"Đi qua mùa hoa trắng" - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thứ

Ngày đăng: 04:52 29/04/2023 Lượt xem: 567
 
ĐI QUA MÙA HOA TRẮNG
Truyện ngắn
 
       Giờ thì em đang đứng sát gần tôi, bàn tay em vẫn để yên trong tay tôi, mát lạnh. Rừng chiều tỉnh mịch. Tôi như nghe thấy nhịp thở của em đang hối hả. Những giọt nước vương trên tóc đang nhỏ xuống bờ vai tròn tria, trắng hồng. Gương mặt em sáng bừng trong nắng, đôi mắt đen, xa xôi, thăm thẳm, đẹp đến nao lòng. Chiếc cúc áo trên cùng trễ nại, cứ muốn bứt ra trước sự căng đầy của cái ngực người con gái đang đều đều nhô lên, thụt xuống theo nhịp thở.
*  * *
       Những chiếc quạt trần vẫn nhẫn nại quay nhưng không thể xua đi cái không khí hầm hập toả ra từ thân nhiệt của hơn trăm con người trong hội trường. Đã thế, cái nắng đầu hè Tây Nguyên lại còn đồng loã, hắt thêm ánh nắng qua hàng cửa sổ khép hờ. Bên ngoài, gió đại ngàn cứ thổi mênh mang, mang theo hương hoa cà phê mát dịu, hoà trong hương cỏ cây ngai ngái.
       Cũng chẳng dễ gì có được cái không khí như vậy. Bởi theo quy chế, cứ Năm năm một lần, vào mùa cà phê trổ bông, khi phố núi Tây Nguyên khoác lên mình chiếc áo màu trắng, khi những đồi cà phê trở thành những đồi tuyết trắng tinh khôi, rưng rức lòng người, chúng tôi, những thành viên trong Ban Liên lạc Hội bạn chiến đấu của Sư đoàn 470 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn mới trở lại Tây Nguyên – nơi sư đoàn đứng chân, để tổ chức gặp mặt, kỷ niệm ngày truyền thống. Năm năm là Sáu mươi tháng, là Sáu mươi mùa trăng tròn, trăng khuyết. Dài đấy, chứ ngắn ngủi gì. Bởi vậy, dịp gặp gỡ nào cũng đầy tiếng cười xen lẫn những giọt nước mắt lăn trên những gương mặt đã hằn dấu thời gian.
       Về dự buổi gặp mặt truyền thống lần này, tôi vui khi được gặp lại anh Hiệp, người thủ trưởng, người anh đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp của thời quân ngũ. Người đã chấp nhận bay số hai yểm trợ, giành cho tôi bay số một để “công kích” trái tim người con gái năm nào. Gặp lại anh sau bao năm xa cách, cuộc đời nổi trôi của tôi lại lần lượt tái hiện như những thước phim đang chầm chậm quay về…
       Ngày ấy, sau chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi trở lại địa bàn hoạt động quen thuộc – Tây nguyên. Tôi về nhận công tác tại phân kho Hậu cần - Kỹ thuật của sư đoàn do anh Hiệp chỉ huy. Đây là một phân kho được thành lập từ chiến dịch Tây Nguyên, nhưng do chiến dịch phát triển nhanh nên chưa kịp rời theo đội hình chiến đấu. Phân kho nằm bên mé rừng, cách Quốc lộ 14 khoảng bảy, tám trăm mét. Hai bên con đường mòn dẫn vào phân kho là rẫy cà phê bạt ngàn hoa trắng. Giữa rẫy cà phê là một ngôi nhà nhỏ. Phía trước là một khoảng sân rộng, được che mát bởi giàn hoa thiên lý ngào ngạt hương thơm.
       Một chiều, khi ông mặt trời đang cố gắng thả những tia nắng cuối cùng xuống cánh rừng âm u, tôi ra con suối gần kho lấy nước để chuẩn bị cho bữa sáng ngày mai. Vô tình, tôi bắt gặp một người con gái đang đầm mình dưới chỗ nước sâu. Trên bờ, chiếc nón lá lật ngửa, trong có đựng quần áo, để bên bụi lồ ô. Tôi ngồi thụp xuống, sợ bất chợt người con gái quay lại nhìn thấy mình thì khó xử quá. Đoạn suối sáng bừng dưới nắng chiều, soi rõ đôi bờ vai tròn trịa, cái cổ cao và trắng như hoa cà phê. Tôi định đứng dậy quay lại kho, chờ cô gái tắm xong rồi mới lấy nước. Bất chợt cô gái đứng lên, nhìn thẳng về phía tôi. Tôi cứng đơ như thằng ăn trộm bị bắt quả tang. Cô gái ú ớ không thành tiếng một lúc, rồi ngượng ngùng nở nụ cười thật tươi và đầy thân thiện:
- Em chào anh bộ đội giải phóng. Các anh cũng lấy nước từ con suối này?
- Vâng. Chào cô.
- Cả xóm em cũng lấy nước từ con suối này đấy. Ở Tây Nguyên đào giếng khó lắm. Anh đưa thùng đây, tiện thể em lấy nước cho.
- Cảm ơn cô. Tôi lấy được mà.
       Bờ suối dốc. Em chống cả hai tay lên lèn đá để bước lên. Với phản xạ tự nhiên, tôi đưa cánh tay chắc nịch của mình ra trước mặt. Em cũng đưa tay cho tôi nắm kéo lên.
- Nhà em ở gần đây ư?
- Dạ. Ngay cổng đơn vị anh đó. Khi nào rảnh mời anh ra chơi. Em tên Trang. Còn anh?
- Tôi tên Sơn.
- Chào anh Sơn em về.
       Nói rồi, em vội cúi xuống cầm chiếc nón và nhẹ nhàng bước trên lối mòn. Rừng chiều lao xao. Nắng như chạy theo bước chân em. Những tia nắng cuối ngày lọt qua kẽ lá hắt xuống thân hình em những giọt vàng, lấm chấm như hoa. Tôi đứng lặng dõi theo cho đến khi bóng em khuất sau những vòm cây đang lao xao hát.
Cả ngày hôm đó và những ngày tiếp theo lòng tôi cứ chộn rộn, tâm hồn cứ như treo trên ngọn cây rừng. Tôi mong đến phiên nấu ăn để đi lấy nước, để hy vọng được gặp em, được em gửi cho nụ cười thân thiện như hôm nào. Giá như bây giờ, tôi sẽ mạnh dạn ra nhà em chơi và làm quen. Nhưng ngày mới giải phóng, tình hình an ninh còn nhiều phức tạp. Anh Hiệp đã quán triệt: “Hạn chế việc ra xóm hoặc vào nhà dân chơi. Nếu đi thì phải đi 2-3 người, không được đi một mình. Đã có trường hợp bộ đội ta đi chơi bị kẻ xấu bắn lén”. Tôi ngại.
       Nhưng rồi có cái gì đó cứ giục giã, réo gọi trong tôi. Ngày ấy, cả phân kho tôi thân và gần gũi anh Hiệp hơn cả. Anh cũng quý và thương yêu tôi thật nhiều. Tôi nói chuyện này với anh và nhờ anh đi cùng ra nhà Trang chơi, làm quen.
- Được. Anh sẽ bay số 2 để yểm trợ. Chú mày bay số 1 vào “công kích”. Quan trọng là phải bắn hạ mục tiêu. Một gói Cô Táp nhé.
       Chiều ấy, tôi và anh Hiệp ra nhà Trang. Đến đầu cổng, bất chợt chúng tôi thấy Trang đang đứng trên chiếc ghế cao chân, vươn mình hái những chùm hoa thiên lý. Mái tóc đen trải dài, phủ kín cả chiếc áo trắng cộc tay bó chặt lấy tấm lưng thon thả, đôi cánh tay trần trắng mịn. Có cái gì thôi thúc bản năng thằng con trai mới ngoài Hai mươi, tôi và anh Hiệp đứng lặng nhìn. Trang mải miết hái hoa, chẳng biết có hai chúng tôi đang mải mê ngắm. Tôi muốn thời gian dừng lại để được ngắm Trang lâu hơn. Chẳng hiểu do linh tính mách bảo hay do phải chuyển đổi vị trí hái hoa mà Trang bước xuống bậc ghế dưới, bất chợt quay lại nhìn thẳng về phía chúng tôi. Có một chút ngại ngùng trong tôi. Nhưng sự ngại ngùng đó nhanh chóng được giải toả bởi một nụ cười thật tươi và đầy thân thiện của Trang như chiều nào bên suối. Trang xuống khỏi ghế và mời chúng tôi vào nhà.
       Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nhưng gọn và sạch. Trong nhà chẳng có gì đáng giá. Có lẽ cái đáng giá nhất là bức tượng Chúa GiêSu bị đóng đinh câu rút trên cây thập giá và những bức tranh của những gia đình theo đạo Thiên chúa vẫn treo. Ngồi đối diện với Trang, tôi nhận ra Trang thật đẹp. Sợi dây chuyền có cây thập giá lóng lánh treo hửng hờ trước ngực. Trang nói chuyện hồn nhiên, vui vẻ và gần gũi. Đôi mắt như biết nói, biết cười. Trong Trang dường như còn có cả chút tự hào. Ngày mới giải phóng, có người quen là bộ đội cũng là một thứ tự hào của người dân nơi đây.
       Khi về, tôi buồn. Có cái gì như là sự hẫng hụt. Bức tượng và những bức tranh tuyệt đẹp kia là tường thành chắn ngang con đường của tôi đến với Trang, cho dù chỉ là dự định. Tôi như trượt từ trên cây cao. Những khát khao, những dự định của tôi coi như dừng lại từ ngày hôm ấy.

- Không ổn rồi anh Hiệp ơi. Trang theo đạo Thiên chúa thì làm sao em đến với Trang được?
- Chẳng có đạo nào ngăn cấm tình yêu lứa đôi cả. Có điều là mình phải tuân thủ những quy định của Giáo hội. Anh thấy Trang là cô gái xinh đẹp, dịu hiền và phúc hậu, ăn nói có duyên, lễ phép. Có người vợ như Trang chắc là điều mơ ước của nhiều người. Chú mày không có ý định đi học để phục vụ quân đội lâu dài thì nên đến với Trang. Đừng để mất cơ hội.
       Nghe anh Hiệp nói vậy, lòng tôi bình yên hơn. Biết tôi và Trang yêu nhau, bố Trang chẳng nói gì, nhưng mẹ Trang thì cản ngăn ra mặt: “Bộ đội giải phóng không bao giờ lấy con gái theo đạo Thiên chúa đâu, đừng ôm vào rồi khổ. Sống chừng ấy năm rồi, tao biết”. Nghe mẹ nói vậy, Trang buồn nhưng vẫn yêu tôi tha thiết, chân thành. Trang muốn tôi nói một câu rằng “anh yêu em” nhưng tôi lại không nói được. Đúng hơn là không dám nói. Anh Hiệp đã bảo: “phân kho sắp giải tán, thu về kho cơ bản của sư đoàn”. Tôi sợ nói ra mà không thực hiện được, để Trang cứ hy vọng, cứ chờ đợi thì tội quá.
       Đêm trước hôm phân kho rời đi, tôi và Trang ngồi với nhau thật lâu bên rẫy cà phê. Trên đầu, trăng sáng vằng vặc, khuôn mặt Trang ngời lên dưới trăng. Thấy tôi ngồi im, thở dài, Trang buồn. Bằng sự nhạy cảm của người con gái đang yêu, Trang biết tôi sắp rời xa nơi này. Rồi Trang khóc, khóc ghê lắm. Trong đời, tôi chưa bao giờ thấy con gái khóc. Nó lạ lùng làm sao. Nước mắt cứ đọng dai dẳng trên khuôn mặt nhoè nhoẹt dưới trăng. Rồi như sợ tôi biến mất, Trang đưa cả hai tay ôm chặt lấy tôi, ngực Trang ép sát vào người tôi, nóng bỏng. Dường như trong Trang đang cồn lên một nỗi khát thèm mãnh liệt của bản năng người con gái đang yêu. Trang muốn được dâng hiến, muốn được chứng tỏ tình yêu vô bờ với tôi. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi cứ đứng đờ ra, ngây dại. Đúng lúc ấy, một đám mây đen kéo đến, phủ kín mặt trăng. Trời tối sầm lại. Những tia chớp lấp loáng, ngoằn ngoèo kèm theo tiếng sấm ình oàng bên cánh rừng trước mặt. Trời sắp chuyển mưa. “Em về đi, trời sắp mưa đấy”. Nói rồi tôi nhẹ đẩy Trang ra, vội vã lao khỏi rẫy cà phê như một mũi tên rời cánh nỏ vút vào trời đêm đen kịt. Trang đứng lặng, rã rời, hẫng hụt. Sao ngày đó tôi ngu đến thế. Chắc Trang đã nguyền rủa tôi, nguyền rủa tính hèn nhát của tôi, nguyền rủa cả cơn mưa vô tình đã đẩy tôi ra khỏi vòng tay của Trang. Giờ nghĩ lại, tôi thấy xấu hổ. Giá như ngày đó cứ nghe theo lời khuyên của anh Hiệp thì cuộc đời đã bớt những trắc trở, éo le.

 
*  * *
       Về sư đoàn được hơn năm, anh Hiệp đi học, tôi ra quân. Về quê đúng giai đoạn khó khăn. Rồi cha mất. Tôi ở chung với mẹ, anh cả và chị dâu cùng bốn đứa cháu nheo nhóc. Mấy năm đầu còn yên ổn. Những năm sau thì sinh chuyện: “Tưởng chú đi ra thế nào, cuối cùng cũng vác hai bàn tay trắng về ăn bám”. Rồi: “Chú phải tính gì đi chứ. Đất này mẹ đã sang tên cho anh chị. Không lo trước đi, mai kia lấy vợ, ở đâu”. Chị dâu cứ mài đi mài lại cái điệp khúc ấy. Tôi mệt mỏi, chán chường. Dịp ấy, quê tôi có nhiều gia đình đi kinh tế mới ở Tây Nguyên. Tôi cũng đăng ký xin đi. Với một khoản tiền trợ giúp nho nhỏ, tôi đã trở lại Tây Nguyên. Tôi tìm đến nhà Trang với chủ ý chỉ là thăm hỏi. Gặp một chị trung niên:
-Chị cho hỏi nhà cô Trang.
- Trang “cô đơn” hả?
- Trang con ông Đài ạ.
- Ừ, thì Trang “cô đơn” đó. Ông Đài giờ về xây nhà trong xóm. Còn cô Trang ở cái nhà cũ ngoài rẫy cà phê.
       Tôi đến nhà ông Đài. Biết tôi vào Tây Nguyên lập nghiệp, ông bảo: “Ở đây làm giàu thì khó chứ lo cuộc sống thanh đạm thì dễ thôi. Chỉ cần chịu khó làm ăn là ổn. Nếu cháu thấy được thì cứ ở đây, giúp bác thu hoạch mùa cà phê này rồi tranh thủ phát rừng, làm rẫy. Đất ở đây còn hoang hoá, mênh mông, chỉ sợ không có sức”. Tôi đã ở lại và lao mình vào làm hùng hục như trâu. Làm để quên đi nỗi chán chường, làm để quên đi cái từ “ăn bám” của chị dâu.
       Đất ở đây tốt lắm, đỏ sậm và mịn như bột mỳ ngào mật ong. Thả cây gì xuống cũng lớn vùn vụt. Tôi thực hiện chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”. Vỡ hoang được đám đất nào là tôi trồng cây theo vụ của người dân nơi đây đám đó. Lúc thì tỉa bắp, lúc thì tỉa đậu xanh, đậu phụng. Bầu bí, mướp hương, mướp đắng... xanh tốt, trĩu quả quanh vườn. ăn chẳng hết, tôi đem cho ông Đài và bà con trong xóm nên người dân nơi đây quý và thương tôi lắm, họ sẵn sàng giúp đỡ khi tôi cần.
       Lúc đầu tôi mắc võng, căng tăng ở ngoài rẫy như thời ở rừng. Sau, tôi gom những cây gỗ thẳng đẹp khi phát rừng làm rẫy để dựng lên một cái lán nhỏ xinh, gần rẫy của gia đình Trang. Thời gian cứ lặng lẽ trôi, bằng công sức của mình, với sự giúp đỡ của ông Đài cùng bà con nơi đây, tôi đã có một rẫy cà phê khá rộng. Tôi ra sức chăm bón nên cà phê luôn xanh tốt. Năm ấy cà phê được mùa, được giá. Có tiền, tôi tiếp tục thuê người để mở rộng rẫy. Lại trúng. Tôi vui đến muốn khóc.
       Dường như Trang cố ý tránh mặt tôi, chẳng biết do hận tôi đã từng làm Trang bẽ bàng, hẫng hụt hay do đã ngấm lời mẹ nói ngày nào. Tôi đã biết chuyện của Trang qua tâm sự của ông Đài: “Ngày các cháu rời nơi này, cái Trang buồn lắm. Nó khóc miết. Mẹ nó thì la: “Tao đã nói trước rồi chứ không đâu. Giờ còn khóc lóc cái nỗi gì. Đã sáng mắt ra chưa?”. Trang buồn rồi xin đi thanh niên xung phong, xây dựng lâm trường ở Đắk Nông. Có cô bạn thân không chồng nhưng lỡ mang bầu, rồi chết ngay trên bàn đẻ do băng huyết. Trang đã nhận và đưa đứa con mồ côi ấy về nuôi. Ơn Chúa, con nó xinh và ngoan lắm”.
       Ngày tháng cứ âm thầm trôi. Bé Bống – con Trang đã tròn 6 tuổi. Nỗi đau trong Trang cũng dần nguôi ngoai. Cho đến một ngày, nghe bé Bống gọi, tôi vội chạy đến nhà Trang. Trang nằm run rẩy trên giường. Mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẫm điều gì chẳng rõ. Trang sốt. Sốt cao lắm. Tôi vội vàng lấy khăn mặt nhúng nước ấm lau khắp người và đắp lên trán Trang rồi đi vào xóm mua thuốc cho Trang uống. Có đàn gà choai choai thả ngoài rẫy, tôi thịt dần, hầm đậu xanh mang vào cho hai mẹ con Trang. Sẵn chai mật ong rừng kiếm được khi phát rừng làm rẫy tôi cứ rót và ép Trang uống hằng ngày. Chẳng hiểu do tôi mát tay hay do gà hầm đậu và mật ong rừng nguyên chất mà Trang đã sớm bình phục, da dẻ lại sáng hồng.
* *   *
       Gặp lại người con trai từng mang đến cho mình sự khát khao dâng hiến trọn đời, người đã từng làm mình rã rời, hẫng hụt, người mà mình từng nguyền rủa là hèn nhát. Đã qua bao mùa hoa trắng, chẳng hiểu sao khi gặp lại, người Trang cứ hực lên. Tâm hồn tưởng đã lụi tàn bởi giông tố cuộc đời bỗng nhiên được đánh thức, như mầm măng bị vùi trong đất cựa mình, khao khát vươn lên. Một cái gì như là niềm tin trong Trang cứ lớn dần, lớn dần. Cho đến một đêm, trời đổ mưa tầm tả. Những sợi mưa quất vào cửa nhà ràn rạt. Như có ai xui khiến, Trang khêu đèn, ngồi thẫn thờ nghĩ ngợi. Trang thoảng lo cho tôi: “Trời ơi! Mưa gió thế này, trong cái lều tạm ấy biết nằm vào đâu”. Rồi Trang khẽ khàng mở cửa, quả quyết đi thẳng đến lều của tôi. Tiếng mưa ngày một dày thêm. Trang tựa mình vào liếp cửa khép hờ, thở dốc. Mặc cho những sợi mưa theo gió cứ quấn quýt quanh mặt, quanh hai cánh tay trần, mơn man cả khuôn ngực áo trễ tràng. Trang đẩy cửa bước vào: “Trời ơi! Sao lại thế này?”. Gian lều hoang vắng. Những bộ quần áo anh vẫn treo trên liếp tường cũng chẳng thấy đâu: “Chẳng nhẽ lại một lần nữa mưa đẩy anh xa em. Không đâu. Chẳng dễ gì anh từ bỏ vùng đất mà anh đã đổ bao mồ hôi, nước mắt. Chắc đã có chuyện gì sảy ra với anh – Trang nghĩ vậy.
*  * *
       Nhận được tin mẹ ốm nặng, khó qua khỏi. Tôi vội vã nhét hết áo quần vào chiếc ba lô rồi ra Quốc lộ 14 bắt xe về ngay trong đêm. Cũng may, còn kịp. Mẹ nằm im trên chiếc giường ọp ẹp, mắt nhắm nghiền. Tôi nắm bàn tay khô gầy của mẹ thì thào: “Mẹ ơi!”. Mẹ mệt mỏi, cố gắng mở đôi mắt đờ đẫn nhìn tôi. Từ hai hốc mắt trũng sâu của mẹ bỗng trào ra hai giọt nước mắt. Rồi đôi mắt ấy từ khép lại. Khép lại và chẳng bao giờ mở ra nữa. Chắc mẹ buồn vì trước khi nhắm mắt mà đứa con trai út ít của mẹ chưa yên bề gia thất.
       Hai ngày sau, trong lúc đang tất bật lo hậu sự cho mẹ, tôi ngỡ ngàng thấy hai mẹ con Trang xuất hiện. Những ánh mắt ngờ vực, những tiếng rì rầm của bà con lối xóm: “Có vợ đẹp, con ngoan vậy mà kín tiếng gớm”. Tôi im lặng, chẳng biết nói sao.
       Đêm muộn, mọi người mệt mỏi ngủ thiếp đi. Tôi và Trang ngồi trên chiếc chiếu chải bên cỗ quan tài nghi ngút khói nhang:

- Sao em biết địa chỉ mà về?
- Linh tính báo cho em biết có chuyện chẳng lành đến với anh. Em sang bác tổ trưởng xin xem cái chứng minh thư phô tô của anh khi làm tạm trú.
       Bé Bống nằm trên chiếu, vô tư hỏi: “Ai nằm trong này hả mẹ?”.
       Trang lúng túng, chẳng biết trả lời con thế nào. Nhưng rồi như có ai sui khiến, Trang tự tin trả lời: “Bà nội con đó”. Trang quay sang nhìn tôi. Bàn tay Trang nhẹ đặt vào tay tôi tha thiết: “Anh cho mẹ con em đội tang mẹ nhé”. Tôi nhìn Trang thật lâu rồi đứng dậy lấy hai chiếc khăn tang đưa cho Trang. Trang thắt khăn cho mình rồi cho con trong khi hai dòng lệ âm thầm lăn trên má. Chẳng hiểu đó là dòng lệ vui hay buồn.
       Trang vẫn ngồi im lặng. Tôi mệt mỏi ngả lưng xuống bên bé Bống rồi thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi như thấy mẹ cười thật tươi và mãn nguyện.
*  *  *
       Như chẳng để ý gì đến buổi gặp mặt, Anh Hiệp cứ ngồi lặng nghe câu chuyện đời tôi. Bỗng anh đứng dậy nắm tay tôi lắc lắc, đôi mắt anh rưng rưng: “Chúc mừng cậu. Tớ sẽ về thăm vợ chồng cậu. Nhất định sẽ về”.
       Đêm ấy ở nhà khách sư đoàn, tôi và anh Hiệp cứ trăn trở cho tới khuya mới chợp được mắt. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe như có tiếng tý tách của nụ hoa đang cựa mình, rồi cả một đồi hoa trắng bung ra, hương thơm bắt đầu thoang thoảng, rì rào, rì rào./.

Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ
Phó CT Hội Trường Sơn tp Đà Nẵng
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

(Nguyên chiến sỹ phân kho HC-KT f470 – BTL Trường Sơn).
tin tức liên quan