. Xa xăm.
          - Sao ông biết tôi đang tìm cái gì đó và sao ông biết tôi là giải phóng?
        - Tôi dõi theo từ nhiều ngày qua, thấy ông cuống cuồng chạy rồi quamh quẩn quanh đây. Họ đã đi xa rồi, cũng không nghe được tiếng gọi, ông cũng không thể rời khỏi đây nếu không đi cùng thân xác. “Luật” của rừng đấy. Còn vì sao biết ông là giải phóng? Có khó gì: Tác phong, trang phục…đã nói lên tất cả. Xin tự giới thiệu: tôi là lính Việt Nam cộng hòa nằm đây dễ đến mấy chục năm cũng không nhớ rõ nữa. Tôi với ông chưa tường mặt nhau, dù ở cùng trong một cánh rừng. Ông về “nhà” đi. Mai trời sáng ta gặp nhau, làm cái lễ “hàng xóm láng giềng”, ngoài Bắc các ông thường nói như thế phải không?
          Không trả lời, Thạch lững thững về nơi được coi là “nhà” của mình. Không ngủ được. Cả một miền ký ức dội về: Mấy chục năm rồi, sao như mới hôm qua! Trận đánh không thành, tổ trinh sát của Thạch được lệnh trinh sát lại, chuẩn bị cho trận đánh mới. Tuy nhiên mới qua được ba lớp rào, tiếng nổ kinh hoàng hất anh tổ trưởng bật vào bên trong hàng rào cuối cùng. Thạch bị mảnh găm chi chít… Thăng người cùng quê, cùng tiểu đội kéo Thạch ra dưới làn đạn như mưa của kẻ thù. Đến khu rừng này thì tắt thở, Thăng đã dùng chiếc võng của mình gói ghém chôn cất Thạch bên cạnh cây cổ thụ. Từ ngày đó tịnh không một tiếng người chỉ có suối rì rào cùng chim kêu, vượn hót. Nay có tiếng gọi tập hợp, không cuống lên sao được. Bây giờ thì dường như họ đã đi rất xa. Không còn tiếng bước chân. Không còn nghe tiếng gọi.  Sao mọi người không đến đây? Sao mình không thể ra khỏi cánh rừng này dù vẫn nhìn rõ những người đồng đội đi theo đội hình hàng dọc, khoác trên mình Quân kỳ đỏ thắm, bay bay, vẫy vẫy như chào. Nhìn rõ mà không thể nào cất bước, không thể nào ra khỏi cánh rừng và kỳ lạ không ai nghe thấy tiếng gọi thất thanh đến lạc giọng của Thạch. Phải chăng có lời nguyền của rừng? Không thể ra khỏi nơi “cư trú” nếu thân xác không được đưa về. Theo lẽ đó, những người đồng đội đã được cất bốc, đã cùng nhau trở về. Thạch tủi phận mình. Giá được ở lại nơi ấy, nơi có hàng chục đồng đội nằm lại sau trận đánh có phải may mắn lắm không. Giờ một mình nằm đây. Đợi chờ… Chờ đợi.
          Trằn trọc suốt đêm, mỏi mệt rã rời, Thạch không để ý đến buổi ban mai đã bừng lên với hàng ngàn âm thanh trong trẻo của rừng già.
          - Ông giải phóng. Dậy đi, mùa mưa đã qua rồi, những ngày ảm đạm cũng qua rồi. Dậy để thưởng thức vẻ đẹp của chốn hoang sơ này. Tôi có chút “lễ vật” ra mắt đây. - Người lính cộng hòa lấy ra hộp thịt và bi đông rượu-Chúng tôi ai cũng mang sẵn thứ này, khi lâm trận tợp vài ngụm để tăng thêm nhuệ khí.
          Thạch uể oải nhấp vài chén, người vẫn ngây ngây chưa dứt được cảm giác hụt hẫng.
           - Dù sao ông cũng một lần nhìn thấy đồng đội, còn hy vọng một lúc nào đó sẽ có người đến tìm. Còn tôi chắc vĩnh viễn bị quên lãng ở cánh rừng này. Thân phận của thằng lính bại trận ê chề thế đấy.- Giọt nước mắt của người lính Việt Nam cộng hòa nhỏ xuống chén rượu tạo thành những vòng tròn đồng tâm như những số không vô nghĩa.
          - Thôi anh. Chiến tranh là thế. Dù thắng hay thua thì cái giá phải trả cũng đau đớn như nhau. Anh quê ở đâu, đi lính năm nào, vì sao lại nằm lại nơi đây?
          - Tôi quê Phan Rang, ở khoảng giữa ga Tháp Chàm, nhà máy đường và cổng của sân bay Thành Sơn. Cha tôi làm nghề lái tàu từ Tháp Chàm đi Đà Lạt. Hồi bé, tôi hay được cha cho đi theo, ngồi trong khoang lái của đầu tàu hơi nước sực nức mùi than củi, nóng kinh khủng nhưng rất thích. Tôi ngắm không chán phong cảnh xung quanh khi con tàu đi qua đèo Ngoạn Mục. Sướng nhất là khi chui qua đường hầm cảm tưởng như đi vào cõi âm. Ước mơ sau này sẽ làm lái tàu để được đi đây đi đó. Nhưng cha tôi không đồng ý nhất quyết bắt tôi phải học. Tôi học giỏi, thi đỗ vào trường y Sài Gòn. Thành sinh viên trường thuốc nhưng tôi vẫn không quên được những con tàu nên có dịp về nhà chỉ dùng phương tiện duy nhất là tàu hỏa dù chật chội và chậm chạp. Lẽ ra tôi không phải đi lính nếu tôi chịu yên phận - Người lính Cộng hòa lặng đi như cố nén cảm xúc đang tràn về:
           Tôi quen một em sinh viên văn khoa. Em đẹp và lãng mạn. Tôi đón em sau mỗi chiều tan học, cùng em dạo trên đường Cường Để chạy dọc theo sông Sài Gòn đến bến Bạch Đằng. Những căn biệt thự ẩn mình sau những hàng cây. Những tu viện im lìm huyền bí. Những nữ tu khép mình sau tà áo màu tro. Em đặc biệt kính trọng các nữ tu: “Họ là những người khổ hạnh nhưng có nhân cách.” Là người mộ đạo, em không bỏ buổi lễ nào ngày Chủ nhật. Dù không cùng tôn giáo nhưng vì yêu, buổi lễ nào tôi cũng đi theo nàng. Trong ánh sáng xanh, trong tiếng Thánh ca thánh thót, giọng trầm ấm của Cha, nàng thành kính ngước mắt nhìn lên ảnh Đức mẹ. Tôi thì thầm: “Đôi mắt, gương mặt sao giống Đức mẹ đến thế. Em là Đức mẹ của lòng tôi”. Em lặng thinh, đôi má hồng lên trong ráng đỏ cuối chiều. Sau buổi lễ, chúng tôi thả bộ trên bến Bạch Đằng, nhìn những con tàu đang rẽ sóng hoặc im lìm trên bến đỗ. Tôi lùi sau, ngắm tà áo dài bay trước gió. Áo thì mỏng, da em thì trắng, mọi đường nét rực lên sau làn áo. Tôi hôn em, đầu lưỡi lách qua hàm răng đều xít chạm vào chiếc lưỡi nhỏ xinh, cảm giác bềnh lên ngây ngất. Đó là chiếc hôn đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi.
           Phong trào đấu tranh của sinh viên ở thành phố những năm đó, phát triển mạnh mẽ. Em có “chân” trong hội sinh viên. Các cuộc bãi khóa biểu tình bao giờ cũng có em và tôi dù chả hiểu làm như thế để làm gì. Trong một cuộc biểu tình, tôi bị bắt và bị đuổi học khi lấy thân che cho em nhưng cũng không giữ được em. Em bị đầy đi đâu không biết còn tôi phải đăng lính rồi bị đưa lên đây sau khóa học ở quân trường Thủ Đức. Vị trí này có ý nghĩa gì đó rất quan trọng nên luôn là nơi tranh chấp giữa những người lính của hai bên. Nhiều trận đánh ác liệt xảy ra. Có lúc chúng tôi thắng, có khi chúng tôi thua. Tàn mỗi trận chiến, chúng tôi dùng xe ủi lấp những thi thể của những người lính bên kia còn sót lại. Mẹ theo đạo Phật, tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều nên khi có điều kiện, tôi thường mang lễ vật đến nơi đó để thắp hương cho những người xấu số. Không biết có phải vì thế mà được “các ông” phù hộ để thoát thân một cách không tưởng trong đợt tấn công, làm chủ của những người giải phóng. Thoát khỏi tử thương trong chiến trận nhưng không thoát được tử vong vì đói khát, lạc trong rừng rậm. Tôi nằm cách con suối không xa khi cố lết đến nguồn nước. Mấy ngày sau mối đùn lên tạo thành nấm mồ hoang giữa rừng.  Hơn hai chục tuổi đời, một mối tình dang dở. Người lính thở dài, quay sang tôi:
           - Ông giải phóng, quê ông ở đâu vào đây từ bao giờ và sao nằm lại nơi này?
           Người lính giải phóng ngần ngừ:
           - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê có con sông Châu chạy vắt qua, có bãi mía, nương dâu quanh năm tươi tốt nhưng khá gần  một thành phố cổ là một trong ba thành phố lớn nhất miền Bắc vì thế nằm trong mục tiêu bắn phá của không lực Hoa Kỳ. Những người dân thành phố sơ tán về quê tôi, dù không cách xa là mấy. Ở đấy, chúng tôi vẫn nhìn thấy từng cụm khói bốc lên sau mỗi trận bom và những viên đạn cao xạ nối nhau như những dải pháo hoa nở rực giữa trời. Tôi tình nguyện nhập ngũ khi vừa vào năm thứ nhất trường Đại học Bách Khoa. Ông biết không, đợt nhập ngũ ấy, trường tôi bổ sung cho chiến trường hàng mấy trăm người, có cả những giảng viên trẻ măng nữa. Chiến tranh mà. Không phải riêng tôi mà hầu hết lớp thanh niên ngày đó đều như thế. Đi để ngăn những kẻ từ bên kia bán cầu tự coi mình có quyền được rắc những trái bom tựa những hạt mưa khổng lồ, có thể xóa đi một thành phố, tàn sát một khu dân cư hòng đưa một dân tộc “trở về thời kì đồ đá”. Mẹ tôi không ngăn, dù bà hoàn toàn có quyền làm như thế bởi nhà chỉ có hai mẹ con. Điều kiện của mẹ: “Phải lấy vợ trước khi lên đường”. Người con gái mẹ chọn hơn tôi vài tuổi. Cô không đẹp nhưng khỏe mạnh. Với tôi như thế là đủ, không lo mẹ phải ở nhà một mình. Nhiệm vụ của tôi là phải để lại đứa con cho vợ, đứa cháu cho bà. “Cố lên anh”. Câu nói của người vợ lúc rạng đông ngày nhập ngũ cứ vẳng vẳng theo tôi suốt những năm tháng hành quân chiến đấu. Không ngờ đó lại lần cuối cùng tôi được “cố” vì sau khi tập trung, huấn luyện chúng tôi đi B ngay mà không có chuyến về phép như thông lệ. Lần cuối cùng đó có toại nguyện hay không, tôi cũng không rõ vì đơn vị vừa đi vừa huấn luyện không có địa chỉ cố định, không nhận được thư nhà.
          Vào chiến trường, tôi là lính trinh sát nên nhiều lần vào căn cứ của các anh. Có lần thành công, cũng không ít lần thất bại và nằm lại đây sau một trong những lần thất bại đó. Chiến tranh là thế. Không ai chắc chắn trận nào cũng thắng. Không ai biết trước mình sẽ “nằm lại” lúc nào. Chúng tôi hẹn nhau thằng nào sống phải trở về thông báo cho gia đình và nếu có thể sẽ đưa nhau về quê hương bản quán. Tôi nằm đây, hy vọng thằng bạn một thời còn sống. Nó còn sống, tôi còn hy vọng.
           Hai linh hồn rì rầm, ngất ngưởng từ sớm ban mai đến lúc chiều tà. Mọi khoảng cách dường như được xóa nhòa. Họ nói với nhau rất nhiều như chưa bao giờ được nói.
***
           Họ ngó nghiêng. Họ xăm xoi tìm kiếm. Họ mang theo lễ vật, nhiều vàng mã. Họ khấn vái, kêu đến thổ công, kêu đến thần rừng nhắc đến: Đoàn Ngọc Thạch. Họ cào bới, cuốc xới xung quanh nơi Thạch nằm. Những người này, Thạch thấy quen quen: Người đàn ông kia giống Thăng lắm lắm nhưng sao khắc khổ già nua, phải chăng là ông Thiên- bố của Thăng. Người đàn bà trông hơi đẫy rất giống người vợ cưới vội ngày ra đi nhưng sao u tối, trên gương mặt khắc khổ những lằn dọc, lằn ngang cày nát gương mặt mịn màng thưở trước.
          - Những người làm gì ở đây anh có biết không?- Thạch hỏi người lính cộng hòa khi cùng nhau quan sát đám người.
          - Chắc họ tìm ông đấy, ông giải phóng.
          Một ngày ròng rã. Toán người hết kiếm tìm lại gọi điện thoại cho ai đó, rồi khấn vái, rồi lại kiếm tìm. Hết xa lại gần, có lúc tưởng như chỉ khẽ nhích một chút là có thể chạm tới nơi Thạch đang nằm, không tới được chỉ vì Thạch không muốn.
          - Bây giờ mọi người ra nhà nghỉ, tôi ở lại đây hy vọng Thạch sẽ “chỉ” cho tôi chỗ nó đang nằm.- Người đàn ông tuyên bố.
          - Cho em ở lại đây. Biết đâu anh ấy còn nhớ đến em.- Người đàn bà có gương mặt bị những nếp nhăn cày xới thở dài.
          - Con cũng ở lại. Bác, mẹ đừng ngăn cản con. Bố Thạch cũng là bố của con.- Người thanh niên nói.
          Quanh đống lửa bập bùng xua những cụm sương váng vất của rừng già, người đàn ông lên tiếng:
          - Đến đây thì Thạch tắt thở, chẳng trăng trối được lời nào nhưng ánh mắt thì như gửi gắm hy vọng nhiều lắm. Tôi đã hứa sẽ trở lại đưa nó trở về. Vậy mà sau mấy chục năm mới thực hiện, chắc nó giận lắm. Nó vẫn hay dỗi mà.
          - Anh ấy chắc thông cảm thôi. Có ai muốn như thế đâu. Sau chiến tranh đói kém liên miên rồi lại tiếp tục chiến tranh. Anh cũng có được về đâu, chiến tranh đã đưa anh đi khắp các chiến trường. Khi được về, sức đã yếu, kinh tế cũng không dư dật. Gia đình bên anh Thạch không còn ai thân thích, em thì tha hương. Đội quy tập của Quân đội dù rất cố gắng nhưng người thì ít mà khu vực tìm kiếm lại nhiều. Hơn nữa, anh ấy nằm một mình ở nơi hoang vắng thế này nếu không phải người trực tiếp chôn cất thì không thể nào tìm ra được.- Người đàn bà an ủi.
           - Biết là như thế. Nhưng… Giá mà.
          - Vâng! Giá mà…không có đêm định mệnh ấy.- Người đàn bà đột nhiên bật khóc. Nước mắt rơi xuống chạm than nóng, xèo xèo. Anh Thạch ơi, có phải vì thế mà anh giận, anh không cho mẹ con em “gặp”? Hãy tha tội cho em, Thạch ơi. Em đã không làm tròn nghĩa vụ làm dâu, không đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Chỉ một phút yếu lòng, một chút nhầm lẫn mà nên nông nỗi này.- Giọng cô nghẹn ngào, khắc khoải. Đời sống vợ chồng của chúng mình vẻn vẹn có ba ngày. Em chưa kịp hưởng trọn vẹn hạnh phúc được làm vợ thì anh đã lên đường. Khốn khổ cho kiếp đàn bà. Thà không biết thì thôi, biết vào khao khát, thèm muốn đến tột cùng mà không biết san sẻ cùng ai. Đêm đêm, em ôm chặt chiếc gối đôi, hít mùi mồ hôi của anh còn đọng lại, nhay nát một góc gối lúc nào không biết. Có đêm, em lao xuống bếp, đổ thóc vào xay. Thóc đã hết, chiếc cối nhảy lên cồ cồ, vẫn xay, xay mãi… Các răng cối mài vào nhau ken két như nghiến vào lòng em. Bước ra sân, ngửa mặt nhìn trời, hàng vạn ngôi sao nhấp nháy. Ngôi nào là anh, anh ơi? Như thấu lời em, một ngôi sao rơi vào gầu nước, em dội ào, cầu mong ngôi sao nhỏ ấy chui vào trong ngực, dịu đi nỗi khát khao đến cháy bỏng trong lòng. Mùa đông băng giá, nước lạnh buốt mà “lửa lòng” vẫn rực lên. Mẹ trở mình: “Rõ khổ”. Chả biết mẹ thương em hay thương chính bản thân mình. Cha anh hy sinh khi anh còn tấm bé. Thế rồi, em cũng vượt qua được cái thường tình ấy. Em đã giữ mình, qua mọi cám dỗ. Đến tận lúc này em vẫn ao ước: Giá như trước lúc ra đi, anh để lại trong em một mầm sống. Rồi em tham gia đội thủy lợi 202. Công việc nặng nhọc nhưng công điểm cao hơn, em muốn mẹ được nghỉ ngơi. Không được ở nhà thường xuyên nhưng tuần nào em cũng cố về thăm mẹ.
            Năm ấy, mưa nhiều lắm, nước con sông Hoàng Long mấp mé mặt đê. Nhiều chỗ mối đùn, sạt đi từng đám. Công trường yêu cầu mọi người ở lại nhưng dù có bận đến mấy thì chiều thứ bảy em cũng về với mẹ. Hai mẹ con ngồi trong nhà nhìn ra màn mưa: “Chả biết thằng bố nó bây giờ ở đâu?”. Em dụi đầu vào ngực mẹ: “Anh ấy nhất định sẽ về”. Chỉ thế thôi, chừng ấy cũng đủ tiếp thêm cho em nghị lực. Anh dường như nằm trong tâm trí em mọi lúc, mọi nơi… Hôm ấy, như có linh ính, em ở nhà với mẹ lâu hơn. Mẹ giục mãi, em mới ra khỏi nhà.  Mưa vẫn ràn rạt. Gió vẫn quất từng cơn lạnh cóng, bóng đêm đã sụp xuống tự lúc nào. Em cố bấm chặt ngón chân đến tóe máu xuống mặt đường trơn như đổ mỡ nhưng vẫn lăn nhào xuống chân đê, bất tỉnh. Trong cơn mê, em thấy anh nhìn em rất lâu rồi quay lưng. Em đã gào lên: “Anh Thạch, anh Thạch ơi, anh phải để lại cho em một đứa con”. “Anh đây, anh đây”. Em lịm đi trong vòng tay yêu thương của anh.
          Tiếng lanh canh, mùi cơm chín ngọt ngào lan tỏa. Em hé mắt nhìn, thấy mình thùng thình trong bộ quân phục nằm khoanh tròn cạnh đống lửa. Một người lính đang cúi lom khom giữ chiếc ăng go trên bếp. “Cô dậy rồi à? Cô mơ gì mà khiếp thế”.
          - Anh là ai? Đây là chỗ nào? Má anh có vệt gì như bị ai cào thế.- Em hỏi liên hồi.
          - Tôi là bộ đội được giao canh mực nước ở đây. Còn vết cào này là do cô đấy.
          - Chết rồi, anh giết tôi rồi. Tôi lại tưởng cùng anh Thạch chồng tôi. Giời ơi! Nói rồi, em lao mình vào trong làn mưa xối xả, quất rát. Anh ấy chạy theo, choàng vội lên vai em chiếc áo mưa bộ đội. Sau hôm ấy em bị cảm lạnh phải đi bệnh xá. Khi về, đơn vị bộ đội đã đi rồi. Em chưa kịp hỏi họ tên, quê quán của người lính ấy.
          Biết em có mang, mẹ ôm lấy em: “Cá vào ao ta, ta được. Thằng Thạch là chồng con. Đứa con trong bụng là con của nó”. Nhưng em không thể nghe mẹ vì ngày ấy đó là chuyện tầy đình. Em bỏ trốn trong một đêm mưa bão.
Đến nơi rừng sâu, nước độc, đành chấp nhận làm vợ một người đàn ông dân tộc thiểu số có nhiều phong tục tập quán khác đã ngăn cản em có được cuộc sống như bản thân mong muốn. Rồi em sinh con. Sức khỏe thằng bé không tốt, lên ba nhưng nói vẫn chưa sõi. Vài năm sau, em đưa con về nhưng phải chờ đến tối mới dám vào. Căn nhà nhỏ hoang vắng. “Mẹ mày đã mất vài năm sau ngày báo tử thằng Thạch, tao tạm trông coi, giờ mày về, tao trả lại cho mày”. Giọng nói chát chúa cùng cái nhìn sắc lạnh của người hàng xóm và những thông tin ít ỏi là dấu chấm hết cho ý định trở về. Em còn mặt mũi nào để sống trong căn nhà ấy nữa. Thắp tuần hương, em cúi đầu vái lạy, xin mẹ và anh tha thứ. Thằng cún con cũng chắp tay ngọng nghịu: “Pà pà, pố pố”.
          - Hoàn cảnh như thế cũng không phải lỗi của cô hoàn toàn. Chắc Thạch sẽ tha thứ. Ngày mai sẽ tìm ra thôi vì vết tôi khắc ngày trước trên cây vẫn còn đây.- Người đàn ông ngửa cổ chỉ vết khắc trên cao tuy bị đùn lấp nhưng vẫn có thể nhận ra hình dạng ký tự trên đó.
          - Em vẫn thấy mình có lỗi khi không tròn phận sự làm vợ của người lính.
          - Mẹ đừng tự dằn vặt mình như thế. Hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác. Con tin bố Thạch sẽ không trách oán gì đâu. Người thanh niên nói.
          Yên lặng. Mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. 
          ***         
Hai linh hồn thõng chân trên cành ngay trên vết khắc. Họ chìm vào  suy tư.
          -. Ô hay! Sao ông lại khóc? Ông phải vui chứ vì họ đến để đưa ông về cơ mà. Ông sướng rồi, sắp ra khỏi cánh rừng già u ám này. Còn lại một mình tôi.- Người lính cộng hòa sùi sụt theo.
        - Lúc đầu tôi đã định ở lại đây. Mấy chục năm qua, cánh rừng này đã như quê của mình rồi. Cứ để mọi chuyện như cũ, có lẽ tốt cho tất cả mọi người. Nhưng như thế thì cố chấp quá. Tôi nghĩ lại rồi. Tôi sẽ về. Tôi sẽ tìm mọi cách đưa anh ra khỏi chỗ này. Nhất định là như vậy- Thạch nói sau một hồi im lặng.
           Đống lửa tàn dần, chốc chốc rực lên khi có trận gió lùa qua.
 
Nam Định Tháng 6 Năm 2021
Đại tá Trương Ngọc Hùng

tin tức liên quan